Ảnh bìa

Sen hồng ngược gió

Cuộc thi Thắm sắc hoa nghị lực được Hội phát động năm 2023 đã tạo không khí thi đua sôi nổi, là diễn đàn giao lưu, chia sẻ và sân chơi lành mạnh giúp cán bộ, hội viên nữ tự tin thể hiện khả năng, nguyện vọng của bản thân với tổ chức Hội và cộng đồng. Cổng thông tin điện tử của Hội xin giới thiệu bài viết đạt giải nhất của cuộc thi Thắm sắc hoa nghị lực.

“Những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải xác định rằng, chỉ có sự nỗ lực quyết tâm vươn lên chiếm lĩnh tri thức thì mới có thể vượt lên số phận, tự khẳng định mình và trở thành người có ích cho xã hội”. Đó là những lời chia sẻ từ trái tim của chị mà tôi luôn khắc ghi và lấy làm phương châm sống của mình, để tôi của ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua. Ai cũng có cho mình một thần tượng, với tôi đó là chị Đinh Việt Anh - tấm gương giàu nghị lực, ý chí quyết tâm cao, vươn mình trong gió, tỏa sáng nghị lực Việt. Đinh Việt Anh là một cái tên thân thuộc, đáng ngưỡng mộ, có sức ảnh hưởng lớn với nhiều người mù Việt Nam thông qua các hoạt động Hội, báo đài trên cả nước. Hôm nay, khi cảm xúc tràn về, tôi muốn kể cho các bạn nghe thêm về chị - Người phụ nữ Việt Nam sáng ngời giá trị Chân – Thiện – Mỹ.

Năm 1978, tại xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, một bé gái xinh xắn chào đời, sau những tiếng khóc to là nụ cười tươi tắn luôn xuất hiện trên môi. Bé gái đáng yêu được cha mẹ đặt cho một cái tên rất kêu Đinh Việt Anh. Cuộc sống bình yên của một gia đình miền núi cứ thế diễn ra hàng ngày trong không khí vui vẻ. Nhưng khi lên 3 tuổi, căn bệnh thoái hóa giác mạc đã dần dần, hàng ngày lấy bớt đi nguồn ánh sáng của chị, cướp mất nụ cười trên môi của gia đình nhỏ, thay vào đó là những giọt nước mắt và sự lo lắng, buồn tủi. Gia cảnh nghèo, điều kiện học tập vô cùng khó khăn ngay cả với trẻ bình thường, nhưng ở đời, các cụ có câu dạy rằng “Có chí thì nên”, đó như một điểm tựa tinh thần cho chị bấu víu. Chị luôn cố gắng không ngừng nghỉ, không bao giờ bỏ lỡ cơ hội được học tập. Trong một lần trò chuyện, chị kể với tôi rằng: Hồi nhỏ đi học, vì mắt không thể nhìn rõ nên khi ghi bài phải ghé sát mắt vào vở, vất vả lắm mới nhìn được những dòng kẻ đã được bố mẹ tô đậm sẵn từ trước, tối đến có lần đang khêu đèn để học bài thì bị cháy cả tóc. Tôi thấy cay cay nơi sống mũi và dậy lên một sự cảm phục lớn lao. Lúc ấy tôi hiểu rằng, ở chị không chỉ đơn giản là sự nỗ lực mà còn là cả một tinh thần hiếu học, một nghị lực vượt khó vươn lên, cho dù theo thời gian, mắt chị đã mất hoàn toàn thị lực. Phát huy truyền thống của dòng họ Đinh Nho - cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn chị - là niềm tự hào, là động lực để chị phấn đấu học, học nữa, học mãi.

Ảnh: Chị Đinh Việt Anh gặp mặt và đón nhận món quà ý nghĩa từ Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại chương trình “Vươn lên mạnh mẽ” do Liên hiệp hội về NKT Việt Nam tổ chức.

Thời gian thoăn thoắt trôi qua, với sự cố gắng không ngừng nghỉ, với trình độ chuyên môn xuất sắc, chị được tham gia vào tổ chức Hội, trở thành giáo viên tại Trung tâm Đào tạo cán bộ – Phục hồi chức năng cho người mù. Chị đã sắp xếp thời gian từng chút một, để đáp ứng việc giảng dạy và cùng lúc học hai văn bằng của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Viện Đại học mở Hà Nội. Thêm vào đó là khó khăn về tài liệu học tập dành cho người khiếm thị. Chị như người không ngủ. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” đã hun đúc, tôi luyện lên tinh thần vượt khó bất diệt của chị bằng sự miệt mài, chăm chỉ, thông minh. Mọi công sức được đáp đền – Chị là thủ khoa tốt nghiệp của cả hai trường. Thật vui và tự hào khi một người khiếm thị đạt được kết quả đáng mơ ước với tất cả những ai đã từng ngồi trên ghế nhà trường. Chị xin dành tặng tất cả vinh dự này cho cha mẹ, cho những người thân yêu, cho bạn bè, đồng nghiệp đã ở bên, giúp đỡ suốt những năm tháng qua trong những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên đôi gò má.

