Tìm hiểu quy trình đưa Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp ước Marrakesh
Để tiến tới ký kết và thông qua hiệp ước Marrakesh, Trung ương Hội đã từng bước nỗ lực tìm hiểu kinh nghiệm của các quốc gia đã tham gia Hiệp ước cũng như lộ trình theo quy định luật pháp thông qua các hiệp ước khác ở nước ta để vận động thông qua chính sách rất quan trọng trong việc nâng cao dân trí cho những người không tiếp cận được định dạng chữ in.
Sáng ngày 29/8/2019, Trung ương Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức cuộc họp với các Ban, Bộ ngành Trung ương để tìm hiểu quy trình xem xét, đưa Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp ước Marrakesh và vai trò của các bên liên quan. Tới dự có bà Lê Đức Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế - Bộ Ngoại Giao, bà Đoàn Quỳnh Dung – Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Catherrine Phương – Trợ lí Đại diện thường trú, Trưởng phòng Quản trị và tham gia – Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam, đại diện Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban quốc gia về Người Khuyết tật Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, một số tổ chức đoàn thể Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Văn phòng Trung ương Hội.
Hiệp ước Marrakesh được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới thông qua tại Hội nghị ngoại giao diễn ra ở Marrakesh (Maroc) năm 2013. Hiệp ước yêu cầu các quốc gia kí kết quy định rõ trong Luật về bản quyền cho phép chuyển đổi các tác phẩm đã công bố sang các định dạng chữ Braille, audio, văn bản điện tử, ngôn ngữ kí hiệu… Đồng thời, cho phép chia sẻ các tác phẩm đã chuyển đổi trong nước và xuyên biên giới mà không phải xin phép, không phải trả tiền cho chủ sở hữu bản quyền vì lợi ích của người mù, người kém mắt và những người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in khác. Cho đến nay đã có 57 bên kí kết, bao gồm 83 quốc gia đã gia nhập Hiệp ước Marrakesh. Tuy nhiên, Việt Nam chưa phải là thành viên tham gia hiệp ước này nên những người không có khả năng đọc chữ in ở Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các tác phẩm.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Phạm Viết Thu – Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam nhấn mạnh:
“Với mong muốn Hiệp ước Marrakesh được phê chuẩn và thực hiện tại Việt Nam, trong thời gian qua, Hội Người mù Việt Nam đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tiến hành một số hoạt động giới thiệu về nội dung, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Hiệp ước Marrakesh, phân tích về điều kiện, cơ sở pháp lí tại Việt Nam và học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã phê chuẩn, thực hiện Hiệp ước. Và hôm nay, Hội Người mù Việt Nam rất vinh dự được phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương để tìm hiểu về quy trình xem xét, phê chuẩn Hiệp ước Marrakesh tại Việt Nam và vai trò của các bên liên quan.
Với sự tham gia đóng góp ý kiến đầy trí tuệ, tâm huyết, nhiệt tình của các quý vị đại biểu, chúng tôi tin rằng cuộc họp sẽ là một bước quan trọng để từ đó, các cơ quan hữu quan sẽ cùng chung tay thúc đẩy, tiến hành các bước theo lộ trình nhằm đưa Việt Nam sớm trở thành thành viên tham gia Hiệp ước, tạo cơ hội cho người mù, người kém mắt cùng những người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in sẽ có điều kiện tốt hơn trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, sách báo, tài liệu theo Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức, kĩ năng, hòa nhập với sự phát triển chung của cộng đồng.”
Theo bà Catherine Phương – Trợ lí Đại diện thường trú, Trưởng phòng Quản trị và tham gia – Chương trình phát triển Liên hiệp quốc, Hiệp ước Marrakesh là hiệp ước quốc tế thứ hai quy định cụ thể quyền của người khuyết tật, sau Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật (gọi tắt là CRPD) mà Việt Nam đã là thành viên từ năm 2015. Việt Nam đang đứng trước cơ hội gia nhập Hiệp ước Marrakesh để tranh thủ lợi thế của phong trào quyền của người khuyết tật toàn cầu.
Hiệp ước Marrakesh sẽ cung cấp thêm một khung pháp lý, không gian chính sách, và động lực xã hội để xúc tiến việc thực thi CRPD tại Việt Nam. Nó sẽ mở đường cho nhiều đối tác tham gia vào quá trình bảo vệ, thúc đẩy, và thực hiện quyền của người khuyết tật theo cách tiếp cận ’toàn xã hội’.
