Diễn đàn trẻ em khiếm thị lần thứ nhất với chủ đề “Chung tay vì sự bình đẳng, hòa nhập của trẻ em khiếm thị”
Sáng 26/8/2022, tại thành phố Hà Nội, Trung ương Hội đã tổ chức Diễn đàn trẻ em khiếm thị lần thứ nhất với chủ đề “Chung tay vì sự bình đẳng, hòa nhập của trẻ em khiếm thị”.
Tham dự diễn đàn có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thị Mai Thoa, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, chủ tịch hội đồng đội Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo đại diện Ban Dân vận trung ương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…Đặc biệt là sự tham gia của 60 trẻ em khiếm thị tiêu biểu đại diện cho trẻ em khiếm thị toàn quốc với những mong muốn được tham gia một cách đầy đủ, bình đẳng vào các hoạt động chung như mọi trẻ em khác.
Ảnh: Toàn cảnh diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: "Diễn đàn nhằm tạo cơ hội để đại diện trẻ em khiếm thị trong cả nước bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, chuyển tải những thông điệp đến lãnh đạo Đảng, nhà nước, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban, Bộ ngành và các tổ chức liên quan. Từ đó, lãnh đạo Đảng, nhà nước, các cơ quan, tổ chức hiểu thêm về tâm tư, nguyện vọng của các cháu, có thêm thông tin, cơ sở để xây dựng các kế hoạch, giải pháp, hoạt động nhằm thúc đẩy sự bình đẳng, hòa nhập của trẻ em khiếm thị, giúp các cháu từng bước khắc phục khó khăn, phát huy khả năng, vươn lên hòa nhập cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước với mục tiêu "Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Với mục tiêu vận động, thay đổi và đưa vào thực hiện chính sách, pháp luật để bảo đảm quyền, thúc đẩy sự hòa nhập, bình đẳng của trẻ em khiếm thị và trẻ em khuyết tật nói chung, Diễn đàn đã tập trung vào những chủ đề lớn mà trẻ em khiếm thị đặc biệt quan tâm như: Can thiệp sớm, phục hồi chức năng và giáo dục; Văn hóa, vui chơi giải trí, tiếp cận thông tin; Tiếp cận giao thông, công trình công cộng, sự tham gia của trẻ em khiếm thị; Trẻ em khiếm thị và sự tham gia bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình…
Phát biểu tại Diễn đàn, cháu Bùi Quang Khánh ở quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng chia sẻ những khó khăn, thắc mắc và mong muốn: "Chúng cháu - những học sinh khiếm thị đang phải đối mặt với khó khăn thiếu sách giáo khoa, sách bổ trợ bằng chữ nổi, bản word, file âm thanh, chữ phóng to cho học sinh nhìn kém. Đặc biệt là sách giáo khoa lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 theo chương trình mới vẫn chưa được in bằng chữ nổi hoặc chuyển sang định dạng dễ tiếp cận nên chúng cháu chưa có sách học. Vậy sắp tới các bác, các cô, các chú có giải pháp gì để hỗ trợ cho chúng cháu ạ".
Ảnh: Cháu Nguyễn Quý An Dung ở TP Đà Nẵng bày tỏ nguyện vọng tại Diễn đàn.
Cháu Nguyễn Thị Thanh Mai ở Sóc Trăng thì đề nghị điều chỉnh tăng giới hạn tuổi đủ điều kiện nhập học hoà nhập nhằm tạo cơ hội học tập cho trẻ khuyết tật. Hay cháu Nguyễn Quý An Dung ở TP Đà Nẵng bày tỏ nguyện vọng các công trình giao thông công cộng có biển chỉ dẫn, thông tin bằng chữ nổi, âm thanh, dấu hiệu nổi báo để các em có thể chủ động trong đi lại, học tập, sinh hoạt…
Ảnh: Đồng chí Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội của Quốc hội phát biểu tại diễn đàn.
Rất nhiều ý kiến của các em tại Diễn đàn đã nhận được những câu trả lời đầy trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết của đại diện các Bộ, ban ngành trung ương.
Diễn đàn đã xây dựng thông điệp và kiến nghị của trẻ em khiếm thị Việt Nam với 10 nội dung gồm:
1. Mất đi ánh nhìn không có nghĩa là mất đi tầm nhìn.
2. Can thiệp sớm là cơ hội vàng trong phục hồi chức năng cho trẻ em khiếm thị nói riêng, trẻ em khuyết tật nói chung.
3. Hãy tạo cơ hội để trẻ khuyết tật tham gia tối đa vào các hoạt động phù hợp, yêu thương không đồng nghĩa với sự bảo bọc và làm thay mọi việc.
4. Môi trường bình đẳng, thân thiện, tiếp cận và hòa nhập là ước mơ của trẻ em khiếm thị nói riêng, trẻ em khuyết tật nói chung.
5. Cơ hội giáo dục, hướng nghiệp và tiếp cận thông tin là những nền tảng cơ bản để trẻ em khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.
6. Trẻ em khiếm thị cần được vui chơi, giải trí, phát triển thể chất, tinh thần như bao trẻ em khác.
7. Trẻ em khuyết tật có khả năng biến những điều không thể thành có thể nếu được gia đình, nhà trường, xã hội tạo những điều kiện đầy đủ và đúng nghĩa.
8. Mọi vấn đề liên quan trẻ em khuyết tật cần có sự tham gia của trẻ em khuyết tật.
9. Lắng nghe trẻ em khuyết tật để hành động vì lợi ích tốt nhất của trẻ em khuyết tật, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.
