Người phụ nữ hết lòng với trẻ khiếm thị Hải Phòng
Mặc dù khu nội trú trường Nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị Hải Phòng hiện giờ có nhiều học sinh khiếm thị nội trú và học sinh khuyết tật trí tuệ bán trú nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, mát mẻ. Đó là nhờ bàn tay chăm chỉ của chị Trần Kim Cúc - một người y tá; một người quản sinh đồng thời cũng là lao công của trường.
Do là một đơn vị nhỏ, nên cơ quan tôi thường sắp xếp một người kiêm nhiệm nhiều công việc. Chị Trần Kim Cúc cũng vậy, chị vừa là một y tá tận tâm chăm sóc mỗi khi có học trò ốm đau, cũng là người quản sinh nhắc nhở chúng từ miếng ăn, giấc ngủ, uống thuốc đúng liều, đúng giờ và là một lao công tận tuỵ luôn giữ phòng ốc, hành lang được sạch sẽ.
Gắn bó với nhà trường từ những ngày đầu mới thành lập, chị Cúc đã không nhớ được hết tên những đứa trẻ khiếm thị mà mình đã chăm sóc. Nhiều gia đình không may có tới hai thế hệ học trong nhà trường, cả mẹ và con hoặc cả bố và con đều một tay chị chăm sóc như gia đình chị Phí Thị Tuất, cháu Trần Thu Trang, gia đình anh Nguyễn Văn Bốn và cháu Nguyễn Thị Hồng Ân. Gia đình chị Đinh Thị Thơ và cháu Đinh Minh Thảo. Nói về chị Cúc họ luôn có chung nhận xét: “Bác Cúc là người tận tuỵ với công việc, nhiệt tình, chân thành với mọi người”. Ngày chị mới về trường làm việc, học sinh gọi chị bằng chị, sau bằng cô và bây giờ là bác.
Ảnh: Chị Trần Kim Cúc dọn vệ sinh khu nội trú của học sinh khiếm thị.
Một ngày làm việc của chị Cúc bắt đầu từ bẩy giờ sáng, sau khi nhận ca, chị chuẩn bị quần áo cho học sinh lên lớp. Chăm sóc sức khỏe cho học sinh bị ốm (nếu có). Vệ sinh lại toàn bộ khu nội trú xong, chị lại chuẩn bị quần áo để chiều tắm cho các cháu. Mặc dù khu nội trú hiện có ba người chăm sóc nhưng chị luôn gương mẫu làm hết những việc trong tầm tay. Chị Cúc chia sẻ: “Mặc dù hiện nay có ba nhân viên làm việc trong khu nội trú nhưng hai người kia là hợp đồng lao động ngoài giờ. Một người cũng bị khuyết tật. Tôi là người lớn tuổi, làm việc lâu năm, công tác trong môi trường trẻ khuyết tật nên lúc nào cũng tâm niệm làm được nhiều bao nhiêu tốt bấy nhiêu”.
Chăn ga gối đệm của các trò một mình chị thu dọn và vệ sinh, những việc nặng nhọc không làm được chị Cúc nhờ một thầy giáo của nhà trường hỗ trợ.
Mỗi một năm học sinh trong trường một nhỏ dần vì các giờ các cháu được đi học đúng độ tuổi. Số học sinh nhỏ tuổi chưa có khả năng tự vệ sinh cá nhân vì thế cũng tăng dần lên, có thời điểm lên tới gần ba mươi cháu. Số lượng trẻ đông nhưng mùa hè các cháu vẫn được tắm và thay quần áo mỗi ngày một lần, mùa đông hai ngày tắm và thay quần áo một lần và lúc nào các cháu cũng thơm tho sạch sẽ. Người nhận ca đêm không còn phải lo tắm gội cho các cháu.
Mỗi mùa hè đến, chúng tôi chia tay học sinh lớn ra trường, mỗi mùa thu trở về nhà trường lại có thêm những học trò mới, nhưng chưa khi nào nghe thấy một lời phàn nàn về chị. Mỗi năm, hội họp học sinh cũ của trường, nhiều người khiếm thị nay đã lên ông, lên bà vẫn nhắc về người phụ nữ yêu nghề ấy với một thái độ trân trọng. Nhắc đến chị, họ vẫn nhớ về một người vui vẻ, nhiệt tình với công việc và các cháu học sinh.