Mặc dù trước đây đã có một vài cuộc hội thảo về Hiệp ước Marrakesh nhưng đây là lần đầu tiên Trung ương Hội và UNDP tổ chức cuộc họp với các Bộ ngành liên quan về vấn đề này. Cuộc họp đã hết sức sôi nổi với rất nhiều ý kiến phát biểu tham luận, đóng góp của các thành viên tham dự. Bà Đào Thu Hương – Cán bộ Quyền con người của UNDP trình bày những đặc điểm chính và ý nghĩa của Hiệp ước, bà nhấn mạnh: Hiệp ước yêu cầu chỉ những người khuyết tật chữ in mới là người hưởng lợi của Hiệp ước; nghiêm cấm việc sử dụng trái phép các bản sao cho những đối tượng khác, tạo sự cân bằng cho những người hưởng lợi và chủ sở hữu bản quyền.
Tại hội nghị, bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam nêu lên những khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, tài liệu của người không có khả năng đọc chữ in, đặc biệt là những khó khăn từ rào cản pháp lí do Việt Nam chưa gia nhập Hiệp ước Marrakesh và một số điểm trong Luật Sở hữu trí tuệ chưa quy định hoặc thiếu rõ ràng như: hạn chế cơ hội tiếp nhận tài trợ kinh phí chuyển đổi và tiếp nhận nguồn sách báo, tài liệu ở định dạng dễ tiếp cận từ nước ngoài; gây ra tình trạng trùng lặp, lãng phí nguồn lực khi nhiều cơ quan, tổ chức cùng chuyển đổi 01 tác phẩm sang 01 định dạng dễ tiếp cận…
Gia nhập và thực hiện Hiệp ước Marrakesh sẽ góp phần khắc phục những hạn chế nêu trên, thúc đẩy việc thực hiện Công wocs quốc tế về quyền của người khuyết tật và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Kế hoạch tổng thể của ASEAN đến năm 2025 về lồng ghép quyền của người khuyết tật nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thông tin và tri thức, là yếu tố thiết yếu giúp người khuyết tật tiếp cận giáo dục, nâng cao kiến thức kĩ năng, tạo việc làm, thu nhập, giảm tỷ lệ đói nghèo.
Đề cập đến những thuận lợi, khó khăn trong việc gia nhập Hiệp ước, ông Phạm Thanh Tùng – Trưởng phòng Thông tin và Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Luật Sở hữu trí tuệ đã có một số điểm tương đồng với Hiệp ước, và luật này cũng sẽ được sửa đổi trong thời gian tới nên thuận lợi cho việc bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với nội dung của Hiệp ước. Tuy nhiên, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế để có thể quản lí được đối tượng sử dụng các bản sao phù hợp nếu Hiệp ước được thực hiện ở Việt Nam.
Một vấn đề quan trọng mà các đại biểu đều hết sức quan tâm, đó là: Quy trình đưa Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp ước. Về vấn đề này, bà Lê Đức Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế - Bộ Ngoại giao và một số đại biểu cho rằng: Mặc dù nội dung của Hiệp ước liên quan đến rất nhiều Bộ, ngành nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lí nhà nước về bản quyền tác phẩm sẽ phù hợp nhất đối với việc xây dựng hồ sơ đề xuất gia nhập Hiệp ước. Theo đó, quy trình có thể là: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ, lấy ý kiến của các Bộ ngành, tổ chức liên quan gửi Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước, sau khi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước có thể kí gia nhập. Bộ Ngoại giao sẽ có trách nhiệm làm các thủ tục đối ngoại để hoàn tất quá trình gia nhập.
Tuy nhiên các đại biểu cũng lưu ý cần phải nghiên cứu kĩ những tác động của Hiệp ước, đối chiếu nội dung của Hiệp ước với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, hệ thống pháp luật của Việt Nam… Đây là một quá trình chắc chắn sẽ không đơn giản, không thể hoàn thành trong thời gian ngắn mà sẽ còn rất nhiều công việc, nhiều khó khăn ở phía trước, song Hội Người mù Việt Nam chắc chắn sẽ cùng chung tay phối hợp với các Bộ ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức của và vì người khuyết tật nỗ lực phấn đấu đưa Việt Nam trở thành thành viên của một Hiệp ước mang đầy ý nghĩa nhân văn, giúp những người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in thực hiện quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, tài liệu, nâng cao kiến thức, kĩ năng, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Đinh Việt Anh