Phấn đấu đưa nghề tẩm quất, xoa bóp của người mù trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường
Những năm qua, nghề tẩm quất, xoa bóp của người mù đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống hội viên và đóng góp vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nhằm tiếp tục phát triển một nghề hết sức phù hợp với người mù, hội thảo “Đánh giá thực trạng nghề tẩm quất – xoa bóp” vừa được Hội Người mù Việt Nam long trọng tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên – Huế vào ngày 11/9/2024.
Tham dự hội thảo có PGS. TS. Trần Kiêm Hảo – Giám đốc Sở Y tế, đồng chí Phan Thị Minh Nguyệt – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy, UBMTTQVN tỉnh Thừa Thiên - Huế; lãnh đạo Trung ương Hội, các Tỉnh, Thành hội cùng các kĩ thuật viên xoa bóp tiêu biểu đến từ 50 tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, hội thảo đã được đón nhận lẵng hoa chúc mừng của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ảnh: Tiết mục văn nghệ chào mừng sự kiện.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phạm Viết Thu – Chủ tịch TW Hội nhấn mạnh: “Nghề xoa bóp được coi là nghề mũi nhọn, phù hợp với người mù Việt Nam, thế giới và khu vực.Nghề xoa bóp tẩm quất đã giúp các cấp Hội có thêm kinh phí để hoạt động, giúp người mù có thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo.Hội thảo lần này là dịp tốt để các Tỉnh, Thành hội, các kĩ thuật viên tiêu biểu cùng nhau thảo luận, đánh giá thực trạng nghề xoa bóp, giao lưu, chia sẻ, tạo điều kiện để các đơn vị cùng làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, quản lí, hành nghề trong thời gian tới; đồng thời, có thêm những dữ liệu chuyên môn và kết quả thực tiễn để đoàn đại biểu của Hội Người mù Việt Nam tham dự Hội thảo Massage người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 17 tại Hàn Quốc thành công tốt đẹp.”
Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu – Chủ tịch TW Hội phát biểu khai mạc hội thảo.
Theo báo cáo đề dẫn hội thảo, với định hướng của TW Hội “Đưa nghề tẩm quất xoa bóp thành nghề mũi nhọn của người mù”, các tỉnh, thành hội đã chủ động triển khai xây dựng cơ sở vật chất, phương thức quản lí, mua sắm trang thiết bị, đào tạo đội ngũ kĩ thuật viên. Đến nay, 42/58 tỉnh, thành hội mở được dịch vụ tẩm quất xoa bóp với 252 cơ sở, 1.571 nhân viên, doanh thu từ 2022 đến tháng 6/2024 đạt 219,605 tỉ đồng; ngoài ra có 996 tổ nhóm xoa bóp, với 3.462 nhân viên do cá nhân người mù tự đứng ra quản lí. Một số đơn vị có nhiều cơ sở thuộc Hội quản lí như: Thanh Hóa 20 cơ sở, Hà Tĩnh 19 cơ sở, Đồng Nai 19 cơ sở, Hà Nội 15 cơ sở, Hải Dương 15 cơ sở, Nghệ An 13 cơ sở, Ninh Bình 12 cơ sở, Quảng Nam 11 cơ sở… Nhiều tỉnh, thành hội đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, kĩ thuật viên có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định và tổ chức Hội có thêm nguồn thu để chăm sóc, giúp đỡ người mù.
Ảnh: Các đại biểu tham dự hội thảo.
Tuy nhiên, trong thời gian đại dịch Covid 19, các cơ sở tẩm quất xoa bóp của các cấp Hội hoạt động rất khó khăn, doanh thu của cơ sở và thu nhập của người lao động giảm. Đặc biệt, có thời điểm các cơ sở phải tạm thời dừng hoạt động, kĩ thuật viên không có việc làm, thu nhập. Từ tháng 4/2022, đại dịch Covid 19 được khống chế, các cơ sở xoa bóp tẩm quất của Hội đã phục hồi dần; lượng khách hàng ngày càng tăng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho kĩ thuật viên.
Một số đơn vị có đủ điều kiện đã đóng bảo hiểm xã hội cho kĩ thuật viên như: Hải Dương, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Các cơ sở dịch vụ ngày càng chú trọng nâng cấp phòng xoa bóp, phòng xông hơi, lắp đặt trang thiết bị từ nguồn vốn tự có, vốn vay ưu đãi của Nhà nước hay xã hội hóa; có tỉnh hội, huyện hội đã mua được nhà để mở thêm cơ sở.
