Ảnh bìa

Hiệp sĩ lặng thầm đem nguồn sáng công nghệ đến với người khiếm thị

“Dù trái tim anh đã ngừng đập nhưng hành trình lặng thầm mang nguồn sáng công nghệ  đến với những người đồng cảnh của anh Phạm Sơn Hà sẽ mãi mãi là dấu ấn không bao giờ tắt  trong suy nghĩ, tình cảm của tôi cũng như rất nhiều hội viên Hội Người mù Hà Nội”, đó là những chia sẻ nghẹn ngào từ chị Chu Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội Người mù TP Hà Nội trước sự ra đi đột ngột của hiệp sĩ công nghệ thông tin Phạm Sơn Hà- một người thầy, người anh, người đồng nghiệp đã có nhiều năm gắn bó với chị trong công việc tại cơ quan nói riêng và rất nhiều anh chị em hội viên trong Hội Người mù Tp Hà Nội.

 Vượt khó vì “Hạnh phúc người mù”

 

          Có dịp đồng hành cùng anh Sơn Hà trên nhiều chặng đường công tác cũng như chứng kiến anh Hà âm thầm cống hiến không biết mệt mỏi cho những người đồng tật, nhiều thế hệ cán bộ hội viên Thành hội Hà Nội luôn dành sự ngưỡng mộ và thán phục trước những nỗ lực, cố gắng, bền bỉ của một người hết lòng chia sẻ, hỗ trợ với cộng đồng người khiếm thị. 

          Bị ảnh hưởng của chất độc da cam từ bố, mẹ là những người lính đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị; trong gia đình không chỉ có anh là người hỏng mắt mà còn có em trai là Phạm Sơn Hùng cũng bị khiếm thị từ nhỏ. Cuộc sống sẽ cứ trôi như nó vốn thế nếu như ta không làm gì để thay đổi nó…Và Sơn Hà đã làm và làm rất tốt để thay đổi số phận của bản thân.

          Vốn là người ít nói, sống hướng nội, Sơn Hà rất tỉ mỉ, cần mẫn trong từng công việc. Từ những năm 2000, khi  người khiếm thị  (NKT) muốn viết chữ nổi nhanh để có thể chép kịp bài giảng của thầy cô trên lớp thì chỉ có thể nhờ đến chiếc máy đánh chữ nổi thô sơ. Dù thô sơ là vậy thì cũng có lúc nó hỏng, mà hỏng thì cả Hà Nội ngày đó cũng chỉ có duy nhất anh Hà sửa được. Tỉ mỉ với từng con ốc, lọ mọ tìm kiếm những vật dụng thay thế (đôi khi còn tự chế) để hoàn trả những máy trơn tru cho khách hàng. ..

          Rồi tới một ngày, khi làn sóng CNTT bùng nổ thì Phạm Sơn Hà và em trai Phạm Sơn Hùng lại là những người tiên phong mở đường đưa CNTT đến với người khiếm thị Hà Nội.  Từ một CLB tin học nhỏ bé với 03 thành viên do Thành hội Người mù Hà Nội hỗ trợ thành lập để chuyên nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phần mềm hỗ trợ NKT và tổ chức giảng dạy tin học miễn phí cho NKT thì đến tháng 5/2005, Trung tâm Tin học Tia Sáng đã được Thành hội Người mù Hà Nội ra quyết định thành lập và bổ nhiệm Phạm Sơn Hà làm giám đốc.  Tại nơi đây đã có bao thế hệ NKT đã được thầy Sơn Hà và thầy Hải Vân hướng dẫn các kiến thức ban đầu về tin học hoàn toàn miễn phí.

