Ảnh bìa

Hành trình khởi nghiệp của một triệu phú người mù

Trong nền kinh tế thị trường, với sự cạnh tranh khắc nghiệt, nhiều người sáng mắt, có vốn liếng, có kiến thức vẫn gặp thất bại, vẫn quỵ ngã khi khởi nghiệp. Thế nhưng có một câu chuyện khởi nghiệp thành công đã diễn ra như một giấc mơ nhưng có thật tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đó là câu chuyện về Nguyễn Tuấn, sinh năm 1976, chủ Cơ sở massage “12 Hồng Bàng”.

Người xưa vẫn thường nói: “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, mất đi đôi mắt -một giác quan quý giá, khiến người mù gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động sản xuất và đời sống. Nhưng từ khi tổ chức Hội ra đời, mái nhà chung ấy đã làm sống lại nhiều mảnh đời tưởng chừng như cũng bị cuốn trôi theo dòng lũ khắc nghiệt của số phận.

Trong nền kinh tế thị trường, với sự cạnh tranh khắc nghiệt, nhiều người sáng mắt, có vốn liếng, có kiến thức vẫn gặp thất bại, vẫn quỵ ngã khi khởi nghiệp. Thế nhưng có một câu chuyện khởi nghiệp thành công đã diễn ra như một giấc mơ nhưng có thật tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đó là câu chuyện về Nguyễn Tuấn, sinh năm 1976, chủ Cơ sở massage “12 Hồng Bàng”. Nguyễn Tuấn đã đứng lên, khởi nghiệp thành công với nghề massage, trở thành triệu phú từ một cậu bé mù, tay trắng, mồ côi cha mẹ. Nguyễn Tuấn cũng là người đã được Ban tổ chức chọn đại diện cho các cơ sở tự doanh trình bày tham luận tại Hội thảo nghề xoa bóp, tẩm quất toàn quốc lần II do Trung ương Hội tổ chức vào tháng 9/2019 tại thành phố Đà Lạt.

Tuấn kể lại: “Bị mù từ nhỏ, lại mồ côi cha mẹ nên tôi sống với bà ngoại, cả tuổi thơ phải sống trong cơ cực, nghèo khó, thiếu thốn trăm bề. Năm tôi 14 tuổi, cũng là năm bà ngoại tôi mất. Không nơi nương tựa, tôi đã tìm đến Hội Người mù Thành phố Nha Trang, tham gia lớp học tình thương do Hội tổ chức. Ở đây, tôi được học chữ nổi, gặp gỡ, sinh hoạt cùng những người cũng khuyết tật như mình. Một năm sau khi đã 15 tuổi, tôi được kết nạp vào Hội”.  

 Năm 2001, Tuấn được Hội cử đi học nghề massage tại Trung tâm Đào tạo PHCN của Trung ương Hội. Năm sau, Tuấn lại được Hội cử tham dự khóa tập huấn kỹ thuật massage do Hội Người mù Việt Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Với tư chất thông minh, nhanh nhẹn, lại chịu khó tìm hiểu tỉ mỉ, qua thời gian học và tập huấn, Tuấn đã học được cách chữa một số chứng bệnh thông thường, quan trọng nhất là được tham quan một số mô hình tổ chức dịch vụ hiệu quả. Tuấn nhận thấy: Massage là một công việc rất phù hợp với những người mù trẻ, có sức khỏe, điều kiện làm việc thoải mái mà thu nhập lại cao hơn gấp 2 đến 3 lần một số nghề thủ công khác. Từ suy nghĩ đó, Tuấn đã kiên trì đề xuất với Ban Chấp hành Thành hội Nha Trang tổ chức dịch vụ xoa bóp ngay tại cơ sở Hội. Nhưng rồi mọi sự không thuận lợi, khách đến thưa thớt vì cơ sở vật chất nghèo nàn, vì người ta không tin tưởng người mù có thể chữa bệnh bằng massage … Tuấn lại tiếp tục đề xuất với Ban Chấp hành cho nâng cấp cơ sở massage nhưng không được chấp nhận.

