Ảnh bìa

Hành trình sáp nhập và chia tách Hội Người mù ở tỉnh Quảng Nam

Từ khi ra đời đến nay, bằng nội lực của mình, Hội Người mù tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, bám sát mục tiêu chung của Đảng, Nhà nước và Trung ương Hội, đảm bảo quyền lợi chính đáng của hội viên, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người mù trong tỉnh.

Tổ chức Hội năm 2018 gồm có Văn phòng tỉnh Hội và 12 huyện, thị, thành Hội, 147 hội xã, phường, thị trấn và Chi hội với 2439 hội viên; quá trình tổ chức hoạt động, Hội  luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi, tạo động lực thúc đẩy hoạt động đạt hiệu quả, làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ người mù về vật chất lẫn tinh thần.  

Ngày 28/02/2018, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Kế hoạch số 139-KH/TU về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy.

Theo dự thảo Đề án sắp xếp, kiện toàn các tổ chức hội, các cấp Hội Người mù tỉnh Quảng Nam sẽ sáp nhập với Hội Người khuyết tật thành Hội Người khuyết tật. Thông tin về dự thảo đề án khiến cán bộ các cấp Hội trăn trở, lo lắng và quyết tâm bằng mọi cách phải giữ lại tổ chức Hội.

Ảnh: Lớp tập huấn định hướng di chuyển và sử dụng điện thoại thông minh cho hội viên.

Ngay sau đó, Tỉnh hội đã có văn bản góp ý dự thảo Đề án, chứng minh hiệu quả trong quá trình hoạt động, chăm sóc, giúp đỡ hội viên, nhấn mạnh tính đặc thù của người mù. Đồng thời, Hội cũng chủ động gặp gỡ, vận động, tác động trực tiếp với ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, các ngành liên quan để tranh thủ sự quan tâm đối với Hội. Qua quá trình vận động, UBND tỉnh đã có quyết định ban hành Đề án sắp xếp các tổ chức hội quần chúng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2021, trong đó giữ nguyên tổ chức Hội người mù ở cấp tỉnh.

Sau khi đã giữ ổn định tổ chức ở cấp Tỉnh, Hội tiếp tục dồn lực tập trung vận động giữ vững tổ chức ở cấp huyện, khẩn trương chỉ đạo các Hội ở huyện nắm bắt tình hình, kịp thời phản ánh về Tỉnh hội để cùng tháo gỡ. Một mặt, Tỉnh hội gửi công văn đến các Huyện ủy, UBND đề nghị không sáp nhập Hội Người mù với các hội khác; một mặt đề nghị các hội ở huyện làm tờ trình xin được giữ nguyên, hoạt động độc lập đồng thời tăng cường các hoạt động Hội, tạo tiếng vang, ấn tượng với các cấp, các ngành và cộng đồng. Cán bộ Hội cũng tranh thủ gặp gỡ, trao đổi đề xuất nguyện vọng của Hội với các đồng chí lãnh đạo huyện ủy, UBND…

Ảnh: Lớp tập huấn sử dụng điện thoại thông minh.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể Ban thường vụ Tỉnh hội, Ban Chấp hành các Huyện Thị hội đã giữ nguyên tổ chức Hội ở các địa phương gồm: Quế sơn, Điện Bàn, Núi Thành, Tam Kỳ dù đã có đề án sáp nhập.

Đến năm 2019, 7 Huyện, Thị, Thành hội tại Quảng Nam giữ nguyên được tổ chức; 2 Hội sáp nhập thành Hội Người mù -Khuyết tật; 3 Hội sáp nhập vào Hội Khuyết tật và Hội chữ thập đỏ. Riêng Hội cấp xã, dù đã có tư cách pháp nhân, có con dấu vẫn có 56/96 Hội bị sáp nhập, đến nay chỉ còn 40 hội.

Việc sáp nhập các tổ chức Hội gây nhiều thay đổi và khó khăn trong hoạt động; 3 địa phương là Hiệp Đức, Đại Lộc và Thăng Bình không còn tên trong tổ chức Hội không triển khai các hoạt động. Tỉnh hội phải thu hồi nguồn vốn vay để chuyển cho đơn vị khác, phong trào thi đua của Hội bị chùng xuống. Đội ngũ cán bộ, lãnh đạo Hội Khuyết tật chủ yếu là những người khuyết tật khác, chưa thấu hiểu khả năng, cuộc sống, lao động và làm việc của người mù. Có đơn vị còn nảy sinh mâu thuẫn trong chỉ đạo, điều hành công việc khi đối tượng chăm sóc là các dạng tật khác nhau, nên hoạt động Hội không hiệu quả dẫn đến sự chăm sóc hội viên, trong đó có người mù chưa sâu, chưa kịp thời về mặt tinh thần cũng như vật chất.

