Chìa khóa của sự thành công
Nhìn nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt của đôi vợ chồng ấy, ít ai nghĩ rằng họ lại là hai con người đã bất hạnh mất đi đôi mắt. Với cách nói chuyện thông minh, dí dỏm họ luôn truyền cho người đối diện một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Đó chính là cảm nhận của tôi khi lần đầu tiếp xúc với đôi vợ chồng khiếm thị Nguyễn Mạnh Hùng và Đào Thị Lệ Xuân.
Hùng và Xuân hiện đang là vận động viên xuất sắc trong đội tuyển cờ vua khuyết tật TP.HCM và đội tuyển quốc gia Việt Nam. Họ đã tham gia và giành được khá nhiều huy chương vàng, bạc đồng ở các đấu trường trong nước cũng như quốc tế. Cờ vua không chỉ mang đến thành công cho đôi bạn trẻ này trên con đường sự nghiệp mà chính nó cũng là ông tơ bà nguyệt đưa họ đến với nhau.
Sinh ra nơi miền quê Bắc Giang trung du nghèo khó, ba tuổi Xuân đã không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Tuổi thơ của em sẽ mãi chỉ là những tháng ngày quẩn quanh nơi góc nhà, xó bếp nếu không có hội người mù. Tám tuổi Xuân được theo học lớp xóa mù chữ nổi braille do Hội Người mù tỉnh Bắc Giang tổ chức. Kể từ ngày ấy, như một phép màu cô bé Xuân, không sách giáo khoa, không tài liệu học tập, chỉ sử dụng một bộ công cụ chữ nổi thô sơ đã theo học hòa nhập với tất cả các bạn sáng mắt.
Ảnh: Lệ Xuân tham gia thi đấu tại Bảng đấu Thách thức (Challengers) của Giải Cờ vua Quốc tế HDBank lần 7 (2017)
Dù học cùng các bạn không khuyết tật nhưng Xuân không hề thua kém các bạn. Chính kết quả này đã tạo cho cô bé có một niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Cô ấp ủ một công việc ổn định, một cuộc sống tự lập, bình đẳng giữa người mù và người sáng mắt. Đây cũng trở thành động lực khiến Lệ Xuân, một cô gái khiếm thị mười tám tuổi chưa từng rời xa gia đình có đủ can đảm và lòng quyết tâm vượt hai nghìn cây số một mình vào TP.HCM kiếm tìm cơ hội.
Hai tấm bằng cử nhân sư phạm ngữ văn của trường Đại học Sư phạm TP.HCM và cử nhân ngữ văn Anh của trường Đại học KHXH & Nhân Văn TP.HCM là những thành quả vô cùng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của cô. Nhờ có hội người mù, Lệ Xuân mới có cơ hội học tập và trưởng thành như ngày hôm nay. Vì thế cô luôn ước mong được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho hội, để những người đồng cảnh ngộ với cô có được đời sống ngày càng tốt hơn. Hiện tại, ngoài cương vị Phó Chủ tịch Hội Người mù quận Bình Thạnh TP.HCM, Xuân còn nhận dạy thêm ngoại ngữ và dịch thuật tại nhà. Cô cũng là cánh tay đắc lực giúp chồng thực hiện những ý tưởng liên quan đến người mù.
Ảnh: Mạnh Hùng đang tự xác định nước đi và vị trí quân cờ tại giải Cờ vua Quốc tế HDBank 2017
Bị căn bệnh lao màng não đột ngột cướp đi đôi mắt từ năm mười tuổi, nhưng với ý chí cầu sinh mạnh mẽ, mười tám năm sau, Nguyễn Mạnh Hùng đã tự khẳng định bản thân bằng học vị thạc sĩ tâm lý và chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Vì người mù Sao Mai. Trong quá trình học, Mạnh Hùng luôn đưa vấn đề của người khiếm thị vào trong các công trình nghiên cứu: luận văn cử nhân, luận văn thạc sĩ bởi khát khao của anh là tìm ra giải pháp cho những vấn đề ấy.
Mục tiêu lớn nhất của Hùng là giúp người khiếm thị hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, ngoài việc phụ trách mảng hướng nghiệp cho người mù của Trung tâm Sao Mai – viết dự án về nghề nghiệp, tổ chức đào tạo kỹ năng mềm, liên hệ kết nối người mù với các doành nghiệp trên địa bàn TP.HCM - Mạnh Hùng còn không ngừng tìm tòi nghiên cứu ra các sản phẩm mới giúp thay đổi đời sống người mù. Hiện anh đang là chủ cơ sở cung cấp gậy inox, cờ vua, cờ tướng dành cho người mù duy nhất tại Việt Nam.
Tuy bận rộn với nhiều công việc khác nhau nhưng Hùng luôn dành ra một thời gian biểu cho niềm đam mê của mình: môn cờ vua. Dù không có tài liệu cờ vua dành cho người mù và việc đi lại tập luyện cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng cả hai vợ chồng vẫn không ngừng theo đuổi môn thể thao yêu thích. Chính Hùng là người thầy đầu tiên dạy Xuân đánh cờ khi hai bạn đang là sinh viên.
Khi được hỏi về các dự định sắp tới, Mạnh Hùng chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của tôi là có được các công cụ giúp người mù rút ngắn khoảng cách với cộng đồng. Tôi đang thực hiện một phần mềm hướng dẫn chơi cờ dành cho những người mù muốn bắt đầu học cờ”.
Không thụ động ngồi chờ người khác đến giúp, những người khuyết tật, họ đã tự đứng dậy và bước đi bằng chính đôi chân của mình, tự khắc phục những mất mát của bản thân để tìm cho mình một vị trí xứng đáng trong xã hội. Với ý chí ấy, năng lực ấy, tôi tin những người mù như Nguyễn Mạnh Hùng, như Đào Thị Lệ Xuân sẽ luôn gặt hái được nhiều thành công trên con đường họ đã chọn.
Sông Ngân