Ảnh bìa

Trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật: Chính sách đã có, phải thực thi cho nghiêm

Đó là vấn đề được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại phiên giải trình về “Trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật” do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức sáng 6/8.

Chính sách pháp luật trợ giúp NCT, NKT tương đối toàn diện

Báo cáo giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến 31/12/2018, cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm 11,95% dân số, trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên, khoảng 5,7 triệu NCT nữ, 7,2 triệu NCT đang sống ở khu vực nông thôn (chiếm 65%). Cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (NKT) từ 2 tuổi trở lên (chiếm 6,5% dân số), trong đó có 1,03 triệu người khiếm thị; 930 ngàn người khiếm thính; 1,1 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng; 5,1 triệu NKT nhẹ.

Thời gian vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH  đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với NCT, NKT.

Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành soạn thảo, trình Quốc hội bổ sung nội dung liên quan trong các Bộ luật và 16 Luật liên quan; Chính phủ ban hành 40 Nghị định, Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 26 Quyết định; Bộ LĐ-TB&XH, các bộ, ngành đã ban hành 61 Thông tư, Thông tư liên tịch có liên quan về trợ giúp xã hội cho NCT, NKT. Các văn bản trên đã quy định chi tiết về chính sách trợ giúp xã hội, chăm sóc sức khỏe; chăm sóc đời sống văn hóatinh thần đối với NCT, NKT.

Cụ thể, cả nước đã cấp giấy xác nhận khuyết tật cho trên 1,5 triệu người, làm căn cứ giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng cho khoảng 1,7 triệu NCT, 1,1 triệu NKT, khoảng 20.000 NCT, NKT hiện đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội với mức chuẩn trợ cấp xã hội tối thiểu là 270.000 đồng/người/tháng. Các đối tượng thuộc diện được trợ giúp xã hội đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi qua đời được hỗ trợ chi phí mai táng bằng 20 lần mức chuẩn trợ cấp xã hội.

Cả nước đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 18.000 NKT/năm. các tổ chức Hội của NKT tiếp tục tổ chức có hiệu quả hoạt động dạy nghề và cho vay vốn giải quyết việc làm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NKT.

Trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật: Chính sách đã có, phải thực thi cho nghiêm - Ảnh 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo giải trình trước Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội  (Ảnh: Phạm Phương- TTXVN)

Đến nay cả nước thành lập 418 cơ sở trợ giúp xã hội (189 cơ sở công lập và 229 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, 86 cơ sở chăm sóc NCT, 67 cơ sở chăm sóc NKT. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho NCT, NKT và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, với công suất phục vụ khoảng 20.000 người.

Đến năm 2019 cả nước đã có 55 trường cao đẳng, đại học có đào tạo về công tác xã hội, hàng năm đào tạo hệ chính quy cho khoảng 4.500 chỉ tiêu cử nhân công tác xã hội, bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên chăm sóc người NCT, NKT. Tổ chức hàng trăm khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn nâng cao năng lực cho hàng chục ngàn lượt cán bộ, nhân viên về công tác xã hội đối với NCT, NKT.

“Bộ cũng đang tích cực hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ gia nhập Công ước số 159 của Tổ chức Lao động quốc tế về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Sẽ đề xuất với Chính phủ nâng mức trợ cấp đối với NCT

Tại phiên giải trình, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi cho Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Đại biểu Đặng Thuần Phong cho biết, qua giám sát, NCT thường có một số thắc mắc đó là: Đề nghị giảm tuổi hưởng trợ cấp từ 80 xuống 75; những NCT hưởng chế độ hưu trí hay thân nhân liệt sĩ tại sao không được hưởng trợ cấp; liên quan đến chính sách khởi nghiệp chúng ta gần như chưa có chính sách nào để NCT tiếp cận dòng vốn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt vấn đề, mức trợ cấp đối với NCT, NKT đang thấp hơn mức sống tối thiểu, cần có giải pháp gì?  Đồng quan điểm, đại biểu  Đỗ Thị  Lan (Quảng Ninh ) cho rằng, đời sống NCT, NKT còn nhiều khó khăn và đề nghị nâng mức trợ cấp cho NCT, NKT, đồng thời đề nghị Bộ KH&ĐT có giải pháp để thu hút xã hội hóa công tác chăm sóc NCT, NKT.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đặt câu hỏi: Tại sao chuẩn nghèo tăng trong khi mức trợ cấp đối với NKT và NCT lại không tăng?

