Ảnh bìa

Tuyên bố của Hiệp hội Người mù thế giới nhân Ngày chữ nổi thế giới – 04/01/2021

Ngày 04/01 là ngày chữ nổi thế giới. Năm 2018, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận Ngày chữ nổi thế giới là ngày nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chữ nổi như một phương tiện thông tin nhằm thực hiện đầy đủ quyền con người cho những người mù và người kém mắt.

Ngày chữ nổi thế giới kỷ niệm ngày sinh của Louis Braille, sinh tại Coupvray, Pháp năm 1809, người đã được ghi nhận vì đã phát minh ra chữ nổi Braille, một hệ thống chữ được sử dụng rộng rãi cho việc đọc, viết của người mù. Đây là một mã đặc biệt được tạo ra từ 6 chấm nổi trên một ô Braille. Có 63 ký hiệu khác nhau từ sự kết hợp giữa các chấm này; và từ đó lại có thể kết hợp các ký hiệu để tạo ra rất nhiều nhóm ký hiệu khác; nghĩa là chúng có thể được dịch sang nhiều ngôn ngữ, nhiều chuyên môn khác nhau, bao gồm cả âm nhạc.

Chữ nổi Braille cần thiết cho việc xóa mù chữ và học tập suốt đời của người mù, quyền tự do ngôn luận và thể hiện quan điểm của họ cũng như hòa nhập xã hội. Điều này phù hợp với Điều 21 và 24 của Công ước Liên hợp quốc về Quyền của Người Khuyết tật (CRPD) và Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 4, trong đó tập trung vào chất lượng giáo dục hòa nhập và công bằng cũng như thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Để kỷ niệm ngày chữ nổi thế giới, Hiệp hội Người mù thế giới (WBU) kêu gọi tất cả các quốc gia phê chuẩn và thực hiện Hiệp ước Marrakesh cho phép phân phối tài liệu bằng chữ nổi và các tài liệu ở định dạng dễ tiếp cận khác mà không có nguy cơ bị coi là vi phạm bản quyền. Đây là một cách tuyệt vời để đảm bảo rằng chữ nổi Braille vẫn phù hợp với công nghệ mới. Ngoài ra, điều quan trọng cần lưu tâm là ở các nước kém phát triển, việc sản xuất chữ nổi rất tốn kém, do đó hạn chế khả năng cung cấp tài liệu đọc cho người mù.

Hơn nữa, khi thế giới nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19, việc tiếp cận thông tin và đọc tài liệu ở các định dạng dễ tiếp cận là điều rất cần thiết đối với những người mù và kém mắt. Do đó, chúng tôi mong muốn nhân cơ hội này kêu gọi các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và tất cả các bên liên quan khác đảm bảo rằng tài liệu đọc có sẵn ở các định dạng dễ tiếp cận, bao gồm cả chữ nổi Braille, để không ai bị bỏ lại phía sau.

     Trong khi đó, Hiệp hội Người mù thế giới tiếp tục thúc đẩy xóa mù chữ nổi bằng cách cấp học bổng cho những người mù và kém mắt ở các nước kém phát triển. Để biết thêm thông tin và các mẫu đơn xin học bổng WBU có thể tải xuống, vui lòng truy cập trang web của chúng tôi tại: https://worldblindunion.org/programs/education/scholarships.

Ban Đối ngoại