Ảnh bìa

Hội thảo Công tác hỗ trợ hội viên nữ xây dựng hạnh phúc gia đình khu vực phía Nam

Hội thảo Công tác hỗ trợ hội viên nữ xây dựng hạnh phúc gia đình khu vực phía Nam vừa được Trung ương Hội tổ chức bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom vào sáng 16/11.

Dự hội thảo có ông Ngọ Văn Khuyến, Phó Vụ trưởng Vụ đoàn thể nhân dân – Ban Dân vận Trung ương Đảng, ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội, Trung tâm Đào tạo Phục hồi chức năng cho người mù và điểm cầu tại 57 Tỉnh, Thành hội cả nước với 150 đại biểu.

Ảnh: Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội – Trưởng Ban Công tác Phụ nữ - trẻ em phát biểu khai mạc hội thảo

Năm 2020 hội thảo về công tác hỗ trợ hội viên nữ xây dựng hạnh phúc gia đình dành cho các tỉnh phía Bắc đã được tổ chức tại Hà Tĩnh. Hội thảo lần này dành cho 30 Tỉnh, Thành hội từ Đà Nẵng trở vào. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hội thảo được tổ chức trực tuyến; đây cũng là dịp các Tỉnh, Thành hội cùng tham gia để nắm bắt tình hình và tạo sự gắn kết giữa các đơn vị.

          Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe báo cáo về công tác quan tâm, hỗ trợ hội viên nữ xây dựng hạnh phúc gia đình. Theo đó, tính đến tháng 6/2021, toàn Hội có 38.132 hội viên nữ trên tổng số 73.318 hội viên (chiếm 52,01%), trong đó, tại 30 đơn vị khu vực phía Nam có 14.506 hội viên nữ, chiếm 38,04% hội viên nữ toàn quốc. Cùng với việc củng cố, kiện toàn Ban Công tác phụ nữ và trẻ em, số chị em được cơ cấu vào các cương vị chủ chốt trong các cấp Hội ngày càng tăng. Hiện nay, có 258 chị là cán bộ chủ chốt tại các cấp Hội, trong đó: 01 chị là Phó Chủ tịch Trung ương Hội; 20 chị là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Tỉnh, Thành hội; 237 chị là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Quận, Huyện hội.

Ảnh: Các đại biểu dự hội thảo.

Ở các đơn vị phía Nam có 07 chị là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Tỉnh, Thành hội, có 84 chị là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Quận, Huyện hội. Đặc biệt, tại Đà Nẵng đã thành lập Hội Phụ nữ mù trực thuộc Hội LHPN thành phố nhằm triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của Hội Phụ nữ, đồng thời, có điều kiện chăm sóc đời sống chị em tốt hơn.

Cùng với việc chú trọng đẩy mạnh công tác chăm lo đời sống như dạy nghề, tạo việc làm, vận động xây nhà cho hội viên nữ, các cấp Hội luôn dành sự quan tâm đến việc nâng cao đời sống dân trí, tinh thần cho chị em, đặc biệt hết sức chú trọng vấn đề xây dựng hạnh phúc gia đình.

Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho chị em, các Tỉnh, Thành hội đã cử 200 chị được tham gia lớp tập huấn Công tác phụ nữ và trẻ em; 315 chị được tham gia các khóa đào tạo cán bộ tại Trung tâm Đào tạo cán bộ - PHCN cho người mù thuộc Trung ương Hội, hàng nghìn chị em được tham gia các lớp tập huấn tại địa phương về hôn nhân, gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chính sách dân số KHH gia đình, nuôi dạy con cái…Ngoài ra, các tài liệu chữ nổi, đĩa CD với nội dung đa dạng như chính sách, pháp luật, chăm sóc sức khỏe, giáo dục giới tính, hướng dẫn nấu ăn, các câu chuyện về tình yêu thương, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đã được Trung ương Hội in ấn, đăng tải lên cổng thông tin điện tử, mạng xã hội như facebook, youtube… và chuyển đến các địa phương đã góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết cho chị em.