Năm 2007, nhận được sự tín nhiệm, yêu mến của lãnh đạo, cán bộ, hội viên, chị Đinh Việt Anh vinh dự trở thành Ủy viên BCH TW Hội Người mù Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh. Dù thời gian công tác ở quê nhà chỉ trong 2 năm, chị đã có nhiều cống hiến cho tổ chức Hội: kết nối, vận động hơn 1,1 tỉ đồng xây dựng Trung tâm Dạy chữ, dạy nghề, lắp đặt phòng máy tính, máy in chữ Braille, mở nhiều lớp đào tạo nhiều chuyên môn khác nhau, thành lập Quỹ Khuyến học, xây dựng Bản tin “Sức sống mới”, cùng nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Năm 2009, trở lại Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù với cương vị Phó Giám đốc, đồng thời, là Trưởng Ban công tác Phụ nữ và Trẻ em của TW Hội. Trên cương vị là một Phó Giám đốc, chị luôn cố gắng xây dựng chương trình, kế hoạch, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các khóa đào tạo tại Trung tâm để phù hợp nhu cầu thực tế của học viên gắn với xu hướng phát triển chung của xã hội. Đặc biệt, với vốn kinh nghiệm và kiến thức về công nghệ thông tin đã được tích lũy, chị đã chủ trì biên soạn bộ giáo trình Tin học dành cho người mù Việt Nam. Bộ giáo trình đã được in ấn, sản xuất bằng chữ Braille và sách kĩ thuật số đa phương tiện, góp phần đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển tin học cho người mù cả nước. Bên cạnh đó, chị cũng luôn quan tâm tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, hoạt động tập thể, tham quan di tích lịch sử góp phần nâng cao tầm hiểu biết, tạo không khí sôi nổi, thi đua học tập cho học viên. Nhờ đó mà có rất nhiều thế hệ học sinh khiếm thị được học tại Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng dành cho người mù trở thành những cán bộ ưu tú, giáo viên xuất sắc góp phần đẩy mạnh công cuộc xoá mù chữ, mở mang kiến thức cho người mù tại địa phương, từ miền núi, thôn quê xa xôi đến thị thành.   

Ảnh: Chị Đinh Việt Anh đại diện Trung ương Hội tặng quà cho người mù nghèo tại Cao Bằng nhân dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, chị còn góp phần tích cực trong việc giữ vững và mở rộng mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức, tranh thủ sự giúp đỡ kinh phí, lắp đặt phòng máy tính, phòng thu âm, tổ chức các khóa học, xây dựng Website của Trung tâm, hỗ trợ chuyên môn, trang thiết bị, máy vi tính cho địa phương khi có điều kiện. Nhờ có những đóng góp tích cực của chị, Trung tâm luôn đạt danh hiệu tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận bằng khen của Hội Người mù Việt Nam, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ lần thứ 2.

Tháng 12/2012, chị được tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Hội Người mù Việt Nam. Từ năm 2013, chị được phân công là Tổng biên tập Tạp chí Đời mới của Hội, đồng thời, tiếp tục là Trưởng Ban công tác Phụ nữ và Trẻ em, Chi hội trưởng Chi hội người mù trực thuộc Trung ương Hội. Dù ở bất cứ cương vị nào, chị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, trẻ em mù và Hội viên của Chi hội ngày càng tốt hơn. Cũng là phụ nữ mù, nên chị thấu hiểu những khó khăn của chị em phụ nữ đồng tật. Chính vì thế, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động, kiện toàn ban công tác phụ nữ trẻ em mù các cấp Hội, chị thường xuyên là đầu mối tổ chức những chương trình, hoạt động nhằm nâng cao đời sống cho chị em phụ nữ và trẻ em các địa phương. Đặc biệt, chương trình xây dựng Mái ấm tình thương cho phụ nữ mù đã mang lại hiệu quả, với hàng trăm mái ấm đã được xây dựng cho những phụ nữ mù có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.

Ảnh: Chị Đinh Việt Anh phát biểu khai mạc tại chuỗi sự kiện tiến tới sự bình đẳng, tiến bộ và hoà nhập cho người mù ASEAN.

Với những đóng góp thiết thực của chị và số phiếu tín nhiệm cao, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Người mù Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2017-2022) chị đã được bầu vào Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội. Trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên - Văn - Giáo, Trưởng Ban Đối ngoại, Phụ nữ và trẻ em đồng thời là tổng biên tập Tạp chí Đời mới chị đã có nhiều hoạt động, đóng góp tích cực như xây dựng mạng lưới cộng tác viên nòng cốt tại các tỉnh, thành trong cả nước; từng bước đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng của các loại hình Tạp chí chữ Braille, Tạp chí truyền thanh, Tạp chí đặc biệt in chữ bình thường. Chị cũng đã hết sức tích cực trong việc xây dựng, phát triển Cổng thông tin điện tử, bên cạnh nội dung tin bài, còn có Thư viện online và diễn đàn chia sẻ với các chủ đề khác nhau giúp hội viên tiếp cận nguồn thông tin phong phú, hòa nhập với sự phát triển chung của xã hội. Chị cũng luôn nỗ lực học hỏi những kinh nghiệm từ các tổ chức trong nước và quốc tế, sáng tạo đề xuất những ý tưởng mới, vận động các nguồn hỗ trợ để phục vụ cho các hoạt động của Hội trong việc xây dựng các dự án với vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với các hoạt động nêu trên, hàng năm, chị đã vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm hàng trăm triệu đồng để chuyển đổi, in ấn sách chữ Braille, sách nói, hỗ trợ nhà ở, trao học bổng, tặng quà nhân dịp lễ, tết, tổ chức các sự kiện, hoạt động tập thể giúp hội viên giảm bớt khó khăn về vật chất và nâng cao kiến thức, kĩ năng, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.

