Ảnh bìa

Người phụ nữ kiên cường

Người phụ nữ kiên cường

 

Tôi biết đến chị Nguyễn Thị Lục( ở xã Thạch Đài – Thạch Hà – Hà Tĩnh) trong lớp học bện chổi đót tạo việc làm cho người mù tại Hội Người mù huyện Thạch Hà – Hà Tĩnh, một người phụ nữ không còn nhìn thấy ánh sáng. Để có cuộc sống như ngày hôm nay, chị đã trải qua những chuỗi ngày dài kiên cường vượt lên chính mình khi mang căn bệnh thoái hóa võng mạc.

      Theo chị về với thôn Kỳ Sơn – Thạch Đài, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi căn nhà khang trang và hết sức gọn gàng từ thành quả lao động của 2 mảnh đời kém may mắn. Đón tiếp tôi với nụ cười dịu dàng cùng chén trà xanh thơm ngát mà chị vừa mới pha. Ngồi cạnh chị là người chồng có cuộc sống trắc trở. Chị Lục trải lòng: Chị sinh năm 1963 trong một gia đình đông con nhưng không may mắn cả hai chị em gái đều mắc căn bệnh về mắt, người chị gái bị mù từ bé, còn chị Lục sinh ra cũng như những đứa trẻ bình thường khác, cứ tưởng cuộc sống yên bình sẽ ở bên chị mãi mãi. Ai ngờ đâu đến tuổi trưởng thành đôi mắt chị cứ thế mờ dần và rồi mù hẳn bởi căn bệnh thoái hóa võng mạc. Qua nhiều lần chữa trị tại các bệnh viện lớn nhỏ trong nước, cuối cùng chị và gia đình cũng đành chấp nhận số phận. Một người con gái đang tuổi xuân đong đầy lại phải vùi mình trong màn đêm dài vô tận, mặc cảm tự ti chị không tiếp xúc với mọi người xung quanh. Cuộc sống cứ thế trôi qua trong âm thầm. Lâu dần chị cũng tập làm quen với những công việc hằng ngày, có nhiều lúc vấp ngã nhưng từ sự động viên chân thành của bạn bè và gia đình, chị đã làm thành thạo những việc đơn giản trong nhà, dần dần tự tin tham gia các hoạt động thôn xóm. Cũng chính cơ duyên đó, anh Võ Tá Sơn(SN 1959) đã biết đến chị trong buổi chiều mùa thu năm 1994. Anh Sơn cũng là một người đàn ông bất hạnh, vợ mất để lại hai đứa con thơ: 1 còn bé, 1 tật nguyền. Thấu hiểu, thông cảm cho nhau và được gia đình bạn bè tác thành, không lâu sau đó, anh chị nên duyên vợ chồng. Người ta thường nói “ Mấy đời bánh đúc có xương – mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”, nhưng có lẽ với chị Lục điều này không còn đúng nữa - những đứa trẻ được chị thương yêu như chính con ruột của mình và niềm vui lại nhân lên khi chị Lục sinh cho anh một cậu bé kháu khỉnh. Bao vất vả, nhọc nhằn lại đè nặng lên đôi vai người chồng bất hạnh vừa tìm lại được niềm hạnh phúc.

