Ảnh bìa

Phong trào học tập ở Hội Người mù tỉnh Quảng Nam

     Trong chặng đường nửa thế kỷ xây dựng và phát triển của tổ chức Hội, công tác giáo dục, nâng cao dân trí luôn được các cấp Hội quan tâm chăm lo phát triển. Tại Tỉnh hội Quảng Nam, công tác giáo dục, nâng cao trình độ, hiểu biết của hội viên là một trong những hoạt động được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo thành phong trào thi đua có sự lan tỏa rộng khắp.

   Xem giáo dục là mục tiêu trọng tâm, Hội Người mù tỉnh Quảng Nam tranh thủ mọi nguồn lực, mọi sự giúp đỡ, bằng việc làm cụ thể tổ chức thành công nhiều lớp học chữ, học nghề, tạo điều kiện để người mù nâng cao kiến thức, phần nào tiếp cận được với sự phát triển của xã hội hiện nay.

   Ông Lê Văn Xin, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Tổ chức Hội luôn nỗ lực phấn đấu tìm mọi nguồn lực để tổ chức được nhiều lớp học chữ, học nghề, phục hồi chức năng giúp người mù nâng cao dân trí, tiếp cận việc làm, có thu nhập nuôi sống bản thân và hòa nhập cộng đồng xã hội”.

Ảnh : Lớp học vi tính cho người mù năm 2020

   Việc học tập không chỉ dành cho những người khiếm thị trẻ để phát triển mà còn được mở rộng cho mọi đối tượng có khả năng nhận thức, tiếp thu và vận dụng được kiến thức trong đời sống hàng ngày. Vì vậy, việc mở các lớp học chữ, học nghề, các khóa tập huấn nâng cao trình độ, hiểu biết luôn được BCH Tỉnh hội chú trọng.

   Tính trong 10 năm từ 2010-2019, Hội Người mù tỉnh Quảng Nam tổ chức được 32 lớp học chữ Braille, 2 lớp xoa bóp bấm huyệt, 03 lớp học vi tính, 2 lớp định hướng di chuyển, 74 lớp học nghề, 194 lớp học tập bồi dưỡng khác. Đã có 1.254 lượt học viên tham gia; tổng kinh phí là gần 1,7 tỉ đồng. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng lớn của dịch COVID – 19 nhưng Tỉnh hội vẫn nỗ lực để tổ chức lớp vi tính cho 12 học viên; lớp tập huấn sử dụng điện thoại thông minh…

          Ngoài ra, sắp xếp 33 cán bộ, hội viên đi học các lớp bồi dưỡng cán bộ; lớp xoa bóp bấm huyệt, lớp vi tính, lớp cộng tác viên báo chí… tại Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng của Trung ương Hội.

   Với điều kiện còn khó khăn, để tổ chức được lớp học, Tỉnh hội phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nơi ăn, nghỉ, đi lại, sinh hoạt và học tập của học viên và đặc biệt là tìm được nguồn kinh phí đủ để trang trải mọi chi phí cho lớp học như chi giáo viên, chi ăn, ở cho học viên, chi trang thiết bị học tập… trong suốt thời gian diễn ra. Cùng với nguồn ngân sách, Tỉnh hội và các Huyện, Thành hội đã tích cực vận động, tranh thủ nguồn kinh phí từ xã hội hóa để tổ chức các khóa học.

   Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà Tỉnh hội Quảng Nam nói riêng cũng như một số Tỉnh, Thành hội trong cả nước nói chung đó là vận động đúng đối tượng và duy trì được sĩ số của lớp học. Ông Nguyễn Đình Tuân, Chủ tịch Hội Người mù huyện Quế Sơn chia sẻ: “Vận động xin được kinh phí mở lớp đã rất khó, chuẩn bị các điều kiện như nơi ăn, nghỉ, học tập, sinh hoạt lại khó hơn nữa nhưng khi đến mời hội viên đến học lại bị từ chối do nhận thức của họ còn nhiều hạn chế, bởi vậy điều quan trọng nhất là thuyết phục được người mù tham gia lớp học”.

