Ảnh bìa

Tưng bừng hội thi tẩm quất – xoa bóp dành cho người mù toàn quốc lần thứ III

Cùng với Hội nghị tổng kết 30 năm chương trình vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm, Hội thi tay nghề tẩm quất, xoa bóp toàn quốc lần thứ III đã được TW Hội phối hợp với Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 7 và 8/9/2022.

Dự lễ khai mạc Hội thi có PGS. TS. Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, đồng chí Dương Đình Liễu – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, đồng chí Đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, đại diện Bộ Nội vụ, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, lãnh đạo TW Hội, Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù, các  Tỉnh, Thành hội và 72 thí sinh đến từ 43 đơn vị trong cả nước.

Đồng chí Phạm Viết Thu – Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: Hội thi nhằm đánh giá thực trạng nghề tẩm quất, xoa bóp, tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị cũng như cá nhân các nhân viên, kĩ thuật viên, đồng thời, tôn vinh những kĩ thuật viên có tay nghề xuất sắc, thúc đẩy phong trào thi đua  trong toàn Hội. Đây cũng là dịp tuyên truyền giúp cộng đồng xã hội hiểu thêm về khả năng học tập, lao động của người mù; từ đó, có thêm sự quan tâm, chung tay giúp đỡ nhiều hơn đối với tổ chức Hội và hội viên.

Ảnh: Đồng chí Đinh Thanh Tùng - Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội và đồng chí Phạm Xuân Trường - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và PHCN cho người mù trao giải nhì cho các thí sinh.

Là đơn vị chuyên môn được giao chủ trì tổ chức Hội thi, ngay từ khi nhận được chỉ đạo của Ban Thường vụ TW Hội, Trung tâm Đào tạo  cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù đã phối hợp với Ban Lao động sản xuất TW Hội xây dựng kế hoạch tổ chức hội thi. Bên cạnh việc ban hành quy chế và các văn bản liên quan, Trung tâm cũng đã phối hợp với Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam xây dựng nội dung, hình thức, thời gian,biểu điểm, câu hỏi, đáp án nội dung thi lí thuyết và tài liệu hướng dẫn phần thi thực hành gửi các Tỉnh, Thành hội để phổ biến rộng rãi, giúp các kĩ thuật viên có điều kiện ôn tập, chuẩn bị tốt cho hội thi. Mặt khác, Trung tâm cũng đã cùng với TW Hội tiến hành khảo sát địa điểm, rút kinh nghiệm từ hai lần thi trước, chủ động chuẩn bị các nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị phù hợp, đảm bảo cho hội thi diễn ra một cách thuận lợi.

Một số Tỉnh, Thành hội đã tổ chức tốt hội thi tẩm quất, xoa bóp tại đơn vị như: Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa… một số đơn vị khác tuy điều kiện khó khăn, không thể tổ chức được hội thi tại địa phương nhưng cũng rất nghiêm túc, tích cực trong việc chuẩn bị, lựa chọn thí sinh tham dự hội thi toàn quốc.

Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội và đồng chí Đinh Thị Quỳnh Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và PHCN cho người mù trao giải ba cho 10 thí sinh.

Trong 2 ngày Hội thi diễn ra sôi nổi, mỗi thí sinh thực hiện một bài thi trong 25 phút với phần lí thuyết về giải phẫu và huyệt vị cùng phần thực hành xoa bóp 5 vùng trên cơ thể. Ban Giám khảo hội thi gồm 8 thành viên, là những giảng viên Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam và Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù - những người không chỉ có kiến thức, kĩ năng chuyên môn vững vàng mà còn có bề dày kinh nghiệm, gắn bó với công tác đào tạo nghề xoa bóp cho người mù trong nhiều năm qua.