Các đơn vị đã xây dựng tỉ lệ phân phối lợi nhuận hài hòa giữa tập thể và cá nhân người lao động. Thu nhập của kĩ thuật viên bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng, nhiều kĩ thuật viên có tay nghề cao thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng; Chất lượng cuộc sống của người lao động được nâng cao, nhiều người đã mua được đất, xây được nhà, mua sắm trang thiết bị đắt tiền, gia đình hạnh phúc, con cái có điều kiện học tập.
Hàng năm, các tỉnh, thành Hội đã chủ động đề xuất nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương hoặc nguồn vận động để mở lớp dạy nghề cho người mù. Từ năm 2022 đến nay, các Trung tâm dạy nghề trực thuộc các Tỉnh, Thành hội và các đơn vị chưa có trung tâm nhưng có giấy phép dạy nghề đã mở được 170 lớp xoa bóp bấm huyệt cho 2.651 lượt người mù. Các trung tâm dạy nghề thuộc tỉnh, thành hội liên kết, kí hợp đồng giảng dạy với các trường Đại học, Cao đẳng Y tế, Hội Đông Y có chức năng dạy nghề, truyền nghề, các lớp học xoa bóp bấm huyệt do Hội tổ chức đào tạo khá bài bản từ nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy đến nội dung lí thuyết, thực hành. Sau đào tạo, số học viên có việc làm đạt tỉ lệ trên 90%. Riêng Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù thuộc TW Hội, từ năm 2022 đến nay đã mở được 16 lớp massage, cho 426 học viên, với các loại hình như: Massage Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thái Lan, trị liệu bằng tay Việt – Pháp, massage mặt, xoa bóp cơ bản, xoa bóp nâng cao, tác động cột sống, ngoài ra còn hỗ trợ mở lớp và cấp chứng chỉ cho một số đơn vị. Đặc biệt Trung tâm đã mở được 02 lớp Y sĩ y học cổ truyền ở trình độ Trung cấp cho 48 học viên.
Hiện nay toàn Hội có 16 trung tâm dạy nghề trực thuộc các tỉnh, thành Hội được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, có chỉ tiêu biên chế cán bộ quản lí và giáo viên. Các Trung tâm dạy nghề đã tạo điều kiện để giáo viên tham gia các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn và công tác quản lí. Một số đơn vị thường xuyên mở các lớp tập huấn về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, kĩ năng giao tiếp ứng xử, phục vụ khách hàng, kĩ năng phòng tránh các tai nạn và xâm hại trong quá trình hành nghề… Một số tỉnh, thành hội đã thành lập được câu lạc bộ tẩm quất xoa bóp như: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hà Tĩnh, Đà Nẵng… để đoàn kết giúp đỡ nhau về việc làm, đời sống, cạnh tranh lành mạnh cùng phát triển, đảm bảo uy tín của các cơ sở dịch vụ của người mù.
Ngoài những kết quả đạt được của nghề tẩm quất xoa bóp trong nước, từ năm 2008, Hội Người mù Việt Nam đã chính thức tham gia Hiệp hội Massage người mù khu vực Châu Á Thái Bình Dương định kỳ tổ chức hội thảo 2 năm một lần, sự tham gia đầy đủ, có trách nhiệm của Hội luôn được đánh giá cao. Đặc biệt, tháng 9/2023, lần đầu tiên Hội đăng cai tổ chức Hội thảo massage người mù khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 16, với sự tham dự của hơn 400 đại biểu trong nước và quốc tế. Hội thảo đã thành công, hoàn thành các nội dung chuyên môn, tạo sức lan toả lớn trong cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hội thảo cũng đánh giá những tồn tại, hạn chế, đó là: Một số ít địa phương chưa thực sự quyết tâm để mở cơ sở xoa bóp, với những lí do như không có địa điểm, không có tiền đầu tư, không có kĩ thuật viên, không có khách hàng...
Một số cơ sở chưa đảm bảo diện tích phòng, trang thiết bị, điều kiện vệ sinh…
Một số nhân viên sức khỏe yếu, kĩ năng giao tiếp ứng xử với khách chưa chuyên nghiệp nhất là xử lí các tình huống nhạy cảm, một phần do hạn chế về trình độ văn hóa.