Ảnh : Thi tay nghề Xoa bóp bấm huyệt năm 2019

   Muôn vàn những khó khăn khi muốn tổ chức một lớp học, nhưng Tỉnh hội đã phát huy mạnh mẽ hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động để người mù hiểu rõ tầm quan trọng và những thu nhận được từ kiến thức và hiệu quả sau khi kết thúc khóa học. Đồng thời tạo điều kiện, cơ hội giúp học viên sau khóa học phát huy được kiến thức, kỹ năng đã học. Với 6 cơ sở sản xuất tập trung, 15 tổ sản xuất và 10 cơ sở xoa bóp bấm huyệt của Hội quản lý giải quyết cho 213 lao động có việc làm thường xuyên, ngoài ra còn có nhiều lao động là người mù tự làm việc ở nhà, mở cơ sở xoa bóp bấm huyệt hoặc làm các công việc khác. Bằng cách làm này, Hội Người mù tỉnh Quảng Nam luôn duy trì được phong trào học tập trong nhiều lĩnh vực như học chữ, học nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, bồi dưỡng công  tác dân số…

   2 lớp học Xoa bóp bấm huyệt do tỉnh Hội tổ chức học tại trường Cao Đẳng Y tế Quảng Nam năm 2015 và 2017 trong thời gian 3 tháng cho 40 học viên. Sau khi tốt nghiệp khóa học, 100 % kỹ thuật viên được giải quyết việc làm tại các cơ sở xoa bóp của Hội, đến nay phát huy được tay nghề có thu nhập ổn định, mỗi tháng từ 2 đến 5 triệu đồng.

   Ngoài ra, có nhiều cá nhân sau khi làm nghề và học hỏi kinh nghiệm quản lý đã tự mở được cơ sở cho riêng mình, có thu nhập cao, ổn định cuộc sống như anh Trần Công Đoàn ở huyện Thăng Bình; Anh Lê Văn Trí ở huyện Quế Sơn; chị Nguyễn Phạm Thị Hường ở Đại Lộc theo học lớp Xoa bóp bấm huyệt do tỉnh Hội tổ chức năm 2015, sau khi học xong về được bố trí việc làm trong cơ sở xoa bóp của người mù, sau một thời gian thực tế đã mở được cơ sở riêng tạo việc làm cho 3 hội viên khác. Hiện nay đã mua được nhà riêng để xây dựng cơ sở, doanh thu một tháng là 29 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, còn thu nhập trên 10 triệu đồng.

   Nhiều người mù được học chữ Braille vận dụng vào thực tế công việc hàng ngày, ghi chép, đọc sách báo và tham gia viết tin bài cho Tạp chí Đời mới, viết bài dự thi Onkyo hàng năm… như ông Trần Hữu Quốc ở Điện Bàn, bà Trương Thị Ba ở Núi Thành…

Ảnh : Khai giảng lớp học chữ Braille năm 2019. 

   Ông Võ Ngọc Phổ vui vẻ tâm sự: “Hội Người mù tỉnh Quảng Nam đã cho tôi được học chữ, học nghề massage. Đặc biệt, chữ Braille đã gắn kết cuộc đời tôi, giúp tôi sử dụng hàng ngày, tham gia các cuộc thi Onkyo do Trung ương Hội tổ chức và điều hạnh phúc nhất là tôi lại được tiếp tục làm giáo viên giảng dạy lại cho những người mù khác học cái chữ này”.

   Thực hiện phong trào học tập đã có nhiều hội viên trẻ được học tập, rèn luyện vươn lên trở thành những sinh viên Đại học, Cao đẳng, đang học hoặc đã ra trường có việc làm ổn định như:  Võ Thị Oanh Kiều, huyện Hội Thăng Bình; Phạm Gia Huyên, huyện Hội Hiệp Đức; Nguyễn Phú Thịnh, huyện Hội Phú Ninh; Nguyễn Văn Tý, huyện Hội Quế Sơn...

   Khẳng định tại Hội nghị điển hình tiên tiến tháng 7 năm 2020, Hội Người mù tỉnh Quảng Nam xác định  phong trào “Thi đua học tập, phục hồi chức năng cho người mù” tiếp tục là nội dung quan trọng trong phương hướng giai đoạn 2020-2025.

Hồng Thống