Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Hội lần thứ II khoá X nhiệm kỳ 2022-2027
Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Hội lần thứ II khoá X (nhiệm kỳ 2022-2027) vừa được tổ chức ngày 18/7 tại văn phòng Trung ương Hội. Hội nghị nhằm sơ kết hoạt động Hội 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 và thảo luận, thống nhất nhiều nội dung quan trọng trong hoạt động Hội.
Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội, các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ, cán bộ chuyên môn văn phòng Trung ương Hội, Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù và các Tỉnh, Thành hội.
Hội nghị đã lắng nghe báo cáo hoạt động Hội trong 6 tháng đầu năm 2023 trên các mặt hoạt động: Tổ chức, lao động sản xuất, tuyên truyền văn hoá giáo dục, đối ngoại – phụ nữ và trẻ em và công tác kiểm tra.
Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội phát biểu khai mạc hội nghị.
Trong 6 tháng đầu năm, Hội đã tổ chức nhiều hội nghị, sự kiện quan trọng như: Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ II, khóa X, tổng kết công tác hoạt động Hội năm 2022, phương hướng nhiệm vụ 2023; Tổ chức, tham dự các diễn đàn, hội nghị, hội thảo với các Ban, Bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức trong và ngoài nước. Các cấp Hội đã có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện về các cơ chế chính sách liên quan đến người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng. Đặc biệt, Điều lệ Hội Người mù Việt Nam đã được Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 415/QĐ-BNV ngày 13 tháng 6 năm 2023.
Trung ương Hội đã chỉ đạo các Tỉnh, Thành hội Cao Bằng, Hà Nội, Đồng Nai, Đà Nẵng, Cà Mau, Bắc Kạn, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Trị, Cần Thơ, Đắk Lắk, Hậu Giang về việc tổ chức Đại hội nhiệm kì nhằm giữ vững tổ chức và hoạt động ổn định của các cấp Hội.
Nhiều đơn vị đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng” và Chương trình hành động “Việc làm, giảm nghèo bền vững” như: Quảng Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Bình Dương, Bình Phước, Thừa Thiên Huế....
Cũng trong 6 tháng qua, Hội được bổ sung thêm 863 triệu đồng vốn vay, nâng tổng số vốn hiện đang quản lý là 52,5 tỉ đồng triển khai tại 54 Tỉnh, Thành hội, với 1305 dự án, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 1696 lao động là người mù, người khuyết tật khác và người không khuyết tật. Ngoài nguồn vốn vay theo kênh của Trung ương Hội, một số Tỉnh, Thành hội đã tranh thủ thêm nguồn vốn của địa phương và nguồn khác với tổng số tiền 18,3 tỉ đồng, với 481 dự án. Trong công tác dạy nghề, toàn Hội đã mở được 37 lớp gồm các loại hình: xoa bóp bấm huyệt, tin học, chăn nuôi, thủ công, làm hương, đan lát…cho 438 học viên.
Ảnh: Toàn cảnh hội nghị tại Văn phòng Trung ương Hội.
Hiện nay, Hội quản lý 359 cơ sở sản xuất tập trung (261 cơ sở tẩm quất xoa bóp, 98 cơ sở sản xuất thủ công) và 145 tổ nhóm sản xuất thủ công dưới 10 người, thu hút 4269 lao động, với các mô hình hợp tác xã, công ty TNHH, trung tâm của người mù, gồm các ngành nghề đa dạng như: Làm tăm, làm chổi, làm hương, đan lát, nuôi ong lấy mật, xoa bóp bấm huyệt. Mức thu nhập bình quân của người lao động làm nghề thủ công là 2 triệu đồng/tháng, riêng nghề xoa bóp bấm huyệt đạt 3 triệu đồng/tháng, người có tay nghề cao thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng /tháng. Tổng doanh thu của các cơ sở đạt 78,3 tỉ đồng, ngoài ra có 948 tổ nhóm xoa bóp do hội viên tự đứng ra quản lý thu hút 3261 lao động.
Công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh với 875 tin bài về hoạt động Hội được đăng tải trên các phương tiện thông tin của Trung ương Hội và các cơ quan báo chí. Bản tin nội bộ của nhiều đơn vị được ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hoá về hình thức như đặc san chữ Braille, Chữ việt, đĩa CD, facebook, fanpage.
Tạp chí Đời mới của TW Hội xuất bản theo định kỳ 3 số chữ Braille và 3 số phát thanh. Ngoài ra, các tin tức và các thông tin được đăng tải đều đặn trên cổng thông tin điện tử và các nền tảng kênh Youtube, fanpage, thư viện trực tuyến…
Chỉ trong nửa năm, toàn Hội đã mở được 39 lớp xoá mù chữ cho 304 hội viên, 35 lớp dành cho 156 trẻ em, 19 lớp phổ cập tin học, hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh cho 168 hội viên. Một số đơn vị mở các lớp tập huấn: kỹ năng trang điểm QT của Nhật Bản, lớp tiếng Anh, khiêu vũ, định hướng di chuyển, bồi dưỡng báo cáo viên, lớp năng khiếu âm nhạc, bóng đá, cờ vua khiếm thị….