Ngày ấy, mỗi buổi trưa mùa đông chị không về nhà nghỉ mà ở lại đun nước tắm cho học sinh. Nhà trường chỉ có một bếp than, nên sau khi nhà bếp nấu cơm xong là chị Cúc đặt nồi nước tắm lên. Nước sôi chị chia ra thùng mang ra nhà tắm pha cho học sinh. Ngày đó phương tiện liên lạc và đi lại khó khăn, học sinh ốm không được phụ huynh đón về, phải ở lại trường cũng đều do một tay chị Cúc trông nom, chăm sóc.
Thời gian trường mới thành lập, nhà nước chưa có chế độ bảo hiểm y tế, chị tự kê đơn mua thuốc chữa cho học sinh những bệnh thông thường. Lúc ấy, mặc dù mới xây dựng gia đình nhưng thực hiện quy định có học sinh ốm là y tá phải ở lại trường nên mỗi lần có trẻ khiếm thị ốm chị vẫn tới trường chăm sóc các cháu.
Những học sinh khiếm thị đầu tiên của trường vẫn còn nhớ, chị Cúc là người sạch sẽ lắm, vừa nhận bàn giao công việc hôm trước, ngay hôm sau chị đã bắt tay vào bơm nước rửa nhà khu nội trú, rửa bể lọc nước cho học sinh và lòng nhiệt tình đó vẫn duy trì tới bây giờ. Các nhà vệ sinh và phòng ở của học sinh lúc nào cũng sạch sẽ. Có giai đoạn do thiếu thốn không được vệ sinh sạch sẽ, nhiều học sinh bị ghẻ lở, hắc lào … Chị hướng dẫn học sinh giặt quần áo phơi ra chỗ nắng và tự tay bôi thuốc cho những học sinh bị bệnh. Lớp học đầu tiên của nhà trường có từ năm 1990, khi đó trường mang tên trường Thanh thiếu Niên mù. Nhiều học sinh đã ở độ tuổi thanh niên, chị coi tất cả như em trai, em gái của mình. Không một chút ngại ngùng, chị vẫn nhiệt tình hướng dẫn họ bôi thuốc.
Nhắc lại truyện cũ chị Cúc tâm sự: “Thời gian đầu tôi cũng phát thuốc cho các em tự bôi. Hắc lào phải trị bằng cồn, người khiếm thị phải dùng ngón tay dẫn lối, bệnh chưa khỏi da tay đã bị bong, ảnh hưởng tới học tập, vì đọc chữ Braille phải sờ bằng đầu ngón tay. Sau thấy người hỏng mắt bôi không đúng chỗ, bệnh cứ kéo dài mãi, nên tôi đích thân bôi cho các em cho nhanh khỏi”.
Thầy Nguyễn Thanh Thăng (nguyên hiệu trưởng nhà trường) nhiều lần nhận xét với phóng viên khi dẫn họ đi thăm nội trú: “Chị Cúc là người rất biết làm việc, trông thấy việc là làm. Nhà trường phân công việc gì cũng hoàn thành tốt, không khi nào kêu ca từ chối”
Trải qua 24 năm gắn bó với trẻ khiếm thị, giờ đây, chị Cúc đã gần năm mươi tuổi. Chị vẫn yêu mến bọn trẻ và chăm chỉ làm việc. Lúc rảnh, chị thường tranh thủ đơm lại những chiếc cúc áo, khâu lại những đường may bị tuột chỉ cho học sinh. Đám trẻ đang tuổi lớn, lại hiếu động nên ngày nào cũng có quần áo phải khâu và đính cúc. Ngày trước khó khăn, học sinh ít quần áo, mặc nhiều rách và tuột đường chỉ từng mảng lớn, chị thường xuyên phải mang về nhà mình để khâu vá.
