Ảnh bìa

Tìm hiểu lịch sử Ngày Quốc tế người khuyết tật

Trong năm 1976, Đại hội đồng Liên hiệp quốc công bố năm 1981 là Năm quốc tế về người khuyết tật (NKT), kêu gọi một kế hoạch hành động ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, với trọng tâm là tăng cường các cơ hội, phục hồi chức năng và phòng ngừa khuyết tật .

Để cung cấp một khung thời gian mà các chính phủ và tổ chức có thể thực hiện các hoạt động được đề nghị trong Chương trình hành động, Đại hội đồng tuyên bố 1983 - 1992 là Thập kỷ của Liên hiệp quốc về NKT và lấy ngày 03 tháng 12 hàng năm là Ngày NKT quốc tế. Ngày Quốc tế Người khuyết tật (IDPD) được tổ chức nhằm khuyến khích sự tham gia đầy đủ, bình đẳng của người khuyết tật và hành động vì sự hòa nhập, phát triển của người khuyết tật trong mọi mặt của xã hội.

Hòa nhập khuyết tật là điều kiện cần thiết để duy trì quyền con người, sự phát triển bền vững, hòa bình và an ninh. Nó cũng là cam kết quan trọng của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Việc cam kết thực hiện các quyền của NKT không chỉ là vấn đề về sự công bằng mà còn là sự đầu tư cho một tương lai chung.

Theo Báo cáo quốc tế về NKT của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 1 tỉ người (chiếm 15% dân số thế giới) đang sống trong tình trạng khuyết tật. Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu, nới rộng khoảng cách và làm trầm trọng hơn vấn đề bất bình đẳng đối với người khuyết tật. Nhìn vào số người tử vong có thể thấy người khuyết tật là một trong những nhóm bị bỏ quên và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng này. Vì vậy, hòa nhập khuyết tật là công việc vô cùng cấp bách.

Ngay cả trong những trường hợp bình thường, NKT cũng ít được tham gia vào cộng đồng và tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, việc làm. Do đó, cần có một cách tiếp cận tích hợp để đảm bảo người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau.

Hòa nhập khuyết tật sẽ giúp ích cho mọi người trong trong việc ứng phó và phục hồi sau đại dịch COVID-19, ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của vi-rút để có một sự bắt đầu lại tốt hơn. Việc hòa nhập khuyết tật làm tăng nhanh khả năng của hệ thống ứng phó những tình huống phức tạp để đạt tới những mục tiêu xa hơn.

Vì vậy, chủ đề năm 2020 là “Bắt đầu lại tốt hơn: Hướng tới một thế giới sau COVID-19 hòa nhập, tiếp cận và bền vững”.

Năm nay, Ngày Quốc tế Người khuyết tật được chào đón trong tuần lễ từ ngày 30/11 đến ngày 04/12, cùng thời điểm diễn ra kỳ họp thứ 13 của Hội nghị các Quốc gia Thành viên Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

Chủ đề của những năm trước:

1998: Nghệ thuật, Văn hóa và Sống độc lập

1999: Khả năng tiếp cận cho tất cả cho Thiên niên kỷ mới

2000: Công nghệ thông tin làm việc cho tất cả

2001: Tham gia và bình đẳng: Lời kêu gọi cách tiếp cận mới để đánh giá tiến độ và đánh giá kết quả

2002: Sống độc lập và sinh kế bền vững

2003: Tiếng nói của chúng tôi

2004: Không có gì về chúng tôi, nếu không có chúng tôi

2005: Quyền của người khuyết tật: Hành động trong phát triển

2006: Khả năng tiếp cận công nghệ

2007: Thập kỷ việc làm dành cho người khuyết tật

2008: Công ước về Quyền của Người khuyết tật: Phẩm giá và công lý cho tất cả chúng ta

2009: Làm các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ hòa nhập: Nâng cao năng lực lãnh đạo cho người khuyết tật và cộng đồng của họ trên toàn thế giới

2010: Giữ lời hứa: Lồng ghép vấn đề khuyết tật trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ hướng đến năm 2015 và xa hơn nữa

2011: Cùng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả: Bao gồm người khuyết tật trong phát triển

2012: Gạt bỏ rào cản để xây dựng một xã hội hòa nhập và tiếp cận cho tất cả mọi người

2013: Phá bỏ rào cản, mở rộng cửa: Vì một xã hội hoà nhập và phát triển cho tất cả

2014: Phát triển bền vững: Lời hứa của công nghệ

2015: Vấn đề hoà nhập: tiếp cận và tăng cường năng lực/trao quyền cho những người có khả năng

2016: Hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững! Cho một tương lai chúng ta mong muốn

2017: Thay đổi hướng tới một xã hội bền vững và tiến bộ cho tất cả

2018: Tăng cường năng lực của người khuyết tật, đảm bảo hòa nhập và công bằng

2019:Thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo của người khuyết tật: Thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Ngọc Hà dịch (Nguồn tin: https://www.un.org)