Ảnh bìa

Trung ương Hội tham gia hội thảo quốc tế về đào tạo nghề và chính sách liên quan

Ngày 20/10/2021, Hội thảo quốc tế về chia sẻ hệ thống đào tạo nghề và các chính sách liên quan đã được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom tại điểm cầu chính là Hội Người mù Hàn Quốc.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Hội Người mù các nước: Hàn Quốc, Mông Cổ, Mianma, Philippine, Thái Lan và Việt Nam. Tại điểm cầu Việt Nam, dự hội thảo có ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội cùng các đồng chí Phó Chủ tịch và cán bộ văn phòng TW Hội.

Tại hội thảo, các diễn giả đến từ hội người mù các nước đã trình bày tham luận chia sẻ về thực trạng, những khó khăn, thuận lợi và kinh nghiệm trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người mù tại các quốc gia.

Ảnh: Các đại biểu hội người mù các nước tham dự hội thảo.

Trong bài tham luận của mình, hội người mù các nước đều chia sẻ quan điểm dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật nói chung và người mù nói riêng luôn được chính phủ các nước tạo điều kiện hỗ trợ và là chương trình chủ chốt mà các Hội thực hiện. Trong đó, đào tạo nghề massage được ưu tiên phát triển và có số lượng người mù tham gia nhiều nhất do ưu điểm phù hợp với sức khỏe và mang lại thu nhập cao.

Bên cạnh đó, người mù ở các quốc gia cũng làm các công việc như: thủ công, bán vé số, biểu diễn âm nhạc, giáo viên, bán hàng, làm việc tại một số doanh nghiệp hay cơ quan, tổ chức. Đặc biệt, ở Thái Lan, các doanh nghiệp phải nhận ít nhất 1% lao động là NKT, nếu không nhận đủ tỉ lệ này thì phải đóng một khoản kinh phí vào Quỹ hỗ trợ việc làm cho NKT. Tùy theo tỉ lệ người lao động là NKT, các doanh nghiệp được nhận ưu đãi về thuế. Một số người khiếm thị Thái Lan đã có cơ hội làm việc trong các cơ quan chính phủ hay làm các công việc như: luật sư, kĩ sư tin học…

Cùng với Thái Lan, Hàn Quốc cũng là quốc gia có nhiều người khiếm thị làm nghề dịch vụ, một số người đã trở thành giáo sư tại các trường đại học…

Ảnh: Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội trình bày tham luận của Hội Người mù Việt Nam về công tác đào tạo nghề và các giải pháp về hoạt động này trong tình hình mới.

 

Một trong những thách thức chung của người mù khu vực đó là thu nhập và việc làm cũng như các hoạt động dạy nghề đều bị suy giảm, đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Vì vậy giải pháp chính của các quốc gia là đưa các hoạt động đào tạo thông qua trực tuyến như mở các khóa đào tạo nghề ngắn hạn, khóa học về khởi nghiệp, trang bị kỹ năng bán hàng online, sử dụng điện thoại thông minh, đào tạo nghề công nghệ thông tin như dán nhãn dữ liệu, AI… thông qua nền tảng ứng dụng zoom.

Đại diện Hội Người mù Việt Nam, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội đã chia sẻ những thông tin về hệ thống chính sách, quá trình triển khai và kết quả của công tác dạy nghề trong toàn Hội với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương cùng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Bên cạnh các giải pháp chung cùng Hội Người mù các nước, một số giải pháp cụ thể của Hội Người mù Việt Nam nhằm đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm được nêu lên là: tiếp tục phát triển các nghề truyền thống, tích cực tìm kiếm các nghề mới phù hợp; nâng cao chất lượng của các khóa đào tạo ngắn hạn và chuyên sâu; tăng cường sự kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp để tổ chức các khóa đào tạo nghề và kĩ năng phù hợp với nhu cầu của họ kết hợp với nâng cao nhận thức xã hội về khả năng của người khiếm thị.

Đối với nghề massage: Xây dựng quy trình phòng chống COVID – 19 tại các cơ sở, thành lập câu lạc bộ massage tại các tỉnh, thành tiến tới thành lập Hiệp hội Massage của người mù Việt Nam… Mặt khác, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế thông qua cuộc hội thảo này cũng như các diễn đàn, hội nghị, giao lưu… trong khu vực và thế giới cũng hết sức quan trọng để vận dụng vào công tác Hội và kiến nghị với nhà nước những chính sách phù hợp, góp phần đem lại hiệu quả trong công tác dạy nghề, tạo việc làm nói riêng và các lĩnh vực hoạt động Hội nói chung.

Thùy Dương