Đúng lúc ấy, được biết Trung ương Hội đã có chủ trương khuyến khích hội viên có điều kiện có thể mở cơ sở tự doanh giải quyết việc làm cho bản thân và những người đồng tật. Để thực hiện khát vọng của mình, năm 2004, Tuấn cùng một số anh em góp vốn thuê mặt bằng tại đường Hoa Lư với giá 15 triệu đồng/tháng để mở cơ sở massage. Ban đầu, mọi thứ diễn ra không thuận lợi, khách đến với cơ sở không nhiều nhưng nhóm anh em Hoa Lư vẫn kiên trì hoạt động, vừa làm vừa chắt chiu đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu của khách, tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ tuyên truyền của đài báo, thông qua chất lượng phục vụ, điều trị có hiệu quả cho một số người cao tuổi bị đau vai, đau cổ, đau lưng …

Nhóm đã chứng minh cho mọi người hiểu massage người mù là một công việc nghiêm túc, lành mạnh, có thể chữa được một số bệnh thông thường với chi phí thấp. Từ đó, khách bắt đầu tìm đến cơ sở nhiều hơn, thu nhập của cơ sở cũng tăng dần, vừa  đảm bảo đời sống cho nhân viên, vừa có nguồn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị.

Đến năm 2008, làn sóng khách du lịch Nga bắt đầu tràn đến Nha Trang, Cơ sở massage Hoa Lư chỉ có 14 nhân viên với 14 giường nhưng có ngày phải phục vụ tới 150 khách. Dù đông khách, nhưng Cơ sở vẫn ổn định giá cả, chất lượng phục vụ, nên đã có tác dụng quảng bá, tuyên truyền hiệu quả trong cộng đồng khách du lịch người Nga. Vì vậy, họ tìm đến và sử dụng dịch vụ của cơ sở ngày càng đông.

Không chỉ khác Nga, các khách du lịch trong nước, khách địa phương cũng đến với cơ sở ngày càng nhiều. Trước sự gia tăng lượng khách, Cơ sở Hoa Lư đã trở nên quá tải, chật chội, đòi hỏi phải mở rộng cơ sở hoặc thay đổi địa điểm. Ý nghĩ “tại sao mình không tìm mặt bằng mới rộng hơn, đầu tư khang trang hơn để phục vụ khách?” thường trực trong đầu Tuấn. Ngôi nhà số 12 Hồng Bàng cách Cơ sở Hoa Lư chừng 100m, diện tích mặt bằng 80m2, xây 5 tầng có thể đáp ứng được mong ước mở rộng cơ sở kinh doanh đã lọt vào tầm ngắm của Tuấn. Tuy nhiên, chủ nhà đòi giá cho thuê khá cao 25 triệu đồng/tháng. Suy đi tính lại Tuấn nghĩ: “đi thuê thì mãi mãi vẫn là nhà thuê còn nếu bây giờ có tiền mua luôn thì đó sẽ là nhà của mình vĩnh viễn, như thế cơ sở mới hoạt động ổn định!”. Thế là Tuấn mạnh dạn đề xuất mua nhà. Nhưng lấy tiền đâu để mua nhà là một vấn đề hóc búa. Tuấn tâm sự “Sau gần 10 năm ra làm ăn tôi cũng dành dụm được 2 tỷ. Nhưng giá ngôi nhà thời điểm ấy là hơn 5 tỷ. Nếu vay ngân hàng thì mỗi tháng Tuấn phải trả 1 phần gốc và lãi không dưới 33 triệu đồng”. Cuộc đời Tuấn lại đứng trước một thử thách nữa. Nhưng lần này là một thử thách lớn thật sự. Khi đưa ra bàn bạc với gia đình, bạn bè, ai cũng gạt đi cho là Tuấn phiêu lưu, liều lĩnh. Tại sao không làm nhỏ như trước đây cho chắc ăn. Trong cuộc đời mình quyết định vay tiền ngân hàng để mua nhà lớn có lẽ là quyết định liều lĩnh, mạo hiểm nhất, khi ấy là năm 2013.

