Ảnh bìa

Một số hoạt động nổi bật của Hiệp hội Người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ 2016-2021

Cùng với Hiệp hội Người mù ở các khu vực khác trên thế giới, trong nhiệm kì qua, Hiệp hội Người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã luôn nỗ lực đẩy mạnh các mặt hoạt động và thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Trước hết, Hiệp hội đã làm tốt vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người mù, người kém mắt trong toàn khu vực.

Cùng với Hiệp hội Người mù ở các khu vực khác trên thế giới, trong nhiệm kì qua, Hiệp hội Người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã luôn nỗ lực đẩy mạnh các mặt hoạt động và thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Trước hết, Hiệp hội đã làm tốt vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người mù, người kém mắt trong toàn khu vực. Do khu vực của chúng ta không có cấu trúc chính trị như Liên minh Châu Âu (EU) nên Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hiệp quốc về Châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) là một tổ chức vận động chính sách về người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng rất hiệu quả.

          UNESCAP đã thúc đẩy Thập kỉ mới về Người khuyết tật ở Châu Á - Thái Bình Dương kể từ năm 2012. Mục tiêu cuối cùng là thực hiện đầy đủ Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật, và một nội dung quan trọng của Thập kỉ này chính là giám sát việc thực hiện Chiến lược Incheon, tập trung vào các mục tiêu cụ thể của Chiến lược theo các khuyến nghị tại Đánh giá giữa kỳ năm 2017.

          Bên cạnh việc tham gia tích cực vào các hoạt động của UNESCAP, Hiệp hội đã có nhiều cơ hội đóng góp vào hoạt động của UNESCO và các tổ chức khác, tham gia xây dựng chính sách về tiếp cận các dịch vụ hàng không, tiếp cận tài liệu…

          Là thành viên của Diễn đàn Người khuyết tật Châu Á - Thái Bình Dương (APDF), Hiệp hội luôn đại diện cho tiếng nói của những người mù và kém mắt cũng như đóng góp hiệu quả vào các hoạt động của diễn đàn.

Công tác nâng cao năng lực được Hiệp hội luôn chú trọng và thúc đẩy. Dự án Nâng cao Năng lực do tổ chức DANIDA tài trợ đã được triển khai từ năm 2006 tại Mông Cổ, CHDCND Lào và gần đây nhất là ở Myanmar. các tổ chức thành viên của Hiệp hội ở ba quốc gia đã từng bước phat triển và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khuyết tật. Dự án DANIDA cũng đã giúp Hiệp hội tổ chức một chương trình đào tạo các nhà lãnh đạo trẻ tại Trung tâm Phát triển Châu Á - Thái Bình Dương về Người khuyết tật (APCD) ở Bangkok, Thái Lan. Với nhiều kiến thức, kĩ năng từ khóa học, các học viên được kì vọng sẽ trở thành các nhà lãnh đạo của các tổ chức quốc gia, tích cực tham gia vào hoạt động của khu vực và thế giới trong tương lai.

Ảnh: Hội Người mù Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các bước thúc đẩy phê chuẩn Hiệp ước Marrakesh.

Về lĩnh vực việc làm, cùng với việc thúc đẩy nhiều ngành nghề, Hiệp hội vẫn tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của ủy ban Massage khu vực do đây vẫn là nghề phù hợp và đem lại mức thu nhập cho người khiếm thị tại các quốc gia thành viên.

          Ủy ban đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo mát xa ở Tokyo, Nhật Bản năm 2020, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 nên đã bị hoãn lại đến tháng 9 năm nay và sẽ được tổ chức trực tuyến. Mặc dù việc tổ chức trực tuyến sẽ có nhiều hạn chế nhưng cũng là cơ hội để có thêm nhiều thành viên được tham dự vì không cần chi phí đi lại. Bởi vậy, mọi người đều sẽ được chào đón dù không phải là người trong khu vực. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã nỗ lực chia sẻ thực tiễn và kinh nghiệm trong lĩnh vực việc làm. Năm 2019, Hiệp hội đã phối hợp với hội Người mù Hồng Kông tổ chức khảo sát và hội thảo trực tuyến về vấn đề việc làm cho người khiếm thị.

          Nhằm tăng cường hoạt động giao lưu văn hóa, duy trì và phát triển chữ Braille, cuộc thi Viết Chữ Braille Onkyo được tổ chức hàng năm, với đông đảo người khiếm thị tham gia từ nhiều nước trong khu vực, đây cũng là một sáng kiến ​​rất hữu ích nhằm nâng cao nhận thức và khả năng đọc, viết bằng chữ nổi Braille của người khiếm thị.