Theo đánh giá của Ban Giám khảo, hầu hết các thí sinh đều nắm chắc kiến thức, thực hành thuần thục các động  tác, áp dụng linh hoạt và phù hợp  từng nhóm thủ thuật trên mỗi vùng, xác định đúng vị trí các huyệt trên cơ thể. Các thí sinh đều nghiêm túc, nhiệt tình, tham gia hội thi với một tinh thần học hỏi cao và cố gắng hoàn thành tốt bài thi của mình. ThS. Phạm Xuân Trường – Giám Đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù – Trưởng Ban Giám khảo vui mừng cho biết: “Hội thi năm nay không chỉ có sự tăng lên đáng kể về số lượng các thí sinh mà chất lượng các phần thi lí thuyết, thực hành đã có sự tiến bộ rõ rệt so với 2 Hội thi trước. Số lượng thí sinh đạt từ 80 điểm trở lên là 40 người, chiếm đến 55,56 %, số thí sinh đạt từ 70 dưới 80 điểm là 20 người, chiếm 27,78%. Đặc biệt, các thí sinh đến từ vùng núi, vùng sâu, vùng xa, các vùng Đông, Tây Nam Bộ, cũng đã có điểm số đồng đều và cao hơn nhiều so với 2 Hội thi trước. Điều đó đã nói lên sự nỗ lực của các đơn vị cũng như cá nhân các thí sinh tham dự Hội thi.

Ảnh: Các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội và đại diện ban giám khảo cuộc thi chụp ảnh lưu niệm cùng 2 thí sinh đạt giải nhất cuộc thi.

Tuy nhiên, cũng theo ThS. Phạm Xuân Trường, thực tế cho thấy các nhân viên, kĩ thuật viên tẩm quất, xoa bóp đã được đào tạo với các nội dung, quy trình khác nhau dẫn đến kiến thức, kĩ năng không đồng đều, một số ít anh chị em còn chưa nắm chắc, chưa có  kiến thức sâu về giải phẫu, về vị trí, tác dụng của các kinh mạch, huyệt vị, thao tác kĩ thuật còn thiếu chuẩn xac, thuần thục nên chưa thật sự tự tin khi thực hiện các bài thi.”

Qua 2 ngày làm việc nghiêm túc, khách quan và đầy trách nhiệm, Ban Giám khảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn và quyết định trao 2 giải nhất, 4 giải nhì, 10 giải ba và 56 giải khuyến khích cho các thí sinh. Trong đó, 2 giải nhất được trao cho các thí sinh Trần Anh Văn – Tỉnh hội Nam Định và Đoàn Thị Điệp – Tỉnh hội Gia Lai; 4 giải nhì thuộc về các thí sinh: Nguyễn Văn Sáng – Tỉnh hội Hải Dương, Ngô Đình Nhu – Tỉnh hội Thái Nguyên,  Phạm Quang Giang – Tỉnh hội Ninh Bình và Nguyễn Thị Nga – Tỉnh hội Thái Bình; 10 giải ba thuộc về thí sinh đến từ các đơn vị: Hải dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Lâm Đồng và Sóc Trăng.

 Trò chuyện với chúng tôi, thí sinh Trần Anh Văn – Tỉnh hội Nam Định không dấu được niềm vui mừng, xúc động khi đạt giải nhất của Hội thi. Anh cho biết: Hội thi có ý nghĩa rất lớn, giúp cá nhân anh và những người khiếm thị Việt Nam có sân chơi bổ ích, có cơ hội được cọ xát, giao lưu, học hỏi, trau dồi, nâng cao kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp của mình.

Cũng chung niềm vui, niềm xúc động khi đạt giải nhất của Hội thi, thí sinh Đoàn Thị điệp cho biết: “Ở Tỉnh hội Gia Lai có rất nhiều người mù chưa có việc làm. Tôi sẽ cố gắng cùng Tỉnh hội dạy nghề và tạo việc làm, từng bước giúp họ có cuộc sống ổn định và vươn lên hòa nhập cộng đồng.”

Bên cạnh các nội dung thi, phần giao lưu về kinh nghiệm và kĩ thuật cũng thực sự bổ ích, tạo ấn tượng sâu sắc đối với các nhân viên, kĩ thuật viên  xoa bóp của các đơn vị. Hội thi kết thúc trong niềm vui và những triển vọng mới về sự phát triển của nghề tẩm quất, xoa bóp để ngày càng nhiều người mù có việc làm, thu nhập, không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân mà còn phát huy năng lực, đóng góp hiệu quả vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Hà Anh