Ảnh bìa

Chung tay hành động vì sự bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc của phụ nữ và trẻ em mù

Ngày 10/10/2019, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Hội Người mù Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Công tác phụ nữ và trẻ em – Thực trạng và giải pháp”.

Cùng với sự có mặt của các cán bộ phụ trách công tác Phụ nữ và Trẻ em đến từ 40 Tỉnh, Thành hội, hội thảo vui mừng được đón  bà Đỗ Thụy Diệu Tâm, Phó Trưởng ban Công tác phía Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại diện các Sở, ban ngành tỉnh Đắk  Lắk. Đặc biệt, hội thảo lần này có sự tham dự của cả 9/9 Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội, thể hiện sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo đối với hoạt động này.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch TW Hội nhấn mạnh: “Thời gian qua, các cấp Hội đã quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho chị em và các cháu trên các lĩnh vực hoạt động của Hội như: tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát triển văn hóa, giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề tạo việc làm, chăm sóc đời sống… Bên cạnh đó, các hoạt động dành riêng cho phụ nữ và trẻ em cũng được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhiều phụ nữ, trẻ em mù đã có cơ hội phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc với nhiều tấm gương tiêu biểu tỏa sáng trong tổ chức Hội và cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác phụ nữ và trẻ em vẫn còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách và bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Với sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu, hội thảo sẽ  đánh giá đúng tình  hình thực tế: những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phụ nữ và trẻ em trong thời gian tới. Đây cũng là dịp các cấp Hội cùng thể hiện sự quan tâm, những tình cảm và tiếp thêm động lực, niềm tin giúp phụ nữ và trẻ em mù trong cả nước quyết tâm phấn đấu vươn lên, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và hòa nhịp với sự phát triển chung của xã hội.”

Ảnh: Ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Báo cáo của TW Hội và các ý kiến phát biểu tại hội thảo đều khẳng định: Nhìn chung, công tác phụ nữ và trẻ em luôn được các cấp Hội quan tâm, đặc biệt những năm gần đây, hoạt động đã từng bước đi vào chiều sâu, có hiệu quả. Cùng với việc kiện toàn Ban Công tác Phụ nữ và Trẻ em, số chị em được bồi dưỡng, cơ cấu vào cương vị lãnh đạo các cấp Hội ngày càng tăng. Hiện nay, có 271 chị là cán bộ chủ chốt tại các cấp hội, trong đó: 01 chị là Phó Chủ tịch TW Hội; 21 chị là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Tỉnh, Thành hội; 249 chị là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Quận, Huyện hội. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng, tạo điều kiện triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, trẻ em ngày càng tốt hơn.

Về công tác hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, đến nay, đã có 2.056 chị được đào tạo nghề tại Trung tâm của Trung ương Hội, hàng ngàn chị được tham gia các lớp dạy nghề ở địa phương với các ngành nghề như: tẩm quất, xoa bóp, tin học, thủ công mĩ nghệ, chăn nuôi, trồng trọt … Chị em sau khi học nghề được tạo điều kiện giải quyết việc làm với mức thu nhập trung bình khoảng 1,6 triệu đồng/người/tháng, riêng nghề xoa bóp đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng, người có tay nghề cao thu nhập 7 – 10 triệu đồng/người/tháng.

Gần 5.000 chị em được vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Nhiều Tỉnh, Thành hội còn xây dựng nguồn quỹ dành riêng cho phụ nữ từ việc trích quỹ Hội, vận động từ thiện, hoặc phong trào nuôi heo đất, góp vốn tương trợ như ở Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương… tạo thêm điều kiện để  chị em phát triển kinh tế gia đình. Trong 5 năm từ 2014 – 2019, đã vận động xây mới 503 ngôi nhà, sửa chữa 249 nhà cho chị em phụ nữ nghèo.

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Kim Khánh-Nguyên phó Giám đốc Học viện Phụ Nữ Việt Nam- đang giảng bài về bình đẳng giới.

Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Trung ương Hội đã in ấn, thu âm sách giáo khoa, tài liệu, tổ chức cac hoạt động góp phần nâng cao năng lực, tạo môi trường để chị em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, chia sẻ, giao lưu, tích cực vươn lên trong cuộc sống như: Triển lãm “Đối thoại trong bóng tối và tạo điều kiện tiếp cận cho người mù"; các dự án nâng cao năng lực và bảo vệ quyền cho phụ nữ mù, xây dựng Diễn đàn phụ nữ trên Cổng thông tin điện tử... Nhiều đơn vị cũng đã duy trì tốt các loại hình câu lạc bộ; tổ chức các hoạt động ý nghĩa dành riêng cho phụ nữ mù như: hội thảo, hội thi, giao lưu,tập huấn nâng cao năng lực trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua đó, chị em được nâng cao kiến thức kĩ năng, áp dụng vào thực tế cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện quyền làm mẹ, nuôi dạy con cái khỏe mạnh, khôn lớn, trưởng thành.

Chương trình phối hợp với Hội LHPNVN đã thu được nhiều kết quả trong công tác đào tạo cán bộ, nâng cao nhận thức, hỗ trợ vay vốn, tiêu thụ sản phẩm, trợ cấp, tặng quà, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho chị em và các cháu.

Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe 7 tham luận từ các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, tình hình thực tế trong công tác phụ nữ, trẻ em với các nội dung rất phong phú như: Công tác nâng cao trình độ cán bộ và chăm sóc đời sống tinh thần cho hội viên nữ tại Thành hội Hà Nội; Công tác vận động gây quỹ và tổ chức các hoạt động cho phụ nữ, trẻ em của Thị hội Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; Công tác phối hợp với Hội LHPN của Thành hội Đà Nẵng...

