Ảnh bìa

Kí kết hợp tác với trường đại học RMIT trong chương trình trao học bổng cho người khiếm thị

 

   Ngày 18/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học RMIT Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với bốn tổ chức phi lợi nhuận gồm Hội người mù Việt Nam, Trung tâm Vì người mù Sao Mai, REACH, KOTO, để trao 4 suất học bổng Chắp cánh ước mơ cho  người khiếm thị và những người có hoàn cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Đình Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội, Chủ tịch Hội Người mù TP. Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban đại diện phía nam thay mặt lãnh đạo TW Hội đến dự Lễ kí kết.

Ảnh: Các đại biểu chụp ảnh lưu iệm tại lễ kí kết  

Giáo sư Rick Bennett, Giám đốc cấp cao phụ trách đào tạo tại RMIT Việt Nam, chia sẻ: “Đại học RMIT đi vào hoạt động tại Việt Nam từ năm 2000 theo mô hình phi lợi nhuận - toàn bộ lợi nhuận sẽ để lại Việt Nam và tái đầu tư lại cho trường qua việc trao học bổng, cải thiện trang thiết bị dạy và học, cũng như chia sẻ phương pháp giảng dạy với các trường bạn trong nước”.

  Giáo sư cho biết: Riêng năm 2020, RMIT sẽ tái đầu tư 40 tỷ đồng vào chương trình học bổng. Bên cạnh chương trình học bổng thường niên, từ năm 2014, trường tập trung vào những hoạt động tác động đến cộng đồng nhiều hơn và dành ra 12 suất học bổng trị giá hơn 19,5 tỷ đồng trao cho các bạn sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn về thể chất và tài chính.

  Mỗi suất học bổng có trị giá khoảng 1,5 tỉ đồng; ngoài học phí toàn bộ chương trình học nói chung và tiếng Anh nói riêng, cùng sinh hoạt phí khoảng 6 triệu đồng/tháng, tiền nhà khoảng 5 triệu đồng/tháng, một máy tính xách tay và chi phí về thăm quê (nếu cần), sinh viên nhận học bổng sẽ được hưởng trọn vẹn toàn bộ các lợi ích khác như chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế của đội ngũ giảng viên, trang thiết bị và cơ sở vật chất tiêu chuẩn cao, cũng như chương trình học bám sát thực tế đang diễn ra trong các ngành và mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp trong các ngành mà trường đã gầy dựng được trong nhiều năm qua.

  Bên cạnh đó, nhiều cơ hội khác mà sinh viên nhận học bổng có thể tận dụng để cải thiện kỹ năng mềm và mở ra chân trời mới, đó là các hoạt động ngoại khoá do các CLB và tổ chức xã hội của sinh viên tổ chức chương trình Hoàn thiện kỹ năng cá nhân, và cơ hội đi du học hoặc trao đổi sinh viên tại một trong 200 trường đối tác của RMIT trên khắp thế giới.

  Với việc kí kết biên bản ghi nhớ, Hội Người mù Việt Nam và 3 tổ chức nói trên sẽ giới thiệu về chương trình học bổng này qua kênh của mình, nhận đơn ứng tuyển, thay mặt RMIT Việt Nam xác minh và lọc hồ sơ ứng tuyển, chuyển hồ sơ đạt yêu cầu đến và phối hợp cùng RMIT xem xét, tuyển chọn và RMIT sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

  Việc Hội Người mù Việt Nam kí kết hợp tác với Đại học RMIT trong chương trình trao học bổng là niềm vui lớn của các bạn trẻ khiếm thị. Em Nguyễn Thảo Xuân, một hội viên trẻ của Thành hội Hà Nội cho biết: “Là một học sinh khiếm thị sắp bước vào đại học, em rất quan tâm đến chương trình học bổng của trường RMIT. Em nghĩ rằng: Khi Hội phối hợp với RMIT sẽ thuận lợi hơn cho chúng em trong việc trao đổi thông tin và làm thủ tục qua Hội.”

   Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Đối ngoại Hội Người mù Việt Nam, chia sẻ: “Hội rất vui mừng và trân trọng cảm ơn Trường Đại học RMIT trong chương trình phối hợp đầy ý nghĩa giúp những người khiếm thị trẻ có cơ hội phát triển trí tuệ, năng lực trong một môi trường giáo dục hiệu quả, để có thể tìm được việc làm tốt trong tương lai và hòa nhập với sự phát triển chung của xã hội.

   Ngoài việc phối hợp để lựa chọn ứng viên phù hợp, Hội cũng sẽ hợp tác với trường trong các môn học theo phương pháp Học tập phối hợp kinh nghiệm thực tiễn WIL. Theo đó, Hội sẽ đóng vai khách hàng và đưa ra vấn đề thực để sinh viên RMIT giải quyết; thực hiện những buổi nói chuyện chuyên đề, các buổi học và thực hành.. Hội sẽ nỗ lực trong các hoạt động để thực hiện tốt chương trình phối hợp vì sự hòa nhập, tiến bộ của những người khiếm thị.”

                                                ĐỜI MỚI