          Không chỉ dạy riêng cho NKT ở Hà Nội mà Trung tâm tin học Tia sáng cùng thầy Hà còn tiếp nhận cũng như hỗ trợ đào tạo miễn phí cho NKT của các Tỉnh, Thành khác. Những bài giảng của thầy Hà thường ngắn gọn, súc tích để các học viên dễ hiểu và dễ nhớ; anh Trần Văn Hoan –Phó Chủ tịch Quận hội Đống Đa, một người vừa là bạn cũng là học trò của thầy Sơn Hà bày tỏ: “Sơn Hà ít nói nhưng không vì thế làm ảnh hưởng tới việc truyền dạy cho anh em; thầy Hà có cách cầm tay chỉ việc nên các học viên của thầy cũng thuận tiện và tiếp thu rất nhanh. Vừa là bạn, vừa là học trò, bản thân tôi học được ở Sơn Hà nhiều điều ý nghĩa lắm. Ví như sự nghiêm túc trong công việc, tính cần cù, chịu khó, đặc biệt là không bao giờ nề hà việc trợ giúp mọi người, mặc dù có cả những lúc bị gọi nhờ vả ngay cả lúc tối khuya….”. 

Thành quả ngọt ngào

          Với những đóng góp không nhỏ của mình cho sự phát triển tin học  của NKT,  năm 2005, Phạm Sơn Hà đã được bình chọn là “Hiệp sĩ CNTT” do Tạp chí e-CHIP tổ chức tại chương trình “Ngày hội tôn vinh Hiệp sĩ CNTT 2005” (14-8). Chưa dừng ở đó, năm 2006, Phạm Sơn Hà cùng cộng sự lại tiếp tục nhận được giải thưởng “ICT Thắp sáng niềm tin”.

          Năm 2008, Sơn Hà đã chính thức được Hội Người mù thành phố Hà Nội tuyển dụng và trực tiếp công tác tại Ban Tuyên giáo. 13 năm làm nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục cho NKT, Sơn Hà cũng đã có nhiều cải tiến, sáng tạo trong phát triển mạng lưới truyền thông nội bộ thông qua diễn đàn HBA hoặc cùng các cộng sự cải tiến cht lượng Tạp chí truyền thanh “Tri thức và đời sống”…

          Cùng với đó, việc hướng dẫn, truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm sử dụng máy tính và điện thoại thông minh cho NKT vẫn được anh thực hiện hằng ngày. Ngoài giờ làm việc chính thức thì dù bất kì lúc nào có người gọi anh cũng đều nhiệt tình chỉ dẫn. Không chỉ hỗ trợ qua điện thoại, Sơn Hà còn tới tận nhà mọi người để cài đặt, hướng dẫn sử dụng máy tính. Cũng có khi anh ở vài tháng trời tại các Tỉnh, Thành hội bạn để dạy tin học cho NKT ở đó.

          Chia sẻ với chúng tôi, chị Chu Thị Thu Hà –Phó Chủ tịch HNM T.P Hà Nội cho biết: “Anh Sơn Hà là một người rất cần mẫn, trách nhiệm và cẩn thận trong công việc, tuy ít nói nhưng mọi công việc được giao anh luôn hoàn thành xuất sắc. Bản thân tôi cũng đã từng là học trò của anh và rồi lại được cộng tác với anh tại văn phòng Hội Người mù Hà Nội. Tôi lại càng thấy được ý chí, nghị lực vươn lên, không quản ngại khó khăn ở nơi anh. Nay anh Sơn Hà đã đi xa mãi mãi khi tuổi đời còn trẻ quá. Ban Tuyên giáo chúng tôi đột ngột mất đi một thành  viên, một người cộng sự tuyệt vời và cá nhân tôi cũng như nhiều NKT ở miền Bắc mất đi một người thầy, một người anh tận tụy với sự nghiệp phát triển CNTT cho NKT…”. 

          Vâng, anh Phạm Sơn Hà đã đột ngột ra đi ở tuổi 49 với biết bao dự định còn dang dở, khi bài viết này hoàn thành thì được biết trước đó, Trung ương Hội Người mù Việt Nam đã ghi nhận, trao tặng kỷ niệm chương “Vì hạnh phúc Người mù” cho anh Phạm Sơn Hà vì những đóng góp của anh đối với NKT. Hôm nay, dù anh không còn nữa, song  ý chí, nghị lực và tất cả tình cảm cùng những sản phẩm hướng dẫn về CNTT anh để lại sẽ là tài sản vô giá về kiến thức và tinh thần cho những người  khiếm thị thủ đô nói riêng và miền Bắc nói chung.

 

Hà Thu