Ảnh bìa

Thách thức và định hướng trong giáo dục đại học cho người mù tại Malaysia

Là một quốc gia quân chủ lập hiến liên bang nằm tại phía nam của khu vực Đông Nam Á, Malaysia bao gồm 13 bang và ba lãnh thổ liên bang với tổng diện tích đất liền là 330,803 km². Ngay từ đầu thế kỷ XX, các hoạt động giáo dục cho người mù đã được triển khai tại Malaysia, tuy nhiên số lượng người mù tại quốc gia này theo học đại học vẫn còn khiêm tốn.

Hoạt động giáo dục dành cho người mù ở Malaysia bắt đầu từ năm 1926 với việc các nhà truyền giáo người Anh thành lập Ngôi nhà Thánh Nicholas ở Malacca và sau đó chuyển đến Penang vào năm 1931.

Chương trình giáo dục chính quy dành cho người mù bắt đầu từ năm 1948 với việc thành lập Trường Princess Elizabeth ở Johor Bahru. Giáo dục hoà nhập cho người mù cấp trung học bắt đầu từ năm 1962. Cũng vào năm này, chương trình đào tạo giáo viên chuyên biệt dành cho người mù cũng được đưa vào triển khai. Chương trình đào tạo kéo dài một năm này dành cho các giáo viên chính quy muốn chuyên sâu về giảng dạy cho người mù.

Năm 1981, Bộ Giáo dục đã tiếp nhận, đảm nhiệm chương trình giáo dục dành cho người mù do các tổ chức của người mù quản lý.

Giáo dục cho người mù được chia thành 3 loại:

- Giáo dục chuyên biệt: Có 5 trường tiểu học và 1 trường trung học

- Giáo dục bán hoà nhập: Có 25 trường tiểu học và 20 trường trung học

- Giáo dục hòa nhập

Ở bậc đại học, tất cả học sinh khiếm thị đều được Chính phủ hỗ trợ 150RM mỗi tháng (tương đương 38 USD). Đối với sinh viên học đại học sẽ được hỗ trợ 300RM một tháng (tương đương 80 USD) trong suốt thời gian học. Để khuyến khích nhiều giáo viên chuyên  về giáo dục đặc biệt hơn, chính phủ hỗ trợ 250RM/tháng (tương đương 60 USD) cho tất cả các giáo viên dạy trẻ em khuyết tật.

Tất cả học sinh khiếm thị đều phải học chương trình chính khóa. Các em có thể làm bài thi bằng chữ nổi hoặc chữ in phóng to. Tuỳ thuộc vào môn thi, các em có thể có thêm thời gian để làm bài. Sách giáo khoa chữ nổi cho các em được Phòng Sách giáo khoa cấp miễn phí. Các thiết bị hỗ trợ như máy hiển thị chữ nổi, trình đọc màn hình, máy phóng to màn hình, máy chữ nổi Perkins … được cung cấp cho các trường tùy theo nhu cầu của các trường.

Tháng 1/2019, Bộ Giáo dục đã thông quan chính sách Không từ chối. Kế hoạch giáo dục cá nhân được chuẩn bị cho tất cả học sinh khiếm thị với sự tham gia của phụ huynh và nhân sự hỗ trợ. Đối với những em không thể theo học chương trình chính khóa, các em sẽ theo học chương trình chuyên biệt tập trung vào các chương trình hướng nghiệp và kỹ năng sống. Hiện nay, môn hướng nghiệp cho người mù mới chỉ có nghề xoa bóp, bấm huyệt.

Việc nhận người khuyết tật, bao gồm người mù vào các cơ sở giáo dục đại học dựa trên kết quả học tập tương tự như sinh viên không khuyết tật. Tuy nhiên, việc các em chọn trường, chọn môn học lại đang dựa trên khả năng tiếp cận và sự phù hợp của cơ sở vật chất trong trường đại học.

Từ năm 1970, hai sinh viên khiếm thị được nhận vào Trường Đại học Malaya. Kể từ đó, trung bình mỗi năm Trường Đại học Malaya nhận từ 1 đến 5 sinh viên khiếm thị. Đây là ngôi trường được đánh giá là dễ tiếp cận nhất đối với người khuyết tật mặc dù trên thực tế thì vẫn còn có những rào cản hoặc khó khăn với sinh viên khuyết tật. Ví vụ như các em phải đi bộ ít nhất 15 phút từ  khu kí túc xá đến giảng đường.

Trong nhiều năm liền, cơ sở duy nhất được cung cấp là một phòng đặc biệt trong thư viện dành cho mỗi sinh viên đại học khiếm thị để các em làm bài tập và các em phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các tình nguyện viên. Các em được phép ghi âm các bài giảng, có thể làm bài thi bằng chữ nổi và bài thi được chuyển sang bản in thường để giáo viên chấm bài.

15 năm trở lại đây, việc cung cấp cơ sở vật chất tốt hơn để hỗ trợ người mù mới được quan tâm nhiều hơn. Trường Đại học Malaya đã xây dựng một phòng hoạt động chung để người khuyết tật tham gia các hoạt động và học tập. Máy tính được cài đặt phần mềm hỗ trợ đọc màn hình. Sau đó các thư viện cũng cung cấp các phương tiện tương tự, trong đó có cả máy in chữ nổi.

Do hầu hết học sinh khiếm thị đều đăng ký các môn xã hội ở trường trung học nên khi lên đại học, họ đều chọn các môn khoa học xã hội, kinh tế, luật và tôn giáo. Điều này giới hạn triển vọng việc làm của họ, chủ yếu họ làm các công việc như giáo viên, giảng viên, quản trị viên và luật sư. Hiện nay, có hơn 10 người mù có trình độ Tiến sĩ và đang là giảng viên của các trường đại học.

Việc lựa chọn cơ sở giáo dục đại học cũng được mở rộng sang nhiều trường đại học công lập hơn. Bên cạnh người mù, nhiều người khuyết tật khác cũng đăng ký tham gia. Tuy nhiên, tổng số người khuyết tật học đại học nói chung vẫn còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,3% tổng số sinh viên đại học.

Tính đến tháng 6/2022, ở Malaysia có khoảng 53000  người khiếm thị đã đăng kí và được chính quyền xác nhận. Con số này vẫn còn rất nhỏ so với ước tính của Ngân hàng Thế giới với khoảng 15% tổng dân số tại quốc gia này là người khuyết tật.

Để đảm bảo người khuyết tật nhận được sự hỗ trợ cần thiết trong quá trình học tập tại các trường đại học, các trường Đại học đã xây dựng các chương trình trường Đại học hòa nhập bao trùm tất cả các khâu như từ tuyển sinh, bài giảng, thi cử, đào tạo chuyên ngành, ký túc xá; thành lập bộ phận hỗ trợ người khuyết tật với đội ngũ nhân viên tận tâm, nhiệt tình.

Tiến bộ trong giáo dục đại học đã làm tăng triển vọng việc làm và mở rộng phạm vi việc làm cho người mù Malaysia. Hy vọng rằng người mù sẽ tham gia vào nhiều lĩnh vực hơn như trong các môn khoa học và kỹ thuật. Việc sử dụng công nghệ chắc chắn sẽ biến điều này thành hiện thực trong một tương lai không xa.

Hồng Hải dịch

(Theo tham luận của ông Wong Yoon Loong, Giám đốc điều hành Hội đồng Quốc gia dành cho người mù Malaysia tại hội thảo “Thúc đẩy giáo dục đại học gắn với tạo việc làm cho người khiếm thị” trong chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù ASEAN”).