Ảnh bìa

Hội thi tẩm quất, xoa bóp dành cho người mù toàn quốc lần thứ IV – thành công và triển vọng

Cùng với Hội thảo “Đánh giá thực trạng nghề tẩm quất, xoa bóp”, hội thi tay nghề toàn quốc lần thứ IV đã được tổ chức trong 2 ngày 11 và 12/9/2024 tại tỉnh Thừa Thiên – Huế với sự tham gia của 67 thí sinh đến từ 43 Tỉnh, Thành hội.

Lãnh đạo TW Hội, Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù, các Tỉnh, Thành hội đã tham dự lễ khai mạc, tổng kết, bế mạc hội thi và cổ vũ tinh thần cho các thí sinh trong suốt thời gian diễn ra hội thi.

Đồng chí Phạm Viết Thu – Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam chia sẻ: Hội thi nhằm tôn vinh những kĩ thuật viên có tay nghề xuất sắc – bàn tay vàng của các đơn vị trong cả nước, tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị cũng như cá nhân các kĩ thuật viên. Đây cũng là dịp tuyên truyền để cộng đồng xã hội hiểu thêm về khả năng học tập, lao động của người mù; từ đó, có thêm sự quan tâm, chung tay giúp đỡ nhiều hơn đối với tổ chức Hội và hội viên để cùng phát triển một ngành nghề rất phù hợp với người mù.

Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu – Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam phát biểu tại lễ trao giải hội thi.

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Ban Thường vụ TW Hội, Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù đã phối hợp với Ban Lao động sản xuất TW Hội xây dựng kế hoạch tổ chức hội thi. Bên cạnh việc ban hành quy chế và các văn bản liên quan, Trung tâm cũng đã xây dựng nội dung, hình thức, thời gian, biểu điểm, câu hỏi, đáp án nội dung thi lí thuyết và hướng dẫn phần thi thực hành gửi các Tỉnh, Thành hội để phổ biến rộng rãi, giúp các kĩ thuật viên có điều kiện ôn tập, chuẩn bị tốt cho hội thi. Mặt khác, Trung tâm cũng đã cùng với TW Hội và các đơn vị liên quan, trong đó, có Tỉnh hội Thừa Thiên – Huế chủ động chuẩn bị các nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị phù hợp, đảm bảo cho hội thi diễn ra một cách thuận lợi.

Một số Tỉnh, Thành hội đã tổ chức tốt hội thi tẩm quất, xoa bóp tại đơn vị như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng … một số đơn vị khác tuy điều kiện khó khăn, không thể tổ chức được hội thi tại địa phương nhưng cũng rất nghiêm túc, tích cực trong việc chuẩn bị, lựa chọn thí sinh tham dự hội thi toàn quốc.

Trong 2 ngày Hội thi diễn ra sôi nổi, mỗi thí sinh thực hiện một bài thi trong 25 phút với phần lí thuyết về giải phẫu và huyệt vị cùng phần thực hành xoa bóp 5 vùng trên cơ thể. Ban Giám khảo hội thi gồm 5 thành viên, là những y bác sĩ, giảng viên Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù - những người không chỉ có kiến thức, kĩ năng chuyên môn vững vàng mà còn có bề dày kinh nghiệm, gắn bó với công tác đào tạo nghề xoa bóp cho người mù trong nhiều năm qua.

ThS. Phạm Xuân Trường – Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù – Trưởng Ban Giám khảo cho biết: “Hầu hết các thí sinh đều nắm chắc kiến thức, thực hành thuần thục các động tác, áp dụng linh hoạt và phù hợp  từng nhóm thủ thuật trên mỗi vùng, xác định đúng vị trí các huyệt trên cơ thể. Các thí sinh đều nghiêm túc, nhiệt tình, tham gia hội thi với một tinh thần học hỏi cao và cố gắng hoàn thành tốt bài thi của mình”.

Tuy nhiên, cũng theo ThS. Phạm Xuân Trường, thực tế cho thấy các nhân viên, kĩ thuật viên tẩm quất, xoa bóp đã được đào tạo với các nội dung, quy trình khác nhau dẫn đến kiến thức, kĩ năng không đồng đều, một số ít anh chị em còn chưa nắm chắc, chưa có kiến thức sâu về giải phẫu, về vị trí, tác dụng của các kinh mạch, huyệt vị, thao tác kĩ thuật còn thiếu chuẩn xac, thuần thục nên chưa thật sự tự tin khi thực hiện bài thi.

