Ảnh bìa

Hội Phụ nữ mù và những đổi thay của phụ nữ khiếm thị Đà Nẵng

Mất đi ánh sáng của đôi mắt, người mù nói chung đã chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh. Nhưng so với nam giới, phụ nữ mù còn chịu nhiều mất mát, khó khăn hơn gấp bội do đặc tính về giới cùng với sự tự ti, mặc cảm tật nguyền luôn là nỗi canh cánh bên lòng. Có lẽ cuộc đời chúng tôi mãi trôi theo tháng ngày một cách vô vọng nếu không có sức mạnh và hơi ấm của tập thể, đó chính là tổ chức Hội - mái nhà chung của những người đồng tật - nơi đã mang lại cho chị em niềm tin, ánh sáng, tri thức cùng bao ước mơ, hoài bão và hi vọng về một ngày mai tươi sáng hơn, đồng thời tạo điều kiện giúp người khiếm thị vượt qua rào cản hòa nhập cộng đồng xã hội.

Đó cũng là những lời tâm sự của nhiều chị em Hội Phụ nữ mù thành phố Đà Nẵng, nếu nhìn lại cuộc sống của người phụ nữ khiếm thị cách đây gần 15 năm về trước, chúng ta càng hiểu sâu sắc về ý nghĩa của những lời tâm sự ấy. Nhớ lại trước đây có những chị chỉ quanh quẩn trong nhà, nhút nhát, buồn tủi, đầy tự ti mặc cảm, cuộc sống gần như phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, người thân và sự đùm bọc của xã hội.

Nhờ nắm bắt, thấu hiểu được tâm tư, tình cảm và những gì chị em khiếm thị đang thật sự cần nên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ mù thành phố quyết tâm phấn đấu vì hạnh phúc, tiến bộ của phụ nữ khiếm thị. Xác định được tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của việc đưa chị em hòa nhập cộng đồng Hội Phụ nữ mù thành phố Đà Nẵng đã vận dụng bằng nhiều hình thức, nhiều phương pháp khéo léo để tích cực tuyên truyền, động viên, giải thích nhằm giúp chị em hiểu rõ những quyền lợi và lợi ích từ đó phấn đấu tự thân vận động, mạnh dạn tham gia các hoạt động Hội ngày càng sôi nổi xóa bỏ tự ti mặc cảm.

Ảnh : BCH Hội Phụ nữ mù TP Đà Nẵng nhiệm kỳ III 2016-2021 ra mắt nhận nhiệm vụ.

 

Đến nay chị em hầu hết đã chủ động vươn lên hòa nhập cuộc sống, lạc quan tin tưởng hơn vào bản thân, vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tổ chức Hội. Chị em không những được tham gia sinh họat câu lạc bộ, gặp gỡ trao đổi, chia sẻ cho nhau những vui buồn, khó khăn, vất vả trong cuộc sống đời thường mà chị em còn được làm nhà tình thương, học chữ, học nghề, vay vốn, tham gia các lớp quản lý, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, tập huấn… với nhiều ngành nghề khác nhau do Hội và địa phương tổ chức. Có thể nói cuộc sống của người phụ nữ khiếm thị ngày càng thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhất là trong 5 năm gần đây với những kết quả đáng phấn khởi.

Trước xu thế phát triển của xã hội nói chung và tổ chức Hội nói riêng, Ban Chấp hành hội Phụ nữ mù thành phố Đà Nẵng càng ra sức phấn đấu nỗ lực phát huy hơn nữa trong mọi lĩnh vực, không ngừng năng động, sáng tạo nhằm tiếp tục khẳng định vị thế của tổ chức Hội trong thời kỳ đổi mới. Kịp thời có những chủ trương, định hướng đúng đắn ngày càng theo kịp và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của chị em trong tình hình mới. Trong đó luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho chị em phụ nữ mù, nội dung tuyên truyền thiết thực, phong phú bám sát chỉ đạo của Hội cấp trên.

Để chị em có điều kiện nắm bắt về các quyền lợi, nghĩa vụ của phụ nữ cũng như cung cấp những kỹ năng cần thiết nhằm giúp các chị tự tin trong giao tiếp, tuyên truyền, nâng cao năng lực hoạt động Hội trong tình hình mới. Hội đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền nhiều kỹ năng bổ ích, các văn bản pháp luật liên quan đến phụ nữ và người khuyết tật cho gần 400 lượt chị em.

Ảnh : Hội Phụ nữ mù TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến lần thứ II giai đoạn 2015-2020.