Ảnh : Chị Nguyễn Thị Lục đang cho đàn gà ăn

Chị thầm nghĩ trong gia đình một người tật nguyền đã quá khó khăn rồi, chị không muốn mình lại là gánh nặng. Chị bắt đầu tập làm những việc nhỏ trong vườn để phần nào trợ giúp chồng. Ban đầu, chị ngỏ ý xin mẹ một đôi gà giống về nuôi với ý nghĩ sau một thời gian sẽ nhân giống lên và làm vườn rau để lấy cái ăn cho các con. Đây là lần đầu tiên chị tập chăn nuôi nên chưa có kĩ thuật, đôi gà giống bị dịch bệnh chết, vậy là niềm hy vọng dập tắt. Cũng chính lúc bất lực nhất, qua  một người quen, chị biết đến Hội Người mù là một tổ chức Hội tập hợp những người cùng cảnh chăm lo dạy chữ, dạy nghề và tạo việc làm cho hội viên. Niềm tin đã khơi lòng người phụ nữ kém may mắn. Chị xúc động kể lại: Vào Hội mới biết rất nhiều người khó khăn và mình còn may mắn hơn mọi người. Đó cũng chính là động lực giúp chị tự tin và học tập. Hội như nguồn sống khơi dậy một mầm xanh đang lụi dần. Sau khi tham gia các khóa học, được Hội cho vay với số vốn ban đầu là 7.000.000 đồng nhằm phát triển kinh tế gia đình, chị đã đầu tư vào chăn nuôi gà vịt, nay đã có kinh nghiệm, đàn gà vịt hơn 100 con của chị lớn nhanh, chị vui mừng với những thành quả đạt được… Nhưng ông trời như muốn thử thách lòng người, đến kỳ gà, vịt đẻ trứng, một nạn dịch ập đến, chưa kịp phòng ngừa, bao nhiêu vốn liếng, công sức tan biến theo đàn gà vịt mà chị cần mẫn chăm nom bấy lâu.

Những đứa trẻ tíu típ gọi mẹ ơi con đói như thôi thúc chị đứng dậy, mạnh dạn làm hồ sơ xin vay vốn, lần này được Hội hỗ trợ 18.000.000 đồng. Chị tiếp tục đầu tư mua 1 đàn gà và 1 con bê giống, 2 lợ giống, cùng với đó chị tham gia lớp kĩ thuật chăn nuôi, khuyến nông do Hội tổ chức. Với lòng quyết tâm và sự hỗ trợ từ gia đình, tiếp tục làm thêm 1 mẫu ruộng, chủ yếu là lấy lương thực đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ăn uống hằng ngày, một phần là để chăn nuôi và nấu rượu…. Mặc dù cuộc sống của chị là một màn đêm bao trùm nhưng tấm lòng và sự quyết tâm của chị lại là ngọn đèn soi rọi lối đi cho những thành viên trong gia đình và mọi người trên chuyến hành trình tìm kiếm cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mọi việc trong gia đình lớn nhỏ đều do một tay chị lập kế hoạch và hướng dẫn từ nấu rượu, chăn nuôi đến việc bón phân cho ruộng đồng hay các mối quan hệ với mọi người xung quanh. Chưa dừng lại ở đó, năm 2017, chị tiếp tục tham gia lớp học bện chổi đót do Hội Người mù Thạch Hà tổ chức. Sau 02 tháng học nghề, chị đã nắm bắt được kĩ thuật bện chổi đót làm sao vừa mang tính thẩm mỹ lại chắc bền. Để không ngừng vươn lên, chị đã áp dụng những kiến thức được học vào cuộc sống hàng ngày. Chổi chị làn ra được thị trường ưa chuộng, tăng thêm thu nhập cho gia đình và cuộc sống thêm phần ý nghĩa. Ẩn sau một người phụ nữ mù  là một ý chí kiên cường không chịu khuất phục số phận. Sau những cố gắng không ngừng là thành quả đáng trân trọng: gia đình chị đã xây dựng được ngôi nhà khang trang với đầy đủ trang thiết bị,  một năm chăn nuôi  trên 400 gà con vừa đẻ trứng vừa bán thịt, 4 con lợn và 1 con bò,  600 lít rượu, từ 700 đến 1000 chiếc chổi đót cho thu nhập 100.000.000 đồng/năm, ngoài ra chị cùng gia đình làm thêm 1 mẫu ruộng hoa màu và các loại rau trong vườn đảm bảo lương thực cho gia đình và phụ giúp việc chăn nuôi.

       Từ tình yêu thương và sự thấu hiểu, anh chị đã xây đắp nên gia đình hạnh phúc tràn đầy tiếng cười và niềm hãnh diện. Tạm biệt chị với mong muốn sẽ sớm trở lại thăm gia đình để thấy cuộc sống này còn rất ý nghĩa. Chị xứng đáng là người phụ nữ kiên cường trong thời bình để chúng ta noi theo.

                                      Nguyễn Thị Thủy