Đối với công tác chăm sóc trẻ em, hiện nay, Hội đang giúp đỡ cho hơn 3.500 cháu, trong đó, có 701 trẻ em mù – đa tật. Nhìn chung, các cấp Hội đã làm tốt việc khảo sát, nắm bắt tình hình của trẻ em mù, tạo điều kiện để các cháu được can thiệp sớm, tham gia các lớp học tiền hòa nhập và hòa nhập. Hiện có gần 250 cháu đang được nuôi dạy ở các Trung tâm của Hội, hàng ngàn cháu đang theo học tại các cơ sở giáo dục dành cho người khiếm thị khác hoặc tham gia học hòa nhập tại cộng đồng. Các cấp Hội luôn nỗ lực phối hợp với ngành giáo dục và gia đình hỗ trợ các cháu trong học tập. Không chỉ được học văn hóa, nhiều học sinh mù còn được tiếp cận với công nghệ thông tin, các môn năng khiếu: văn nghệ, mĩ thuật, thể thao, hướng nghiệp…

Cùng với chính sách an sinh xã hội của nhà nước, nhiều đơn vị đã vận động xây dựng quỹ Chăm sóc phụ nữ và trẻ em, Quỹ Khuyến học, trao tặng máy tính, học bổng, trợ cấp thường xuyên cho chị em và các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Trung ương Hội phối hợp với Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng và trường quốc tế Perkins (Hoa Kì) hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng và hướng dẫn phục hồi chức năng cho 155 cháu tại 08 tỉnh: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận và Hậu Giang; tổ chức tập huấn cho 40 cán bộ, giáo viên thuộc 13 đơn vị nhằm đẩy mạnh công tác hỗ trợ trẻ em mù-đa tật tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội thảo cũng đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong công tác phụ nữ trẻ em như: Ở một số đơn vị, công tác này còn đơn điệu, chưa rõ nét, hoạt động chủ yếu lồng ghép trong hoạt động của các Ban khác. Trình độ, năng lực, điều kiện làm việc của một số cán bộ trong Ban còn hạn chế nên chị em chưa mạnh dạn đề xuất, triển khai các hoạt động thật sự hiệu quả. Số chị em được tham gia các lớp đào tạo và tỉ lệ cán bộ nữ, nhất là những người giữ cương vị chủ chốt ở các cấp Hội còn thấp. Có nơi không cơ cấu được cán bộ nữ trong BCH nên phải cử cán bộ nam theo dõi công tác phụ nữ và trẻ em. Trình độ học vấn, nhận thức và đời sống của phụ nữ và trẻ em mù nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, hiện toàn Hội còn 1.328 người khó khăn về nhà ở.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Viết Thu – Chủ tịch Hội đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu trong công tác phụ nữ, trẻ em của các cấp Hội, đồng thời lưu ý: Ban CT Phụ nữ và Trẻ em cần phát huy những kết quả, khắc phục khó khăn, hạn chế, nỗ lực hơn nữa nhằm tạo điều kiện cho chị em và các cháu được học văn hóa, học nghề, mang lại thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống một cách bền vững. Đại diện Hội LHPNVN, bà Đỗ Thụy Diệu Tâm cũng đã chia sẻ thêm về các chương trình mà Hội đang triển khai và khẳng định: Hội luôn quan tâm đến các đối tượng yếu thế và sẽ phối hợp cùng Hội Người mù trong việc chăm lo cho phụ nữ và trẻ em mù.

Hội thảo đã thống nhất đề ra một số phương hướng, giải pháp thúc đẩy công tác phụ nữ, trẻ em trong thời gian tới như: Chú trọng công tác quy hoạch, bồi dưỡng, cơ cấu cán bộ nữ; kiện toàn Ban Công tác Phụ nữ và Trẻ em; tham mưu với lãnh đạo Hội và phối hợp với các Ban chuyên môn hỗ trợ cho chị em và các cháu trên các lĩnh vực của Hội. Tổ chức tốt các hoạt động nhân dịp lễ tết dành cho phụ nữ và trẻ em. Đẩy mạnh chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tăng cường sự kết nối, mở rộng mối quan hệ nhằm xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, giúp chị em và các cháu phấn đấu vươn lên hòa nhập xã hội…

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đề đạt một số kiến nghị: Hội LHPN công nhận Ban Công tác Phụ nữ và Trẻ em các cấp là thành viên nhằm tạo điều kiện cho chị em nắm bắt các chủ trương, chương trình của Hội Phụ nữ để triển khai kịp thời đến phụ nữ mù; các cơ quan QLNN tăng cường sự hỗ trợ tạo điều kiện để Hội tham gia các chương trình hoạt động hỗ trợ phụ nữ và trẻ em; điều chỉnh các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc học tập cho trẻ em khuyết tật…

Chiều ngày 10/10, các đại biểu đã được TS. Nguyễn Thị Kim Khánh – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam tập huấn về Bình đẳng giới với những nội dung cụ thể, thiết thực, thu hút sự quan tâm của cán bộ các cấp Hội. có thể nói: hội thảo và tập huấn đều đã thu được những kết quả quan trọng và các đại biểu đã truyền đi thông điệp: Các cấp Hội và các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng hãy cùng chung tay hành động vì sự bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc của phụ nữ và trẻ em mù trong cả nước.

Hà Anh