Ảnh bìa

Những kết quả nổi bật trong công tác Tuyên truyền - Văn hóa - Giáo dục của Hội năm 2020

Cùng với các mặt công tác khác trong hoạt động Hội, năm 2020 hoạt động Tuyên truyền văn hóa giáo dục cũng gặp không ít khó khăn song vượt qua những thử thách ấy vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sau đây, chúng ta cùng nhìn lại những kết quả nổi bật trong công tác tuyên truyền văn hóa giáo dục của Hội năm 2020.

Năm 2020 là một năm đánh dấu nhiều khó khăn, thử thách trên toàn thế giới do tác động của đại dịch COVID – 19; song, nhìn lại bức tranh hoạt động của Hội Người mù Việt Nam vẫn ánh lên những mảng màu tươi sáng từ sự đoàn kết, nỗ lực của toàn thể cán bộ, hội viên, sự quan tâm của Đảng, nhà nước và cả cộng đồng. Trong đó, công tác Tuyên truyền - Văn hóa - Giáo dục đã có những kết quả nổi bật đáng khích lệ.

          Cùng với sự phát triển của thời đại công nghệ 4.0, việc ứng phó với đại dịch COVID – 19 cũng đặt ra yêu cầu cần đẩy mạnh tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin và tạo ra những ngành nghề mới phù hợp. Chính trong thời điểm này, kết quả từ sự phối hợp của Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, các doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ đã tạo ra hệ thống công cụ phần mềm Dán nhãn dữ liệu thông tin INLAB cùng với chương trình đào tạo cho người khiếm thị. Đến nay, đã có gần 200 học viên được đào tạo thông qua các khóa học trực tiếp và online tại Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù. Cuối năm 2020, hàng chục anh chị em đã bắt đầu nhận các gói công việc từ các doanh nghiệp làm về trí tuệ nhân tạo AI. Theo đánh giá của các đối tác, anh chị em đã hoàn thành công việc với chất lượng rất tốt. Chị Võ Cẩm Giang, hội viên HNM tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Sau một thời gian trực tiếp làm dán nhãn dữ liệu em thấy đây là công việc phù hợp với người khiếm thị bởi có thể làm tại nhà, làm bằng máy tính hoặc trên điện thoại, có thể làm bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào thuận lợi. Em thấy hiện số lượng người khiếm thị biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh là khá nhiều lại có khả năng nghe và ghi nhớ tốt rất phù hợp với công việc này. Em hy vọng nhiều doanh nghiệp, công ty về trí tuệ nhân tạo sẽ lựa chọn người khiếm thị là nguồn nhân lực cho mình để tạo thêm cơ hội việc làm cho người khiếm thị."

Ảnh: Các đại biểu và thí sinh dự trao giải, tổng kết Hội thi Tin học toàn quốc lần thứ II.

          Cũng nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển công nghệ thông tin trong toàn Hội, năm 2020, các cấp Hội đã tổ chức hơn 30 lớp Tin học cơ bản, nâng cao, lớp hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh cho hơn 300 hội viên. Đặc biệt, Hội Người mù Việt Nam đã phát động Hội thi Tin học dành cho người mù toàn quốc lần thứ II. TW Hội đã gửi công văn phát động, Kế hoạch tổ chức Hội thi, đề cương ôn tập tới các Tỉnh, Thành hội. Theo đề xuất của Hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn đến Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị giúp đỡ Hội trong việc tổ chức Hội thi tại địa phương. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19 nhưng Hội thi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các Tỉnh, Thành hội trong cả nước. Với sự hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, các đơn vị đã tuyên truyền nội dung, ý nghĩa của Hội thi cũng như vai trò của Tin học tới cán bộ, hội viên và cộng đồng, mở các lớp đào tạo, tập huấn, ôn luyện, tổ chức Hội thi tại địa phương, lựa chọn những thí sinh xuất sắc nhất tham gia vòng chung khảo Hội thi.

     Vòng chung khảo toàn quốc được TW Hội tổ chức tại Hà Nội với 43 thí sinh từ 26 Tỉnh, Thành hội tham gia ở 3 phần thi: dành cho cán bộ Hội, dành cho hội viên trẻ, học sinh, sinh viên và phần thi sản phẩm sáng tạo. Kết quả 14 bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông, 28 bằng khen của Hội Người mù Việt Nam với tổng trị giá giải thưởng 56 triệu đồng và 16 điện thoại VSmart đã được trao cho các thí sinh trong niềm vui, niềm hi vọng về những bước tiến mới trong công tác phát triển công nghệ thông tin của Hội.

