Ảnh bìa

Âm nhạc giúp tôi vượt qua số phận

Bài viết 1 trong 5 bài dự thi vừa được hội đồng giám khảo cuộc thi Onkyo lần thứ 17 chọn, dịch và gửi tham dự cuộc thi Onkyo khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Bài viết thuộc chủ đề “Âm nhạc đã hình thành cuộc sống của bạn và thay đổi nhận thức của xã hội về người mù như thế nào?”.

Từ khi sinh ra mắt tôi đã nhìn kém hơn so với những người bình thường do di chứng của chất độc da cam từ cha tôi. Đến năm 28 tuổi thì tôi mù hoàn toàn, vì vậy tôi đã trải qua những ngày tháng của tuổi trẻ với rất nhiều khó khăn do không tìm được việc làm phù hợp, không có thu nhập và bị những người xung quanh coi thường. Cuối năm 2002 Hội Người mù huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương được thành lập. Tôi gia nhập Hội rồi được phục hồi chức năng, học chữ Braille, học sử dụng máy vi tính và học âm nhạc. Học được chữ Braille, biết sử dụng máy vi tính kết nối internet không chỉ giúp tôi tự tin hơn hẳn, mà từ đó tâm hồn tôi rộng mở hơn trước. Đặc biệt là học được những tác phẩm âm nhạc hay lòng tôi dâng đầy cảm xúc. Những kiến thức ban đầu đó đã khởi nguồn cho tôi một cuộc sống mới, khi mà đôi mắt của tôi không còn nhìn thấy ánh sáng.

Sau khi kết thúc các khóa học, có thêm kiến thức và nghị lực sống tôi đã chủ động cùng với gia đình tìm việc làm để phát triển cuộc sống. Ngoài việc sản xuất kinh doanh những ngành nghề như: Bán hàng tạp hóa, đan mây tre xuất khẩu, dịch vụ nhà nghỉ thì tôi vẫn tích cực học đàn, học hát, học sáng tác âm nhạc thông qua mạng internet và tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương, ở Hội. Thế rồi, như một lẽ tự nhiên âm nhạc đã dẫn bước tôi đi như một người bạn đồng hành.

Chưa dám nghĩ đến việc làm giàu nhưng tôi đã nghĩ đến việc dùng âm nhạc để thay đổi cuộc sống, không chỉ cho tôi mà còn cho nhiều người mù yêu âm nhạc khác nữa. Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu kỹ, tôi đã quyết định giao lại việc sản xuất kinh doanh cho vợ và các con để tôi có thời gian thực hiện ý tưởng đó. Ý tưởng của tôi được lãnh đạo Hội Người mù tỉnh Hải Dương đồng tình ủng hộ, vậy là cuối năm 2012 đoàn nghệ thuật “Khát vọng ánh sáng” thuộc Trung tâm Hướng nghiệp và Tổ chức biểu diễn nghệ thuật - Hội Người mù tỉnh Hải Dương được ra đời với gần hai mươi thành viên tham gia. Do có sự cố gắng, lòng nhiệt tình, tâm huyết nên tôi đã được các thành viên tín nhiệm bầu làm trưởng đoàn. Để đoàn nghệ thuật “Khát vọng ánh sáng” phát triển tôi cùng các thành viên trong đoàn tích cực lao động nghệ thuật nhưng không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức âm nhạc. Chúng tôi chủ động liên hệ tới các nhà trường, các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hải Dương để có điểm diễn, thực hiện các hoạt động và các chương trình biểu diễn theo hướng chuyên nghiệp. Chính vì vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn tôi đã dẫn dắt đoàn nghệ thuật “Khát vọng ánh sáng” bước đến thành công.