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần có lộ trình giảm độ tuổi NCT hưởng trợ cấp và  nâng mức trợ cấp lên. Ông Lợi cũng đặt vấn đề, hiện việc chăm sóc các đối tượng tại các trung tâm bảo trợ xã hội đang rất khó khăn, nên chăng xã hội hóa công tác chăm sóc NCT và NKT và đưa họ về gia đình, về địa phương chăm sóc thay vì tập trung tại các trung tâm.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, về độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội, trước đây chúng ta quy định là 90 tuổi, rồi xuống 85 và hiện là 80 tuổi. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, muốn điều chỉnh phải tính toán sửa Luật hoặc Quốc hội phải có Nghị quyết nếu cần sửa gấp. “Trong kế hoạch thì đến 2021 mới sửa. Quan điểm cá nhân tôi đồng tình nên rút xuống 75 tuổi, mức trợ cấp cũng phải nâng lên. Về mức chuẩn trợ cấp xã hội 270 nghìn đồng như hiện nay tôi cũng nói với anh em là phải đặt thời gian sớm nhất để điều chỉnh, điều này là thỏa đáng. Cuối năm nay chúng tôi sẽ đề xuất với Chính phủ để nâng lên. Còn về ý kiến nhiều đại biểu băn khoăn là trợ cấp tại sao chỉ dành cho người không có lương; còn người có công, người có lương hưu thì không được hưởng? Ở đây chính sách của chúng ta hiện nay chủ yếu là hỗ trợ những người chưa có lương hưu, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Như anh Đặng Thuần Phong nói, Việt Nam sẽ phải nghiên cứu tính toán để hỗ trợ NCT, kể cả những người sau khi nghỉ hưu. Vừa qua chúng ta có một số chính sách nhưng là chính sách nhỏ lẻ, mới tập trung một số đối tượng, ví như NCT có trình độ cao nhưng chúng ta vẫn thiếu một chính sách tổng quát. Trong kế hoạch 2020 có đặt vấn đề nghiên cứu chính sách này. Quan điểm của tôi là cần phải sớm hơn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật: Chính sách đã có, phải thực thi cho nghiêm - Ảnh 2Toàn cảnh phiên giải trình (Ảnh Phạm Phương- TTXVN)

Về vấn đề phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội, theo Bộ trưởng, chính sách có nhưng chúng ta làm chưa tốt nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. “Nhưng tín hiệu vui là gần đây, thông qua việc chúng ta hợp tác với Nhật Bản và Đức về đào tạo điều dưỡng viên, phát triển các cơ sở điều dưỡng thì nhiều doanh nghiệp, tôi biết là có gần 20 doanh nghiệp đã bắt tay xây dựng các cơ sở nuôi dưỡng người già, NKT theo mô hình của Nhật. Nhiều cơ sở cho biết, họ thậm chí còn kéo được phía Nhật Bản đầu tư vào”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Liên quan đến đề xuất của đại biểu Hoàng Thị Khánh là nên quy định doanh nghiệp phải sử dụng lao động là NKT ở một tỷ lệ nhất định nào đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, về quy định tỷ lệ sử dụng lao động khuyết tật thì quy định cứng không là khả thi, trước chúng ta đã từng quy định rồi bỏ. “Nói chung với NCT và NKT, tinh thần chung là Nhà nước có trách nhiệm phải chăm lo cho họ và  khuyến khích họ tham gia lao động sản xuất. Vì thế khi sửa Luật Lao động chúng ta chuyển sang hướng khuyến khích doanh nghiệp nhận lao động là NKT”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đế vấn đề xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em, trong đó có NKT mà đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề cập, Bộ trưởng cho biết, vừa qua Uỷ ban Tư pháp cũng đã có phiên giải trình, Quốc hội cũng sẽ giám sát tối cao. “Tinh thần chung là thực hiện 3 nhất. Xử lý nhanh nhất; xử lý nghiêm nhất và hỗ trợ một cách kịp thời nhất đối với người bị xâm hại, người bị bạo lực, nạn nhân buôn bán phụ nữ, trẻ em”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Theo Châu Giang/báo Dân sinh