Ảnh bìa

Thúc đẩy công tác giáo dục phổ thông đối với người khiếm thị

Đó là chủ đề hội thảo được Hội Người mù Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 22/11/2023 tại thành phố Cần Thơ với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ văn phòng Trung ương Hội, Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù, cán bộ Tuyên Văn Giáo, đại diện Trung tâm Giáo dục, hướng nghiệp, PHCN thuộc các Tỉnh, Thành hội. Đặc biệt, tham dự hội thảo có đồng chí Tạ Ngọc Trí – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Ban Dân vận, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và đào tạo, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dụchòa nhập một số tỉnh khu vực Tây Nam Bộ.

      Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: “Trải qua 54 năm xây dựng và phát triển, Hội Người mù Việt Nam luôn quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục; đặc biệt là công tác giáo dục phổ thông vì đây là nền tảng quan trọng trang bị những kiến thức, kĩ năng cơ bản để người khiếm thị tiếp tục học lên cao đẳng, đại học hay tham gia học nghề,đi vào cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Là cánh tay nối dài của ngành Giáo dục, công tác hỗ trợ trẻ em, người khiếm thị tham gia học tập đã đạt những bước tiến quan trọng; song, cũng đã đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách và bộc lộ những hạn chế nhất định. Hội thảo nhằm đánh giá đúng thực trạng, những kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả; đưa ra các giải pháp và kiến nghị nhằm thúc đẩy các hoạt động này trong thời gian tới.”

     Đồng chí hi vọng: Những ý kiến đầy tâm huyết, trí tuệ của các quý vị đại biểu sẽ đóng góp vào thành công của Hội thảo, góp phần tạo điều kiện cho ngày càng nhiều người khiếm thị có cơ hội tham gia giáo dục phổ thông đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đồng thời, được tiếp thêm ý chí, niềm tin để nỗ lực phấn đấu vươn lên, phát huy trí tuệ, năng lực, hòa nhập và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng.”

 

Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội phát biểu khai mạc hội thảo.

       

      Theo báo cáo đề dẫn hội thảo, Trung ương Hội đã thường xuyên chỉ đạo các cấp Hội quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và cộng đồng về công tác giáo dục đối với người khiếm thị qua các kênh truyền thông của Hội và các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, tích cực tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản hay trực tiếp tại các hội nghị, hội thảo do các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Giáo dục và đào tạo cùng các Bộ, ban ngành tổ chức về chính sách và các hoạt động giáo dục đối với người khuyết tật. Đến nay, đã có 252 giáo viên từ các địa phương được tham gia lớp đào tạo giáo viên tiền hòa nhập, xóa mù chữ, phục hồi chức năng, tin học; các lớp tập huấn cập nhật, nâng cao kiến thức, phương pháp giảng dạy tại Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng của Trung ương Hội.

      Hàng năm, Trung ương Hội gửi công văn đến các Tỉnh, Thành hội nhằm đẩy mạnh các hoạt động quan tâm, hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên khiếm thị nhân dịp năm học mới, sản xuất các học cụ như: bảng, bút viết, bảng con cắm, bảng toán, vận động trao tặng máy vi tính, máy in chữ Braille, điện thoại thông minh, máy nghe MP3 cho các đơn vị và học sinh, học viên khiếm thị. Trung ương Hội cũng chủ động chuyển đổi và liên hệcác trường, các tổ chức đề nghị hỗ trợ các file mềm, kinh phí, trang thiết bị để in ấn sách xóa mù chữ, sách giáo khoa phổ thông gửi về các địa phương.

      Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai việc sử dụng các bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trung ương Hội đã tích cực tham gia Hội đồng thẩm định bản mẫu sách giáo khoa chữ Braille, kiến nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ những khó khăn về sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị, đồng thời, tổ chức các hội thảo đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp về vấn đề này, khảo sát nhu cầu, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tập huấn cách sản xuất sách kĩ thuật số, huy động các nguồn lực để in ấn, chuyển đổi sách cho các em…

 

Hiểu rõ những khó khăn của trẻ em khiếm thị - đa tật, Trung ương Hội phối hợp với Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng và trường quốc tế Perkins (Hoa Kì) tổ chức tập huấn cho 40 cán bộ, giáo viên thuộc 13 đơn vị; hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng và hướng dẫn phục hồi chức năng, giáo dục cho 165 em tại 08 Tỉnh hội.

