Ảnh bìa

Đồng hành cùng người mù cả nước xây dựng cuộc đời mới

 

Chỉ sau gần một năm thành lập, mặc dù tổ chức Hội còn hết sức non trẻ, phải đối diện với vô vàn những khó khăn, thử thách khi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước còn đang diễn ra gay go, ác liệt, nhưng tháng 3/1970, Tờ “Tin tức hoạt động” đã được xuất bản, mở đầu cho sự ra đời Tạp chí Đời Mới – cơ quan ngôn luận của Hội, diễn đàn của người mù cả nước. Suốt chặng đường nửa thế kỉ, Tạp chí Đời Mới, đúng như tên gọi của mình, đã góp phần cùng toàn Hội tiếp thêm sức sống mới, nghị lực mới để người mù khắp mọi miền quê cùng nhau xây dựng cuộc đời mới, đầy ánh sáng của niềm tin, tri thức, vững bước tiến lên hòa nhập cộng đồng.

              Những dấu mốc trưởng thành

 Ngay từ những ngày đầu, với các phương tiện thô sơ, Tờ “Tin tức hoạt động” vẫn được đánh máy rồi in roneo để gửi tới các cơ quan, đoàn thể, đồng thời, được các cán bộ công nhân viên của Trung ương Hội đánh máy chữ Braille và khâu lại thành từng tập để chuyển đến tận tay người mù ở các địa phương. Được cán bộ, hội viên và cộng đồng hoan nghênh, đón nhận, nhằm có thêm thông tin về người mù và các phong trào hoạt động của địa phương, năm 1972, Trung ương Hội đã đề nghị với Bộ Nội vụ gửi công văn đến các Ti Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu gửi tin, bài cung cấp cho Tờ Tin tức hoạt động”. Tháng 7/1975, “Bản tin” đổi thành “Nội san Đời Mới” xuất bản bằng chữ Braille.

Nhân kỷ niệm 15 năm ra bản tin đầu tiên (1970-1985) , Trung ương Hội đã quyết định đổi “Nội san Đời Mới” thành “Tạp chí Đời Mới”. Đặc biệt, năm 1988, Bộ Văn hoá - Thông tin đã cấp phép cho Tạp chí Đời Mới chữ Braille hoạt động, trở thành tạp chí chính thức phục vụ người mù trong mạng lưới báo chí quốc gia.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, năm 1991, Liên đoàn Công dân mù Úc viện trợ cho Hội một trung tâm sản xuất sách nói; nhờ vậy mà “Tạp chí Đời Mới truyền thanh” đã được hình thành. Tháng 4 năm 1993, cả 3 loại hình của Tạp chí gồm: chữ Braille, chữ in bình thường và Tạp chí Đời Mới truyền thanh được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp phép hoạt động.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, năm 2007, trong khuôn khổ dự án do Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ, Hội đã xây dựng trang Thông tin điện tử đầu tiên. Năm 2012, tổ chức Mariknoll (Hoa Kì) hỗ trợ Hội xây dựng Cổng Thông tin điện tử, đồng thời, trang bị mới các thiết bị phòng thu và máy sao đĩa CD, nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng của Trung ương Hội. Năm 2020, với sự hỗ trợ của tổ chức Latter Day Saint Charity, ứng dụng “Hội Người mù Việt Nam” trên điện thoại thông minh hệ điều hành Android đã được ra đời, upload trên Google Play Store để người khiếm thị có thể chủ động cài đặt và sử dụng, việc tiếp cận thông tin của Hội được dễ dàng và thuận lợi hơn. Để kịp thời nắm bắt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, định hướng cho người mù những thông tin chính xác, phù hợp, Tạp chí đã đề xuất để được tham gia các buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, đồng thời, luôn thực hiện theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chi hội Nhà báo Tạp chí Đời Mới được thành lập từ năm 2010 đã giúp cán bộ, hội viên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và tham gia các phong trào hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.

Ảnh :Học viên lớp cộng tác viên phía Nam đang thực hành làm bài tập phát thanh theo nhóm  (lớp học được tổ chức từ 17/4-28/4/2013 tại Bình Dương)

 

 

 

          Nối nhịp cầu thông tin, tri thức

Cứ đều đặn mỗi tháng, gần 1000 bản chữ Braille hoặc 500 đĩa CD được gửi về các địa phương rồi chuyển đến tận tay cán bộ, hội viên. Với cac bài viết phản ánh về các mặt hoạt động Hội, những tấm gương người mù vượt khó vươn lên cùng các chuyên mục như: Trang tin, Trang Văn nghệ, Phổ biến kiến thức, đất nước – con người, Trang Quốc tế… , Tạp chí đã góp phần giúp người mù trong cả nước thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, Điều lệ, nghị quyết của Hội, đồng thời, mở rộng thêm thông tin, kiến thức để áp dụng vào cuộc sống, học tập, lao động sản xuất và công tác Hội đạt hiệu quả cao. Các hội viên còn có cơ hội được chia sẻ tâm tư, tình cảm, phát triển khả năng cảm thụ và sáng tác văn học nghệ thuật qua những vần thơ, tản văn, truyện ngắn cùng những tác phẩm âm nhạc. Mặt khác, 50 năm qua, Tạp chí cũng đã góp phần hết sức quan trọng giúp người mù rèn luyện kĩ năng đọc, viết chữ Braille để tiếp cận với những nguồn tri thức khác.