Ảnh: Ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Trung ương Hội phát biểu tại hội thảo

Để giúp chị em tự tin vươn lên, các cấp Hội đã tăng cường công tác dạy nghề, tạo việc làm, cho vay vốn, trong đó, ưu tiên hỗ trợ các hội viên nữ. Đã có 1.475 chị được đào tạo nghề tại Trung tâm của Trung ương Hội, hàng ngàn chị được tham gia các lớp dạy nghề ở địa phương với các ngành nghề như: tẩm quất, xoa bóp, tin học, làm tăm, bện chổi, làm hương, thủ công mĩ nghệ, chăn nuôi gia súc, gia cầm … Chị em sau khi học nghề được tạo điều kiện giải quyết việc làm với mức thu nhập trung bình hiện nay là khoảng 1.700.000 đồng/người/tháng, riêng nghề xoa bóp đạt 2.700.000 đồng/người/tháng, người có tay nghề cao đạt 4 – 5 triệu đồng/người/tháng; đặc biệt, có người đạt mức thu nhập 7 – 10 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, ở khu vực phía Nam đã có hơn 2.000 chị em được vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Đồng vốn vay được các chị sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả. Cũng từ đó, nhiều chị đã thoát được cảnh đói nghèo, tự xây dựng nhà cửa, nuôi dạy con ăn học.

Việc quan tâm chăm sóc, đề đạt các chính sách cho phụ nữ mù ngày càng được chú trọng. Hầu hết chị em trong diện đều được trợ cấp thường xuyên của Nhà nước. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã trích quỹ, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ hàng chục tỉ đồng mỗi năm để kịp thời thăm hỏi, trợ cấp, tặng quà, động viên chị em trong dịp lễ, tết, gặp khó khăn, ốm đau, hoạn nạn hay bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID - 19… điển hình như: Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Quảng Nam, Đà Nẵng…

 Công tác vận động hỗ trợ nhà ở cho chị em phụ nữ nghèo được các cấp Hội quan tâm, chỉ tính riêng trong năm 2020, ở khu vực phía Nam đã có 28 ngôi nhà được xây mới với tổng số tiền gần 1,5 tỉ đồng và sửa chữa 30 ngôi nhà với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. Nhằm thúc đẩy hoạt động này, năm 2021, TW Hội đã phát động chương trình Chung tay hỗ trợ “mái ấm tình thương” cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở. Các Tỉnh, Thành hội nỗ lực vận động hỗ trợ xây, sửa nhà cho hội viên nữ tại địa phương; một số đơn vị tích cực đóng góp vào Quỹ hỗ trợ nhà ở cho hội viên nữ đặc biệt khó khăn của TW Hội, với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Tổng số tiền nhận được đến nay là 133 triệu đồng.

          Nhờ những chính sách đồng bộ, sự hỗ trợ hiệu quả của các cấp Hội cùng sự nỗ lực không ngừng của bản thân, rất nhiều chị em đã thành công trên con đường học tập, lao động trở thành những thạc sỹ, cử nhân, cán bộ Hội, vận động viên thể thao, giáo viên hay những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi. Đó là nền tảng, là tiền đề quan trọng giúp chị em tự tin trong cuộc sống và xây dựng hạnh phúc gia đình. Theo thống kê, riêng 30 Tỉnh thành hội phía Nam đã có 8.228 chị lập gia đình, 3.088 chị thực hiện quyền làm mẹ. Đa số các chị có cuộc sống đầm ấm, hòa thuận, không có thành viên mắc các tệ nạn xã hội, gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa với nhiều tấm gương tiêu biểu.

Ảnh: Ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, đại diện hội phụ nữ mù thành phố Đà Nẵng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động của mình như: Hội đã tổ chức các lớp tập huấn: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật An toàn thực phẩm, phòng/chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho những bà mẹ có con dưới 16 tuổi, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng sống độc lập, tuyên truyền về an toàn cho phụ nữ và trẻ em,… Thông qua các hoạt động này đã cung cấp các kiến thức cơ bản cho những chị em trong độ tuổi sinh đẻ về chăm sóc sức khỏe sinh sản và biết cách nuôi, dạy con ở từng giai đoạn nhằm góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Bà Lê Thị Phương Thúy, đại diện Hội phụ nữ mù TP Đà Nẵng cho biết: Có thể nói, vai trò của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định tạo sức hút đối với đông đảo chị em phụ nữ mù. Hầu hết chị em đã tự tin, chủ động vươn lên hòa nhập cuộc sống cộng đồng, các chị đã mạnh dạn cùng với những chị em có chung cảnh ngộ tích cực tham gia sinh hoạt, hăng hái xây dựng các phong trào và yên tâm gắn bó lâu dài với công tác Hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Hội Người mù TP. Đà nẵng, góp phần thực hiện chương trình an sinh xã hội của địa phương”.

