Ảnh bìa

Có một cơ sở đào tạo như thế...

Được thành lập ngày 23/2/1994, sau 3 năm xây dựng với sự giúp đỡ của Hội Người mù và kém mắt Na Uy, đến tháng 11 năm 1997, Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù chính thức đi vào hoạt động. Trải qua 24 năm bền bỉ, nỗ lực trang bị kiến thức, kỹ năng cho đông đảo người mù cả nước, đến nay Trung tâm là cơ sở đào tạo duy nhất hướng nghiệp, dạy nghề, nâng cao kiến thức, tri thức cho người mù Việt Nam vững tin hòa nhịp cùng sự phát triển của xã hội.

 

Ngày 18/4 hàng năm là ngày Người khuyết tật Việt Nam, ngày nhắc nhở toàn xã hội dành sự quan tâm sẻ chia nhiều hơn với những đối tượng yếu thế trong xã hội. Sự quan tâm đó có thể bằng vật chất hoặc tinh thần để giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng có lẽ, với NKT, sự quan tâm tạo điều kiện cho họ được nâng cao kiến thức, kĩ năng, được học nghề, từ đó, có công ăn việc làm ổn định chính là sự giúp đỡ thiết thực và ý nghĩa nhất, giúp anh chị em tự tin hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. 

Ảnh : Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho Người mù

 

 

 

          Ngay giữa thủ đô Hà Nội ồn ào náo nhiệt, có một cơ sở đào tạo trong suốt 24 năm qua vẫn luôn lặng lẽ đồng hành cùng người khiếm thị Việt Nam. Đó chính là Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù, đơn vị sự nghiệp duy nhất của Trung ương Hội Người mù Việt Nam, nơi đã mang lại kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp cũng như niềm tin cho rất nhiều người khiếm thị trong cả nước.

Ảnh : Một tiết học Kĩ năng làm việc của lớp Nghiệp vụ Quản lý Công tác Hội

 

Trải qua 24 năm hoạt động, hơn 6000 lượt học viên, người mù trên khắp mọi miền Tổ quốc đã về đây học tập, tham gia các khóa đào tạo Công nghệ thông tin, Nghiệp vụ Quản lý, đào tạo nghề Xoa bóp bấm huyệt, Giáo viên Xoá mù chữ, thủ công mỹ nghệ, cộng tác viên báo chí ... Giờ đây, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, Trung tâm đã mở rộng thêm các loại hình lớp như: Tập huấn sử dụng phần mềm đọc nhạc; Tập huấn trực tiếp và online về tiếp cận và sử dụng phần mềm INLAB-công cụ hỗ trợ người mù tham gia dán nhãn dữ liệu; tổ chức các khóa học cho học viên tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam; xây dựng giáo trình, chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 03 nghề: Xoa bóp bấm huyệt, tin học văn phòng và công tác xã hội mở ra cơ hội nghề nghiệp mới cho người mù Việt Nam.

Ảnh : Lớp Công nghệ thông tin

 

          Trung bình mỗi năm Trung tâm đào tạo 3 khóa học, mỗi khóa học kéo dài 2 - 3 tháng với  80 đến 100 học viên. Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp tổ chức lớp đào tạo Y sĩ y học cổ truyền, tạo bước ngoặt mới trong công tác đào tạo nghề chuyên sâu của Hội.

Không chỉ được đào tạo nghề, được hỗ trợ ăn, ở, học tập, sinh hoạt hoàn toàn miễn phí, anh chị em học viên còn được tham gia các buổi sinh hoạt giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, tham gia các hội thảo, hỗ trợ pháp lý, dã ngoại, tham quan thực tế…

Học viên học tập tại Trung tâm ở nhiều độ tuổi khác nhau, trình độ nhận thức cũng khác nhau và hầu hết đều xuất thân từ những hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhưng tựu trung, họ đến Trung tâm đều với mong muốn khát khao được học tập, được thay đổi bản thân và tìm được ánh sáng, niềm tin của cuộc đời mình. Cũng từ mái trường đặc biệt này, rất nhiều học viên đã được chắp thêm đôi cánh thực hiện ước mơ sống độc tập, tự chủ. Đa số anh chị em đã tìm được việc làm, có thu nhập và tạo dựng được cuộc sống ổn định. Có người còn tìm thấy hạnh phúc của cuộc đời qua những khóa học đáng nhớ tại Trung tâm.

Ảnh : Lớp Kỹ thuật viên Xoa bóp bấm huyệt

 

          Đồng hành suốt chặng đường 24 năm hoạt động của Trung tâm là sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Hội, là đội ngũ cán bộ, công nhân viên, giáo viên có trình độ, kiến thức, tận tình, tâm huyết. Trong đó, đội ngũ giáo viên với 100% có trình độ cử nhân, có văn bằng, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm phổ thông và sư phạm nghề với 30% có trình độ thạc sĩ và đang ngày càng nâng cao hơn nữa kĩ năng, năng lực giảng dạy để đáp ứng nhu cầu ngày một cao của xã hội.

Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất đang xuống cấp sau thời gian dài sử dụng, giá cả thị trường ngày một tăng, nhưng không vì thế mà Ban Giám đốc và tập thể cán bộ, giáo viên và công nhân viên nơi đây chùn bước. Với nền tảng vững vàng và quyết tâm nâng cao kiến thức, kĩ năng cho người khiếm thị Việt Nam, tập thể cán bộ, giáo viên và công nhân viên Trung tâm luôn đoàn kết, nỗ lực làm việc và huy động mọi nguồn lực có thể để tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động ý nghĩa với mục tiêu “Không có người khiếm thị nào bị bỏ lại phía sau”. 

Phạm Mai