Tình nghĩa cô trò và nghị lực vượt qua bóng tối
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để các thế hệ học sinh cả nước tri ân thầy cô giáo - những người chắp đôi cánh tri thức cho các em bay xa, những người truyền cảm hứng cho các em hoàn thiện bản thân. Ở chiều ngược lại, chính tình cảm của những học trò cũng là động lực, góp phần thôi thúc thầy cô ngày càng cố gắng đóng góp sức mình cho sự nghiệp trồng người.
Nhấc chiếc điện thoại lên, tôi thật ngạc nhiên khi nghe giọng cô phát thanh viên rất trong trẻo: "Chào bạn. Dịch vụ Quà tặng âm nhạc xin hân hạnh mời bạn thưởng thức bài hát 'Bông hồng tặng cô' do một học viên của bạn gửi tặng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam". Sau lời 1 của bài hát, tôi gặp lại giọng nói của em Phan Thị Thương Hoài - một học viên ở Nghệ An đã gần 20 năm xa cách: "Cô ơi, mặc dù đã gần 20 năm trôi qua nhưng những lời dạy của cô cùng những kỉ niệm của lớp học không bảng đen, phấn trắng ngày nào vẫn luôn theo em, nhắc nhở em phải luôn cố gắng chia sẻ nhiều hơn cho những người đồng tật".
Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy các khoá đào tạo cán bộ và khoá đào tạo khác tại Trung tâm.
Bài hát cùng giọng nói của cô học trò ngày nào đã khiến tôi lắng lòng trong niềm bâng khuâng, xúc động khôn tả. Và rồi, bao kỉ niệm lại ùa về, ngập tràn trong kí ức. Ngày ấy, tôi là một giáo viên khiếm thị trẻ đang giảng dạy tại Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù. Tôi thường được giao phụ trách các lớp đào tạo giáo viên cho các địa phương. Học viên của tôi hầu hết là những người hỏng mắt đến từ mọi miền đất nước với trình độ, lứa tuổi, khả năng tiếp thu, đặc điểm tâm lí, phong tục tập quán... khác nhau. Song, họ đều có chung niềm khát khao vượt lên số phận, đến với nguồn ánh sáng tri thức và khi được ra thủ đôtham gia lớp học thì họ đều hết sức quyết tâm nỗ lực phấn đấu trong học tập và rèn luyện. Lớp học của cô trò chúng tôi không bảng đen, phấn trắng, chỉ có những dòng chữ Braille, những mô hình và các giáo cụ trực quan dành cho người khiếm thị. Không còn ánh sáng của đôi mắt, việc lĩnh hội kiến thức chỉ thông qua lời giảng , sự hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ từng thao tác của giáo viên. Việc sờ đọc các tài liệu chữ nổi đòi hỏi phải rất kiên trì. Thật cảm động khi có những đồng chí thương binh chỉ còn lại một ngón tay út, những người lớn tuổi do phải lao động vất vả nên bàn tay đã chai sạm... nhưng họ vẫn hết sức nhẫn nại, say sưa sờ đọc từng chấm nổi và vẫn RẤT lạc quan, mong mