Ảnh bìa

Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù – 25 năm trưởng thành và phát triển

Chính thức đi vào hoạt động năm 1997, Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù là địa chỉ tin cậy giúp cán bộ, hội viên của Hội học tập, rèn luyện, phát huy hết tiềm năng của bản thân để vươn lên hòa nhập với cộng đồng và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Sáng ngày 15/11/2022, Trung tâm đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm hoạt động. Đến dự lễ kỷ niệm có PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Phó Trưởng ban Chỉ đạo trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Bùi Sỹ Tuấn – Phó Chánh văn phòng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, bà Đinh Thị Thuỵ Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, bà Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Học viện Phụ nữ Việt Nam, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Cao đẳng Y Dược Thăng Long và các tổ chức quốc tế. Các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Trung ương Hội, đại diện lãnh đạo 30 Tỉnh Thành hội ở 3 miền, các cực học viên, học viên khoá 89 đang học tập tại Trung tâm cũng đã có mặt tham gia sự kiện.

Ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm.

Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Trung ương Hội Người mù Việt Nam, trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, đến nay Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho Người mù không chỉ là cơ sở nguồn đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên, hướng nghiệp và dạy nghề cho người mù, nghiên cứu, biên soạn, chỉnh lí các tài liệu phục vụ cho việc học tập của người mù cả nước, mà nơi đây đã trở thành chiếc nôi nuôi dưỡng tinh thần, sự tự tin, chắp cánh cho những ước mơ của rất nhiều thế hệ cán bộ, hội viên được bay cao, bay xa hơn.

Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm khẳng định: Sự ra đời của Trung là một bước ngoặt vô cùng quan trọng với người mù Việt Nam thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước, sự sẻ chia của bạn bè đồng tật quốc tế, sự mong mỏi của người mù trong nhiều năm. Dù đối diện với vô vàn khó khăn song tập thể giáo viên cán bộ công nhân viên qua nhiều thế hệ khác nhau không ngừng cố gắng hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của TƯ Hội người mù VN giao, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cộng đồng cũng như cho tổ chức Hội”.

Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam và ông Bùi Sỹ Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội  trao tặng bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội cho tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trung tâm và 2 đồng chí giáo viên thuộc các tổ chuyên môn của Trung tâm.

Được thành lập tháng 2/1994 Trung tâm đã đào tạo được 89 khóa gần 9.000 lượt học viên với 23 loại hình lớp khác nhau như: Đào tạo cán bộ các cấp Hội, giáo viên dạy Phục hồi chức năng và xóa mù chữ, dạy trẻ em tiền hòa nhập, đào tạo nghề Xoa bóp bấm huyệt, Công tác xã hội, Công nghệ thông tin, Thủ công mỹ nghệ, cộng tác viên báo chí, bồi dưỡng Hạt nhân văn nghệ, v.v...

98% học viên tại Trung tâm là người hỏng mắt với trình độ, khả năng tiếp thu, lứa tuổi, đặc điểm tâm sinh lí khác nhau, nhiều người thuộc các dân tộc thiểu số chiếm 17,6%, ở vùng sâu, vùng xa, chưa quen với môi trường tập thể, đô thị…, các cán bộ, giáo viên của Trung tâm vẫn hết sức kiên trì, cố gắng trong cả khâu giảng dạy và phục vụ, tạo điều kiện tốt cho anh chị em học viên tiếp thu kiến thức, kĩ năng của từng khóa học.

Sau khóa học, các học viên trở về địa phương nói chung đều phát huy kết quả học tập được trong công tác quản lí, giảng dạy hoặc làm việc tại các cơ sở sản xuất, dịch vụ của Hội hay các cơ sở tư nhân. Nhiều học viên đã áp dụng các kiến thức, kĩ năng tại Trung tâm để thi vào các trường đại học hoặc tiếp tục tham gia học phổ thông đạt kết quả tốt. 100% học viên học nghề xoa bóp bấm huyệt sau khi tốt nghiệp đều có việc làm với thu nhập ổn định bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, trao tặng Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho 4 cán bộ, giáo viên của Trung tâm.

Bên cạnh đó, nhằm tạo cơ hội cho nhiều người mù được tham gia học tập, giảm bớt khó khăn về kinh phí cho việc đi lại, Trung tâm đã tổ chức được 10 lớp cho gần 400 học viên với 03 loại hình lớp như: Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Hội, Xoa bóp bấm huyệt, Tác động cột sống ở khu vực miền Trung Tây Nguyên và Nam Bộ.

 Trung tâm cũng đã hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hội viên một số Tỉnh, Thành hội trong cả nước như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Định, Kiên Giang và Bến Tre…với các lớp Công nghệ thông tin, Xoa bóp bấm huyệt, Nghiệp vụ quản lý Hội, Công tác xã hội,... cho gần 250 lượt học viên; hỗ trợ đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ cho 30 cán bộ, hội viên Hội Người mù Bắc Ninh và hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị mở phòng dịch vụ xoa bóp bấm huyệt cho Hội Người mù tỉnh Gia Lai.

Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu và đồng chí Phạm Xuân Trường trao kỷ niệm chương Vì hạnh phúc người mù cho các cá nhân đã có công giúp đỡ trong quá trình hoạt động của Trung tâm.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, có giai đoạn hơn 70% cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học viên tại Trung tâm bị dương tính với COVID - 19. Đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức, sự thiếu thốn về thuốc men, vật tư y tế, lương thực thực phẩm và các nguồn lực khác, Trung tâm đã chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa mọi nguồn lực cho việc phòng, chống dịch,  đảm bảo sự an toàn về tính mạng và sức khỏe cho học viên, cán bộ công nhân viên. Đồng thời chủ động điều chỉnh chương trình, giáo trình, xây dựng tài liệu tập huấn phần mềm Zoom cho các cấp Hội; chuyển đổi hình thức đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến,...nhằm đáp ứng nhu cầu được học tập của người mù cả nước.