Qua 2 ngày làm việc nghiêm túc, công tâm, khách quan và đầy trách nhiệm, Ban Giám khảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn và quyết định trao 2 giải nhất, 4 giải nhì, 8 giải ba và 16 giải khuyến khích cho các thí sinh. Trong đó, 2 giải nhất được trao cho các thí sinh Nguyễn Thiên Thượng – Tỉnh hội Quảng Bình và Nguyễn Xuân Thành – Tỉnh hội Thanh Hoá; 4 giải nhì thuộc về các thí sinh: Nguyễn Tùng Lâm – Thành hội Hà Nội, Nguyễn Cao Thức – Tỉnh hội Gia Lai, Lò Thị Nhung – Tỉnh hội Sơn La và Trần Văn Mão – Tỉnh hội Thừa Thiên – Huế; 8 giải ba thuộc về thí sinh đến từ các đơn vị: Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng (2 giải), Thái Bình, Ninh Bình, Sơn La, Nam Định.

Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội - Trưởng ban tổ chức hội thi trao giải nhất cho hai thí sinh.

Trò chuyện với chúng tôi, thí sinh Nguyễn Thị Phụng - Thành hội Đà Nẵng, người đạt giải khuyến khích của hội thi tâm sự: Trước khi đến đây, em cảm thấy vô cùng hồi hộp, lo lắng nhưng sau khi được gặp gỡ anh chị em kĩ thuật viên đến từ mọi miền đất nước, dù chưa quen biết nhưng em cảm nhận được những tình cảm rất ấm áp. Mọi người cùng trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống, về nghề nghiệp như chính những người thân trong gia đình.

Ảnh: Trao giải khuyến khích cho các thí sinh.

Còn thí sinh Nguyễn Xuân Thành – Tỉnh hội Thanh Hóa thì không giấu được niềm vui mừng, xúc động khi nhận giải nhất của hội thi. Anh chia sẻ: Hội thi có ý nghĩa rất lớn, giúp cá nhân anh và những kĩ thuật viên khiếm thị Việt Nam có cơ hội được cọ xát, giao lưu, học hỏi, nâng cao kiến thức, tay nghề của mình. Giải thưởng là niềm vinh dự của cá nhân anh và Tỉnh hội, đồng thời cũng là động lực để anh cố gắng nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Cũng chung niềm vui, niềm xúc động khi đạt giải nhất của Hội thi, thí sinh Nguyễn Thiên Thượng - Tỉnh hội Quảng Bình cho biết, anh sẽ mang những gì tinh túy nhất học hỏi được qua hội thi về áp dụng vào công việc của mình; đồng thời, cũng là một giáo viên dạy tẩm quất, xoa bóp, anh sẽ truyền đạt, chia sẻ với những người đồng tật Quảng Bình, cùng nhau trau dồi, nâng cao kiến thức, kĩ năng chuyên môn, nghề nghiệp để nghề xoa bóp của người mù ngày càng phát triển.

Cùng với các nội dung thi, phần giao lưu về kinh nghiệm và kĩ thuật cũng thực sự bổ ích, tạo ấn tượng sâu sắc đối với các nhân viên, kĩ thuật viên xoa bóp của các đơn vị. Thí sinh Vũ Thị Thảo - Thành hội Hà Nội, người đạt giải ba của cuộc thi cho biết: Qua phần giao lưu, trao đổi kĩ thuật với các anh chị em, em nhận thấy anh chị em khiếm thị làm massage rất tốt. Với kinh nghiệm hành nghề của bản thân có các khách hàng chủ yếu là các y bác sĩ, cán bộ và bệnh nhân tại các bệnh viện, em nghĩ rằng người khiếm thị hoàn toàn có thể mở rộng lượng khách hàng tương tự. Tuy nhiên, anh chị em chúng ta cần luôn đổi mới tư duy, không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức, tay nghề và đổi mới cách thức marketing để có thể phát triển dịch vụ và phục vụ khách hàng tốt hơn.

Hội thi kết thúc trong niềm vui và những triển vọng mới về sự phát triển của nghề tẩm quất, xoa bóp để ngày càng nhiều người mù có việc làm, thu nhập, không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân mà còn phát huy năng lực, đóng góp hiệu quả vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Hà Anh