Ảnh bìa

Hội Người mù TP Hà Nội kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống

Ngày 19/5/2022, Hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Hội Người mù thành phố và bế mạc Festival Niềm tin và Ánh sáng lần thứ V. Đây là sự kiện mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) và hướng đến 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 - 1/7/2022).

Đến dự chương trình có các đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Người mù Việt Nam, Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người mù Việt Nam, Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người mù Việt Nam, Chử Xuân Dũng, Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện các Sở, ban ngành của Thành phố và cán bộ, hội viên tiêu biểu tại các đơn vị trực thuộc Thành hội.

Ảnh: Tiết mục dance spost do chính anh chị em hội viên của Thành hội biểu diễn tạo không khí sôi nổi cho buổi lễ kỷ niệm.

Hội Người mù TP Hà Nội được thành lập theo quyết định số 43-UBHC của Ủy ban Hành chính thành phố ngày 3/7/1970;  sự ra đời của Hội người mù tỉnh Hà Sơn Bình (Hà Tây cũ) theo quyết định số 535/QĐ-UBND ngày 6/12/1983 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình và Ngày Đại hội đầu tiên được lấy là ngày truyền thống của tổ chức Hội Người mù thành phố, ngày 3/2/1972.

Những ngày đầu thành lập, với một đơn vị trực thuộc là Hội người mù huyện Đông Anh, tổ chức hội dần được củng cố, kiện toàn và trải khắp Thủ đô. Năm 2008, sau khi hợp nhất giữa Thành hội Hà Nội và Tỉnh hội Hà Tây, Hội người mù TP Hà Nội có 30/30 quận, huyện, thị hội cùng 1 chi hội Nguyễn Đình Chiểu. Thành hội Hà Nội trở thành đơn vị lớn nhất toàn quốc về số lượng đơn vị trực thuộc cũng như số lượng hội viên là 6000 người.

Ảnh: Ông Đinh Thanh Tùng tặng bằng khen của Trung ương Hội cho 1 tập thể và 2 cá nhân.

Mỗi năm Thành hội tổ chức trung bình từ 6 đến 10 lớp bồi dưỡng cho 300 lượt cán bộ theo các dự án, đồng thời, tổ chức thi phương pháp công tác hội, kiểm tra mức độ sử dụng chữ Braille và tin học để nâng cao trình độ cán bộ. Hiện số lượng cán bộ Ban Chấp hành có trình độ đại học và trên đại học chiếm 80% tổng số ủy viên, UV BCH là nữ chiếm 35%; 90% cán bộ có trình độ từ sơ cấp lý luận chính trị, công tác xã hội.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với phương châm “Lấy lao động sản xuất làm nhiệm vụ trọng tâm”, ngay từ những ngày đầu thành lập, hai cơ sở sản xuất thủ công là “Cao su mùng ba tháng hai” và “Tăm tre an toàn” đã tạo việc làm cho hơn 50 lao động khiếm thị. Phát huy truyền thống ấy, đến nay Hội thành lập và quản lý 30 hợp tác xã và tổ hợp tác, thu hút hàng nghìn lao động, trong đó 85% là người khiếm thị. Doanh thu của một số cơ sở sản xuất đạt hàng trăm triệu mỗi năm như tại Hà Đông, Thanh Oai, Sơn Tây... thu nhập của người lao động từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng. Nhiều Quận, Huyện hội thành lập những cơ sở dịch vụ xoa bóp tẩm quất, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm hội viên với thu nhập bình quân đạt 3 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, số cơ sở xoa bóp do tổ chức Hội và hội viên đứng ra làm chủ là 125 cơ sở, tạo việc làm ổn định cho hơn 700 người khiếm thị.

Trung tâm Dạy nghề được thành lập năm 2008 đã góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu của hội viên. Mỗi năm, Trung tâm tổ chức từ 6 đến 10 lớp dạy nghề, tư vấn việc làm cho 200 lượt cán bộ, hội viên. Trong đó, 95% hội viên sau học nghề đều có việc làm ổn định.

Ảnh: Đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen của UBND thành phố cho tập thể, cá nhân.

Để giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, Hội đã triển khai 133 dự án cho hơn 1000 hội viên vay hơn 32 tỉ đồng vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm theo kênh Trung ương Hội, Thành phố và từ tổ chức ADRA. Nhờ nguồn vốn vay ấy, nhiều gia đình hội viên đã đầu tư kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt… mang lại thu nhập ổn định, vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu.

 Ngoài ra, các Quận, Huyện hội tranh thủ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, thường xuyên tặng quà cho hội viên nhân các ngày lễ, Tết; tổ chức các chương trình mổ mắt miễn phí, đề nghị các bệnh viện chuyên khoa khám, chữa bệnh, cung cấp các dụng cụ trợ giúp như kính thuốc, thuốc bổ, tài liệu phòng chống bệnh về mắt. Hiện nay, 100% hội viên đủ điều kiện được nhận thẻ bảo hiểm y tế và đề xuất làm vé xe buýt miễn phí. Đề xuất với MTTQ và phối hợp cùng các nhà hảo tâm xây mới hoặc sửa chữa 64 nhà dột nát với tổng số tiền trên 4,8 tỷ đồng. Trong đợt dịch COVID vừa qua, Thành hội đã phát động chương trình “Cùng người khiếm thị Thủ đô vượt qua đại dịch”… hỗ trợ 100% hội viên của hội với tổng số tiền trên 3,4 tỷ đồng…

Nhờ những chương trình hỗ trợ hội viên một cách đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn Thành hội chỉ còn 0,64%; 100% hội viên được sử dụng nước sạch và không ai phải ở nhà dột nát.