Việc vay tiền của ngân hàng diễn ra suôn sẻ. Nhưng gánh nặng mỗi tháng Tuấn phải có 33 triệu đồng để trả ngân hàng đè lên đôi vai. Ngoài ra vẫn phải trả lương nhân viên, phải có tiền đầu tư nâng cấp cho cơ sở mới. Sau khi mua nhà, Tuấn còn phải đầu tư thêm 400 triệu đồng sửa chữa, nâng cấp, để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Năm 2013 giữa lúc việc kinh doanh đang thuận lợi thì cũng là lúc khách du lịch Nga giảm sút trầm trọng. Khách Việt thấy cơ sở mới bên Hồng Bàng to đẹp tiện nghi thì lại e ngại vì sợ giá cao. Thế là massage Hoa Lư nhỏ hơn, kém tiện nghi hơn nhưng có khách đông hơn lại phải làm nhiệm vụ hỗ trợ massage Hồng Bàng.

Tìm được khách để bù đắp cho nguồn khách Nga giảm sút là việc làm cần thiết lúc này. Tuấn lại đau đầu nghĩ ra mọi cách tuyên truyền, quảng cáo từ những tủ bánh mì, tiệm cắt tóc cho đến các cửa hàng, cửa hiệu khác rồi đến khách sạn sang trọng nơi khu phố Tây. Đặc biệt là quảng cáo trên những chiếc tàu du lịch ngày ngày đưa khách đi tham quan các tuyến đảo. Thế rồi lượng khách cũng đông dần mà chủ yếu là khách Việt Nam, cả khách du lịch và dân địa phương. Sau khi nâng cấp, massage Hồng Bàng đã có 10 phòng, 33 giường với gần 30 nhân viên lành nghề. Khách nhiều, doanh thu tăng và ổn định. Tuấn có tiền trả nợ ngân hàng và lo cho nhân viên. Năm 2013 vay ngân hàng 3,2 tỷ để mua nhà, thì chỉ 3 năm sau, năm 2016 Nguyễn Tuấn đã trả xong nợ cho ngân hàng. Anh cán bộ tín dụng ở ngân hàng cho tôi vay khi ấy mới nói: “Bây giờ cậu trả xong nợ rồi tôi mới hết lo. Chứ 3 năm trước, chấp hành chỉ đạo của sếp phải cho cậu vay nhưng tôi vẫn phập phồng lo sợ không trả được. Dù cậu có thế chấp tài sản nhưng thời buổi này thiếu gì người mắt sáng thiếu nợ ngân hàng do làm ăn thua lỗ, trong khi cậu lại là người khiếm thị, không lo sao được!”.

Đến nay, sau gần 7 năm đi vào hoạt động, Cơ sở massage Hồng Bàng ngày càng phát triển, Lượng khách có thể đạt từ 150 đến 200lượt một ngày. Giải quyết việc làm cho từ 25 đến 30 lao động, nhân viên của Cơ sở có thu nhập không dưới 10 triệu đồng/tháng. Gia đình Tuấn lại có một ngôi nhà mặt phố 5 tầng với giá trị hiện nay không dưới 10 tỷ đồng để làm massage người mù.

Tuấn chia sẻ “Để có được công việc và cuộc sống như ngày hôm nay, bên cạnh nỗ lực của bản thân, tôi luôn nhớ đến sự giúp đỡ của tổ chức Hội Người mù; sự hướng dẫn, chỉ bảo, chia sẻ kinh nghiệm của rất nhiều người, đặc biệt, là những bạn bè cùng cảnh ngộ đã sát cánh bên tôi ngay cả trong những lúc khó khăn nhất”.

Hành trình khởi nghiệp của chàng trai khiếm thị, mồ côi đi lên từ hai bàn tay trắng đề lại trong tôi ấn tượng không nhỏ. Cùng với người vợ đồng tật, Tuấn đã viết lên những trang sử cuộc đời của chính mình bằng nghị lực, ý chí và một khát vọng vươn lên cháy bỏng của một tấm gương “Tàn nhưng không phế”.

                                                                                  Phạm Xuân Tương