 Thông qua các buổi sinh họat, kỷ niệm, tập huấn, cuộc thi, hội nghị, hội thảo… chị em có điều kiện nắm bắt các chủ trương, chính sách, văn bản hướng dẫn của Đảng, Nhà nước và Hội cấp trên. Từ đó, chị em phụ nữ mù ngày càng tự tin, vững vàng đây vừa là niềm vui, niềm hạnh phúc và quả thật đã góp phần làm thay đổi đáng kể hoàn cảnh của nhiều chị em.

4 phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ CNH–HĐH đất nước “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” cũng được chị em khiếm thị ra sức rèn luyện, được thể hiện qua nhiều mặt. Dù bị hạn chế do tật nguyền nhưng chị em không trông chờ ỷ lại mà đã tự thân vận động cố gắng vươn lên nuôi sống bản thân và gia đình bằng chính năng lực của mình. Chính lòng tự tròng, tự tin và sự quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời của ban chấp hành đã giúp chị em không ngừng ra sức phấn đấu vượt lên hoàn cảnh tật nguyền, tinh thần tự lực cánh sinh, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ Việt Nam được khơi dậy và phát huy.

Chị em hăng hái thi đua sôi nổi, cần cù lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, tập trung phát triển kinh tế … bằng nhiều hình thức. Đến nay, 100% chị em trong độ tuổi lao động đều có việc làm ổn định. Nhiều chị đã giảm được nghèo, cuộc sống ngày một khá hơn, không những tự nuôi sống bản thân mà còn phụ giúp gia đình, đặc biệt có những chị còn nỗ lực tạo việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng cho nhiều người cùng cảnh ngộ. Điển hình như các chị: Dương Thị Phương Nga Ban công tác Phụ nữ mù huyện hội Hòa Vang, Lê Thị Thanh Thủy Ban Công tác Phụ nữ mù quận hội Hải Châu…

Bên cạnh đó những năm gần đây đã có nhiều chị em khiếm thị vượt khó vươn lên đạt kết quả xuất sắc trong học tập và trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học sau khi tốt nghiệp phấn đấu trở thành giáo viên dạy học cho những em nhỏ cùng cảnh ngộ, tiêu biểu có các chị: Nguyễn Thị Hằng, Võ Thị Oanh Kiều, …

 Song song với những cải thiện về đời sống vật chất thì đời sống tinh thần của chị em phụ nữ khiếm thị ngày càng được thể hiện đa dạng, phong phú, bởi chị em luôn được tạo điều kiện giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong Hội với nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có sức lan tỏa cả về chiều rộng và chiều sâu.

Ảnh : Tập huấn nâng cao năng lực cho phụ nữ mù khóa I năm 2018

 

Với sự cầu tiến, quyết tâm vươn lên khẳng định giá trị của người phụ nữ khiếm thị, 5 năm qua chị em đã tích cực hăng hái tham gia sôi nổi các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương và địa phương phát động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với đẩy mạnh nội dung “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào “Phụ nữ Đà Nẵng - Cử chỉ đẹp, sống văn minh”, “thành phố 4 an”; luôn, đóng góp tích cực các họat động nhân đạo, từ thiện, Hưởng ứng các cuộc vận động như: chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác hậu phương quân đội, “Đền ơn đáp nghĩa”, Ấm áp tình quân dân”, ngày vì người nghèo, tặng quà cho các gia đình chính sách với số tiền gần 60 triệu đồng.

 Chị em còn đồng tình hưởng ứng tham gia các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể thao của khu vực và quốc gia. Kết quả 05 năm qua các chị đã đem về cho Hội và cá nhân nhiều hy chương vàng, bạc cùng nhiều giải thưởng đáng trân trọng, được các cấp, các ngành trao tặng nhiều bằng khen quý giá.

Với sự cố gắng nỗ lực đó trong 5 năm (2015-2020), đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiên tiến điển hình và Hội Phụ nữ mù đã được các cấp, các ngành Trung ương và địa phương tặng gần 90 Bằng khen, giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và các phong trào thi đua yêu nước.

 Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển của tổ chức hội trong thời kỳ đổi mới, phát triển và hội nhập chị em phụ nữ khiếm thị phải nỗ lực phát huy hơn nữa trong cuộc sống, hội phụ nữ mù cần năng động, sáng tạo hơn trên mọi lĩnh vực và đổi mới phương thức họat động cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn của hoàn cảnh thực tế nhằm tiếp tục khẳng định vị thế của tổ chức Hội và đem lại thành công, quyền lợi hợp pháp chính đáng của chị em phụ nữ khiếm thị. Trong đó tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn quyết tâm phấn đấu vì sự bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc của phụ nữ khiếm thị chính là sợi chỉ đỏ hoạt động xuyên suốt.

Diệu Châu