Ảnh bìa

Hội người mù Thành phố Hà Nội: nhiều hoạt động hướng về hội thảo 65 năm thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đêm giao thừa năm 1956 (ngày 11-2- 1956), Bác Hồ đi thăm và chúc Tết các đồng chí thương binh hỏng mắt ở Trường Thương binh hỏng mắt tại phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Tại đây, Bác Hồ đã nói chuyện thân mật với các chiến sĩ, khen ngợi những thành tích công tác, học tập vươn lên của thương binh hỏng mắt. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác nói: “Tại mái trường này, các chú được học chữ, học nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân. Như vậy, các chú tàn nhưng không phế”. Tư tưởng “Tàn nhưng không phế” từ đó đến nay đã trở thành phương châm sống của thương, bệnh binh và những người hỏng mắt, là kim chỉ nam cho hành động xuyên suốt của tổ chức Hội người mù cả nước nói chung, Hội người mù Thủ đô nói riêng.

Để ghi nhớ lời Bác dạy và làm sâu sắc thêm ý nghĩa của tư tưởng “Tàn nhưng không phế” đối với người khiếm thị Thủ đô, Hội người mù Thành phố Hà Nội đã 2 lần tổ chức hội thảo khoa học (năm 2006, 2016) và đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, được các cấp các ngành ghi nhận; hội viên tích cực học tập, lao động sáng tạo và vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Hướng đến kỷ niệm 65 năm Bác Hồ đến thăm trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội (1956-2021), Ban Thường vụ Hội người mù Thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và nhận được sự chấp thuận của Trung ương Hội trong việc chủ trì, phối hợp tổ chức Hội thảo về Tư tưởng “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người khiếm thị.

Hội thảo là hoạt động ý nghĩa, giúp các thế hệ người khiếm thị và cộng đồng xã hội hiểu rõ hơn về giá trị nhân văn, ý nghĩa lý luận và thực tiễn lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Người đến thăm và chúc Tết Trường thương binh hỏng mắt Hà Nội mùa xuân Bính Thân. Đồng thời khẳng định những kết quả cũng như quyết tâm của Hội và người khiếm thị trong việc thực hiện lời dạy của Bác để phát triển tổ chức hội, nâng cao chất lượng và vị thế của người khiếm thị trong cộng đồng, tiến tới một môi trường bình đẳng không rào cản.

Ngay từ quý IV năm 2020, một chuỗi các hoạt động của Hội người mù Thành phố đã được diễn ra để hướng đến hội thảo. Đầu tiên là việc phát động và triển khai đợt thi đua cao điểm hướng về kỷ niệm 65 năm với nhiệm vụ: Đẩy mạnh tuyên truyền về những kết quả cũng như quyết tâm của Hội và người khiếm thị thủ đô trong việc thực hiện lời dạy của Bác trong phát triển tổ chức hội, nâng cao chất lượng và vị thế của người khiếm thị trong cộng đồng, tiến tới một môi trường bình đẳng không rào cản. Thi đua quyết tâm cao nhất trên tất cả các lĩnh vực công tác hội: công tác tổ chức phát triển hội viên; công tác lao động sản xuất, chăm sóc đời sống hội viên và công tác tuyên truyền, văn hóa giáo dục nâng cao đời sống tinh thần của hội viên. Đợt thi đua sẽ kết thúc vào tháng 04 năm 2021.

Cuộc thi viết “Người khiếm thị Thủ đô thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh” góp phần tạo nên một đợt sinh hoạt văn hóa tinh thần sâu rộng trong toàn thể cán bộ hội viên Hội Người mù thành phố Hà Nội.

Cuộc thi cũng nhằm mục đích phát hiện những tấm gương người khiếm thị giàu ý chí, nghị lực, vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tự khẳng định mình, đóng góp cho gia đình, và xã hội; từ đó, góp phần cổ vũ, động viên, nhân rộng những tấm gương đó trong toàn Hội; Qua đó, tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị quận/huyện/thị hội cũng đã lựa chọn và gửi 79 bài dự thi tốt nhất đến Hội người mù Thành phố Hà Nội.