10. Hãy cùng yêu thương, tôn trọng, bảo vệ, chăm sóc và bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật.
Cháu Tô Nhật Hà, đến từ TP Hà Nội bày tỏ: "Chúng cháu mong muốn những thông điệp, kiến nghị này được các cơ quan, tổ chức thường xuyên xem xét và có những giải pháp phù hợp, tạo điều kiện để chúng cháu khắc phục khó khăn, phát huy khả năng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng".
Ảnh: Cháu Tô Nhật Hà, ở TP Hà Nội đại diện các em len đọc thông điệp Diễn đàn.
Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: “Các cháu đã kiến nghị, đề xuất những vấn đề xác đáng, như: can thiệp sớm, phục hồi chức năng, giáo dục, hướng nghiệp, vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, tiếp cận thông tin, giao thông, công trình công cộng và sự tham gia của trẻ em khiếm thị nói riêng, trẻ em khuyết tật nói chung; đó là những vấn đề chúng ta cần phải quan tâm, trăn trở, tìm cách để đáp ứng mong mỏi của các cháu…”, đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Ảnh: Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.
Đồng thời, đồng chí Đỗ Văn Chiến đánh giá cao sự lắng nghe, chia sẻ và phản hồi thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm yêu thương của đại diện các ban, bộ, ngành, tổ chức đã dành cho các cháu.
Đồng chí mong muốn sau diễn đàn này, các ban, bộ, ngành, các tổ chức căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình sẽ rà soát hệ thống chính sách, pháp luật, nhất là khâu tổ chức thực hiện cùng những nội dung khác liên quan các vấn đề mà các cháu kiến nghị, đưa ra những đề xuất, giải pháp phù hợp nhằm giải quyết thỏa đáng những vấn đề các cháu kiến nghị để trẻ em khiếm thị nói riêng, trẻ em khuyết tật nói chung ngày càng được bảo đảm thực hiện quyền lợi, có cơ hội phát triển toàn diện trong môi trường bình đẳng, thân thiện, hòa nhập, xây đắp tương lai hạnh phúc.
Ảnh: Đồng chí Đỗ Văn Chiến và các đồng chí lãnh đạo trao quà cho các cháu tại Diễn đàn.
Nhân dịp này, Trung ương Hội đã tổng kết và trao giải cuộc thi Ươm hạt giống tâm hồn. Với 64 bài tham dự vòng chung khảo ở 2 định dạng audio và video gồm các thể loại: âm nhạc, kể chuyện, chia sẻ ước mơ, các thí sinh đã thể hiện năng khiếu, khả năng của mình cùng những tâm tư, tình cảm, lan tỏa những thông điệp đầy ý nghĩa.
Từ quá trình làm việc khách quan, trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ Ban Giám khảo giàu kinh nghiệm: Nhà thơ, nhà văn, nhà báo Trần Đăng Khoa; TS Vũ Dương Thúy Ngà, Nhạc sĩ Giáng Son, Nhạc sĩ Lê Tâm, ThS Đinh Việt Anh và cân nhắc nhiều yếu tố, Ban tổ chức đã trao 2 giải nhất mỗi giải nhận số tiền thưởng 1,5 triệu đồng, 5 giải nhì mỗi giải nhận tiền thưởng 1 triệu đồng, 8 giải ba mỗi giải nhận tiền thưởng 700000 đồng, 18 giải khuyến khích mỗi giải nhận số tiền thưởng là 500000 đồng và 1 giải do khán giả bình chọn nhận số tiền thưởng 1 triệu đồng. Tất cả các thí sinh tham gia cuộc thi đều được tặng một chiếc đài radio có gắn thẻ nhớ để có thể nghe sách, báo, tài liệu và âm nhạc.
Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Trung ương Hội trao giấy chứng nhận và phần thưởng cho thí sinh đạt giải nhất của cuộc thi Ươm hạt giống tâm hồn.
Ảnh: Lễ báo công dâng Bác tại Quảng trường Ba Đình.
Ảnh: Các cháu đã có cơ hội bày tỏ nguyện vọng với các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tại nhà Quốc hội.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, sáng 25/8, Trung ương Hội đã tổ chức lễ báo công về công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em khiếm thị và thành tích của các cháu tham dự Diễn đàn dâng lên Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đoàn đại biểu cán bộ Hội và các cháu cùng vào Lăng viếng Bác và đến thăm nhà Quốc Hội. Đón tiếp đoàn tại nhà Quốc hội, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội đối với trẻ em, nhất là trẻ em khuyết tật.
Ghi nhận nguyện vọng của các cháu cũng như ý kiến của Hội Người mù Việt Nam nhằm giúp các cháu giảm bớt khó khăn trong học tập và cuộc sống, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Tòa nhà Quốc hội là nơi diễn ra Kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cuộc họp của Ủy ban của Quốc hội, nơi các đại biểu Quốc hội thảo luận và đưa ra những quyết sách quan trọng nhất của đất nước, trong đó, sẽ cố gắng bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách đáp ứng những mong mỏi, đề xuất, nguyện vọng của trẻ em khiếm thị.
Nhân dịp này, 60 trẻ em khiếm thị tiêu biểu đã được đón nhận những phần quà ý nghĩa từ Quốc hội, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên CS hồ Chí Minh. Công ty Cổ phần chứng khoán Thiên Việt tài trợ toàn bộ giải thưởng và quà tặng cuộc thi “Ươm hạt giống tâm hồn”.
Đời mới