Ảnh bìa

Tăng cường công tác đối ngoại góp phần thúc đẩy sự phát triển của tổ chức Hội

Năm 2019, Hội Người mù Việt Nam tiếp tục được đánh giá là đơn vị xuất sắc trong công tác đối ngoại nhân dân về lĩnh vực hợp tác phát triển, được nhận bằng khen của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.

Với phương châm: Hội Người mù Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các tổ chức quốc tế, là thành viên tích cực, có trách nhiệm  của Hiệp hội Người mù khu vực và thế giới, trong năm 2019, công tác Đối ngoại của Hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Tiếp nối những thành công của năm 2017 và 2018, Hội tiếp tục triển khai các hoạt động trong dự án “Khảo sát, xác minh, phổ biến Trung tâm giáo dục công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và cuộc sống của người khiếm thị” do Công ty Nippon Telesoft - Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản -JICA tài trợ. Với các hoạt động: cung cấp các trang thiết bị, phần mềm tiên tiến, hiện đại và tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo chuyên đề, khảo sát, tham quan, học tập kinh nghiệ, đề xuất các giải pháp về chính sách để hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng. Mặc dù dự án đã kết thúc thành công vào tháng 9/2019, các trang thiết bị hiện đại của dự án vẫn tiếp tục được sử dụng để đào tạo công nghệ thông tin, giúp người mù từng bước nâng cao kiến thức, kĩ năng, hòa nhập tốt hơn với cuộc sống cộng đồng.

Trong năm, Hội cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Siloam Hàn Quốc. ùn với  việc in sách giáo khoa với số lượng tương đối lớn nhằm giảm bớt những khó khăn cho các em học sinh ở các địa phương, dự án còn hỗ trợ máy in hình nổi và tổ chức các lớp tập huấn gồm: lớp massage Hàn Quốc, massage cho phụ nữ mang thai, lớp hướng dẫn làm sách chữ Braille và lớp hướng dẫn sử dụng các phần mềm, thiết bị hỗ trợ người khiếm thị. Các lớp tập huấn này đều được tổ chức tại Trung tâm Đào tạo – PHCN cho người mù, do các giáo viên Hàn Quốc trực tiếp giảng dạy. Những kiến thức, kĩ năng từ các khóa học đã giúp cho các học viên nâng cao chất lượng,áp dụng hiệu quả vào các chuyên môn, công việc của mình và đóng góp vào thành tích chung của Hội.

Nằm trong lộ trình thúc đẩy Nhà nước Việt Nam gia nhập và thực hiện Hiệp ước Marrakesh nhằm tạo điều kiện cho người khiếm thị và những người không có khả năng đọc chữ in được tiếp cận các tác phẩm đã công bố, Hội đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc – UNDP tổ chức buổi họp lấy ý kiến tham vấn của các Bộ, ban ngành liên quan về lộ trình thúc đẩy gia nhập Hiệp ước, cũng như hội thảo quốc tế với sự chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực này. Sau các hội thảo, Hội đã làm công văn trình Thủ tướng chính phủ về việc thúc đẩy Việt Nam gia nhập Hiệp ước. Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức buổi tập huấn giới thiệu về Hiệp ước Marrakesh và Kế hoạch tổng thể của ASEAN đến năm 2025 về lồng ghép quyền của NKT cho đại diện các tỉnh, thành hội trong cả nước.

Nhân ngày An toàn của cây gậy trắng vào tháng 10/2020, Hội xây dựng Đề án tổ chức chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, hòa nhập cho người mù ASEAN” tại Hà Nội, trình Ban Đối ngoại TW xem xét, phê duyệt.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Người mù Việt Nam, Hội đã đón tiếp và làm việc với chủ tịch Hiệp hội Người mù châu Á – Thái Bình Dương cùng đoàn đại biểu của HNM Thái Lan. Hội cũng đã đón tiếp đoàn của HNM Thái Lan sang tham dự và chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo nghề tẩm quất xoa bóp và Hội thi tay nghề toàn quốc lần thứ II do Hội tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng.

Ngoài ra, Hội luôn tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên đề về lĩnh vực người khuyết tật, về kỹ năng đối ngoại … do các bộ, ngành hoặc các tổ chức của/vì người khuyết tật tổ chức.

