Ảnh bìa

Cây gậy trắng giúp người mù vững bước trên đường đi – tự tin trên đường đời

Ngay sau lễ Kỷ niệm 25 năm hoạt động của Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù (15/11/2022), Trung ương Hội đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”.

Sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam” được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát động vào ngày 05/12/2019 trong Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng. Với thông điệp “cả nước chung tay mang lại hạnh phúc cho người mù”, được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cán bộ, công chức, viên chức của Bộ cùng các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, 3 năm qua, chương trình đã mang đến hơn 20.300 cây gậy trắng cho người mù tại 55 tỉnh, thành phố và một số nhóm người mù sinh hoạt tại các CLB, tổ massage trên địa bàn Hà Nội. TW Hội đã cùng Công đoàn Bộ đến trao tặng gậy trực tiếp cho một số Tỉnh, Thành hội miền Bắc và miền Trung.

Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội phát biểu khai mạc hội nghị.

Từ nửa cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể tổ chức đi trao gậy trực tiếp nên đã chuyển sang các buổi trao gậy trực tuyến và sau đó chuyển gậy về cho các địa phương. Hiện nay, Bộ đang tiếp tục đặt hàng Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội 8.350 cây.

Sau khi rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng của hội viên, những chiếc gậy trắng đầy nghĩa tình đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Trung ương Hội tổ chức chuyển đến các Tỉnh, Thành hội, từ đó, trao tận tay cho cán bộ, hội viên trong cả nước. Với các tỉnh chưa có tổ chức hội, TW Hội đã có công văn gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị hỗ trợ rà soát, tổng hợp nhu cầu của người mù trong tỉnh cũng như phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổ chức Hội thực hiện sáng kiến.

 

Ảnh: Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Bệnh viện chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Đặc biệt, thực hiện cam kết với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với sự giúp đỡ của Bộ và Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cùng tổ chức MAIS Italia, Trung tâm Đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù đã tổ chức 8 khoá tập huấn định hướng không gian và đi lại tại ba miền bắc, trung, nam cho gần 400 cán bộ, hội viên nòng cốt của các Tỉnh, Thành hội. Trung tâm cũng hoàn thiện giáo trình hướng dẫn sử dụng gậy định hướng và phát hành chung trong toàn Hội. Các Tỉnh, Thành hội nhận gậy được sự hỗ trợ của chính quyền, các Sở, ban ngành địa phương cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho người mù tại đơn vị mình.

Tại các lớp học, anh chị em học viên được tìm hiểu những kiến thức cơ bản về tâm lý, đặc điểm riêng của người mù so với các dạng tật khác; hướng dẫn thực hành cách đi lại với cây gậy trắng kết hợp các thế tay an toàn trên nhiều địa hình thường gặp trong cuộc sống như: đi trên vỉa hè, dưới vỉa hè, qua ngã ba, ngã tư, vượt chướng ngại vật, qua hào rãnh, đi cầu thang bộ, thang cuốn,các địa hình vùng núi, nông thôn…Các học viên được trải nghiệm thực tiễn tại công trình công cộng như đi tàu điện trên cao, đi siêu thị, các nút giao thông ngã ba, ngã tư đường phố…

 Với người mù, cây gậy trắng không dừng ở phương tiện định hướng đơn thuần, mà còn là biểu tượng cho tính độc lập, chủ động. Giờ đây, hàng nghìn người mù trên khắp mọi miền Tổ quốc đã chủ động, mạnh dạn vững bước trên đường đi và tự tin hơn trên đường đời.

Mặc dù cơ sở hạ tầng về giao thông ở nhiều nơi còn hạn chế, nhưng với cây gậy trong tay, người mù đã có thể tự đi bộ hoặc đi ra bến xe, bến tàu, tham gia các phương tiện giao thông công cộng để đến những nơi mình muốn: đến trường, đến nơi làm việc,  đi mua sắm, phục vụ các sinh hoạt trong đời sống hàng ngày và tham gia các hoạt động cộng đồng một cách an toàn, chủ động, tạo tiền đề quan trọng và được tiếp thêm động lực, niềm tin vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng

Anh Tạ Đình Hán, hội viên Hội Người mù Tp Hà Nội cũng là vận động viên đoàn thể thao khuyết tật Hà Nội chia sẻ: dù mưa hay nắng, mùa hè hay mùa đông đều đặn hàng ngày anh đi từ nhà ra bến xe bus rồi từ bến xe bus đến sân vận động Hàng Đẫy để tập luyện. Tập luyện xong anh cùng người bạn vận động viên khiếm thị nữa tự đi ăn sáng rồi lại đi xe bus về nhà, đi đến cơ sở xoa bóp, đi siêu thị, đi chợ… và trong suốt 1 ngày dài bận rộn của quá trình di chuyển ấy, cây gậy trắng là công cụ đắc lực không thể thiếu với anh trên mọi cung đường. Anh Hán chia sẻ: “Cây gậy trắng đã giúp ích rất nhiều cho tôi trong cuộc sống, công việc hàng ngày. Giờ đây tôi không cần phải phụ thuộc vào người khác đưa dẫn mà có thể chủ động đi lại một cách an toàn.”

Phát biểu tại hội nghị sơ kết, đồng chí Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Hải Dương chia sẻ về quá trình đưa cây gậy trắng đến tận tay hội viên tại đơn vị mình: Tỉnh hội đã cử giáo viên tham gia lớp sử dụng gậy do Trung tâm tổ chức, đồng thời xây dựng kế hoạch đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mở 12 lớp dạy sử dụng gậy tại 12 hội người mù các huyện thành phố, cùng với việc mở lớp chúng tôi đã trao 240 cây gậy cho hội viên tại các lớp tập huấn. Nhận được gậy là anh chị em hội viên rất phấn khởi.”

Ảnh: Đồng chí Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Hải Dương chia sẻ về việc triển khai cấp phát, hướng dẫn hội viên sử dụng gậy trắng tại đơn vị mình.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai sáng kiến đã gặp một số khó khăn, hạn chế như: nếu mua gậy đạt chuẩn từ nước ngoài thì giá cả rất cao trong khi trong nước chưa có nhiều công ty, đơn vị sản xuất gậy trắng cho người mù, không có nguồn dự trữ gậy thường xuyên với số lượng lớn mà phải làm theo đặt hàng riêng; Một số Tỉnh, Thành hội sau khi nhận được gậy chưa thể tổ chức phát gậy và tập huấn cho hội viên do còn trong thời gian giãn cách xã hội hoặc chưa có kinh phí cho hoạt động tập huấn; Ở các địa phương chưa có hội, việc rà soát, tổng hợp nhu cầu cũng như trao gậy gặp nhiều khó khăn; nhiều người mù cao tuổi, hoặc ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hoặc người dân tộc thiểu số … nên việc tìm hiểu thông tin, hướng dẫn, tập huấn còn gặp khó khăn.

Ảnh: Bà Lê Thị Tường Thu – Chủ tịch công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ niềm vui mừng về kết quả của sáng kiến cây gậy trắng đối với đời sống của người mù Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết, bà Lê Thị Tường Thu – Chủ tịch công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ niềm vui mừng về kết quả của sáng kiến cây gậy trắng đối với đời sống của người mù Việt Nam. Trên cơ sở những kiến  nghị, đề xuất của Hội, bà Lê Thị Tường Thu đề nghị bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội phối hợp với Hội và Trung tâm Đào tạo PHCN để sản xuất gậy trắng phù hợp, đồng thời cùng tham gia quá trình tập huấn, lấy ý kiến để hoàn thiện cây gậy trắng theo những yêu cầu thực tiễn của người mù. Đề nghị Hội khẩn trương trao gậy cho các đơn vị đảm bảo đúng đối tượng và tiến độ đã đề ra, giúp người mù có nhu cầu được trao gậy một cách kịp thời.

Ảnh: Bà Lê Thị Tường Thu - đại diện Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao 300 cây gậy trắng cho Hội.

Tại hội nghị, công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao 300 cây gậy cho Hội và số gậy này được phân bổ đến 4 Tỉnh hội gồm: Lạng Sơn, Hải Dương, Phú Thọ và Thanh Hóa.

Hy vọng rằng, hành trình “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam” sẽ tiếp tục được nối dài hơn nữa, để ngày càng có thêm nhiều người mù trong cả nước được đón nhận tình cảm, sự quan tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng và cả cộng đồng nói chung, góp phần hiện thực hoá Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững để người mù tiếp tục vững bước hòa nhập và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Duy Quang