Người thương binh khiếm thị mất hai bàn tay vẫn vươn lên làm đẹp cho đời
Thành ngữ có câu: “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, nhưng đối với anh Đặng Công Ban sinh năm 1958 ở phường Điện Ngọc thì không chỉ đôi mắt không còn ánh sáng mà đôi tay anh cũng không còn. Khó khăn là vậy, nhưng người thương binh ấy vẫn vươn lên xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc và làm tốt công tác Hội.
Xã Điện Ngọc (nay là phường Điện Ngọc) nơi anh Ban sinh ra là một mảnh đất đi vào lịch sử với cái tên “Dũng sĩ Điện Ngọc” thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau ngày quê hương được giải phóng, tiếp bước truyền thống của gia đình, anh tham gia vào làm công tác xã đội và đi tháo gỡ bom mìn đem lại màu xanh cho quê hương.
Năm 1981, trong một lần cùng đồng đội tháo mìn để làm thủy lợi, không may, mìn phát nổ đã cướp đi cả đôi mắt và đôi bàn tay của anh. Sau một thời gian điều trị lâu dài, anh trở về gia đình. Ban đầu, anh gặp muôn vàng khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Với sự chăm sóc tận tình của người vợ anh dần dần ổn định tâm lý và làm quen với cách sống mới mà bản thân vừa không nhìn thấy cũng không sờ được.Với đồng lương thương binh còn ít ỏi, anh cùng vợ làm ruộng, chăn nuôi để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Nhờ sự tần tảo, chịu khó của anh chị, các con anh đã học đến nơi đến chốn, ra trường có việc làm ổn định và đã yên bề gia thất.
Năm 1984, Hội Người mù Điện Bàn được thành lập, anh tham gia vào hội. Anh được cử làm đại diện hội người mù xã Điện Ngọc. Được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, anh đã đến từng gia đình người mù để khảo sát, nắm bắt đời sống, hoàn cảnh của từng người, vận động anh chị em tham gia vào hội. Đồng thời, anh cũng tham gia vận động thêm nhiều nguồn kinh phí để giúp đỡ cho hội viên. Có những năm anh đã vận động tổ chức, cá nhân hảo tâm xây dựng nhà mới, tặng bò giống, trợ cấp khó khăn cho hội viên.
Khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc người mù sử dụng điện thoại thông minh hay học vi tính là bình thường nhưng đối với anh sử dụng điện thoại là rất khó khăn vì không còn bàn tay để bấm bàn phím hay lướt trên màn hình. Không để mình bị lùi lại phía sau, anh quyết tâm chinh phục chiếc điện thoại bằng cách tìm hiểu thật kỹ càng và luyện tập cách sử dụng điện thoại bằng bàn phím thật nhiều lần. Qua những lần thất bại và quá trình khổ luyện rồi dần dần anh cũng làm chủ được chiếc điện thoại, có thể nghe, gọi, lưu danh bạ...
Nhờ sử dụng điện thoại được mà việc tham gia công tác hội của anh ngày càng thuận lợi hơn. Hiện nay, Hội Người mù phường Điện Ngọc có 24 hội viên, dịp tết năm 2024, anh đã vận động, trao tặng quà cho 24 hội viên trong toàn xã với tổng số tiền là 48 triệu đồng. Anh còn đến từng nhà hội viên để chia sẻ những thông tin về chế độ chính sách, những quyền lợi, nghĩa vụ mà người khuyết tật được hưởng theo quy định của pháp luật.
Anh cũng chủ động đề đạt với lãnh đạo địa phương xem xét nâng mức độ khuyết tật cho nhiều anh chị em hội viên được hưởng đúng với quy định của Nhà nước. 6 tháng đầu năm 2024, 4 hội viên được anh tư vấn, hỗ trợ đề nghị đã được hội đồng xét duyệt của xã chuyển từ khuyết tật nặng lên đặc biệt nặng. Hội viên trong xã rất phấn khởi và tin tưởng vào người cán bộ nhiệt tình và tâm huyết với công tác Hội, xứng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Tàn nhưng không phế”.
Quốc Sự