Cùng với các hoạt động trong nước, Hội Người mù Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia các cuộc thi, hội nghị khu vực như cuộc thi đọc, viết nhanh chữ Braille tiếng Anh tại Thái Lan, cuộc thi viết ONKYO lần thứ 17 do Hiệp Hội Người mù khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức. Hội đã cử đoàn tham gia thực hiện các hoạt động dự án tại Nhật Bản, tham gia các hội thảo khu vực như Diễn đàn cộng đồng người mù ASEAN lần thứ 7 và Hội thảo quốc tế về giáo dục cho người mù đều được tổ chức tại Thái Lan. Tham gia các hội thảo, diễn đàn quốc tế, Hội Người mù Việt Nam có cơ hội được nắm bắt thông tin, học hỏi kinh nghiệm từ Hội người mù các nước và các tổ chức trong khu vực và thế giới. Đồng thời, những tham luận, chia sẻ kinh nghiệm của Hội cũng được bạn bè quốc tế quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao.

Ở các Tỉnh, Thành hội, các đơn vị tiếp tục vận động và đón nhận sự giúp đỡ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước với các hoạt động tặng quà, tặng học bổng, hỗ trợ nhu yếu phẩm nhân dịp lễ, tết, ngày Người khuyết tật Việt Nam, ngày Quốc tế người khuyết tật … Bên cạnh đó, một số đơn vị cũng đã nhận được sự hỗ trợ nhằm tổ chức các lớp dạy nghề, dạy chữ Braille, tổ chức hội chợ việc làm, lắp đặt Phòng thu âm, mua sắm trang thiết bị học tập, sinh hoạt, sửa chữa khu nội trú…

Phải khẳng định rằng: Năm  2019, thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, các cấp hội đã tranh thủ được sự giúp đỡ, triển khai các dự án có nội dung thiết thực: Nâng cao nhận thức và kỹ năng làm việc, dạy nghề, tiếp nhận trang thiết bị chuyên dụng cho người mù. Hội đã đóng góp tích cực cùng với Đảng, Nhà nước trong công tác đối ngoại nhân dân, giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về Đất nước, con người Việt Nam và về Hội Người mù Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của đất nước, của Hội trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, hoạt động đối ngoại ở một số địa phương còn đơn điệu, chủ yếu là các cá nhân việt kiều tặng quà, hỗ trợ hội viên nhân các dịp kỷ niệm của Hội, của đất nước. Cán bộ làm công tác đối ngoại ở các địa phương hầu hết là kiêm nhiệm; tại một số đơn vị  trình độ, năng lực của cán bộ làm công tác đối ngoại còn hạn chế nên chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Năm 2020 là năm mở đầu thập kỉ, cũng là năm có nhiều dịp kỉ niệm đánh dấu mối quan hệ ngoại  giao giữa  nước ta và nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là năm Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Các cấp Hội cần phát huy những kết quả đạt được, mở rộng các mối quan hệ với tổ chức quốc tế. Hội tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác với Trung tâm Siloam – Hàn Quốc trong việc in ấn SGK và đào tạo massage, với UNDP trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thúc đẩy ký kết Hiệp ước Marrakesh, với Nippon Telesoft để thực hiện các dự án hỗ trợ thiết bị, đào tạo cho người mù. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai sáng kiến : “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”. Tổ chức chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, hòa nhập cho người mù ASEAN” nhân ngày “An toàn của cây gậy trắng”. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tích cực tham gia các sự kiện và cuộc thi quốc tế như: Đại hội Hiệp hội Người mù thế giới, Hội thảo massage của Hiệp hội Người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Diễn đàn cộng đồng người mù ASEAN và Đại hội của Hội Người mù Thái Lan, các cuộc thi đọc, viết nhanh chữ Braille Tiếng Anh quốc tế, cuộc thi ONKYO lần thứ 18.

Hòa cùng xu thế hội nhập toàn cầu, các cấp Hội sẽ tiếp tục mở rộng các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, các cá nhân Việt kiều và nhà tài trợ nước ngoài nhằm trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, huy động nguồn lực để tổ chức thêm cac hoạt động chăm lo đời sống hội viên, đồng thời, giúp người mù Việt Nam hòa nhịp và đóng góp hiệu quả vào phong trào chung của người mù, người khuyết tật trong khu vực và thế giới.

Minh Hà