Nếu như trước đây Công nghệ thông tin là thách thức, rào cản lớn của người khiếm thị, thì nay Hội đã giúp cán bộ, hội viên tiếp cận, ứng dụng thành thục công nghệ thông tin trong cuộc sống, học tập và làm việc. Từ khi thành lập, Hội đã vận động xã hội hóa tặng máy tính, đường truyền internet, điện thoại thông minh cho tổng số 1288 hội viên nghèo đang học tập, làm việc; tổ chức hàng nghìn lớp học về tin học, sử dụng điện thoại và các phần mềm của người khiếm thị với chính những thầy cô giáo khiếm thị đứng lớp. Hoặc qua các cuộc thi tin học, diễn đàn của người khiếm thị về công nghệ thông tin để tìm kiếm những giải pháp, phần mềm dành riêng cho người khiếm thị.

Thành hội luôn tập trung thúc đẩy việc mở các lớp học chữ nổi Braille; cấp bảng bút cho 100% hội viên mới tham gia học tập, trẻ em đến tuổi đi học được giới thiệu tới học tại trường Nguyễn đình Chiểu. Từ chỗ các tài liệu học tập, làm việc phải chép tay thủ công thì đến nay đã được in trên hệ thống máy in chữ nổi hiện đại nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu học tập, công tác của cán bộ, hội viên.

Việc triển khai, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, hội viên được thực hiện thông qua mạng thông tin nội bộ, website của Hội và các cuộc họp, hội nghị hội viên; hàng tháng, thành hội đều phát hành băng đĩa CD Tạp chí Tri thức đời sống theo chuyên đề, cập nhật đường lối chính sách của đảng và nhà nước, thông tin về tổ chức hội, tin tức về người mù trên thế giới hoặc các lĩnh vực khác như pháp luật, văn học, khuyến nông, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh. Hội cũng in ấn 30000 trang tài liệu chữ nổi Braille phục vụ công tác Hội, tuyên truyền và các lớp học mỗi năm; 100% hội viên đến với hội đều được tặng đài – một phương tiện tiếp cận thông tin phù hợp với dạng tật.

Ảnh: Thành hội tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội những năm qua.

Đặc biệt, từ năm 2011, bốn kì Festival Niềm tin và Ánh sáng dành riêng cho người khiếm thị đã được Hội tổ chức. Mỗi kỳ Festival đều thu hút được hàng nghìn sinh viên, tình nguyện viên và  hội viên tham gia. Với các hoạt động phong phú, giàu lòng nhân ái, ngày hội đã đem tới nguồn động viên, sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng giúp những người khiếm thị thêm nghị lực, niềm tin vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Những nỗ lực phấn đấu suốt 50 năm qua của Hội người mù Thành phố Hà Nội đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng: Huân chương Độc lập hạng nhì, hạng ba; Huân chương Lao động hạng nhất, hai Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác như bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua của Trung ương Hội và các Bộ, ban ngành, thành phố…

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Viết Thu – Chủ tịch Trung ương Hội và đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá cao những nỗ lực của cán bộ, hội viên Thành hội. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động mang nét riêng, có ý nghĩa lớn, đem lại niềm vui, sự tự tin cho hội viên, minh chứng cho nghị lực, sức sáng tạo của người mù Thủ đô.

Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Trung ương Hội phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Tại sự kiện, Thành hội cũng báo cáo chuỗi hoạt động của Festival Niềm tin và ánh sáng đã được triển khai như: Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu truyền thống 50 năm của Hội Người mù TP Hà Nội; Chương trình giao hữu thể thao giữa người khiếm thị Thủ đô với thanh niên quận Hoàn Kiếm; tổ chức thành công cuộc thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách”, cùng nhiều hoạt động khác. Điểm nhấn và cũng là hoạt động kết thúc của Festival Niềm tin và Ánh sáng lần thứ V, chương trình văn hóa, văn nghệ, lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của Hội Người mù TP Hà Nội.

Đồng chí Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức chương trình cho biết: “Festival Niềm tin và Ánh sáng đã góp phần tăng cường các hoạt động giao lưu, chia sẻ giữa cộng đồng với người khiếm thị; Tôn vinh, khẳng định đóng góp của người khiếm thị với Thủ đô và xã hội, thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác””.

Nhân sự kiện này, Trung ương Hội đã tặng 8 Kỷ niệm chương Vì hạnh phúc người mù cho các cá nhân đã giúp đỡ Hội hoạt động, tặng bằng khen 1 tập thể, 2 cá nhân; UBND thành phố tặng bằng khen cho 2 tập thể và 2 cá nhân, Thành hội tặng giấy khen cho 4 tập thể, 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội những năm qua. Ngoài ra, Trung ương Hội đã tặng băng khen cho 3 cá nhân, Thành hội tặng giấy khen cho 3 cá nhân đã có thành tích xuất sắc thực hiện chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phát huy những thành tựu đã đạt được trong suốt nửa thế kỷ, trong thời gian tới Hội tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu: Xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức, vận động người khiếm thị trên địa bàn Thủ đô tham gia sinh hoạt Hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên. Tăng cường đoàn kết, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tuyên truyền giáo dục cán bộ, hội viên trở thành những công dân có ý thức chấp hành pháp luật, có đạo đức và lối sống lành mạnh, có tri thức và năng lực trong cuộc sống; khuyến khích, động viên, giúp đỡ và tạo cơ hội, môi trường thuận lợi để người mù khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên học văn hóa, học nghề và làm việc để tự lực trong cuộc sống, trở thành những người có ích cho gia đình, hòa nhập bình đẳng trong xã hội; góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đất nước.

Đời Mới