Tiếp đến là sự kiện Chung khảo cuộc thi Tiếng hát người khiếm thị Thủ đô với chủ đề “Mãi mãi một niềm tin” tổ chức vào tháng 12/2020, đây là sự kiện 5 năm diễn ra một lần và cũng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực có quy mô lớn nhất trong năm 2020 của Hội Người mù thành phố Hà Nội. Cuộc thi là hoạt động hướng tới Hội diễn “Tiếng hát từ trái tim” toàn quốc lần thứ VI, năm 2021 và kỷ niệm 65 năm thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau phần sơ khảo tại các cụm thi đua, 45 diễn viên không chuyên với 15 tiết mục văn nghệ của 5 Cụm thi đua trong toàn Thành phố đã tham gia chung khảo tại Thành hội.

Các tiết mục với rất nhiều chủ đề như ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu, thể hiện tình yêu quê hương đất nước của người khiếm thị và ôn lại truyền thống những thăng trầm của tổ chức hội trong suốt chặng đường 50 năm qua.

Thực hiện chương trình công tác Đoàn năm 2021; Thiết thực kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (1931- 2021); 65 năm thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1956 - 2021); sáng ngày 24/3/2021, Chi đoàn Cơ quan Hội người mù Thành phố phối hợp với Ban Công tác Hội viên trẻ tổ chức Chương trình giao lưu “Thanh niên Hội Người mù Thành phố Hà Nội thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chương trình nhằm tạo điều kiện cho các bạn đoàn viên, thanh niên khiếm thị hiểu thêm về giá trị nhân văn, ý nghĩa lý luận và thực tiễn lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác, sự nghiệp cách mạng và lý tưởng sống cao đẹp của thanh niên đặc biệt là thanh niên khiếm thị ngày nay. Đồng thời cũng là nơi để các đoàn viên, thanh niên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với những tấm gương thanh niên khiếm thị tiêu biểu trong học tập, công tác. Trong khuôn khổ chương trình Giao lưu, Chi đoàn đã tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu về tổ chức Hội, ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác.

Và ngay từ đầu tháng 4 này, Thành hội, Quận hội Đống Đa và CLB Khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (SoLaR) cũng tổ chức cuộc thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách”. Đây là lần đầu tiên cuộc thi khiêu vũ cho người khiếm thị được tổ chức, thể hiện khát khao và ý chí của người khiếm thị luôn sẵn sàng vượt mọi khó khăn, thử thách, vượt qua định kiến của xã hội, và quan trọng nhất, vượt qua chính bản thân để luôn tự hoàn thiện mình. Giới thiệu rộng rãi với người khiếm thị một môn thể thao mới, giúp rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần. Quảng bá một hình ảnh mới về người khiếm thị: đẹp hơn, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, luôn tràn đầy nghị lực, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Câu lạc bộ đã chủ động hỗ trợ những thí sinh đăng ký tham dự, mời những vũ công chuyên nghiệp cùng tham gia hỗ trợ và biểu diễn tại cuộc thi; công tác xã hội hóa hỗ trợ các giải thưởng cũng đã đạt kết quả. Đây thực sự là một chương trình hấp dẫn, thú vị và riêng có của người mù.

Ngoài ra còn có hoạt động khác như xuất bản ấn phẩm Kỷ yếu Hội người mù Thành phố Hà Nội giai đoạn 1972 – 2020; tổng kết trao giải cuộc thi viết “Người khiếm thị Thủ đô thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” sẽ diễn ra tại Hội thảo. Với sự chủ trì của Trung ương Hội người mù Việt Nam, tin tưởng rằng hội thảo Tư tưởng “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người khiếm thị sẽ là một hội thảo quy mô, ý nghĩa không chỉ với người mù mà với cả những người khuyết tật và rộng hơn là cho cả cộng đồng.

Lê Chinh