Ảnh bìa

Thành hội Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm thực hiện chương trình vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm

Sáng 14/6/2022, Hội Người mù TP Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm thực hiện chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Dự hội nghị có đồng chí Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội, đồng chí Hoàng Liên Sơn – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cùng cán bộ, hội viên tiêu biểu tại các đơn vị Quận, Huyện hội trong toàn thành phố.

Chương trình vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm được bắt đầu thực hiện sau khi Nghị quyết số 120/HĐBT ngày 11/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về cho vay vốn giải quyết việc làm theo dự án nhỏ có hiệu lực. Theo đó, các hội, đoàn thể đứng ra vay để giải quyết việc làm, tăng thu nhập kết hợp xóa đói nghèo cho hội viên.

Ảnh: Ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch HNM TP Hà Nội phát biểu khai mạc hội nghị.

Để giúp hội viên tiếp cận thuận lợi và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, Hội Người mù thành phố Hà Nội đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm trên các phương tiện truyền thông của TW, địa phương về mục đích ý nghĩa, nội dung, tầm quan trọng của Chương trình. Từ đó, anh chị em hội viên tích cực tham gia, chương trình đã trở thành phong trào thi đua trong toàn Hội. Thành hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, chính quyền địa phương triển khai kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình, cho vay vốn phù hợp với đặc thù của dạng tật.

Trong quá trình thực hiện, Hội đã lồng ghép hoạt động tín chấp nguồn vốn với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các dự án phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho lao động.

Đã có hàng nghìn lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật được tổ chức, thu hút sự tham gia của 12,3 nghìn lượt hội viên với các loại hình lớp mây tre đan, trồng nấm, nuôi bò sinh sản; xoa bóp tẩm quất… Sau các khóa học nghề, truyền nghề, hội viên có nhu cầu sẽ được hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn và kỹ thuật để phát triển sản xuất.

Ảnh: Toàn cảnh hội nghị.

Đến 2008, Hội thành lập Trung tâm Dạy nghề trực thuộc với nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo nghề chuyên nghiệp. Sự ra đời của Trung tâm Dạy nghề  đã thúc đẩy công tác dạy nghề theo hướng chuyên sâu hơn, đào tạo  bài bản hơn. Bên cạnh việc dạy nghề truyền thống, hiện nay, Trung tâm đã được cơ quan chức năng cấp phép đào tạo nghề công tác xã hội trình độ sơ cấp, các lớp bán hàng online, lớp tin học, tiếng Anh, kỹ năng sống… Mỗi năm, Trung tâm tổ chức từ 6 đến 10 lớp dạy nghề, tư vấn việc làm cho 200 lượt cán bộ, hội viên, 95% hội viên sau học nghề đều có việc làm.

Trải qua 30 năm thực hiện chương trình,  Hội đã lập 1082 dự án cho 19.584 lượt người vay, tạo việc làm ổn định cho 28,6 nghìn lao động là người mù và các thành viên trong gia đình. Tổng số vốn vay từ 1992-2017 qua UBND thành phố là 32,1 tỉ đồng, qua kênh TW hội là gần 3 tỉ đồng và từ nguồn của tổ chức ADRA là 426 triệu đồng. Sau khi UBND thành phố Hà Nội, ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, thì nguồn vốn hiện chỉ còn 2,1 tỉ đồng.

Ảnh: Ông Đinh Thanh Tùng trao bằng khen của Trung ương Hội cho tập thể và cá nhân.

Nhờ có chính sách vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, các cơ sở sản xuất của hội đã vượt qua khó khăn khắc nghiệt của cơ chế thị trường, dần ổn định, có chiều hướng phát triển.

Tiêu biểu như xí nghiệp 3-2 của Thành hội Hà Nội (hoạt động từ năm 1972 đến 2003), năm 1993, được vay 100 triệu đồng theo dự án nhỏ với lãi suất 0,4%/tháng, xí nghiệp đã sản xuất được nhiều mặt hàng mới, đảm bảo chất lượng được khách hàng ưa chuộng như: Cao su màu, tấm trải sàn xe, ống nước chịu áp lực.... Doanh thu năm 1993 của xí nghiệp đạt 800 triệu đồng, lương bình quân của người lao động đạt 200 ngàn đồng/tháng. Đây là mức thu nhập duy trì cuộc sống ổn định của người lao động tại Hà Nội vào thời điểm đó.

Cũng từ nguồn vốn vay ấy, không chỉ cơ sở sản xuất của Hội phát triển mà những cơ sở sản xuất, mô hình kinh tế gia đình của anh chị em hội viên ngày một phát triển. Ngày đầu thành lập mới chỉ có 1 cơ sở sản xuất của người khiếm thị, đến nay, nhờ triển khai tốt chương trình vay vốn, các cơ sở do Hội thành lập và quản lý đã lên tới 30 hợp tác xã và tổ hợp tác thu hút hàng nghìn lao động trong đó 85% là người khiếm thị. Số cơ sở xoa bóp do tổ chức Hội và hội viên đứng ra làm chủ (có từ 5 lao động là người khiếm thị trở lên) là 125 cơ sở với hàng nghìn người khiếm thị có việc làm thường xuyên.

