Ảnh bìa

Nhà giáo, nhà văn khiếm thị giàu nghị lực

 

Lê Trung Cường sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo thuộc xã Bắc Sơn, huyện An Hải nay là huyện An Dương ngoại thành Hải Phòng. Khi mới chào đời, Lê Trung Cường vẫn nhìn thấy ánh mặt trời, thấy những đồ chơi nhỏ xinh xinh, chạy nhảy và tham gia đùa vui với các bạn cùng trang lứa.

 Thế nhưng năm lên 7 tuổi, khi đang hồi hộp chuẩn bị hành trang để bước vào năm học mới, thì căn bệnh hiểm nghèo ập tới đã cướp đi ánh sáng của đôi mắt Cường. Mọi thứ như sụp đổ. Mặc dù kinh tế rất khó khăn nhưng ròng rã suốt 8 năm liền gia đình đã cố gắng đưa anh đi khắp nơi chữa trị. Dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng hy vọng cứ tắt dần, ánh sáng vẫn không trở lại với Cường. Vốn là một cậu bé thông minh, nhanh nhẹn vậy mà hàng ngày phải sống trong bóng tối u ám, sinh hoạt phải phụ thuộc vào người thân, tuổi thơ của Cường cứ thế lặng lẽ trôi đi. Lúc này người bạn thân thiết của Cường là chiếc đài nhỏ xinh và các câu chuyện của cha mẹ. Anh thường ngồi lì hàng giờ trong bóng tối, ghé tai vào chiếc cát sét nghe tất cả các chương trình của đài tiếng nói Việt Nam.

          Ảnh : Thầy giáo Lê Trung Cường đang giảng bài

 

 

 

Bao lần Cường mơ ước được cắp sách tới trường như mọi đứa trẻ khác, nhưng thời điểm đó không ngôi trường nào dám nhận một đứa trẻ hỏng mắt. Tưởng như cánh cửa tri thức sẽ vĩnh viễn đóng lại với cậu bé ham hiểu biết. Đang trong lúc vô cùng tuyệt vọng thì cơ hội đã mở ra khi Hội Người mù tìm đến, vận động anh vào tham gia sinh hoạt. Nhờ các buổi sinh hoạt Hội, Cường được biết thêm nhiều thông tin hữu ích. Đặc biệt hơn cả được gặp gỡ những người đồng tật gặp nhiều khó khăn nhưng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống đã giúp anh vui sống lạc quan hơn. Biết anh luôn mong muốn được đi học, Hội đã giới thiệu anh vào Trường Thanh thiếu niên mù Hải Phòng.

Trong những năm học tập tại trường, Cường được sống trong vòng tay yêu thương, sự chăm sóc nhiệt tình của các thầy cô giáo cùng sự giúp đỡ của bạn bè. Lúc đó, học sinh trong trường có những anh chị hơn Cường hàng chục tuổi, nhưng cũng có những em mới vào còn rất nhỏ. Vốn là người thông minh học giỏi nên ngoài giờ học, Cườngs thường giúp đỡ các anh chị và các bạn làm những bài toán khó, rồi lại dỗ dành các em nhỏ mỗi khi các em quấy khóc nhớ nhà. Những lúc như vậy anh thường mơ ước sau này sẽ trở thành một giáo viên để ngày ngày truyền đạt kiến thức mà mình có được cho những người cùng cảnh ngộ.

Thế rồi thấm thoát 5 năm học cũng qua đi, khi những con ve sầu bắt đầu cất cao tiếng hát, hoa phượng nở đỏ rực thì cũng là lúc Cường phải tạm biệt mái  trường thân yêu để quay về tiếp tục con đường học tập tại quê nhà. Anh cảm nhận mùa hè đến qua tiếng ve và các bạn học sinh đến thăm trường đang ríu rít quanh cây phượng. Lòng anh tràn ngập nỗi nhớ thầy, nhớ bạn và tự hứa sẽ quyết tâm quay lại với vị trí người thầy.

Những năm  học hòa nhập tại các trường phổ thông, bao khó khăn vất vả anh đã trải qua. Anh không muốn mình là gánh nặng của mọi người, nên luôn cố gắng tự làm các việc trong điều kiện có thể. Cây gậy chỉ đường cùng Cường đi không biết bao lần trên con đường quê. Không có bạn đồng hành, nhưng Cường được hòa mình vào thiên nhiên, được nghe chim hót, sóng lúa rì rào và mùi hương của đồng quê. Về nhà anh tự tìm cho mình phương pháp học tập hiệu quả nhất. Và kết quả thật đáng tự hào. Hết phổ thông anh thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hải Phòng.

