Ảnh bìa

Chung tay hỗ trợ hội viên nữ xây dựng hạnh phúc gia đình

       Sáng ngày 29 /7/2020, tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, Hội Người mù Việt Nam tổ chức hội thảo “Hạnh phúc gia đình” khu vực phía Bắc và phát động chương trình: Chung tay hỗ trợ “mái ấm tình thương” cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở. Tới dự có ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBMTTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; các nhà tài trợ; lãnh đạo, cán bộ chuyên mônTW Hội cùng các cán bộ, hội viên nữ tiêu biểu của 26 Tỉnh, Thành hội khu vực phía Bắc.

Ảnh: Bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình

 

          Phát biểu khai mạc chương trình, bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, Hội Người mù Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh công tác gia đình với nhiều hoạt động phong phú từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, Hội luôn dành sự quan tâm đối với phụ nữ mù là những người chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn hơn nam giới đồng tật về nhiều mặt, trong đó có vấn đề xây dựng hạnh phúc gia đình. Bằng nhiều chủ trương, biện pháp cụ thể, thiết thực, công tác quan tâm, chăm lo cho hội viên nữ xây dựng hạnh phúc gia đình đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định. Bà mong muốn các đại biểu sẽ tham gia đóng góp ý kiến nhằm đánh giá đúng tình hình thực tế, những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp để hoạt động Hội trong lĩnh vực này sẽ hiệu quả hơn, tạo nên ý nghĩa to lớn trong cuộc sống của chị em, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Bà cũng kêu gọi các cấp, các ngành và hội viên trong toàn Hội chung tay thắp lên ngọn lửa yêu thương để phụ nữ mù có hoàn cảnh khó khăn có được ngôi nhà vững chắc, an toàn và ấm áp.

   Hiện nay, toàn Hội có 37.453 hội viên nữ trên tổng số 74.378 hội viên (chiếm 50,35%), trong đó, tại 26 đơn vị khu vực phía Bắc có 22.799, chiếm 60,87% hội viên nữ trong toàn quốc.

   Ban Công tác Phụ nữ và Trẻ em thường xuyên tham mưu với lãnh đạo Hội và phối hợp với các ban chuyên môn để ưu tiên, chăm lo cho hội viên nữ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động; trong đó, chú trọng công tác hỗ trợ, động viên, giúp chị em thực hiện quyền kết hôn, quyền làm mẹ, chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình.

   Các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Nâng cao nhận thức cho hội viên nữ, gia đình và cộng đồng về chính sách, pháp luật liên quan, tập huấn cho chị em các kiến thức, kĩ năng chăm sóc sức khỏe, giữ gìn hạnh phúc, nuôi dạy con cái.. Cùng với các hoạt động hỗ trợ giáo dục, việc làm, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tạo môi trường gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và gắn kết yêu thương. Đến nay, ở khu vực phía Bắc đã có hơn 15 nghìn chị lập gia đình, hơn 4 nghìn chị thực hiện quyền làm mẹ. Một số đơn vị đã có những hoạt động ý nghĩa như: tổ chức đám cưới tập thể, tặng ảnh cưới, xe hoa, vận động tặng sổ tiết kiệm cho các cặp vợ chồng.

   Nhìn chung, các gia đình chị em đều thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, cuộc sống gia đình đầm ấm, hòa thuận, giữ gìn nét đẹp truyền thống, xứng đáng với danh hiệu Gia đình văn hóa. Nhiều chị đã có trình độ cử nhân, thạc sĩ, là cán bộ, giáo viên năng động, sáng tạo, đầy nhiệt huyết; nhiều chị em làm kinh tế giỏi, không chỉ lo cho cuộc sống bản thân mà còn tạo được việc làm cho nhiều người khác; một số chị em còn tham gia và đạt giải cao tại các hội thi, hội diễn văn nghệ, thể thao, cuộc thi kiến thức, kĩ năng trong nước và quốc tế. Ở nhà, các chị là những người vợ, người mẹ hiền dịu, đảm đang, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi, biết yêu thương, giúp đỡ bố mẹ, từng bước khôn lớn, trưởng thành. Nhiều chị em đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, là tấm gương sáng xây dựng gia đình hạnh phúc, nhiều cặp vợ chồng hỏng mắt phấn đấu vươn lên, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng các cấp, các ngành khen thưởng, được vào Văn phòng Chủ tịch nước báo cáo thành tích với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Những tấm gương đó đã thật sự tỏa sáng trong tổ chức Hội và cộng đồng.

 Ảnh: Toàn cảnh hội thảo

 

                Tuy nhiên, báo cáo và các tham luận đến từ các đơn vị Sơn La, Bác Giang, Hà Tĩnh, Hải Dương cũng đã nêu lên một số hạn chế như: Trình độ, năng lực, điều kiện làm việc của các cán bộ trong Ban công tác phụ nữ và trẻ em còn hạn chế, từ đó, khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch, đề xuất và triển khai các hoạt động nói chung, công tác chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình cho hội viên nữ nói riêng một cách hiệu quả. Đời sống của phụ nữ và trẻ em mù nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức của hội viên nữ nhìn chung còn hạn chế, một số chị em chưa thật sự thoát khỏi tâm lí tự ti, mặc cảm của bản thân hoặc những rào cản của gia đình, xã hội để mạnh dạn, tự tin tham gia học tập, lao động, chăm sóc sức khỏe, thực hiện quyền làm mẹ, quyền kết hôn… Nguồn kinh phí để chăm sóc, giúp đỡ chị em còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, hội viên nữ sống rải rác trên nhiều địa bàn cùng với sự khác nhau về độ tuổi, trình độ, đặc điểm tâm lí... cũng là những khó khăn trong việc thiết kế và tổ chức các hoạt động tập thể…

