Nghệ nhân Lâm Minh Cường – Người lái đò đưa nhạc ngũ ấm đến với người Khmer khiếm thị tại Sóc Trăng
Trong văn hóa của người Khmer, ngũ âm được xem là linh hồn âm nhạc của đồng bào dân tộc Khmer, gắn liền với con người từ lúc sinh ra đến khi về với đất trời.
Vào những ngày lễ hội truyền thống, người dân Sóc Trăng nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng hòa vào không khí rộn ràng với những hoạt động vô cùng phong phú, ấn tượng của các loại nhạc vụ trong đó nhạc ngũ âm là điển hình hơn cả. Trong văn hóa của người Khmer, ngũ âm được xem là linh hồn âm nhạc của đồng bào dân tộc Khmer, gắn liền với con người từ lúc sinh ra đến khi về với đất trời.
Ảnh: Nghệ nhân Lâm Minh Cường (áo trắng, đứng giữa) chụp hình lưu niệm cùng một số học viên lớp Nhạc ngũ âm khóa I/2011 và khóa II/2013 của Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng.
Khi đi vào hoạt động, thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của những hội viên khiếm thị là người dân tộc Khmer, Ban Chấp hành Tỉnh hội Sóc Trăng luôn băn khoăn, trăn trở làm thế nào giúp hội viên khiếm thị là người dân tộc Khmer tiếp cận được loại hình văn hóa, âm nhạc truyền thống này vì nhạc cụ phục vụ cho công tác đào tạo rất tốn kém. May mắn thay, vào năm 2007, Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng được Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Văn hóa Vùng và Dân tộc ít người (Đan Mạch) tài trợ dàn nhạc ngũ âm. Từ nền tảng ấy, năm 2011 lớp nhạc ngũ âm đầu tiên của Hội được tổ chức với 8 học viên khiếm thị là người Khmer.
Tỉnh hội đã mời nghệ nhân Lâm Minh Cường giảng dạy khoá học này. Nghệ nhân Lâm Minh Cường sinh năm 1972, với 32 năm kinh nghiệm công tác tại Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng gắn bó với công tác giảng dạy và biểu diễn nhạc cụ truyền thống nhạc Khmer. Nghệ nhân Lâm Minh Cường tham gia và đạt nhiều giải thưởng cao trong các Hội thi, hội diễn nghệ thuật Khmer trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng.
Khi trao đổi về công tác giảng dạy, nghệ nhân Lâm Minh Cường - ban đầu có đôi chút do dự vì chưa nắm được cách tiếp cận âm nhạc của người khiếm thị. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với anh chị em học viên, nhận thấy niềm đam mê và năng khiếu của các học viên, thầy Cường đã không còn băn khoăn nữa.
Ảnh: Lớp học của thầy Cường và các học viên.
Với những học viên lần đầu tiếp xúc với nhạc cụ nhạc ngũ âm, mặc dù thời gian lớp học ngắn hạn, thầy Cường đã dành rất nhiều thời gian để cầm tay chỉ dạy hình dạng, vị trí từng nốt nhạc, giảng giải chi tiết những kỹ thuật đánh nhạc ngũ âm cho từng học viên. Trong quá trình dạy học, thầy cũng thường xuyên chia sẻ về ý nghĩa, giá trị của nhạc ngũ âm, chỉ dạy học viên về kỹ năng giao tiếp và biểu diễn, giúp học viên hiểu rõ hơn giá trị của nhạc ngũ âm và có kỹ năng biểu diễn tốt hơn.
Ảnh: Nghệ nhân Lâm Minh Cường tư vấn cho Hội Người mù Sóc Trăng trong việc mua dàn nhạc ngũ âm mới tại tỉnh Trà Vinh vào năm 2023.
Sau khi kết thúc khóa học, với kết quả 100% học viên đều đạt yêu cầu, thầy Lâm Minh Cường thể hiện niềm vui mừng khôn tả. Trong phát biểu cuối khóa, thầy vô cùng xúc động, bày tỏ sự yêu mến, khâm phục của mình đối với các học viên và cảm thấy rất vui khi được giao phó nhiệm vụ này. Một điều mà cán bộ Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng đều nhận thấy là các học viên lớp ngũ âm đều rất yêu quý và tôn trọng thầy Lâm Minh Cường, giữ mối liên hệ tốt với Thầy sau khóa học. Qua 2 lớp dạy ngắn hạn, đã có 14 lượt hội viên được học và có thể tự tin đứng trên sân khấ biểu diễn nhạc ngũ âm. Các anh chị tham gia câu lạc bộ âm nhạc của Hội, biểu diễn tại các chương trình văn nghệ, giao lưu của Hội, biểu diễn tại Lễ hội Oc-om-boc tỉnh Sóc Trăng năm 2017, 2019 và 2022 gây quỹ cho Hội. Một số hội viên có tay nghề giỏi được các đoàn mời đi đánh nhạc ngũ âm tại các buổi tiệc hay lễ hội. Đầu tháng 3/2023, được sự tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF, Tập đoàn Vingroup, Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục mời nghệ nhân Lâm Minh Cường làm giảng viên dạy nhạc ngũ âm cho 8 học viên.
Thầy Cường hi vọng trong khóa học mới này, thầy sẽ truyền các kiến thức, kĩ năng nhạc ngũ âm ở mức độ nâng cao, góp phần nâng tầm biểu diễn nhạc ngũ âm của hội viên Hội Người mù mang tính chuyên nghiệp hơn.
Có thể nói, con đường đi đến thành công trong học tập, lao động của người khiếm thị luôn rất gian nan, nhiều thử thách nhưng với sự tâm huyết, tận tụy của những giảng viên, những người đưa đò như nghệ nhân Lâm Minh Cường đã, đang và sẽ giúp cho con đường của người khiếm thị bớt gập ghềnh và ý nghĩa hơn.
Thu Nhàn