Với quan điểm “không để mất hội viên”, Hội kiên trì kết nối giữa Tỉnh hội với hội viên và chính quyền các huyện thông qua các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ. Tại các đơn vị sáp nhập, Tỉnh hội thường xuyên vận động, hỗ trợ, tặng quà người mù, ưu tiên chọn hội viên tham gia các lớp học định hướng di chuyển, lớp học chữ nổi, lớp sử dụng điện thoại thông minh…. Hội cũng giữ nguyên một ủy viên thường vụ để tạo cầu nối, gắn kết với người mù. Vì vậy, dù không thể kết nối được đầy đủ nhưng đã duy trì công tác chăm sóc hội viên, tạo dấu ấn và tiếng nói đối với chính quyền địa phương.

Trước những khó khăn của người mù tại các đơn vị sáp nhập, ngày 21/6/2021, Tỉnh hội gửi báo cáo Ban dân vận Tỉnh ủy và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về những khó khăn của Hội và người mù sau sáp nhập. Qua đó tiếp tục đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQVN cho phép Hội người mù đã sáp nhập, hợp nhất được trở lại hoạt động độc lập, để ổn định và phát triển hơn nữa. Đồng thời, tranh thủ tìm hiểu và phối hợp với các hội quần chúng cùng hoàn cảnh, tìm tiếng nói chung; đề xuất trong các buổi giao ban các tổ chức Hội, kết hợp tờ trình, văn bản báo cáo kiến nghị đề xuất.

Bước khởi đầu tốt đẹp ở huyện Hiệp Đức, khi UBND huyện Hiệp Đức cho phép tách Hội Người Khuyết tật thành 2 Hội Người mù và Hội Người Khuyết tật. Thông tin được gửi đến các Huyện hội mang tới hy vọng “sẽ tái lập được hội người mù”. Tỉnh hội tiếp tục đề xuất, kiến nghị bằng văn bản, trong các hội nghị, nhân lúc được gặp các đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước các cấp mong có tiếng nói ủng hộ.

Tại cuộc họp giao ban các tổ chức Hội quần chúng của tỉnh ngày 17/8/2022, đồng chí  Lê Văn Dũng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Nam, kết luận có nội dung: “Giao Ban cán sự đảng, lãnh đạo UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo UBND cấp huyện tham mưu cấp ủy cùng cấp sắp xếp lại các tổ chức Hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp huyện, cấp xã độc lập, thống nhất với tên gọi, tính chất của hội cấp tỉnh”. Ngay sau đó, UBND tỉnh cũng có công văn chỉ đạo cấp huyện thực hiện nội dung này.

Tỉnh hội chỉ đạo các nguyên lãnh đạo Hội ở huyện đã sáp nhập trực tiếp xin gặp, làm việc với lãnh đạo Huyện ủy xin phép tái lập tổ chức Hội, đồng thời Tỉnh hội cũng có các văn bản liên quan gửi Huyện ủy và UBND các huyện. Từng bước một, hội nghị tái lập Hội Người mù huyện Phú Ninh tách ra từ Hội Người mù-Khuyết tật diễn ra ngày 21/4/2023. Ngày 14/6/2023, UBND huyện Thăng Bình cho phép tách Hội Người khuyết tật thành Hội Người khuyết tật và Hội Người mù huyện Thăng Bình. Đại hội lần thứ X (nhiệm kỳ 2023-2028) của huyện diễn ra ngày 7/7/2023.

Nối tiếp niềm vui, ngày 26/7/2023, UBND huyện Đại Lộc cho phép tách Hội Chữ Thập đỏ thành Hội Chữ Thập đỏ và Hội Người mù huyện Đại Lộc … Đại hội lần thứ VIII, nhiệm kỳ diễn ra ngày 16/8/2023.

Tại huyện Duy Xuyên, sau nhiều lần đề nghị, tác động… nhưng lãnh đạo UBND huyện chưa thống nhất. Tỉnh hội xây dựng tờ trình đề nghị tách Hội và đăng ký làm việc trực tiếp với Bí thư Huyện ủy và lãnh đạo UBND huyện. Được chấp thuận làm việc, lắng nghe những kiến nghị đề xuất hợp lý, kết luận buổi họp được trình báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy.

Ngày 28/2/2024, UBND huyện Duy Xuyên cho phép tách Hội Người mù – Khuyết tật huyện Duy Xuyên thành Hội Người mù và Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Quyền trẻ em và Bệnh nhân nghèo huyện Duy Xuyên. Đại hội lần thứ VII, diễn ra ngày 19/4/2024. Nhọc nhằn tìm lại tên gọi của chính mình, Duy Xuyên là địa phương cuối cùng chia tách cũng chính là dấu mốc cho việc tái hoạt động trở lại của Hội Người mù tỉnh Quảng Nam có tổ chức Hội tại 12/18 đơn vị hành chính như trước đây (còn 6 huyện miền núi chưa thành lập được tổ chức Hội).

Ảnh: Đại hội Đại biểu Hội Người mù huyện Duy Xuyên.

Sau 6 năm gián đoạn do chia tách, sáp nhập, năm 2024, Hội Người mù tỉnh Quảng Nam có hệ thống và hoạt động như trước khi bị sáp nhập. Trải qua khó khăn, cán bộ và hội viên Tỉnh hội Quảng Nam sẽ tiếp tục phấn đấu triển khai nhiều hoạt động hơn nữa, thi đua cùng với các tổ chức Hội trên cả nước, nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người mù.

Hồng Thống