Ảnh bìa

Cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy quyền tham chính của người khuyết tật tại Việt Nam

Chiều ngày 15/4/2021, tại Tòa nhà Xanh Một Liên hợp quốc, Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao năng lực cho Phụ nữ (CEPEW) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy quyền tham chính của người khuyết tật tại Việt Nam”, hướng tới kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam (18 - 4).

Theo bà Diana Torres, Trưởng phòng Quản trị và tham gia, Trợ lý Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, vẫn tồn tại một “khoảng cách chính trị” to lớn giữa những người khuyết tật và không khuyết tật, và khoảng cách này sẽ luôn còn đó nếu không có sự tham gia của tất cả chúng ta trong việc thúc đẩy bình đẳng và trao quyền cho NKT trên các nền tảng chính trị.

          Bà Diana Tores khẳng định: Cũng như mọi nơi khác trên thế giới, người khuyết tật ở Việt Nam có thể đưa những kinh nghiệm và quan điểm độc đáo của họ vào quá trình ra quyết định. Không ai khác có thể hiểu và nêu các vấn đề về người khuyết tật tốt hơn chính người khuyết tật. Do đó, để các chính sách về người khuyết tật của chúng ta bảo vệ đầy đủ các quyền của người khuyết tật được quy định trong Công ước quốc tế về quyền người khuyết tật và Luật Người khuyết tật, đại diện của người khuyết tật cần phải có mặt trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

          UNDP đã tiến hành khảo sát “Đánh giá nhanh mức độ sẵn sàng của người khuyết tật ứng cử vào Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp”, trong đó 98.2% người tham gia đã bày tỏ hy vọng có đại biểu là người khuyết tật trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Cuộc khảo sát được thực hiện với 111 người khuyết tật, trong đó, 47,7% là nam, 51,4% là nữ. Có tới 62% người được hỏi sẵn sàng tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp trong 5 năm tới. Đặc biệt, có ông Lê Ngọc Hoàn – Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lạng Sơn đã mạnh dạn tự ứng cử vào Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kì này.

          Tuy nhiên, có 3 thách thức hàng đầu mà Người khuyết tật gặp phải trong cuộc bầu cử. Đó là họ không cảm thấy tự tin vào khả năng thành công của bản thân (33%); 17% không biết tự ứng cử và kêu gọi sự ủng hộ của cử tri; và 10% không tin rằng cộng đồng sẽ bỏ phiếu cho Người khuyết tật. Có tới 63% người được hỏi cho biết hiểu biết về quy trình tự ứng cử của họ còn hạn chế, do đó họ thiếu tự tin vào năng lực bản thân.

          Tại hội thảo, nhiều vấn đề được các đại biểu nêu ra như việc tiếp cận thông tin, hồ sơ tự ứng cử, quy trình bầu cử… đều được ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội của quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, đại diện từ Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ… giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm. Các đại biểu đều thống nhất: Bản thân NKT Cần phải có sự chuẩn bị kĩ càng trong việc nâng cao năng lực, phẩm chất, uy tín…; đồng thời, cần thay đổi nhận thức của cộng đồng, tin tưởng vào khả năng của NKT có thể đảm nhiệm vai trò của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.  

          Hội thảo này sẽ là cơ sở quan trọng để NKT Việt Nam có thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, nắm bắt quy trình… đặc biệt là các tổ chức của người khuyết tật sẽ có những bước xây dựng người có đủ khả năng, đáp ứng được các tiêu chí để chuẩn bị cho việc tham gia tự ứng cử, được đề cử trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp 5 năm tới cũng như ở các kì bầu cử sau này.

Hồng Hải