     Bên cạnh việc phát triển công nghệ thông tin, công tác giáo dục, nâng cao dân trí đều được các cấp Hội chú trọng. Các ấn phẩm bằng chữ Braille của Hội được điều chỉnh theo quy định chuẩn quốc gia về chữ Braille của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với sự hỗ trợ sách giáo khoa, học cụ từ TW Hội, các địa phương đã tích cực mở 54 lớp xóa mù chữ cho 390 người, và 71 lớp trẻ em cho 427 em.

 Để nâng cao kỹ năng công tác Hội, kỹ năng sống cho cán bộ, hội viên, nhiều mô hình học tập được triển khai như lớp Tiếng Anh, đàn Organ, khiêu vũ, Telesale, Zum ba, yoga. Các cấp Hội cũng tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng do địa phương tổ chức, đồng thời, quan tâm đến công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường phổ thông, đại học. TW Hội cũng đã thành lập mạng lưới sinh viên khiếm thị trên địa bàn Hà Nội với mục đích hỗ trợ, đồng hành, giúp các em giảm bớt khó khăn để học tập đạt kết quả cao hơn.

Năm 2020 là năm diễn ra nhiều ngày kỷ niệm lớn của Đất nước như: 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9; 45 năm ngày thống nhất đất nước; 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII…, các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền về lịch sử đất nước, về Đảng và Bác Hồ kính yêu, đồng thời, hướng dẫn hội viên tích cực phòng chống dịch bệnh cOVID – 19 thông qua Tạp Chí Đời Mới, cổng thông tin điện tử, các hội nghị, diễn đàn và câu lạc bộ. Nhiều tập thể, cá nhân cán bộ, hội viên xuất sắc đã được tôn vinh tại các Hội nghị điển hình tiên tiến, Đại hội Thi đua yêu nước của Hội cùng các hội nghị biểu dương của các cấp, các ngành. Nhân dịp này, nhiều tin, bài, phóng sự về những tấm gương người mù vượt khó vươn lên cũng đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ứng dụng “Hội Người mù Việt Nam” được ra đời đã giúp hội viên tiếp cận với các thông tin của Hội dễ dàng, thuận lợi hơn.

Ảnh: Tập thể cán bộ, nhân viên Tạp chí Đời Mới nhận bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Lễ kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển Tạp chí.

     Năm 2020 cũng là năm đánh dấu nửa thế kỉ hình thành và phát triển của Tạp chí Đời Mới. Buổi lễ kỉ niệm đã được tổ chức trang trọng và đầm ấm với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, các Tỉnh, Thành hội, các thế hệ cán bộ, nhân viên Tạp chí, cộng tác viên và bạn đọc cả nước. Các đại biểu đều khẳng định vai trò của Tạp chí trong việc góp phần cùng toàn Hội tiếp thêm sức sống mới, nghị lực mới để người mù trong cả nước cùng nhau xây dựng cuộc đời mới, đầy ánh sáng của niềm tin, tri thức, vững bước tiến lên hòa nhập cộng đồng. Để ghi nhận những nỗ lực nêu trên, Tạp chí đã được nhận bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong khuôn khổ lễ kỉ niệm, TW Hội đã tổng kết và trao giải cuộc thi “Thắp sáng niềm tin, dựng xây cuộc đời mới” được tổ chức nhân dịp kỉ niệm 50 năm xây dựng, phát triển Tạp chí và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ III của Hội. 24 giải thưởng với tổng trị giá 14,5 triệu đồng, 9 điện thoại VSmart và 15 radio đã được trao cho các thí sinh có bài dự thi đạt chất lượng tốt.

     Tiếp nối những kết quả của Chương trình phối hợp giữa Hội Người mù Việt Nam và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nhằm phát triển văn hóa đọc phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị, năm 2020, nhiều hoạt động được triển khai như: khảo sát, nắm bắt nhu cầu nghe, đọc của cán bộ, hội viên; nâng cấp trang thiết bị tại các thư viện công cộng; tăng cường phối hợp và mở rộng hình thức cho mượn sách chữ nổi, đĩa CD lưu động. Kênh Youtube: Cùng bạn đọc sách – Truyền cảm hứng, kết nối và lan tỏa tri thức được xây dựng với nhiều nội dung phong phú giúp người khiếm thị và cộng đồng được tiếp cận với nhiều cuốn sách bổ ích để mở rộng tầm hiểu biết, nuôi dưỡng tâm hồn, xây đắp cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhiều cuộc thi đã được Hội và Vụ thư viện phối hợp tổ chức như: “Gia đình đọc sách – gắn kết yêu thương”, “Đại sứ văn hóa đọc”, “Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh” với 77 giải thưởng, tổng trị giá 76 triệu đồng và 70 điện thoại VSmart.

