Ảnh bìa

Giúp người mù Bình Dương chủ động vươn lên thông qua chương trình vay vốn

Nhằm hỗ trợ người mù trong tỉnh được hưởng lợi từ chương trình vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm, thời gian qua, Tỉnh hội Bình Dương và các Huyện, Thành hội đã hướng dẫn hội viên làm thủ tục vay vốn và xây dựng hàng trăm dự án đề nghị các cơ quan liên quan thẩm định, cho vay để phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn hỗ trợ này, nhiều người mù trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư làm ăn và có cuộc sống ngày càng ổn định hơn.

 Một chương trình ý nghĩa

Chương trình vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm là một chương trình có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với người mù. Đến nay, chương trình này đã được triển khai thực hiện 30 năm (1992-2022), hỗ trợ tạo việc làm cho hàng ngàn lượt hội viên, người mù trên địa bàn tỉnh Bình Dương và người thân của họ.

Ông Trần Văn Em, Chủ tịch Tỉnh hội cho biết: chủ trương và mục tiêu của Hội là cho nhiều người mù vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình, thủ tục vay vốn phải do chính người mù đứng tên và trực tiếp sử dụng cùng các thành viên trong gia đình, để đạt mục đích cuối cùng là người mù được hưởng kết quả do vốn vay mang lại. Từ mục tiêu trên, hoạt động hỗ trợ cho người mù được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất hiệu quả, góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người mù và lao động là người thân trong gia đình họ. Từ đó, nguồn vốn được bảo toàn và hiệu quả sử dụng vốn không ngừng được mở rộng theo thời gian. Tính đến nay, tổng số vốn gốc được Trung ương Hội và UBND tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) giao cho hội quản lý hơn 1,6 tỉ đồng.

Từ nguồn vốn trên, trong 30 năm qua, Hội đã lập 303 dự án với tổng số vốn quay vòng đạt hơn 13,4 tỉ đồng, giải quyết cho 2348 lượt hội viên, người mù vay vốn tạo việc làm, thu hút 4694 lao động. Hiện nay, người được hỗ trợ vay mức thấp nhất là 15 triệu đồng, người vay cao nhất là 100 triệu đồng. Đặc biệt, trong 30 năm qua, chỉ có 13 dự án gia hạn nợ với số vốn 673 triệu đồng do chu kỳ cây trồng, vật nuôi chưa đến kỳ thu hoạch, được Ngân hàng CSXH thẩm định và chấp thuận cho gia hạn.

Phát huy hiệu quả

Chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã mang lại việc làm cho nhiều người mù, giúp họ tăng thu nhập và cuộc sống; từ đó, có những đổi thay, cải thiện đáng kể. Từ nguồn vốn vay, nhiều người đã đầu tư làm nghề bó chổi, buôn bán nhỏ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đầu tư trồng và chăm sóc cao su, cây ăn trái, bán vé số hay cùng với gia đình bán thức ăn nhanh…

Chia sẻ về sự hỗ trợ ý nghĩa này, chị Trần Thị Ái, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, cho biết lúc trước gia đình chị rất khó khăn, có đất nhưng không có vốn để làm ăn. Năm 2002, chị được vận động vào Hội và nhờ đó chị mới biết đến chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. “Lúc đầu tôi được vay 2 triệu đồng, gia đình đã đầu tư trồng 350 cây cao su, nuôi ít gà thả vườn và gà mái đẻ. 2 năm sau tôi đã trả cả vốn và lãi cho Nhà nước. Sau đó, tôi được Hội cho vay lại 5 triệu đồng, rồi 10 triệu đồng, 20 triệu đồng. Tôi tiếp tục đầu tư vào trồng mới và chăm sóc cao su, chăn nuôi thêm heo để cải thiện cuộc sống gia đình”, chị Ái nói.

Chị Ái cho biết, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình chị khoảng 80 triệu đồng. Qua nhiều năm, chị đã tích lũy xây được căn nhà mới với diện tích 150m2 , mua sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình và nuôi 2 con học đại học đến nơi đến chốn. Năm 2020, gia đình chị Ái còn sắm được ô tô trị giá khoảng 400 triệu đồng để làm phương tiện đi lại. Chị Ái chia sẻ: “Để có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ Hội đã quan tâm, tạo điều kiện và giúp đỡ tôi được vay vốn làm ăn”.

Là một trong những hội viên được tiếp cận nguồn vốn đầu tiên từ 1993, anh Lê Văn An, phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một đã đầu tư vào chăn nuôi bò đạt hiệu quả. Bò sinh sản bao nhiêu, gia đình anh giữ lại nuôi hết, chỉ bán bò đực để có thu nhập phục vụ nhu cầu cuộc sống, có lúc đàn bò của anh lên đến 12 con. Hiện nay, do thành phố quy hoạch phát triển công nghiệp, diện tích đất không đủ để trồng cỏ cho bò ăn, nên anh bán bò xây nhà, trang trải cuộc sống và tích lũy để đầu tư việc khác. Cuộc sống của anh đã khá hơn rất nhiều, anh không vay vốn nữa mà để dành cho người khác vay làm ăn vươn lên thoát nghèo. 

Bà Phan Thị Sáu, 71 tuổi, ở thị xã Bến Cát, hơn 20 năm được Hội cho vay vốn làm nghề đan chổi nilon để bán cho người dân; Hội kêu gọi các ban ngành, trường học mua để quét bàn ghế văn phòng, bán cho tài xế quét bụi trong xe ô tô … nhờ đó thu nhập rất ổn định …

Ông Trần Văn Em cho biết thêm: trong 30 năm cho người mù vay vốn, nhờ hội làm tốt công tác khảo sát, tuyên truyền, hướng dẫn người mù làm ăn, giáo dục hội viên thấy được trách nhiệm và quyền lợi của mình, nên người mù trên địa bàn tỉnh luôn giữ chữ tín với Nhà nước. 100% người mù vay vốn sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Công tác thu hồi khi đến hạn đạt 100%, không có nợ quá hạn, không có vốn tồn đọng tại Ngân hàng CSXH, được Trung ương hội và cơ quan chức năng đánh giá cao.

Chương trình cho người mù vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần giảm hộ người mù nghèo còn 32 hộ và 05 hộ cận nghèo trong tổng số 672 người mù trong toàn tỉnh hiện nay .

Lê Khánh