Ảnh bìa

Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN lần thứ 8

Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN lần thứ 8 được Hội Người mù Thái Lan tổ chức với hình thức hội nghị trực tuyến vào ngày 08/8/2020.

          Tham dự diễn đàn có ông Monthian Buntan, Ủy viên Ủy ban Quyền của người khuyết tật của Liên hiệp quốc, Ủy viên Ủy ban Lập pháp của Quốc hội Thái Lan; bà Sita Sumrit, Trưởng phòng trợ lí Ban Thư kí ASEAN; ông Tolhas Damanik, Cố vấn chương trình về quyền của người khuyết tật của ASEAN và các đại biểu đại diện Hội Người mù thuộc 7 quốc gia trong khu vực bao gồm: Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

          Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Monthian Buntan nhấn mạnh: “Mặc dù người mù luôn mong muốn được gặp gỡ, nắm tay nhau, được lắng nghe tiếng cười của nhau một cách trực tiếp, nhưng do đại dịch COVID – 19 nên lần này chúng ta chỉ có thể cảm nhận những tình cảm ấm áp qua tâm hồn và trái tim. Tuy nhiên, tôi tin rằng với một Cộng đồng người mù ASEAN mạnh mẽ, với sự tâm huyết nhiệt tình của các quý vị đại biểu, diễn đàn của chúng ta vẫn sẽ hết sức sôi nổi và thành công.”

          Chủ đề của diễn đàn năm nay là:”Quá trình vận động và thực hiện Kế hoạch tổng thể của ASEAN đến năm 2025 về lồng ghép quyền của người khuyết tật trong đại dịch COVID -19”. Diễn đàn đã được nghe các đại biểu đến từ các cơ quan của Liên hiệp quốc và ASEAN trao đổi về quá trình xây dựng, vận động thực hiện Kế hoạch tổng thể về lồng ghép quyền của người khuyết tật trong Cộng đồng ASEAN trên cả 3 trụ cột là: chính trị - an ninh; kinh tế và văn hóa, xã hội. Đồng thời, các hoạt động này cũng được thể hiện hết sức rõ nét trong việc hòa nhập người khuyết tật trong quá trình ứng phó với đại dịch COVID – 19 ở cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới.

Ảnh : Bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam chia sẻ những hoạt động của Hội trên hội nghị trực tuyến

          Tại diễn đàn, Hội Người mù các nước cũng đã chia sẻ các hoạt động nổi bật của mình trong 01 năm qua. Trong đó, HNM Thái Lan tổ chức hội thảo quốc tế về giáo dục cho người mù nhân kỉ niệm 80 năm xây dựng và phát triển công tác giáo dục cho người mù tại quốc gia này; đẩy mạnh việc phát triển nghề massage; tổ chức cuộc thi đọc viết chữ Braille tiếng Anh quốc tế… HNM Myanmar phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường công tác truyền thông và các hoạt động hỗ trợ nâng cao kiến thức, kĩ năng cho người khiếm thị trẻ. Hội Người mù Malaysia tích cực đóng góp vào việc xây dựng Luật Người khuyết tật mới thay thế cho Luật Người khuyết tật năm 2008, trong đó, nhấn mạnh nội dung đảm bảo quyền được học tập cho người khuyết tật. Hội Người mù Indonesia tích cực cùng các tổ chức khác kiến nghị và đến nay Chính phủ Indonesia đã chính thức gia nhập Hiệp ước Marrakesh…

          Đại diện Hội Người mù Việt Nam cũng đã chia sẻ các hoạt động nổi bật của Hội như: tổ chức thành công Lễ kỉ niệm 50 năm ngày thành lập Hội, tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng (Khóa VI) về việc giúp đỡ HNM Việt Nam; Hội thảo về nghề tẩm quất, xoa bóp và Hội thi tay nghề toàn quốc lần thứ II có sự tham dự của HNM Thái Lan.  Hội cũng đã tổ chức hội thảo quốc tế xây dựng lộ trình thúc đẩy gia nhập Hiệp ước Marrakesh. Sau hội thảo, Hội đã có công văn kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và đến nay đã nhận được công văn của VPCP thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ liên quan thực hiện một số nội dung nhằm thúc đẩy Việt Nam gia nhập Hiệp ước theo kiến nghị của Hội. Đặc biệt, Hội đã xây dựng kế hoạch tổ chức chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù khu vực ASEAN” nhân ngày “An toàn của cây gậy trắng” năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN. Chủ trương này đã được Ban Bí thư TW Đảng đồng ý nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID 19 nên hoạt động này phải chuyển sang năm 2021.

          Về tình hình đại dịch COVID – 19, các đại biểu đều nhận định: người mù chịu tác động rất lớn của đại dịch, đặc biệt là vấn đề thu nhập do rất nhiều người mù ở các nước trong khu vực đều làm nghề massage, bán vé số hay ca nhạc. Bên cạnh đó, do người mù cần có sự tương tác trực tiếp và đón nhận sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, sử dụng phương tiện công cộng khi tham gia giao thông, thường xuyên chạm tay vào các bề mặt để nhận biết sự vật…nên việc phòng tránh lây nhiễm phải hết sức chú trọng. Các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm về công tác truyền thông phòng chống dịch, thực hiện theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, vận động sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức, cá nhân để giúp đỡ hội viên về vật chất và tinh thần, chuyển đổi một số ngành nghề, tăng cường phát triển công nghệ thông tin, tổ chức các hoạt động online để phòng chống dịch…

          Mặc dù diễn đàn được tổ chức trực tuyến nhưng đã thu hút sự nhiệt tình tham gia thảo luận sôi nổi của đại biểu các nước và đạt nhiều hiệu quả. Kết thúc chương trình, trong tiếng nhạc rộn ràng, các đại biểu cùng hân hoan với lòng quyết tâm nắm tay nhau vượt qua khó khăn, xây dựng Cộng đồng người mù ASEAN vững mạnh và cùng hẹn gặp nhau tại Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN lần thứ 9 năm 2021.

Đinh Việt Anh