Ngoài ra, các số Tạp chí đặc biệt in chữ bình thường nhân các sự kiện lớn của Hội, xuất bản từ 4000 – 6000 bản mỗi số, cũng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần chuyển tải thông tin, ý kiến, nguyện vọng của người mù, làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, đưa cộng đồng xích lại gần hơn với tổ chức Hội và hội viên. Đặc biệt, Cổng Thông tin điện tử và ứng dụng trên điện thoại thông minh, ngoài nội dung tin tức và bài viết về các mặt hoạt động Hội cùng các văn bản liên quan được cập nhật, còn có Thư viện online và Diễn đàn chia sẻ, thu hút hơn 1000 lượt truy cập mỗi ngày. Mặc dù kết quả còn khiêm tốn, song cũng đã phần nào nói lên sự cố gắng của Tạp chí trong việc cùng toàn Hội đưa người mù tiến vào thế giới của tri thức và công nghệ.

Ảnh : Học viên lớp cộng tác viên các Tỉnh, Thành miền Trung – Tây Nguyên thực hành làm bài tập nhóm (lớp học được tổ chức từ 23/6 – 03/7/2013 tại Thừa Thiên Huế.

 

 

 

       Khơi dậy ý chí, niềm tin và khát vọng vươn lên

Cùng với việc mang lại thông tin, tri thức, trong suốt quá trình hoạt động, Tạp chí luôn chú trọng khơi dậy tình yêu nước, tình đoàn kết, tình đồng tật; gắn với việc đẩy mạnh “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng”, “Cải cách hành chính”, Chương trình hành động “Việc làm, xóa đói giảm nghèo” do Hội Người mù Việt Nam phát động cùng các chương trình, các phong trào, cuộc vận động của nhà nước, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể và địa phương, tạo không khí thi đua sôi nổi trong các cấp Hội. Tạp chí cũng đã tổ chức các cuộc thi viết “Tìm hiểu về Tạp chí của chúng ta”, “Người mù thực hiện lời dậy của Bác: “Tàn nhưng không phế”, “Thắp sáng niềm tin, dựng xây cuộc đời mới”; cùng tổ chức Hội phối hợp với Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xây dựng Chương trình phối hợp phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị và tổ chức cac cuộc thi “Gia đình đọc sách – gắn kết yêu thương”, “Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”… Những hoạt động và cuộc thi nói trên đã tạo nên những đợt sinh hoạt văn hóa tinh thần ý nghĩa,góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua, kịp thời biểu dương, khích lệ và nhân rộng những điển hình tiên tiến; đồng thời, phát hiện các cây bút tiềm năng để bồi dưỡng, phát huy trong công tác tuyên truyền của Hội.

Nhằm tạo thêm sức lan tỏa trong cộng đồng, Tạp chí đã phối hợp tốt với các cơ quan báo chí đưa nhiều tin, bài, xây dựng nhiều phong sự phản ánh về hoạt động Hội cùng những tấm gương người mù vượt khó vươn lên, tự khẳng định mình trên con đường hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Mặc dù nguồn nhân lực hết sức ít ỏi, lại còn phải kiêm nhiệm nhiều việc nhưng 50 năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên của Tạp chí và xưởng in chữ Braille đã phấn đấu không mệt mỏi để đem lại thông tin cho người mù cả nước với tâm niệm: tất cả vì niềm vui được tiếp nhận thông tin, vì hạnh phúc của người mù. Do nguồn kinh phí hạn hẹp, Tạp chí đã không ngừng nỗ lực xây dựng các dự án, huy động sựhỗ trợ với trị giá hàng tỉ đồng nhằm đổi mới trang thiết bị công nghệ và đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên với sự giúp đỡ về chuyên môn của các giảng viên từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Báo chí tuyên truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam, Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam; các nhà thơ, nhà văn, nhà báo nổi tiếng. Hiện nay, Tạp chí có khoảng 150 cộng tác viên trên 32 tỉnh, thành phố, góp phần hết sức to lớn trong việc mang thông tin về các mặt hoạt động Hội và hơi thở cuộc sống của người mù ở các địa phương về cho Ban Biên tập.