Đại diện các đơn vị Thành hội thành phố Hồ Chí minh, Hà Nội, Tỉnh hội Ninh Bình, Thừa Thiên – Huế và các cán bộ, giáo viên của Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù đã trình bày tham luận, nêu lên nhiều kết quả, kinh nghiệm, giải pháp, kiến nghị theo 4 tiểu chủ đề chính:
Đẩy mạnh đào tạo nghề tẩm quất xoa bóp chuyên nghiệp và trang bị các kĩ năng mềm cho kĩ thuật viên xoa bóp khiếm thị; Quản lí hoạt động xoa bóp: truyền thông, marketing, dịch vụ và ứng dụng Công nghệ thông tin; Phát triển xoa bóp y học và trao quyền cho các kĩ thuật viên khiếm thị; Các kết quả nghiên cứu điều trị bệnh và những đóng góp của xoa bóp người khiếm thị trong phục hồi sức khỏe hậu Covid -19.
Ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Trường – Giám đốc Trung tâm đào tạo cán bộ PHCN cho người mù phát biểu tại hội thảo.
Về công tác đào tạo trong thời gian tới, ThS. Phạm Xuân Trường – Giám đốc Trung tâm đào tạo cán bộ PHCN cho người mù nêu ý kiến: các tỉnh, thành Hội cần phối hợp với Trung tâm xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu, tâm huyết, nhiệt tình để chủ động đáp ứng nhu cầu nâng cao tay nghề tại chỗ cho kĩ thuật viên của các địa phương. Bên cạnh kĩ năng chuyên môn, cần trang bị kĩ năng bổ trợ như: ngoại ngữ, kĩ năng làm việc chuyên nghiệp, kĩ năng quản lí, phát triển dịch vụ,… Kiến nghị các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện y học cổ truyền, tạo điều kiện cho học viên mù thực tập trong quá trình đào tạo và tiếp nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, cần tiến hành xây dựng và phát triển mô hình phòng khám xoa bóp của người mù đáp ứng được các tiêu chuẩn trong nước và khu vực về chuyên môn và cơ sở hạ tầng kĩ thuật. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, quản lí, phát triển dịch vụ xoa bóp bấm huyệt...
Đồng chí Nguyễn Hữu Trường Giang - Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: UBND các tỉnh, thành phố đưa nghề tẩm quất, xoa bóp vào danh mục nghề dành cho người khuyết tật để đào tạo; các cơ quan chức năng xem xét có những cơ chế đặc thù trong việc quan tâm cho phép phát triển nghề xoa bóp, tẩm quất thành nghề ưu tiên dành cho người mù, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cấp phép kinh doanh, quảng bá thương hiệu và miễn thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đồng chí Nguyễn Trung thái - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, HNM thành phố Hà Nội kiến nghị: “Đề nghị Hội người mù Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp xử lí đối với cơ sở mạo danh là dịch vụ của người mù, một số cá nhân hoạt động trá hình, gây ảnh hưởng không nhỏ tới những người hành nghề chân chính, trong đó có người mù. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông, marketing và quản lí các cơ sở tẩm quất.”
Hội thảo đã thống nhất: Phát huy những kết quả đã đạt được, các đơn vị tiếp tục phát triển và mở rộng mạng lưới các cơ sở tẩm quất xoa bóp của người mù, chú trọng phát triển mô hình các công ti, hợp tác xã, từng bước nâng cấp phòng, trang thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ và hướng tới dịch vụ xoa bóp chữa bệnh. Doanh thu của các cơ sở và thu nhập của kĩ thuật viên, nhân viên, mỗi năm tăng 10%, nâng dần tỉ lệ người lao động đóng bảo hiểm xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo ngắn hạn và chuyên sâu, đảm bảo hầu hết học viên có việc làm sau đào tạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nghề xoa bóp của người mù; xây dựng câu lạc bộ tẩm quất xoa bóp của tỉnh, huyện, thị tiến tới xây dựng câu lạc bộ vùng miền; tổ chức các hội thảo, hội thi tay nghề cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc, đồng thời tham gia các hội nghị, hội thảo, tập huấn trong nước và khu vực để có những định hướng phát triển phù hợp với xu thế chung…
Từ định hướng của TW Hội, mỗi tỉnh, thành hội có kế hoạch, giải pháp cụ thể của đơn vị mình, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và phấn đấu nghề xoa bóp của người mù trở thành thương hiệu có uy tín, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người mù, đóng góp vào quá trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tiếp tục tạo nên ý nghĩa kinh tế, xã hội và nhân văn sâu sắc.
Hà Anh