Trung ương Hội cấp 514 bộ học cụ gồm bảng bút, bảng toán và con cắm, 257 bộ sách xoá mù chữ, sách học chữ tắt, nghiên cứu điều chỉnh một số ký tự trong hệ thống chữ tắt phù hợp với bộ chuẩn quốc gia về chữ nổi Braille. Đồng thời, kết nối với các tổ chức để xây dựng kế hoạch làm sách cho các em; phối hợp với Viện khoa học Giáo dục Việt Nam khảo sát, tổng hợp nhu cầu đăng ký sách giáo khoa làm cơ sở chuẩn bị cho năm học mới; Chỉ đạo mạng lưới sinh viên khiếm thị toàn quốc tổ chức chuỗi sự kiện Go With You. Bên cạnh đó mạng lưới sinh viên phát huy tốt vai trò kết nối sinh viên để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ tài liệu học tập; cung cấp thông tin để các em tham gia hội chợ nghề nghiệp, tuyển dụng nhân sự làm tổng đài viên…
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2023), Trung ương Hội tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và xây dựng văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện", kết hợp phát động tuyên truyền gương điển hình tiên tiến.
Một số đơn vị tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ cho Hội; tọa đàm kỷ niệm 54 năm ngày thành lập Hội; phát động cuộc thi đọc viết nhanh chữ Braille; cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin”; truyền thông trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên; phối hợp tổ chức cho cán bộ, hội viên tham quan thực tế kết hợp giao lưu với đơn vị bạn, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho hội viên.
Trung ương Hội tăng cường kết nối với Hiệp hội Paralympic Việt Nam, một số đơn vị tổ chức cho cán bộ, hội viên tập luyện, giao lưu thi đấu, thể thao, dân vũ…nhằm phát triển phong trào thể dục thể thao trong các cấp hội.
Sáu tháng đầu năm, các đơn vị tổ chức được 351 buổi sinh hoạt câu lạc bộ với các nội dung: CLB nuôi con khỏe, dạy con ngoan; Không sinh con thứ 3; Nghề nghiệp và người khuyết tật; Đọc chữ Braille; Dưỡng sinh cho người cao tuổi; Người mù vượt khó vươn lên; Dân số và pháp luật; Khát vọng ánh sáng; Vì hạnh phúc người mù …
Tiếp nối các chương trình hợp tác quốc tế, Hội đã xây dựng, thực hiện các dự án, tổ chức cũng như tham gia các diễn đàn, tập huấn trong và ngoài nước về thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật chữ in tại Việt Nam, phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư triển khai Sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam. Đến nay, Hội đã trao tặng được hơn 22000 cây gậy trắng, cũng như tập huấn cách sử dụng gậy an toàn cho hội viên các Tỉnh, Thành hội trên toàn quốc.
Các dự án ký kết với Trung tâm Siloam dành cho người mù Hàn Quốc tiếp tục được triển khai và mở rộng quy mô như in ấn sách giáo khoa chữ nổi, xây dựng thư viện trực tuyến và lớp đào tạo nghề pha chế đồ uống cho người khiếm thị. Để chuẩn bị cho Hội thảo Massage Người mù khu vực Châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 16 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 9, Hội đã tổ chức Hội nghị Ban lãnh đạo Ủy ban Massage người mù khu vực; lập kế hoạch, xây dựng chương trình, chuẩn bị hậu cần, chuẩn bị tài liệu, tham luận, phân công nhiệm vụ cho các tiểu ban, làm báo cáo quốc gia và triển khai các nội dung để đảm bảo hội thảo diễn ra thành công.
Hội tiếp tục triển khai chương trình chung tay hỗ trợ “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở trong toàn Hội với số tiền 159 triệu đồng, hỗ trợ làm 2 nhà mới cho hội viên nữ tại Hà Tĩnh, Sóc Trăng và 1 nhà tại tỉnh Điện Biên trong chương trình phát động của Ủy ban TWMTTQ Việt Nam. Ngoài ra, hội nghị tổng kết 25 năm công tác phụ nữ và trẻ em đã được tổ chức tại các đơn vị: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Bình…
Trung tâm đào tạo cán bộ PHCN đã hoàn thành chương trình đào tạo khóa 90 cho 117 học viên với 4 lớp: Tác động cột sống; Nghiệp vụ quản lý hội; Sơ cấp nghề Tin học văn phòng; Sơ cấp nghề Công tác xã hội; tổ chức đào tạo lớp Y sỹ y học cổ truyền (khóa 2). Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp tổ chức đào tạo 90 học viên tại 4 tỉnh, thành: Hải Phòng, Sơn La, Bình Định và Vĩnh Phúc.
Tại hội nghị, các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ báo cáo tình hình, kết quả hoạt động của các đơn vị Tỉnh, Thành hội thuộc địa bàn được phân công theo dõi, kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả các mảng công tác như: Những nội dung lưu ý về chế độ của người lao động tại các cơ sở sản xuất khi luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi ban hành; đề nghị các giải pháp tăng cường việc học, sử dụng chữ Braille trong cuộc sống, học tập, công tác của cán bộ, hội viên; hướng dẫn điều lệ Hội cần chi tiết, cụ thể giúp hoạt động Hội được thuận lợi; thúc đẩy nghề thủ công cho chị em phụ nữ mù…
Hội nghị thống nhất đề ra phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm như: Tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng” và Chương trình hành động “Việc làm, giảm nghèo bền vững”; Triển khai, hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội khóa X và các văn bản của TW Hội; Tiếp tục hoàn thành kế hoạch vay vốn, dạy chữ, nghề, trao tặng gậy trắng và các cuộc thi”; Cúp các câu lạc bộ khiêu vũ thể thao người khiếm thị và tổ chức thành công Hội thảo massage người mù khu vực Châu Á- TBD lần thứ 16.
Hội nghị cũng đã thảo luận một số nội dung quan trọng khác như: Dự thảo Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực TW Hội, Dự kiến kế hoạch hoạt động năm 2024…
Đời mới