Ảnh bìa

Quy chế Kiểm tra Nhiệm kỳ VII

HỘI NGƯỜI MÙ

VIỆT NAM 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 14/HNM-KT

         Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2011

 

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA BAN THƯỜNG VỤ HỘI NGƯỜI MÙ VIỆT NAM

Về việc ban hành Quy chế kiểm tra sửa đổi

 

 

BAN THƯỜNG VỤ HỘI NGƯỜI MÙ VIỆT NAM

 

- Căn cứ điều 12 chương IV Điều lệ Hội người mù Việt Nam khoá VII nhiệm kỳ 2007-2012, đã được Bộ Nội vụ phê duyệt tại quyết định số 118/QĐ-BNV ngày 20/02/2008;

- Căn cứ vào Nghị quyết của Ban thường vụ Trung ương Hội lần thứ 2 nhiệm kỳ VII về kiện toàn hệ thống tổ chức Ban kiểm tra ở các cấp Hội.

- Căn cứ Nghị quyết cuộc họp Ban Thường vụ kỳ 9 khóa VII (2007-2012) ngày 19/11/2010 về việc sửa đổi bổ sung quy chế kiểm tra.

- Xét đề nghị của ông trưởng ban Kiểm tra Hội Người mù Việt Nam.

 

QUYẾT ĐỊNH

 

 

Điều 1: Nay ban hành Quy chế kiểm tra sửa đổi của Hội Người mù Việt Nam.

Điều 2: Quy chế này thay cho những quy định trước đây về công tác kiểm tra và có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông, bà Chánh văn phòng, Trưởng các Ban chuyên môn Trung ương hội, Chủ tịch các Tỉnh, Thành hội, Trưởng ban kiểm tra các cấp hội, Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Cán bộ PHCN cho người mù có trách nhiệm triển khai, thực hiện quyết định này./.

 

 

                                                               TM/ BAN THƯỜNG VỤ TW HỘI

       Nơi nhận                                                            CHỦ TỊCH

       - CácTỉnh, Thành hội

       - VP II                                                                           

       - Lưu VT,TC,KT

                                                                                                

                                                                  Đào Soát

QUY CHẾ KIỂM TRA

HỘI NGƯỜI MÙ VIỆT NAM

(Ban hành theo quyết định số 14/HNM-KT ngày 10 tháng 01 năm 2011)

 

 

- Căn cứ điều 12 chương IV Điều lệ Hội người mù Việt Nam khoá VII nhiệm  kỳ 2007-2012.

- Căn cứ nghị quyết của Ban thường vụ Trung ương Hội lần thứ 2, khóa VII về kiện toàn hệ thống tổ chức Ban kiểm tra ở các cấp hội.

- Căn cứ Nghị quyết cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Hội kỳ 9 khóa VII ngày 19/11/2010 về việc sửa đổi bổ sung Quy chế kiểm tra.

- Ban thường vụ Trung ương Hội ban hành Quy chế kiểm tra sửa đổi như sau:

 

*  Thống nhất một số từ ngữ trong văn bản:

- Hội ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gọi chung là Tỉnh hội

- Hội ở quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, gọi chung là Huyện hội

 

 

CHƯƠNG I

 

TỔ CHỨC, BỘ MÁY CÁN BỘ KIỂM TRA

 NGUYÊN TẮC, CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC.

 

Điều 1. Tổ chức, bộ máy cán bộ kiểm tra:

1. Ban kiểm tra Trung ương hội gồm Trưởng ban, Phó ban và một số uỷ viên; Ban kiểm tra Tỉnh hội có Trưởng ban và một số ủy viên (có thể có phó ban).

2. Ban Chấp hành Trung ương hội, Tỉnh hội bầu một uỷ viên Ban Thường vụ làm Trưởng ban Kiểm tra và một số uỷ viên là ủy viên BCH và cán bộ sáng.

3. Ban Chấp hành huyện hội bầu một uỷ viên Ban Chấp hành phụ trách công tác kiểm tra.

 

Điều 2. Nguyên tắc, chế độ làm việc:

1. Ban kiểm tra cấp hội nào chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chấp hành, Ban thường vụ cấp hội đó, đồng thời chịu sự chỉ đạo hướng dẫn về công tác nghiệp vụ của Ban kiểm tra Hội cấp trên.