Một hoạt động quan trọng của Hiệp hội trong nhiệm kì là đã tổ chức chiến dịch thúc đẩy việc phê chuẩn và thực hiện hiệp ước Marrakesh. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO và Hiệp hội Sách tiếp cận, kể từ năm 2014, Hiệp hội đã phối hợp với văn phòng UNDP Châu Á Thái Bình Dương để đẩy nhanh chiến dịch, bao gồm việc sản xuất các công cụ vận động cho một số quốc gia chưa phê chuẩn hiệp ước và các cuộc hội thảo nâng cao nhận thức về hiệp ước của những người khuyết tật, các cơ quan nhà nước, cũng như các nhà xuất bản và chủ sở hữu bản quyền. Trong thời gian qua, nhiều quốc gia trong khu vực đã gia nhập Hiệp ước như: Mông Cổ, Singapore, Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Sri Lanka… Nhiều quốc gia cũng đã và đang tích cực thúc đẩy việc gia nhập như: Việt Nam, Malaysia, Camphuchia… Ngoài ra, liên quan đến vấn đề tiếp cận, một số thành viên quốc gia đã tích cực khảo sát, nắm bắt tình hình việc tiếp cận Website của người khiếm thị và tổ chức các hội thảo về vấn đề này, thu hút sự tham gia của nhiều thành viên trong và ngoài khu vực.

          Về lĩnh vực thông tin, truyền thông, Hiệp hội đã có bản tin Gió Đông được phát hành thường xuyên, thu thập được nhiều thông tin về kết quả hoạt động, những thách thức và ý tưởng, giải pháp từ các thành viên. Hiện Bản tin đã được gửi tới khoảng 200 tổ chức và cá nhân trong khu vực. Trang web của Hiệp hội cũng đã được cải thiện để thuận tiện hơn cho người dùng trên điện thoại thông minh.

          Cùng với các hoạt động chung của khu vực, hoạt động riêng của các tổ chức của và vì người mù, người kém mắt trong mỗi quốc gia cũng hết sức phong phú, đa dạng. Thêm vào đó, đã có nhiều hoạt động hợp tác khác nhau ở cấp tiểu khu vực, tạo nên sự gắn kết của các thành viên. Tại Đông Nam Á, Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN (ACBF), cuộc thi Đọc viết nhanh chữ Braille được tổ chức hàng năm;hay ở Đông Bắc Á, đã có một số lễ hội âm nhạc nơi các nghệ sĩ khiếm thị cùng biểu diễn âm nhạc truyền thống. Mặt khác, Hội Người mù một số nước cũng đã mời các tổ chức đồng tật ở các nước khác tham gia sự kiện của mình như: Hội Người mù Thái Lan, Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù Nhật Bản… Những hoạt động đó đã và đang góp phần đáng kể nhằm tăng cường tình hữu nghị và sự hợp tác của người mù và kém mắt trong các tiểu khu vực cũng như quan hệ song phương giữa các quốc gia.

          Vào năm 2018, Hiệp hội đã tổ chức Đại hội khu vực giữa nhiệm kì rất thành công tại Ulan Bator , Mông Cổ và đại hội đã thông qua Tuyên bố Ulan Bator .Cũng trong nhiệm kì, Hiệp hội đã chào đón một số thành viên mới, chẳng hạn như một tổ chức mới ở Đông Timor, và các thành viên đến từ các quốc đảo Thái Bình Dương. Ngoài ra, với sự giúp đỡ của một tổ chức tại Đức, Hiệp hội rất vui mừng được chào đón Hội Người mù CHDCND Triều Tiên với tư cách là một thành viên quốc gia trong Hiệp hội. Ban lãnh đạo mới của nhiệm kì cũng đã được bầu với những thành viên đầy kinh nghiệm và nhiệt huyết.

          Phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kì qua, Hiệp hội Người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tin tưởng: Các tổ chức của và vì người khiếm thị trong khu vực sẽ cùng nhau vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID – 19, tiếp tục gặt hái những thành công trong nhiệm kì mới, góp phần thúc đẩy sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người khiếm thị và xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó giữa các thành viên, góp phần tích cực vào các phong trào hoạt động chung của Hiệp hội Người mù khu vực và thế giới.

Đinh Việt Anh