     Hội thảo đã đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới như: Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, cơ cấu cán bộ nữ; củng cố, kiện toàn Ban Công tác Phụ nữ và Trẻ em. Các cấp Hội quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, tạo điều kiện để Ban đi vào hoạt động đảm bảo thực chất, có chiều sâu và hiệu quả. Giáo dục, động viên hội viên nữ nâng cao nhận thức, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, gắn với “Đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các chương trình, nhiệm vụ và các cuộc vận động, phong trào của Hội Người mù Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, và các ban ngành, đoàn thể địa phương nói chung, các văn bản chỉ đạo và chương trình liên quan đến công tác gia đình và bình đẳng giới nói riêng. Tăng cường hoạt động truyền thông về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh các hoạt động phổ biến kiến thức, chuyển đổi, in ấn, thu âm tài liệu tham khảo, duy trì và phát triển các CLB, diễn đàn giao lưu, chia sẻ, các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề nhằm giúp hội viên nữ nâng cao nhận thức, rèn luyện kĩ năng, chủ động, tích cực tham gia học tập, lao động, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạnh phúc gia đình, thực hiện quyền làm mẹ, nuôi dạy con tốt. Động viên và tạo điều kiện để chị em được học chữ, học nghề, phát triển thêm các nghề mới phù hợp, hỗ trợ sinh kế, giúp chị em có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống; từ đó, có điều kiện chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình. Huy động các nguồn lực, chăm lo mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên nữ, quan tâm bình xét biểu dương khen thưởng chị em vượt khó vươn lên trên các lĩnh vực học tập, lao động, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt; các cháu là con của hội viên nữ học giỏi, chăm ngoan, phát huy, nhân rộng những điển hình tiên tiến.

        Cũng từ khảo sát thực tế, hiện nay, trong toàn Hội còn 1035 hội viên nữ chưa có nhà ở hoặc đang phải sống trong những ngôi nhà tồi tàn, dột nát. Nhằm góp phần giải quyết khó khăn trên, Hội Người mù Việt Nam đã phát động chương trình: Chung tay hỗ trợ “mái ấm tình thương” cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở với các nội dung chủ yếu là: Trong công tác vận động hỗ trợ nhà ở cho hội viên nói chung, các cấp Hội dành sự quan tâm, ưu tiên cho hội viên nữ có hoàn cảnh khó khăn; báo cáo, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, vận động các ban, ngành đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, dòng họ, gia đình… chung tay giúp đỡ kinh phí, nguyên vật liệu, công sức..., phấn đấu mỗi năm làm mới từ 90 - 100 ngôi nhà, sửa chữa từ 45 - 50 ngôi nhà cho hội viên nữ. Mặt khác, Hội cũng động viên cán bộ, hội viên với tinh thần “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” chung tay đóng góp, mỗi năm toàn Hội phấn đấu làm mới hoặc sửa chữa 01 ngôi nhà cho 01 hội viên nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. TW Hội sẽ gửi công văn phát động và triển khai cụ thể tới các Tỉnh, Thành hội.

Ảnh: Ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ gia đình – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phat biểu tại chương trình

     Phát biểu tại chương trình, ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ông Phạm Viết Thu – Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam đều đánh giá cao những kết quả mà các cấp Hội đã đạt được trong công tác phụ nữ nói chung, công tác chăm lo hỗ trợ hội viên nữ xây dựng hạnh phúc gia đình nói riêng; đồng thời, mong muốn Ban Công tác Phụ nữ và Trẻ em các cấp Hội sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp một cách cụ thể để công tác này sẽ ngày càng phát huy hiệu quả trong thời gian tới. Đặc biệt, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình cho biết: Theo đề nghị của Hội, tới đây, Vụ Gia đình và Hội Người mù Việt Nam sẽ xây dựng và thực hiện các chương trình, hoạt động  phối hợp cụ thể trong công tác này. Chiều cùng ngày, đồng chí Phó Vụ trưởng đã tập huấn cho cán bộ, hội viên của Hội về công tác gia đình và phát triển bền vững.

 

Ảnh: Đại diện Quỹ Thiện Tâm trao điện thoại thông minh cho hội viên nữ tiêu biểu

     Nhân dịp này, các đơn vị của Hội Người mù Việt Nam và các cán bộ, hội viên nữ tiêu biểu, có hoàn cảnh khó khăn đã được đón nhận những phần quà ý nghĩa, thiết thực từ các tổ chức, các nhà tài trợ. Trong đó, Ủy ban TW MTTQVN tặng 50 suất quà, mỗi suất 500 ngàn đồng; Quỹ Xã hội từ thiện Hành trình xanh ủng hộ 90 triệu đồng để hỗ trợ làm mới 3 ngôi nhà tại Sơn La, Thanh Hóa và Bình Phước; Công ti Galaxy hỗ trợ 30 triệu đồng cho 3 ngôi nhà nói trên; Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn Vingroup trao 60 chiếc điện thoại VSmart; Quỹ Nhân ái Hồng La trao 7 máy lọc nước cho các đơn vị trong Hội và hỗ trợ xe để các cán bộ, hội viên đi dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong đã hi sinh anh dũng tại Ngã ba Đồng Lộc.

Hà Anh