2. Ban kiểm tra làm việc theo nguyên tắc: Dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số.

3. Kiểm tra theo kế hoạch hàng năm đã được Ban thường vụ thông qua

4. Kiểm tra đột xuất khi Ban thường vụ yêu cầu.

 

CHƯƠNG II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, THẨM QUYỀN VÀ THỜI HẠN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO

 

Điều 3. Chức năng:

1. Tham mưu giúp ban Thường vụ, ban Chấp hành lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra.

2. Giám sát việc thực hiện Điều lệ Hội, các Nghị quyết, Quy chế và những quy định của Hội ở các cấp Hội.

3. Nghiên cứu đề xuất với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành xem xét, sửa đổi những vấn đề mà hướng dẫn thực hiện Điều lệ, Nghị quyết và những văn bản trong tổ chức Hội không còn phù hợp.

 

Điều 4. Nhiệm vụ:

1. Kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Hội, thực hiện Nội quy, Quy chế và Nghị quyết của Đại hội, của Ban Chấp hành các cấp Hội.

2. Kiểm tra việc quản lý tài chính, tài sản từ các nguồn do Hội cấp trên cấp; từ chương trình dự án do Hội xác nhận bảo lãnh, các nguồn vận động, quyên góp, đóng góp tự nguyện hoặc từ hoạt động kinh doanh cung ứng dịch vụ của các cấp Hội, của các cơ sở kinh tế sự nghiệp do Hội quản lý. Nguồn ngân sách nhà nước khi cần thiết có thể phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước địa phương giải quyết.

3. Xây dựng kế hoạch về kiểm tra hàng năm, hướng dẫn Hội cấp dưới thực hiện tốt công tác kiểm tra.

4. Xây dựng các văn bản về công tác kiểm tra theo quy định của pháp luật và của Hội.

5. Chỉ đạo hướng dẫn công tác kiểm tra, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra đối với đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra ở các cấp Hội.

6. Thực hiện giải quyết khiếu nại tố cáo của các tập thể cá nhân theo quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo.

7. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên chấp hành Điều lệ, hướng dẫn thực hiện Điều lệ, nghị quyết và các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước; hạn chế đơn thư khiếu kiện kéo dài vượt cấp hoặc đơn thư nặc danh, mạo danh làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Hội

 

Điều 5. Quyền hạn của Ban kiểm tra

1. Tham gia với Ban thường vụ, Ban chấp hành trong việc thực hiện Điều lệ, Nghị quyết và Nội quy, Quy chế của Hội quy định.

2. Chỉ đạo công tác kiểm tra trong phạm vi Hội quản lý; yêu cầu ban kiểm tra, uỷ viên kiểm tra cấp dưới báo cáo tình hình, cung cấp tài liệu về những vấn đề liên quan đến công tác kiểm tra.

3. Ban Kiểm tra Hội cấp trên kiểm tra Chủ tịch, Phó chủ tịch, Uỷ viên thường vụ, uỷ viên Ban chấp hành hội cấp dưới khi có biểu hiện sai phạm nghiêm trọng hoặc theo đề nghị của Ban kiểm tra, Uỷ viên kiểm tra Hội cấp dưới.

4. Kiến nghị Ban thường vụ, Ban chấp hành Hội xem xét ra quyết định xử lý đối với cán bộ Ban thường vụ, Ban chấp hành các cấp Hội; những tập thể, cán bộ, hội viên các cơ sở kinh tế sự nghiệp do Hội quản lý có sai phạm, thông báo kết quả giải quyết của ban kiểm tra cho những tập thể cá nhân người khiếu nại, tố cáo. Kiến nghị Ban thường vụ, Ban chấp hành giáo dục, sử lý những tập thể, cá nhân có đơn thư khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật gây mất đoàn kết, Đề nghị Ban thường vụ thành lập đoàn kiểm tra khi cần thiết.