Mặt khác, cùng với sự quan tâm của nhà nước, các cán bộ, nhân viên bưu chính vận chuyển hoàn toàn miễn phí các ấn phẩm Tạp chí về các địa phương, đội ngũ cán bộ Hội luôn nhiệt tình, tâm huyết, đưa những ấn phẩm này đến tận nhà, khuyến khích hội viên nghe, đọc. Nội dung của Tạp chí còn được cùng lắng nghe, trao đổi trong các kì sinh hoạt Hội. Nhiều đơn vị đã thường xuyên kiểm tra, thi tìm hiểu về nội dung của mỗi kì Tạp chí. Các cấp Hội còn vận động hỗ trợ hàng ngàn radio, đài cassette, máy nghe MP3, máy vi tính, điện thoại thông minh cho các hội viên để việc nghe, đọc Tạp chí thuận lợi hơn. Những việc làm đó đã góp phần thiết thực để nội dung, ý nghĩa của tạp chí thêm lắng đọng sâu sắc trong lòng mỗi cán bộ, hội viên, thúc đẩy phong trào thi đua trong toàn Hội, nối vòng tay yêu thương, nhân lên tình đồng tật để cán bộ, hội viên cùng nhau phấn đấu xây dựng Hội ngày càng vững mạnh và hòa nhịp với xu hướng phát triển chung của xã hội. Thật cảm động khi nhiều người mù không chỉ nghe, đọc nội dung của Tạp chí mà còn ghi chép lại và nâng niu, gìn giữ, coi đó là những tài liệu quý giá của mình. Nhiều vần thơ, dòng cảm nhận chứa chan tình cảm của người đọc, người nghe đã được gửi về Ban Biên tập. Đó là nguồn động viên vô cùng lớn lao, thôi thúc đội ngũ biên tập viên, phát thanh viên, kĩ thuật viên của Tạp chí ngày càng phải cố gắng nhiều hơn trong việc đưa thông tin đến với người mù cả nước.

Trải qua 51 năm hoạt động, Hội Người mù Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và ghi nhận thành tích bằng 3 tấm huân chương Độc lập: hạng nhất, nhì, ba cùng hàng nghìn huân chương lao động, bằng khen của các Bộ, Ban, ngành, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp dành cho tập thể và cá nhân cán bộ, hội viên. Với chức năng thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, cơ quan ngôn luận của tổ chức Hội,diễn đàn của cán bộ, hội viên, Tạp chí Đời Mới đã đóng góp một phần không nhỏ trong thành tích chung của Hội.

Ảnh : Cổng thông tin điện tử đang ngày càng hoàn thiện phục vụ nhu cầu tiếp nhận thông tin nhanh của bạn đọc.

 

 

 

    Quyết tâm vượt qua thử thách, tiến về phía trước

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thời đại bùng nổ thông tin, Tạp chí cũng đã bộc lộ những điểm hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Nội dung thông tin trên Tạp chí còn ít, nhất là trên Tạp chí chữ Braille, do hạn chế số trang in; Cổng Thông tin điện tử có khi chưa được cập nhật kịp thời. Việc chuyển đổi, in ấn Tạp chí chữ Braille với số lượng lớn còn mất nhiều thời gian nên đôi khi Tạp chí chữ Braille còn chậm đến với hội viên. Đội ngũ cộng tác viên tuy đông đảo nhưng lượng tin, bài gửi về Ban Biên tập ;chưa nhiều, chất lượng còn hạn chế. Các máy móc, trang thiết bị chủ yếu sản xuất ở nước ngoài với giá cả rất cao… Bởi vậy, trong thời gian tới, cùng với việc bám sát sự chỉ đạo của Đảng, nhà nước về công tác thông tin báo chí và nhiệm vụ của Hội, Tạp chí cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gồm cả cán bộ, nhân viên của Tạp chí và đội ngũ cộng tác viên, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các cơ quan báo chí, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, huy động nguồn lực đổi mới trang thiết bị công nghệ, phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện; tổ chức các cuộc thi, các hội thảo, diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm… Từ đó, từng bước đa dạng hóa và nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức của Tạp chí, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người đọc, người nghe; đẩy mạnh vai trò là cơ quan ngôn luận trong tổ chức Hội và cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin đối ngoại để đưa hình ảnh đất nước, con người, tổ chức Hội và người mù Việt Nam đến với bạn bè quốc tế…

Phấn khởi, tự hào qua những bước trưởng thành, nhận thức rõ trách nhiệm trên chặng đường sắp tới, tin tưởng rằng với sự quan tâm chỉ đạo của Ban Tuyên Giáo Trung ương, Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Thường vụ Hội Người mù Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, sự phối hợp của các cơ quan báo chí, sự giúp đỡ của các tổ chức cá nhân, sự nhiệt tình, tâm huyết của các thế hệ cán bộ, hội viên, sự trưởng thành của đội ngũ cộng tác viên, Tạp chí Đời Mới sẽ phát huy những kết quả đạt được trong 50 năm qua, từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế, tiếp tục là người bạn đồng hành thân thiết của người mù cả nước trên con đường vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Đời Mới