Ảnh: Chị Đinh Việt Anh phát biểu bế mạc Hội thảo massage người mù khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Mặc dù bận rất nhiều công việc của cơ quan và gia đình, chị vẫn luôn cố gắng học tập nâng cao trình độ. Chị đã dự thi và trúng tuyển vào Cao học chuyên ngành Quản lí hành chính công tại Học viện Hành chính quốc gia. Một lần nữa, chị đã hoàn thành xuất sắc khoá học và mang lại cho mình một kết quả đáng tự hào - tốt nghiệp thủ khoa bằng Thạc sĩ năm 2014.

Có thể nói, chị Đinh Việt Anh đã đóng góp một phần rất lớn vào sự phát triển của tổ chức Hội. Không chỉ là một người lãnh đạo đáng nể, luôn sát sao với từng anh chị em, chị còn là một người chị với tấm lòng rộng lượng, luôn yêu thương và sẵn sàng lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các hội viên đồng tật khác. Trong suốt quá trình công tác, chị luôn nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của đồng nghiệp, sự yêu quý, tôn trọng của hội viên. Không chỉ là tấm gương sáng của người khuyết tật mà chị còn khiến cho rất nhiều người sáng mắt khác nể phục về ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên và tinh thần hiếu học. Chị đã trở thành niềm tự hào của tổ chức Hội và cũng là tấm gương chân thực nhất về nghị lực vượt khó. Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua, chị cùng tập thể cán bộ, nhân viên trong hội đã tổ chức thành công hội thảo massage người mù khu vực châu Á Thái Bình Dương lần thứ 16 do Hội Người mù Việt Nam đăng cai. Hội thảo đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.

Ảnh: Chị Đinh Việt Anh hạnh phúc bên ông xã và cậu con trai đáng yêu.

Bận bịu công việc là thế nhưng với gia đình chị vẫn luôn là một người vợ giỏi việc nước, đảm việc nhà, một người mẹ dịu hiền, mẫu mực. Sau thời gian làm việc tại văn phòng, chị trở về với gia đình nhỏ của mình như bao người phụ nữ khác, chăm lo cho con cái và vun vén hạnh phúc. Những bữa cơm ngập tràn tiếng cười của vợ chồng anh chị và cậu con trai 7 tuổi lanh lợi, những câu chuyện về một ngày đi học với những bài giảng thú vị, những trò chơi nghịch ngợm cùng bạn bè của cậu bé dường như đã xua tan đi mọi mệt mỏi của một ngày làm việc vất vả. Tối tối, chị vẫn dành thời gian để trò chuyện với con, dạy con học và bảo ban con những điều hay lẽ phải. Con gái lớn của chị được đi du học tại Nhật Bản. Dù sống xa gia đình từ nhỏ, nhưng chưa bao giờ cô bé thiếu tình cảm của bố mẹ. Có thời gian rảnh là anh chị lại gọi điện để trò chuyện với con, vào mỗi dịp sinh nhật của con, dù ở xa nhưng bố mẹ vẫn mua bánh kem và cho con thổi nến qua điện thoại. Gia đình nhỏ bé ấy lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười hạnh phúc và ấm áp tình yêu thương. Với cha mẹ, chị là một người con hiếu thảo. Công việc vô cùng bận rộn, quê hương lại xa nên có ít thời gian để về thăm gia đình nhưng chị vẫn luôn dành thời gian  quan tâm đến bố mẹ đôi bên bằng những cuộc gọi thăm hỏi mỗi ngày. Và cũng chẳng bao giờ quên biếu bố mẹ thuốc thang để giữ gìn sức khỏe. Sẽ chẳng quá khi nói rằng, trong lòng tôi, chị chính là một “anh hùng của thời đại”.

Khi viết về chị, tôi không chỉ cảm thấy ngưỡng mộ mà hơn cả, tôi hiểu rằng bản thân cần có trách nhiệm học tập, nâng cao kiến thức, hiểu biết nhiều hơn nữa. Chị là thần tượng, là tấm gương để tôi thể học tập, làm theo, nhìn lại bản thân, tiếp thêm động lực phấn đấu, cống hiến, đóng góp sức mình vào sự phát triển của bản thân nói riêng của tổ chức Hội nói chung.

Đỗ Thị Năm (Chi hội người mù trực thuộc Trung ương Hội)