Ảnh: Đồng chí Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội và đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội trao tặng Bằng khen của Trung ương Hội cho 10 cá nhân của Trung tâm.

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, Trung tâm đã nghiên cứu, biên soạn, chỉnh lí các bộ giáo trình, tài liệu như: Tài liệu Tin học văn phòng, Xoa bóp bấm huyệt, Tâm lí người mù, Phương pháp giảng dạy cho người mù, Phục hồi chức năng - Định hướng không gian và đi lại, kỹ năng làm việc, chuyển đổi bộ sách giáo khoa xóa mù chữ sang chữ Braille, phối hợp tổ chức các hội thảo, hội thi như: tay nghề tẩm quất xoa bóp, hội thi tin học toàn quốc, hội thảo massge…

Ảnh: Học viên Lê Thị Luật, lớp Đào tạo Cán bộ khóa 69 đến từ Hội Người mù Tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Bày tỏ những tình cảm, lòng biết ơn chân thành đến các thầy cô giáo, các cán bộ, nhân viên tại Trung tâm, học viên Lê Thị Luật, lớp Đào tạo Cán bộ khóa 69 đến từ Hội Người mù Tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Thật may mắn khi được học tập tại Trung tâm, chúng em nhận ra rằng không có gì là không thể. Mình cũng có thể làm được hầu hết mọi việc như người sáng nếu mình được học. Từ đây, người mù chúng em không còn cảm thấy thiệt thòi vì khuyết tật của mình nữa, mà nhìn nhận nó như một khó khăn và có thêm động lực để phấn đấu vượt qua. Có được sự thay đổi từ tư duy nhận thức đến hành động của lớp lớp người mù như vậy chính là nhờ có sự hình thành và phát triển của Trung tâm trong suốt 25 năm qua. Và đặc biệt là những cống hiến không mệt mỏi của các thầy cô nơi đây. Các thầy cô không chỉ đơn thuần là những giáo viên dạy chữ, dạy nghề mà hơn thế, thầy cô còn như những người anh, người chị trong gia đình. Thầy cô như những vị bác sĩ, như những nhà trị liệu tâm lý đã giúp chúng em lành lặn cả về tri thức và tâm hồn”.

Ảnh: PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại lễ kỷ niệm

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - Bộ Giáo dục và Đào tạo chân thành cảm ơn sự hợp tác của Hội, của Trung tâm và đóng góp của các thầy cô giáo đã hỗ trợ, tham gia các hội thảo thẩm định sách giáo khoa, tập huấn chuyển đổi sách giáo khoa… đặc biệt là việc thống nhất Hệ thống kí hiệu chữ Braille trong toàn quốc. PGS.TS Nguyễn Đức Minh hy vọng: Trong thời gian tới, Hội và Trung tâm sẽ tiếp tục tham gia và đóng góp ý kiến nhiều hơn nữa cho ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó, nhằm đảm bảo một nền giáo dục công bằng, chất lượng cho tất cả mọi người, trong đó có người khiếm thị Việt Nam.

Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu - Chủ tịch Trung ương Hội phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam vui mừng vì sự phát triển và những kết quả mà Trung tâm đạt được trong suốt 25 năm qua. Việc thành lập Trung tâm là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ cho các cấp hội của Hội Người mù Việt Nam. Trung tâm ra đời là sự kết nối kì diệu, làm thay đổi cách nghĩ cách nhìn của cộng đồng xã hội đối với người mù.

Về phương hướng hoạt động của Trung tâm, đồng chí đề nghị: Trung tâm sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nâng cao chất lượng công tác giảng dạy hơn nữa, sáng tạo hơn nữa đề ra những phương thức, những cách làm hay, phương pháp giảng dạy tốt nhất phấn đấu trở thành trung tâm đầu mối kết nối các trung tâm khác trong Hội, góp phần vào sự phát triển chung của Hội.

Sau quá trình tu sửa, hiện diện tích sử dụng của Trung tâm đã tăng lên hơn 3000m2 với hàng chục phòng học lí thuyết, thực hành và nhiều phòng chức năng như phòng thu âm, thư viện, phòng máy, phòng in, phòng ăn cùng 23 phòng kí túc xá,… được trang bị nhiều phương tiện, trang thiết bị đặc thù hiện đại phục vụ cho việc học tập, giảng dạy nhiều loại hình lớp khác nhau của người mù.

Nhân dịp này, Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội đã trao tặng bằng khen cho tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trung tâm và 2 giáo viên thuộc các tổ chuyên môn của Trung tâm; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng bằng khen cho 4 cá nhân; Hội Người mù Việt Nam đã tặng Kỷ niệm chương “Vì hạnh phúc người mù” cho 20 tập thể, cá nhân và tặng bằng khen cho 10 cá nhân của Trung tâm vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác giai đoạn 2017-2022.

Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ huy động các nguồn lực, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, chú ý đến việc đa dạng hóa các loại hình, phương pháp tổ chức khóa học nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tượng người mù ở các khu vực, vùng miền. Với mục tiêu đào tạo hàng năm từ 350 đến 400 học viên trong các loại hình lớp khác nhau góp phần cùng toàn Hội thúc đẩy sự phát triển giáo dục, chuyên môn nghề nghiệp, từng bước giúp người mù Việt Nam hòa nhập ngày càng tốt hơn với sự phát triển chung của xã hội.

Thuỳ Dương