Tại các địa phương, các cán bộ Hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng, về từng gia đình có trẻ em khiếm thị, động viên, tư vấn, giúp gia đình biết cách chăm sóc, can thiệp sớm, hỗ trợ các em tham gia các lớp học mầm non ở những nơi có điều kiện. Khi trẻ được từ 5, 6 tuổi, các cấp Hội động viên gia đình đưa các em đến với các lớp tiền hòa nhập của Hội để học chữ Braille, định hướng không gian và đi lại, các sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày, kĩ năng giao tiếp… để chuẩn bị bước vào lớp 1.

Trong 5 năm từ năm 2017 – 2022, toàn Hội đã mở được 280 lớp tiền hoà nhập cho 1694 em. Một số người khiếm thị chưa hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được học xóa mù chữ, phục hồi chức năng để tiếp tục tham gia học tập.

 

Các cấp Hội tích cực giới thiệu các em đến các trường, cơ sở giáo dục công lập, mái ấm có nuôi dạy học sinh khiếm thị. Bên cạnh đó, các Trung tâm giáo dục, hướng nghiệp, Trung tâm dạy chữ, dạy nghề và phục hồi chức năng của một số Tỉnh, Thành hội được thành lập.

Sau khi học các lớp tiền hòa nhập, các em vẫn tiếp tục ở lại trung tâm và đi học hòa nhập tại các trường lân cận. Kết thúc giờ học ở trường, các em về lại trung tâm, được giáo viên của trung tâm hướng dẫn phụ đạo, làm bài tập… Các em còn được học thêm các môn hướng nghiệp và năng khiếu như: massage, âm nhạc, vẽ, nặn gốm... Điển hình cho mô hình này là các đơn vị như Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế… Một số đơn vị tuy không thành lập được trung tâm nhưng vẫn duy trì các lớp học dành cho trẻ em tại Tỉnh hội. Đối với các Tỉnh, Thành hội tại những nơi chưa có cơ sở giáo dục công lập và chưa có trung tâm đủ điều kiện nuôi dạy các em thì sau các lớp tiền hòa nhập, các em trở về gia đình tham gia học hòa nhập tại địa phương.

Tổ chức Hội vẫn luôn theo dõi, hỗ trợ các em và gia đình, phối hợp với ngành giáo dục giúp đỡ các em trong học tập. Một số người khiếm thị quá độ tuổi cũng đã tham gia học theo chương trình giáo dục phổ thông tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên ở một số địa phương. Hiện nay, Hội đang tổ chức nuôi dạy gần 300 học sinh tại các trung tâm và trụ sở của các Tỉnh, Thành hội, đồng thời, hỗ trợ hơn 1200 người khiếm thị học phổ thông mỗi năm. Đặc biệt, chương trình tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai tích cực trong các cấp Hội, tạo điều kiện cho học sinh, học viên khiếm thị tham gia học tập thuận lợi và hiệu quả.

          Cùng với việc học tập, các cấp Hội đã chú trọng tổ chức các chương trình ngoại khóa, gặp mặt, giao lưu, tham quan, tặng quà, tặng học bổng cho học sinh, học viên khiếm thị nhân dịp lễ, tết, hỗ trợ kinh phí, sách giáo khoa, học cụ …. Cho đối tượng khó khăn. Đồng thời, động viên hoc sinh, học viên khiếm thị tham gia các cuộc thi, các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao do các cấp hội, các ban ngành, địa phương tổ chức.

          Nhờ sự cố gắng của tổ chức Hội và ngành giáo dục cùng các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, sự nỗ lực của bản thân học sinh, học viên khiếm thị, hàng nghìn người đã được tham gia và hoàn thành các bậc học phổ thông. Hầu hết các emhọc sinh, học viên đều đạt yêu cầu, được lên lớp và chuyển cấp, trong đó, có nhiều em đạt học sinh khá giỏi, một số em đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, các cuộc thi văn nghệ, thể thao, có em đỗ thủ khoa trong các kì thi đầu vào đại học, nhận học bổng của các trường đại học uy tín trong nước và quốc tế … Đến nay, đã có gần 800 người khiếm thị có bằng cao đẳng, đại học, hàng chục người có bằng thạc sĩ. Từ cái nôi của Hội đã tạo nên một thế hệ người khiếm thị có đủ kiến thức, kĩ năng, năng động, tự tin, hòa nhập xã hội, tích cực đóng góp cho sự phát triển của tổ chức Hội và cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ trẻ em, người khiếm thị tham gia các bậc học phổ thông vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Nguồn nhân lực, kinh phí, trang thiết bị để triển khai thực hiện công tác giáo dục của các cấp Hội còn hạn chế. Một số đơn vị trong Hội chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng cũng như chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ ngành giáo dục và các cơ quan chức năng. Ở nhiều địa phương không có các cơ sở giáo dục có nuôi dạy học sinh khiếm thị và chưa có Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập nên cơ hội và điều kiện học tập của nhiều em còn hạn chế. Một số trường phổ thông, giáo viên chưa có đủ kinh nghiệm, phương pháp dạy học sinh khiếm thị; sách giáo khoa, phương tiện, đồ dùng học tập của học sinh khiếm thị còn thiếu thốn, đặc biệt là sách giáo khoa theo chương trình mới. Một số trường đã miễn, giảm cho các em nhiều môn học mà nếu được quan tâm tạo điều kiện và có sự nỗ lực thì các em vẫn có thể học được, đặc biệt là những môn cơ bản. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, một số trường cao đẳng, đại học chưa sẵn sàng tiếp nhận người khiếm thị vào học tập…