5. Kiểm tra các hoạt động của Ban kiểm tra, uỷ viên kiểm tra Hội cấp dưới.

6. Ký các văn bản về công tác kiểm tra được Ban Thường vụ uỷ quyền.

 

Điều 6. Quyền hạn của Đoàn kiểm tra

Đoàn kiểm tra được thành lập theo quyết định của Ban thường vụ.  Đoàn kiểm tra có quyền hạn:

1. Yêu cầu các cấp Hội được kiểm tra, lãnh đạo các cơ sở kinh tế sự nghiệp của Hội hoặc cá nhân báo cáo tình hình, cung cấp tài liệu về những vấn đề liên quan.

2. Liên hệ với các cơ quan đoàn thể hữu quan cùng phối hợp kiểm tra khi cần thiết.

3. Lập biên bản, ra thông báo với tổ chức, cá nhân bị kiểm tra về kết luận của đoàn đồng thời bổ sung biên bản ý kiến của đối tượng bị kiểm tra sau khi nghe kết luận.

4. Báo cáo với Ban thường vụ tình hình, mức độ đúng, sai, kết luận và kiến nghị của Đoàn để Ban thường vụ xem xét ra văn bản chính thức kết luận sử lý theo quy định.

 

Điều 7. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo.

1. Uỷ viên kiểm tra Huyện hội giải quyết những khiếu nại tố cáo của tập thể, cán bộ, hội viên; của các cơ sở kinh tế sự nghiệp do Huyện hội quản lý.

2. Ban kiểm tra Tỉnh hội giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tập thể, cán bộ, hội viên; của các cơ sở kinh tế sự nghiệp của Hội mà Huyện hội đã giải quyết nhưng còn khiếu nại. Giải quyết những đơn thư khiếu nại phức tạp liên quan đến Chủ tịch, Phó chủ tịch Huyện hội.

3. Ban kiểm tra Trung ương Hội giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với tập thể, cán bộ, hội viên các Tỉnh hội, các cơ sở kinh tế sự nghiệp của Hội mà Tỉnh hội đã giải quyết nhưng còn khiếu nại. Giải quyết những đơn thư khiếu nại phức tạp liên quan đến Ban thường vụ Tỉnh hội.

 Trung ương Hội là cấp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cuối cùng những vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý của Hội.

 

Điều 8. Thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo.

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cán bộ tiếp nhận phải tập hợp, thụ lý và thông báo bằng văn bản cho những tập thể, cá nhân có đơn, thư khiếu nại biết. Không giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo nặc danh, mạo danh.

2. Đối với Trung ương Hội từ khi thụ lý đơn đến khi kết thúc không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp, đi lại khó khăn thì có thể kéo dài nhưng không quá 90 ngày.

3. Tỉnh hội từ khi thụ lý đơn đến khi kết thúc không quá 30 ngày, ở những nơi miền núi đi lại khó khăn hoặc trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày.

4. Huyện hội từ khi thụ lý đơn đến khi kết thúc không quá 30 ngày, ở những nơi miền núi đi lại khó khăn hoặc trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.

5. Những đơn thư khiếu nại tố cáo vượt cấp hoặc của các cơ quan, ban, ngành địa phương chuyển đến thì người khiếu nại, tố cáo thuộc nơi nào, cấp nào, chuyển cho cấp đó giải quyết và làm văn bản báo cáo kết quả đã giải quyết cho nơi chuyển đến.

6. Trong trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch hoạ, đi công tác, học tập hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại, tố cáo không thực hiện được thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại, tố cáo.

 

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

 

Điều 9. Điều khoản thi hành.

Quy chế này gồm 3 (Ba) chương 9 (Chín) điều.

1. Ban kiểm tra Trung ương Hội có trách nhiệm hướng dẫn triển khai quy chế đến các cấp Hội.

2. Các cấp Hội, các cơ sở kinh tế, sự nghiệp do Hội quản lý có trách nhiệm thi hành quy chế này.

3. Trong quá trình thực hiện Quy chế này nếu có vướng mắc, các cấp Hội kịp thời phản ảnh về Trung ương Hội để nghiên cứu, sửa đổi bổ xung.

 

                                   TM/ BAN THƯỜNG VỤ TW HỘI

                                  CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

                                                Đào Soát