Ảnh: Ông Lê Trung Quyết trao giấy khen của Thành hội cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc.

Riêng nghề thủ công, xoa bóp bấm huyệt, trong 5 năm gần đây từ 2017-2022 doanh thu hàng năm tăng bình quân 18,2%. Năm 2021, mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng vẫn đạt mức doanh thu 11,2 tỷ đồng, thu hút 686 lao động với mức thu nhập bình quân của người làm thủ công đạt 1,5 triệu đồng/tháng, nghề xoa bóp từ 5 triệu đồng đến 5,5 triệu đồng/tháng. Một số Quận, Huyện, Thị hội duy trì các cơ sở xoa bóp, cơ sở sản xuất tốt với mức lương ổn định và doanh thu hàng năm cao như: Hà Đông, Thanh Oai, Sơn Tây, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Ba Đình, Mê Linh, Thanh Trì, Hoài Đức, Mỹ Đức…

Với sự kịp thời của nguồn vốn vay, nhiều anh chị em hội viên đã tìm được lối đi trong việc làm kinh tế. Họ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, làm dịch vụ không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân, cho gia đình mà mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều người khác. Đời sống của họ thực sự đã sang một trang mới với nhà cửa khang trang cùng những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và con cái được học hành đầy đủ.

Tiêu biểu như anh Lê Văn Bình ở Huyện hội Ba Vì được vay vốn với số tiền 50 triệu đồng để mua bò sữa, hiện nay trong chuồng nhà anh có 12 con bò sữa, tổng doanh thu mỗi năm 625 triệu đồng, trừ chi phí anh lãi 192 triệu đồng một năm. Chị Huỳnh Thị Ngọc Uyển ở Ba Đình được vay với số tiền là 50 triệu đồng, mua trang thiết bị mở cơ sở xoa bóp tẩm quất tại nhà, tạo việc làm cho 8 kỹ thuật viên thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Sau nhiều năm tích cóp chị đã xây được ngôi nhà 7 tầng khang trang và nuôi 2 con ăn học thành đạt. Anh Tạ Đình Hán ở quận Hoàn Kiếm được vay vốn mua trang thiết bị mở cơ sở xoa bóp tẩm quất tạo điều kiện cho 7 kỹ thuật viên có việc làm ổn định mỗi năm thu nhập 2,2 tỉ đồng. Anh Đặng Văn Cẩn ở Phúc Thọ được vay 50 triệu đồng đó đầu tư trồng 9 sào bưởi diễn. Ngoài trồng bưởi, mỗi năm anh nuôi 2 con lợn sinh sản và trên 30 con lợn thương phẩm. Thu nhập từ bưởi diễn và chăn nuôi, hàng năm lãi từ 90 đến 110 triệu đồng…

Ảnh: Bà Chu Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Thành hội trao giấy khen cho các cá nhân.

Nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm đã góp phần thay đổi cuộc sống của rất nhiều hội viên. Hiện số hộ nghèo có hội viên khiếm thị sinh sống giảm còn 0,64%.

Với nền tảng là những kết quả đã đạt được sau 30 năm vay vốn, trong thời gian tới, Thành hội đặt mục tiêu Hỗ trợ 100% hội viên trong độ tuổi lao động có nhu cầu, đủ điều kiện, được vay vốn, được học nghề, tạo điều kiện tìm việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống; Giảm tỉ lệ hộ nghèo trong Hội mỗi năm từ 0,01% trở lên. Duy trì ổn định và phát triển các cơ sở sản xuất. Ngoài số vốn hiện đang quản lý, phấn đấu mỗi năm tăng thêm nguồn vốn 100 triệu đồng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc đời sống, hỗ trợ hội viên gặp khó khăn, hỗ trợ khám chữa bệnh, xây nhà cho hội viên…

Thành hội cũng đề nghị được bổ sung thêm nguồn vốn vay hàng năm; tháo gỡ một số vấn đề còn vướng mắc và thống nhất các quy định, thủ tục hồ sơ vay vốn; tăng mức vay cao hơn so với hiện nay…

Ảnh: Ông Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội phát biểu tại hội nghị.

Ảnh: Ông Hoàng Liên Sơn - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Thanh Tùng và đồng chí Hoàng Liên Sơn đánh giá cao hiệu quả của chương trình vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm tại Thành hội; đồng thời đề nghị Thành hội tăng cường công tác truyền thông để hội viên nắm bắt được những quy định cũng như những chính sách ưu đãi, chương trình vay vốn để anh chị em có thể tiếp cận những nguồn vốn này, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống.

Ảnh: Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm.

Tại hội nghị, Trung ương Hội đã tặng bằng khen cho 2 tập thể và 2 cá nhân, Thành hội tặng giấy khen cho 4 tập thể và 6 cá nhân đã có những thành tích trong quá trình thực hiện chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Thùy Dương