 

Ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Trường, Uỷ viên Ban Thường vụ TW Hội, Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ và PHCN cho người mù phát biểu tại hội thảo.

 

Tại hội thảo, đại diện các Tỉnh, Thành hội: Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Sóc Trăng đã nêu lên những kết quả, chia sẻ những kinh nghiệm,đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm thúc đẩy công tác hỗ trợ người khiếm thị tham gia giáo dục phổ thông trong thời gian tới.  

          Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Tạ Ngọc Trí – Phó Trưởng ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn – Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao những nỗ lực của các cấp hội nhằm góp phần đảm bảo quyền được học tập của những người khuyết tật nhìn. Đồng chí bày tỏ mong muốn các cấp Hội sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác giáo dục; đồng thời, ngành giáo dục cũng sẽ suy nghĩ, nhìn nhận những vấn đề thực tiễn, lắng nghe ý kiến từ các cấp Hội, tìm ra các giải pháp, tham mưu, chỉ đạo các địa phương để những khó khăn, vướng mắc sẽ ngày càng được đẩy lùi, giúp người khuyết tật nhìn tham gia học tập hiệu quả, hòa nhập cuộc sống và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Ảnh: Đồng chí Tạ Ngọc Trí – Phó Trưởng ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn – Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội thảo

          Các đại biểu thống nhất phương hướng, giải pháp trong thời gian tới là: Các cấp Hội tiếp tục quan tâm, thúc đẩy công tác giáo dục phổ thông đối với người khiếm thị. Phối hợp với các cơ quan chức năng để khảo sát, nắm bắt tình hình, hoàn cảnh của trẻ em, người khiếm thị cần được học tập, báo cáo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và huy động nguồn lực để tiến hành can thiệp sớm, phục hồi chức năng, mở các lớp tiền hòa nhập, xóa mù chữ, Tin học, hướng nghiệp, hỗ trợ cho trẻ em, người khiếm thị tham gia các bậc học phổ thông. Tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ quản lí, giáo viên, sản xuất các học cụ, vận động hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập, phát triển công nghệ thông tin trong toàn Hội; đề xuất và trực tiếp tham gia chuyển đổi, in ấn sách giáo khoa chữ Braille và các định dạng kĩ thuật số để từng bước tháo gỡ những khó khăn về vấn đề này.

Các cấp Hội tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; tổ chức giao lưu, tặng quà nhân dịp lễ, tết, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của trẻ em, người khiếm thị để có sự hỗ trợ phù hợp. Các đại biểu cũng nhất trí cần phát triển mô hình Trung tâm giáo dục thuộc các Tỉnh, Thành hội đồng thời, tăng cường hợp tác với các Viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục - đào tạo, các tổ chức trong và ngoài nước để học hỏi kinh nghiệm về chuyên môn cũng như đón nhận sự giúp đỡ về kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho công tác này…

          Được tổ chức nhân dịp kỉ niệm ngày Quốc tế NKT 03/12/2023 với chủ đề: “Chung tay hành động để bảo toàn và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững với NKT, do NKT và vì NKT”, hội thảo có ý nghĩa quan trọng góp phần giúp trẻ em, người khiếm thị trong cả nước từng bước được đảm bảo quyền bình đẳng, có cơ hội thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng , nền tảng quan trọng để tham gia vào mọi mặt đời sống xã hội, hòa nhập cộng đồng.

Hà Anh