Ảnh bìa

Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu tỏa sáng nghị lực, trí tuệ và tâm hồn Việt Nam

Đó là chủ đề của buổi nói chuyện chuyên đề vừa được Trung ương Hội tổ chức với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom vào chiều ngày 24/6/2022.

Đây là sự kiện hướng tới kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (01/7/1822 – 01/7/2022) và lễ đón bằng vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại của UNESCO.

Đến dự và đồng thời là diễn giả của chương trình có GS. TS. Nguyễn Chí Bền, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, GS. TS. Từ Thị Loan – Nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội, các đồng chí Ủy viên Ban Thưởng vụ, Ủy viên Ban Chấp hành và đông đảo hội viên của gần 50 Tỉnh, Thành hội tham gia tại các điểm cầu trên cả nước.

Ảnh : Đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội phát biểu khai mạc buổi nói chuyện chuyên đề.

Phát biểu khai mạc buổi nói chuyện chuyên đề, đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng ngời với ý chí và nghị lực phi thường, không khuất phục trước số phận. Phẩm chất, tài năng và những đóng góp của ông với tư cách là một nhà thơ lớn, một nhà văn hóa lớn, một người thầy giáo, thầy thuốc tận tụy với nhân dân đã thể hiện sự kết tinh, tỏa sáng nghị lực, trí tuệ và tâm hồn Việt Nam với những giá trị nhân văn cao đẹp, không chỉ có ý nghĩa lớn trong xã hội đương thời mà cho cả hôm nay và mai sau; không chỉ có tầm ảnh  hưởng trong phạm vi đất nước Việt Nam mà còn có sức lan tỏa trong khu vực và thế giới. Qua buổi nói chuyện, cán bộ, hội viên trong cả nước sẽ hiểu thêm và tự hào về một vị Danh nhân văn hóa thế giới là người đồng tật, càng quyết tâm noi gương ông, phát huy ý chí “Tàn nhưng không phế”, nỗ lực phấn đấu vươn lên xây dựng tổ chức Hội, hòa nhịp và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng.”

Chia sẻ tại buổi nói chuyện, GS. TS. Nguyễn Chí Bền, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thông tin về quá trình hoàn tất hồ sơ Danh nhân Văn hóa Nguyễn Đình Chiểu đệ trình tổ chức UNESCO công nhận cũng như cuộc đời và tầm ảnh hưởng của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Với vai trò là chuyên gia xây dựng hồ sơ Nguyễn Đình Chiểu trình lên UNESCO, GS.TS. Nguyễn Chí Bền cho biết: Trải qua quá trình gian nan để thu thập tài liệu, hoàn thiện hồ sơ thì việc thông qua nghị quyết đạt sự đồng thuận tuyệt đối. "Theo yêu cầu của UNESCO, hồ sơ danh nhân của mỗi quốc gia phải được hai quốc gia thành viên UNESCO đồng giới thiệu thì mới hợp lệ. Thực tế, hồ sơ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam đã được bốn quốc gia đồng giới thiệu là Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Đây là điều rất đáng mừng và tự hào cho chúng ta, thể hiện uy tín quốc tế rất lớn của cụ Đồ Chiểu" - GS.TS Nguyễn Chí Bền vui mừng chia sẻ.

Ảnh : GS. TS. Nguyễn Chí Bền, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ về quá trình hoàn tất hồ sơ Danh nhân Văn hóa Nguyễn Đình Chiểu đệ trình lên tổ chức UNESCO cũng như cuộc đời và tầm ảnh hưởng của Nguyễn đình Chiểu.

Cũng theo GS. Nguyễn Chí Bền: Nguyễn Đình Chiểu sinh năm 1822 tại làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) và mất năm 1888 tại Ba Tri (Bến Tre). Ông xuất thân trong gia đình nhà Nho hiếu học, từ nhỏ đã rất thông minh và chăm chỉ. Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiu gặp nhiều bất hạnh, cực khổ. Ông bị mù lòa trong lần về chịu tang mẹ, trải qua quãng đường xa, thời tiết thất thường khiến ông bị ốm và hỏng đôi mắt.

Sau khi trở về quê, dù bị từ hôn nhưng gạt bỏ mọi khó khăn, ông đã nỗ lực vượt qua nghịch cảnh mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn. Là một người vừa tài năng vừa đức độ nên danh tiếng của ông vang khắp lục tỉnh. Bằng lý tưởng học tập suốt đời, ông không chỉ nỗ lực vượt qua số phận nghiệt ngã mà còn là chỗ dựa cho quần chúng nhân dân, cổ vũ tinh thần cho họ trong thời loạn qua những áng thơ văn yêu nước.

 Các tác phẩm văn chương của Nguyễn đình Chiểu cùng khí phách sáng ngời của ông đã được bạn bè quốc tế năm châu biết đến và mến mộ. Ngay từ thế kỷ 19, tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã được dịch sang tiếng Pháp. Đến nay, số bản dịch tiếng Pháp của tác phẩm "Lục Vân Tiên" đã lên tới bảy bản.

Ảnh :  GS. TS. Từ Thị Loan, Nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã có bài chia sẻ về những đóng góp của Nguyễn Đình Chiểu trong văn học.

Theo GS. TS. Từ Thị Loan: Hầu hết các tác phẩm chính của Nguyễn Đình Chiểu đều được sáng tác bằng chữ Nôm. Tập thơ đầu tiên và cũng là tập thơ nổi tiếng nhất của ông đó chính là tác phẩm “Lục Vân Tiên”. Đây là tác phẩm rất ý nghĩa và đặc sắc mang đến cho người đọc biết bao bài học thấm thía về đạo lí, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ngoài ra, ông còn sáng tác một số tác phẩm phản ánh chân thực về thời kỳ đau thương của đất nước, trong đó, chú trọng khắc họa hình tượng của những người nông dân yêu nước  chia sẻ với những đối tượng bất hạnh, yếu thế trong xã hội, như: "Chạy giặc", Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc"...

GS. TS. Từ Thị Loan cũng đã chia sẻ về giá trị của các tác phẩm, những đóng góp của Nguyễn Đình Chiểu trong lĩnh vực văn học; trong đó, khẳng định những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu rất bình dân, tươi mới, sinh động và phù hợp đời sống bình dị của người dân nên dễ dàng được quần chúng đón nhận. Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu có sức sống, sức lan tỏa rộng rãi, trường tồn như tác phẩm Lục Vân Tiên đã được tái bản lại đến 70 lần và được dịch ra 5 ngôn ngữ.

Tại kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), diễn ra từ ngày 9 đến 24/11/2021 tại Paris (Pháp), đã chính thức thông qua hồ sơ khoa học Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022-2023.

Ảnh : Các đại biểu tham dự buổi nói chuyện chuyên đề

UNESCO khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”. Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn là một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ. Trọn đời dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc. Điều đáng khâm phục nữa là khi bị mù, Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y tinh thông về y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Có thể nói, trên thế giới hiếm có danh nhân nào đạt trên cả 3 lĩnh vực đồ sộ như Nguyễn Đình Chiểu: Thơ văn, thầy giáo, thầy thuốc.

Vào 20 giờ, ngày 30/6, tại di tích quốc gia đặc biệt mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và đón bằng công nhận Danh nhân Văn hóa Nguyễn Đình Chiểu của tổ chức UNESCO.

Đời Mới