Ảnh bìa

Ước mơ đi học của chàng trai người Tày

“Con không nhìn thấy thì chỉ có học mới giúp con phát triển để vươn lên trong cuộc sống” – đó là lời dặn dò của bố mà Triệu Hà Duy (SN 1997), học sinh lớp 12KT Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố vẫn ghi khắc để làm động lực vượt qua bao khó khăn.

Cuộc đời thay đổi

Sinh ra nơi bản Tày, thị xã Đông Khê – huyện Thạch An – tỉnh Cao Bằng, tuổi thơ của Triệu Hà Duy êm đềm như bao đứa trẻ khác. Được sống trong tình yêu thương gia đình, sự quây quần của dân bản. Duy là đứa trẻ hiếu động, cậu luôn dẫn đầu các cuộc chơi của tụi trẻ trong bản.

Như một định mệnh, buổi chiều ấy vẫn còn in đậm trong trí nhớ của Duy, cậu nhớ lại: “Đó là buổi chiều gần Tết 13 – 1-2006, mình cùng các bạn có chơi pháo. Không may mảnh pháo bắn vào mắt. Mình hoàn toàn mất thị lực, năm ấy mình 8 tuổi”. Lúc đó mọi thứ tối sầm, mình lịm đi, khi tỉnh lại đã thấy bố đang ngồi bên. Sau này mình mới được nghe kể lúc đó bố đang làm thuê bên xã nghe tin vội vàng xin nghỉ đưa mình lên Bệnh viện đa khoa thị xã Đông Khê tầm 5 giờ chiều. 8 giờ tối mình được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng và chuyển tuyến lên trung ương ngay trong đêm”.

8 tuổi, Duy đâu hiểu được sự mất mát bản thân. Đối với suy nghĩ non nớt của cậu, bóng tối xung quanh cậu không sớm thì muộn sẽ được bác sĩ, bố mẹ gỡ bỏ như chiếc rằm cắm trong tay hay vết xước rớm máu. Đến ngày những cuộc thăm khám cứ thưa dần bởi sự bó tay của cả bác sĩ và sự kiệt quệ của kinh tế gia đình, Duy mới lờ mờ hiểu ra. Duy quanh quẩn ở nhà, không được đi học, dần dần cậu học chậm mất 3 năm. Lúc đó Hà Duy mới biết cuộc đời mình đã có một thứ gì đó thay đổi.

Gian nan đường đi học

Kinh tế gia đình xuống dốc sau chuỗi ngày chạy chữa cho Duy, tưởng rằng Duy sẽ mãi quanh quẩn nơi góc nhà thèm thuồng nhìn những người bạn cùng trang lứa cắp sách đến trường. Con đường đi học tưởng khép lại được mở ra khi hội người mù địa phương giới thiệu lớp học chữ cho Duy. Lại một lần nữa, bố Duy – người thức trắng đêm đưa cậu đến bệnh viện lại lặn lội lên Trung tâm Phục hồi chức năng và hòa nhập cho trẻ khuyết tật tỉnh Cao Bằng xin học cho con. Sau một năm học chữ nổi, định hướng di chuyển…Duy trở về ngôi trường tiểu học thị trấn Đông Khê xưa học hòa nhập với các bạn học sinh bình thường. Trở lại trường Đông Khê, bạn bè, thầy cô luôn thấu hiểu giúp đỡ Duy nhưng sao giống xưa được. Những giờ chơi cậu chỉ có thể ngồi trong lớp, những tiết học minh họa bằng hình ảnh, cậu phải cố tưởng tượng.

Đã có lúc Duy muốn nghỉ học nhưng câu nói nhắc nhở của bố: “Con không nhìn thấy thì chỉ có học mới giúp con phát triển để vươn lên trong cuộc sống”. Lấy đó là động lực, cậu cố gắng học tập cùng với sự xuất hiện của cô Hoàng Thị Hồng Hảo – người mở rộng con đường học của cậu, Duy chia sẻ về người cô đáng kính này: “Mình trở lại trường Đông Khê, nhà trường cử cô Hảo đi tập huấn một khóa học kỹ năng đào tạo học sinh đặc biệt. Kể từ đó cô luôn sát sao bên mình, tất cả các bài kiểm tra chữ nổi ở các môn đều do cô dịch ra chữ thường. Cô luôn quan tâm dù khi cô không còn chủ nhiệm lớp mình nữa”.