Từ đây những người mù yêu âm nhạc ở tỉnh Hải Dương đã chính thức có thêm việc làm mới. Chỉ trong năm 2018, đoàn nghệ thuật của chúng tôi đã tổ chức được 182 buổi biểu diễn, đạt doanh thu 368 triệu đồng. Số tiền này đối với những người dân ở các quốc gia phát triển có thể rất bình thường, nhưng với một quốc gia còn khó khăn như Việt Nam đặc biệt là với những người khiếm thị trên đất nước chúng tôi là không hề nhỏ. Điều quan trọng hơn nữa là đoàn nghệ thuật của chúng tôi đã tạo thêm việc làm cho  15 người mù và 02 người sáng mắt, với mức thu nhập trung bình đạt từ 3 đến 5 triệu đồng một tháng cho những người thường xuyên tham gia hoạt động biểu diễn. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục mua sắm trang thiết bị, nhạc cụ mới, mở thêm các lớp đào tạo âm nhạc để củng cố kiến thức, kỹ năng và nuôi dưỡng năng khiếu cho các thành viên.

Song song với các hoạt động biểu diễn chúng tôi cũng tích cực tham gia các cuộc thi âm nhạc trong nước nhằm nâng cao kiến thức âm nhạc và khẳng định tài năng âm nhạc của người mù. Kết quả là từ năm 2012 đến nay tập thể đoàn chúng tôi đã mang về bảy huy chương vàng, năm huy chương bạc, trong đó cá nhân tôi đạt ba huy chương vàng, một huy chương bạc và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Với những thành tích đã đạt được cùng với những hoạt động biểu diễn nghệ thuật ngày càng thường xuyên và chuyên nghiệp, đoàn nghệ thuật “Khát Vọng Ánh Sáng” đã gây được tiếng vang lớn, được đông đảo quần chúng nhân dân tin yêu và ngưỡng mộ. Thông qua các hoạt động nghệ thuật, các thành viên trong đoàn – những người khiếm thị chúng tôi dần dần tự tin, mạnh dạn thể hiện khả năng trước công chúng. Đó cũng là môi trường giúp chúng tôi hòa nhập hơn với cộng đồng. Và cũng chính từ đây, cộng đồng đã có thể hiểu thêm về những người khiếm thị, những hoạt động của Hội và thay đổi cách nhìn nhận về những người dù khiếm khuyết nhưng không hề thua kém những người bình thường khác. Người mù được xã hội hiểu hơn, tôn trọng hơn, khoảng cách, sự kỳ thị cũng dần được khép lại.

Bản thân tôi, tuy là một người mù hoàn toàn nhưng tôi có khả năng sử dụng được máy vi tính kết nối internet cùng với những kiến thức âm nhạc có được nên tôi đã sáng tác ra những tác phẩm như: Thơ, truyện ngắn, kịch bản chèo, những bài hát dân ca, tác phẩm độc tấu. Tôi còn sử dụng được một số loại nhạc cụ dân tộc như: đàn nguyệt, đàn tam, sáo, nhị, hát và biểu diễn được nhiều loại hình nghệ thuật như: Hát ca mới, hát chèo, hát văn, hát xẩm. Vì vậy mà tôi trở thành cộng tác viên của nhiều chương trình âm nhạc, giáo viên của một số câu lạc bộ, đội văn nghệ và là lãnh đạo một số câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật ở huyện và ở tỉnh. Cuộc sống của tôi cũng như nhiều người khiếm thị khác đang thay đổi từ những hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Chúng tôi có việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống và còn khẳng định được vai trò, vị thế của người mù trong gia đình và ngoài xã hội.  

Âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với tất cả mọi người. Nhưng với tôi âm nhạc còn là điểm tựa để tôi đứng dậy thực hiện hoài bão và viết lại câu chuyện cuộc đời bằng tình yêu dành cho âm nhạc - thứ tình yêu lớn lên từ trong bóng tối, đến từ trái tim và bừng sáng giữa hiện thực cuộc sống. Âm nhạc đã giúp tôi vượt qua số phận. Tôi rất vui, rất tự hào về điều đó./.

Nguyễn Văn Liên