     Đặc biệt, tại cuộc thi ONKYO lần thứ 18 do Hiệp hội Người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức, HNM Việt Nam đạt 01 giải đặc biệt với phần thưởng 1000 đô – la Mĩ, 01 giải tác phẩm xuất sắc với phần thưởng 500 đô – la Mĩ, 02 giải khuyến khích với phần thưởng 150 và 100 đô – la Mĩ. Xúc động khi nhận giải đặc biệt của cuộc thi, anh Trần Bình Minh – hội viên Chi hội Người mù trực thuộc TW Hội chia sẻ: Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi biết mình đạt được giải đặc biệt của cuộc thi Onkyo lần thứ 18. Tôi cũng tham gia nhiều cuộc thi và giành nhiều giải thưởng nhưng chưa bao giờ cảm xúc lại thăng hoa đến vậy. Giải thưởng như ngọn đuốc thắp sáng thêm niềm tin trong tôi, là minh chứng rõ nét cho giấc mơ có thật của tôi, là tự hào của bản thân, gia đình, bạn bè và học sinh của tôi. Tôi hy vọng nhiều người khiếm thị Việt Nam hãy dám nghĩ dám làm, biến ước mơ thành hiện thực."

     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác Tuyên – Văn – Giáo trong năm qua cũng còn tồn tại những khó khăn, hạn chế như: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID – 19 nên việc tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, các hoạt động tập thể gặp nhiều khó khăn; nhiều địa phương chưa kí kết Chương trình phối hợp với ngành thư viện và tổng hợp nhu cầu về trang thiết bị, nhu cầu nghe, đọc của hội viên và gửi về TW Hội; điều kiện học tập của các em học sinh, sinh viên còn hạn chế, đặc biệt là các em học hòa nhập…

Năm 2021 là năm có nhiều sự kiện, ngày kỉ niệm lớn của đất nước và của Hội, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026; kỉ niệm 65 năm Bác Hồ đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt và đưa ra lời dạy thiêng liêng: “Tàn nhưng không phế”. Các cấp hội cần chú trọng đẩy mạnh việc “Học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giáo dục truyền thống, ý thức trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của công dân cho hội viên, thực hiện tốt các cuộc vận đồng, chương trình của Hội, tích cực phòng chống dịch bệnh COVID – 19.

Đội ngũ cộng tác viên các cấp Hội cần tăng cường viết tin, bài về những tấm gương, các mô hình hoạt động hiệu quả, thông tin kịp thời hoạt động Hội trên các phương tiện truyền thông và Tạp chí Đời Mới. Cùng với việc duy trì các số Tạp chí theo định kì, chú trọng phát triển các chuyên mục, diễn đàn, nội dung thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Hội; mở 01 lớp bồi dưỡng cộng tác viên báo chí, xây dựng đội ngũ cộng tác viên nòng cốt ở các địa phương.

Các đơn vị tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tích cực đề xuất với chính quyền địa phương, vận động tài trợ mở lớp học xóa mù chữ, phổ cập tin học, nâng cao dân trí cho hội viên. Chú trọng  các hình thức giúp đỡ học sinh, sinh viên khiếm thị đang học tập ở các bậc học phổ thông, cao đẳng, đại học. Mở rộng mạng lưới học sinh, sinh viên, tạo môi trường cho các em giao lưu, chia sẻ tài liệu, kinh nghiệm học tập.

Chủ động phối hợp với ngành Thư viện phát triển văn hóa đọc cho hội viên. 

Khuyến khích hội viên thường xuyên sử dụng chữ Braille trong học tập, công tác và đời sống. Triển khai cuộc thi ONKYO lần thứ 19 do Hiệp hội Người mù khu vực Châu Á Thái Bình Dương phát động, hội thi Đọc viết nhanh chữ Braille do Trung ương Hội phát động.

Tổ chức Hội thi “Tiếng hát từ trái tim” lần thứ VI và tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho hội viên, hòa chung vào không khí vui tươi phấn khởi của các tầng lớp nhân dân trong những ngày kỷ niệm lớn của đất nước.

Đinh Việt Anh