Lê Trung Cường luôn là một  học sinh cần cù, chịu khó được thầy cô và bạn bè yêu mến. Với người mắt sáng, lượng kiến thức khổng lồ đã vất vả, với Cường còn vất vả gấp bội. Trong lớp anh luôn luôn suy nghĩ phải cố gắng chép bài, nắm bắt kiến thức thật nhanh để có thể theo kịp với các bạn sáng mắt. Không chỉ vậy, việc thường xuyên phải thay đổi địa điểm, môi trường học tập  khiến cho việc đi lại, sinh hoạt của  anh cũng gặp nhiều khó khăn. Hàng ngày anh phải tự mình đi học hàng hai ba cây số, rồi lên xuống xe bus đều bằng cây gậy dò đường. Nhưng bằng nỗ lực quyết tâm cùng với sự say mê học tập đã giúp anh vượt qua mọi trở ngại ấy.

Tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Hải Phòng với tấm bằng loại giỏi trên tay, anh được nhận ngay vào giảng dạy tại Trường Nuôi dạy Trẻ Khiếm thị Hải Phòng. Chính nơi đây năm xưa đã thắp sáng cho anh ước mơ, niềm hy vọng và rồi ước mơ ấy đã trở thành hiện thực. Anh vừa làm việc, vừa tích cực tham gia các phong trào hoạt động của Hội Người mù và được Hội cử đi học lớp tin học tại Trung ương Hội Người mù Việt Nam. Vậy là ngoài việc dạy văn hóa, anh còn dạy các em nhỏ tiếp cận với công nghệ thông tin. Trẻ em dù hỏng mắt cũng vẫn rất say mê với công nghệ. Vì vậy hầu hết các em trong trường đều sử dụng thành thạo vi tính trong học tập và trao đổi, tiếp nhận thông tin. Với mong muốn có nhiều người mù sử dụng công nghệ thông tin để làm việc và nâng cao dân trí, nên ngoài việc giảng dạy tại trường,  anh đã cộng tác chặt chẽ với Hội Người mù thành phố khi tham gia giảng dạy tại các lớp tin học do Thành hội tổ chức. Một số người ở ngoại thành do điều kiện đi lại khó khăn, anh còn đến tận nơi để hướng dẫn tận tình.

  Ảnh :Thầy Lê Trung Cường hướng dẫn học sinh môn Tin học

 

Không chỉ là một giáo viên yêu nghề, nhiệt tình tâm huyết với người mù, mà từ năm 2013 Lê Trung Cường bắt đầu công việc sáng tác văn học. Tác phẩm bút kí đầu tay Cô Tô trong mắt người khiếm thị đã được Tạp chí Cửa Biển tặng giải tác phẩm hay của năm. Hứng khởi với thành quả bước đầu, anh say mê ghi lại những gì mình đã trải nghiệm và làm quen với các thể loại văn học khác. Nhiều truyện ngắn, tản văn ra đời được độc giả đón nhận. Các tác phẩm của anh đã được Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Báo Thái  nguyên, Tạp chí văn nghệ Quân đội, Báo Văn nghệ Công An, Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam và nhiều tờ báo khác đăng tải.

 Trong bảy năm miệt mài sáng tác, Lê Trung Cường đã nhận được nhiều giải thưởng của các báo, tạp chí trong và ngoài thành phố. Đặc biệt tác phẩm Trong mắt trái tim được Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng giải thưởng dành cho tác giả trẻ năm 2018, Tác phẩm Thu Hải Phòng đoạt giải C cuộc thi viết “Hải Phòng khát vọng vươn lên”. Giờ đây anh còn là hội viên Hội nhà văn Hải Phòng. Nhà văn khiếm thị Lê Trung Cường đã xuất bản ba tác phẩm, gần đây nhất năm 2020 là cuốn Phú Quốc trong mắt kính thần.

Có nhà văn đã viết: “Rất ít người khiếm thị trở thành nhà văn bởi những trải nghiệm từ cuộc sống là cái vô cùng cần thiết với người cầm bút. Anh đã lắng nghe hơi thở cuộc sống, lắng nghe tiếng thì thầm của con tim để thấy rằng thế giới xung quanh của mình thật phong phú và tràn đầy yêu thương. Vì vậy anh có cách tiếp cận với cuộc sống thật khác, thật đẹp, khiến có người đọc những trang viết của anh đã gai người mà thốt lên: “Giỏi quá!” để rồi đọc văn của anh, không ai nghĩ Lê Trung Cường là người khiếm thị.”

Thầy giáo - Nhà văn Lê Trung Cường là vậy đó. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn song anh đã tìm cho mình một con đường để sống, để làm việc. Anh đã truyền cảm hứng cho chúng tôi, những người khiếm thị, có cách nhìn nhận cuộc sống thật đẹp.

 

Cao Hồng Đoan - Hội Người mù thành phố Hải Phòng