Trong phòng y tế mọi thứ được chị sắp đặt gọn gàng, khoa học cần thứ gì là lấy được ngay. Mỗi buổi sáng, khi học sinh lên lớp, phòng ở nào cũng như một "chiến trường" với những "chiến tích" của các cô cậu học trò. Chị đến từng phòng chỉnh trang lại chăm màn cho gọn gàng, kê lại bàn ghế cho ngay ngắn, cúi nhặt từng tờ giấy, từng cái túi bỏ vào thùng rác… Rồi chị cặm cụi, quét và lau khắp cả phòng, từng gầm giường một. Dọn nhà xong lại lau rửa nhà vệ sinh không để có một chút mùi. Cứ thế, hết phòng này đến phòng khác, người nữ lao công cứ âm thầm, lặng lẽ một mình làm việc. Chị Cúc bày tỏ: “Học sinh ở đây như là con mình. Khu nội trú như là nhà của mình. Không làm sạch sẽ các con ốm tội nghiệp.”
Thời gian chị học xong trung cấp, lúc đó ngành y tế còn thiếu người. Chị có thể xin về làm việc ở một trạm y tế xã phường, nhưng có lẽ là cái duyên và do yêu mến trẻ khiếm thị chị đã về ngôi trường và làm rất nhiều việc không phải là chuyên môn của mình. Từ khi có điện thoại chị luôn cộng tác chặt chẽ với gia đình chăm lo sức khỏe cho các em. Khi có học sinh bị ốm, chị thường là người đưa các cháu đi bệnh viện trước khi gia đình tới. Trong ngăn tủ nhỏ của phòng y tế lúc nào cũng có đầy đủ y bạ và bảo hiểm của học sinh cùng với những thứ thuốc chữa bệnh thông thường. Với chị việc chăm sóc trẻ khiếm thị là một niềm vui. Phòng của các giáo viên khuyết tật cũng thường xuyên được chị sang giúp vệ sinh, mặc dù đó không phải trách nhiệm của chị.
Ở trường là người nhân viên nhiệt tình, tận tuỵ, khi trở về nhà chị là người mẹ, người vợ đảm đang, là hậu phương vững chắc cho chồng chị yên tâm công tác. Từ khi cháu Đỗ Quỳnh Phương ra đời tới nay, đã hơn hai mươi năm, không khi nào chị vắng nhà tới một ngày. Hết giờ làm việc ở trường chị lại vội vã phóng xe về lo cơm nước cho gia đình. Thấy chị đi lại rất vất vả nhiều lần anh Trung khuyên vợ nên ở lại trường buổi trưa để có thời gian nghỉ ngơi, việc nhà anh sẽ cố gắng về sớm lo liệu. Nhưng chị không đồng ý. Chị Cúc chia sẻ: “Anh ấy làm việc trong ngành công an. Công việc sớm hay muộn chẳng biết đâu được. Chị không muốn cho mấy bố con phải ăn đồ ăn sẵn mua về từ chợ. Mình vất vả một chút nhưng sức khỏe của cả nhà được đảm bảo là chị mừng”.
Cố gắng của chị đã được đền bù bằng một gia đình hạnh phúc và hai đứa con chăm ngoan học giỏi. Cháu Đỗ Quỳnh Phương con lớn của anh chị hiện đang là sinh viên năm thứ tư trường Đại học Hàng hải, cháu Đỗ Quang Khánh năm nào cũng là học sinh giỏi của trường.
Mặc dù tới nay chị vẫn chưa được nhận một bằng khen, giấy khen nhưng người phụ nữ hết lòng với công việc ấy luôn được đồng nghiệp, họ hàng và bạn bè yêu mến. Bác Hồ kính yêu từng dạy: không có công việc nào là thấp kém, mỗi việc dù nhỏ đến đâu thì những đóng góp của nó cũng mang lại lợi ích cho con người và xã hội. Việc đó cũng là một việc vinh quang. Như chị Trần Kim Cúc chăm chỉ cần mẫn với công việc của mình dù ít người biết đến nhưng công việc ấy đã mang đến cho học trò khiếm thị một môi trường thoáng mát, sạch sẽ, bình yên, mang lại cho phụ huynh của những đứa trẻ kém may mắn sự yên tâm khi gửi con tới nơi này học tập.
Lê Trung Cường