ẢnhBan Công tác Phụ nữ - trẻ em các Tỉnh, Thành hội tham gia hội thảo trực tuyến (Ảnh chụp màn hình ứng dụng zoom)

Tại Tỉnh hội Bình Phước, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vượt qua những trở ngại do điều kiện về kinh phí, mức sống và trình độ của hội viên còn thấp Ban Công tác phụ nữ và trẻ em Tỉnh hội đã nỗ lực từ những việc làm nhỏ nhất là chia sẻ và quan tâm, trở thành điểm tựa giúp chị em có niềm tin và khát khao để thể hiện bản thân, vươn lên trong cuộc sống trở thành người con, người vợ, người mẹ tốt, có ích cho gia đình, xã hội.

Ngoài tham luận của Hội Phụ nữ mù TP Đà Nẵng, Ban Công tác phụ nữ và trẻ em Tỉnh hội Bình Phước, hội thảo đã nghe chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động cũng như một số đề xuất, kiến nghị của đại diện Ban Công tác phụ nữ và trẻ em Tỉnh hội Đồng Tháp, Thị hội Phú Mỹ - tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Các đại biểu cũng hết sức xúc động khi nghe chia sẻ của chị Lê Thị Thủy – Tỉnh hội Khánh Hòa về quá trình đón nhận sự quan tâm của Hội, nỗ lực phấn đấu vươn lên, xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc, nuôi con khôn lớn, thành đạt dù cả 3 thành viên trong gia đình đều hỏng mắt; chị cũng luôn tích cực đóng góp vào phong trào chung của Hội.

          Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Trung ương Hội đề nghị lãnh đạo các Tỉnh hội tiếp tục tạo điều kiện để Ban Công tác phụ nữ và trẻ em hoạt động hiệu quả, trong điều kiện của đơn vị mình hỗ trợ, giải quyết các kiến nghị, đề xuất để Ban Công tác phụ nữ và trẻ em phát huy hiệu quả hoạt động, từ đó chăm sóc chị em và cac cháu trong Hội được tốt hơn, là tiền đề giúp chị em xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.

Đánh giá cao những hoạt động và kết quả đạt được của công tác phụ nữ và trẻ em các cấp Hội nói chung và việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ chị em xây dựng hạnh phúc gia đình nói riêng, ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình,Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các trung tâm dạy nghề cần tăng cường đào tạo nghề cho chị em, hỗ trợ tạo việc làm để chị em chủ động lao động mang lại thu nhập cho bản thân. Ngoài ra, để nâng cao kiến thức, hiểu biết của chị em, ông Khuất Văn Quý cũng đề nghị: Hội cần tăng cường tuyên truyền không chỉ chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước mà còn thông tin đến chị em những chính sách về bình đẳng giới, về chăm sóc sức khỏe , xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, văn minh và nội dung của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; tuyên truyền gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực này… giúp thay đổi, định hướng hành vi góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình ngày một tốt hơn…”

Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, cơ cấu cán bộ nữ; củng cố, kiện toàn Ban Công tác phụ nữ và Trẻ em tại các đơn vị; Giáo dục, động viên hội viên nữ nâng cao nhận thức, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn giúp chị em nâng cao nhận thức, rèn luyện kĩ năng, chủ động, tích cực tham gia học tập, lao động, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạnh phúc gia đình, thực hiện quyền làm mẹ, nuôi dạy con tốt. Hội động viên, tạo điều kiện hỗ trợ chị em học nghề, tạo việc làm để ổn định cuộc sống; chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất, hỗ trợ nhà ở cho những chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo mọi điều kiện để chị em vươn lên hòa nhập cuộc sống.

Thuỳ Dương