Bộ bảng, bút đồng hành cùng Duy trên con đường đến trường

Năm 2011, gia đình duy đối mặt với sự mất mát to lớn khi trụ cột cả về vật chất lẫn tinh thần là người bố đáng kính của cậu qua đời vì căn bệnh ung thư dạ dày. Hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn nay càng chật vật, gia đình Duy luôn được xếp vào hộ nghèo của xã. Một lần nữa, cô Hồng Hảo lại động viên đứa trò nhỏ cố gắng và kết quả Duy đạt được không phụ lòng cô khi em liên tục giữ vững danh hiệu học sinh giỏi trong nhiều năm liền. Cũng chính cô Hảo là người tìm kiếm cũng như nộp hồ sơ cho Duy vào trường cấp 2 – Trung tâm Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên.

Ý thức được hoàn cảnh của bản thân, năm 2015, Triệu Hà Duy xuống Hà Nội xin học nghề, làm việc ở cơ sở tẩm quất Anh Tú. Đều đặn thứ 7, chủ nhật, cậu tham gia học bổ túc văn hóa chương trình cấp III tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố quận Hoàn Kiếm. Vừa học vừa làm đôi lúc cũng bất tiện. “Tẩm quất là nghề dịch vụ nên một nhân viên như mình phải chiều lòng khách hàng. Đôi khi đang tự học ở nhà, khách đến hoặc nhiều hôm đi học về chưa kịp thở khách đã vào phải làm luôn. Đặc thù của nghề này là nghề chăm sóc sức khỏe nên phải bỏ rất nhiều sức lực, làm khách nhiều cũng rất mệt mỏi”, Hà Duy chia sẻ. Với công việc xoa bóp bấm huyệt, mỗi tháng thu nhập từ 3-5 triệu đủ tự lập cuộc sống cũng như giúp mẹ trang trải, nuôi em trai Duy đi học.

 Chàng trai 9x này còn có khá nhiều tài lẻ. Cậu từng tham gia giải thi thể dục thể thao học sinh khuyết tật, đạt nhiều các huy chương vàng, bạc, đồng tập thể và cá nhân. Cậu cũng có tình yêu với âm nhạc và có một giọng ca truyền cảm, Triệu Hà Duy chia sẻ về sở thích này của mình: “Mình thích âm nhạc từ bé nhưng không có thời gian và điều kiện để đi học nhạc. Mỗi mùa hội là lại đi mua lấy những cây sáo nứa, sáo trúc bán ở sân hội để tập thổi. Vì không có thầy dạy và cũng không ai biết thổi nên mãi mình cũng chẳng thổi được. Cho đến sau này có điều kiện mua được cái điện thoại có cài talk thì mới lên mạng tự mày mò học theo hướng dẫn và bây giờ cũng thổi tàm tạm. Còn thanh nhạc mình cũng khá thích song vì là lúc nhỏ tự ti vào bản thân nên hát trên sân khấu lắm khi run mà quên cả vào nhạc luôn. Nhưng càng về sau khi quen rồi cũng đỡ và bây giờ thì hát được vài thể loại”.

Vừa qua, Triệu Hà Duy được tuyển thẳng vào khoa Tâm Lý – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Gánh nặng cơm áo còn đó nhưng Duy Coi đó là chặng nữa Hà Duy tự đặt cho bản thân để vươn tới, để chinh phục. Chuyện học sinh bình thường đi học cách trường dăm bước chân, đối với Duy đó là những điểm trường cứ xa nhà dần, từ Cao Bằng – Thái Nguyên – Hà Nội. Đó là quãng dài của những ngày tự lập khi tuổi còn quá nhỏ cấp 2, là những khó khăn của một cậu trò miền núi khiếm thị.

Hướng Dương