Ảnh bìa

Hội Người mù Tỉnh Cao Bằng - 19 Năm xây dựng và phát triển

Được thành lập vào ngày 30/01/2001, trải qua hơn 19 năm xây dựng và phát triển, toàn thể cán bộ, hội viên Hội Người mù tỉnh Cao Bằng luôn đoàn kết, nỗ lực học tập, hăng say lao động sản xuất góp phần cùng toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng quê hương Cao Bằng ngày càng giàu mạnh.

Hoạt động trên địa bàn hết sức khó khăn, nhưng trong những năm qua, Hội luôn nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng và sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Trung ương Hội. Đặc biệt, Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 03-CT/TU, ngày 20/01/2011 về giúp đỡ người mù và Hội người mù đã tạo điều kiện để Hội hoạt động ngày một hiệu quả hơn. Nhờ đó, đến năm 2012, văn phòng Tỉnh hội đã thành lập được Chi bộ Đảng trực thuộc Đảng ủy Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cao Bằng, đến năm 2017, Chi bộ trực thuộc Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh với 06 đảng viên/08 cán bộ, viên chức trong cơ quan. Có tổ chức Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn viên chức tỉnh Cao Bằng; được UBND tỉnh cho hưởng phụ cấp lương theo hệ số, cấp Tỉnh hội: 3,5 đối với Chủ tịch; 3,2 đối với Phó Chủ tịch; ở cấp Huyện hội là 2,2 đối với Chủ tịch. 2,0 cấp Phó Chủ tịch. Tất cả cán bộ các cấp Hội đều được tham gia BHXH, BHYT trích từ ngân sách.

Nhờ sự chủ động của Ban Thường vụ, Tỉnh hội đã xây dựng được trụ sở riêng, được cấp kinh phí hoạt động thường xuyên và chỉ tiêu biên chế, hàng năm xây dựng quy chế dân chủ, quy chế làm việc bài bản.

Ảnh : Các học viên lớp học nghề Kỹ thuật làm hoa trong giờ thực hành (năm 2017).

Mặc dù là một tỉnh vùng núi, đi lại khó khăn nhưng cán bộ Hội luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn để vận động người mù tham gia tổ chức Hội, thuyết phục hội viên đi học chữ, học nghề. Cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của hội viên, tổ chức Hội đến nay đã phát triển được 4/11 Huyện hội, thành lập được 3 Chi hội; trong đó 01 Chi hội trực thuộc Tỉnh hội, kết nạp 445 hội viên trong tổng số hơn 1000 người mù  toàn tỉnh. Hội đã tổ chức được 8 lớp dạy nghề cho 283 hội viên với kinh phí là 557 triệu đồng.

Hội cũng tuyển chọn, tạo điều kiện cho 6 hội viên học phổ thông tại Hội Người mù thành phố Hồ Chí Minh; cử 79 hội viên tham gia học các lớp như: xoa bóp bấm huyệt, vi tính, tiếng Anh, tuyên truyền - văn hóa - giáo dục…tại Trung tâm Đào tạo và PHCN cho người mù trực thuộc Trung ương Hội.

Với nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm thông qua kênh Trung ương Hội và nguồn vốn của địa phương, Tỉnh hội đã lập dự án cho 260 lượt hội viên vay để phát triển kinh tế hộ gia đình với số vốn vay luân chuyển trên 1,5 tỉ đồng. Hiện nay Hội đang quản lý số vốn vay là 557 triệu đồng. Đồng vốn được anh chị em hội viên sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, hoàn trả 100% cho Ngân hàng Chính sách xã hội đúng kỳ hạn cả gốc lẫn lãi, được địa phương đánh giá cao. Điển hình như: Hội viên La Văn Hoài, ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng nuôi được 80 con dê, hội viên Bùi Văn Thắng, ở thị trấn Quảng Uyên nuôi được 40 con dê thu nhập mỗi năm trên 30 triệu đồng và một số hội viên vay vốn đầu tư chăn nuôi, sản xuất, trồng trọt cũng mang lại hiệu quả kinh tế. Từ những đồng vốn vay ban đầu ấy, anh chị em đã thoát nghèo có cuộc sống ổn định và đang vươn tới khá giả. Hiện tổng số đàn trâu, bò của hội viên nuôi được trên 430 con; đàn lợn có trên 825 con; đàn gà, vịt là trên 7.750 con; dê nuôi được trên 160 con; thuốc lá trên 3 tấn trị giá khoảng 130 triệu đồng; sản xuất đưa ra thị trường tiêu thụ được trên 30.000 gói tăm, 5.000 kg nấm rơm, chổi chít trên 6.000 chiếc.

Bên cạnh hiệu quả từ công tác cho hội viên vay vốn, Tỉnh hội còn chú trọng phát triển cơ sở sản xuất nhằm tạo việc làm cho anh chị em. Tiêu biểu như Hội Người mù huyện Quảng Uyên thành lập tổ làm tăm, nấm rơm, chổi chít, chổi rơm cho 5 lao động có việc làm ổn định, thu nhập khoảng 800.000 đồng – 1 triệu đồng/người/tháng. Có 5 cơ sở dịch vụ tẩm quất do hội viên đứng ra quản lý tạo việc làm cho 18 lao động với thu nhập bình quân từ 2 triệu đồng – 3 triệu đồng/người/tháng, điển hình như: anh Nguyễn Văn Luật, ở phường Hòa Trung, tp Cao Bằng, anh Nông Văn Thụ, ở xã Cao Chương, huyện Trà Lĩnh đã xây dựng một ngôi nhà cấp bốn khang trang, đầy đủ tiện nghi phục vụ cho sinh hoạt gia đình.

Ảnh : Lễ Bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hội viên tại huyện Phục Hòa (năm 2019)

Trong công tác chăm sóc đời sống hội viên, Hội chủ trương vận động dòng họ, các tổ chức ở địa phương giúp hàng nghìn ngày công, trong đó UBMTTQ và Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh và các tổ chức khác hỗ trợ xây dựng được 55 ngôi nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương với số tiền trên 2 tỉ đồng. Hàng năm vào các dịp Tết Nguyên đán, Hội tổ chức đoàn đi thăm hỏi, động viên, tặng quà trên một nghìn người. Ngoài thăm hỏi, động viên Hội còn quan tâm đưa người mù đi khám mắt, cấp phát thuốc miễn phí, làm thủ tục đưa người mù không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vào Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc và nuôi dưỡng.

Trải qua 19 năm xây dựng và phát triển, Tỉnh hội đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho tập thể cán bộ hội viên, Bằng khen của Hội người mù Việt Nam, Bằng khen UBND tỉnh Cao Bằng qua các năm và sự ghi nhận của các cơ quan ban, ngành. Nhưng có lẽ thành tựu lớn nhất mà Tỉnh hội đạt được đó chính là sự tin yêu của anh chị em hội viên, hoạt động của Hội đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Hội Người mù tỉnh Cao Bằng đã trở thành mái nhà chung, là nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của đông đảo hội viên trong tỉnh. Mặc dù khó khăn phía trước còn nhiều, nhưng với nền tảng vững vàng ấy, Tỉnh hội Cao Bằng sẽ lại tiếp tục bước đi mạnh mẽ, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người mù ở một trong những địa phương khó khăn nhất cả nước.

                                                        Nguyễn Hữu Bình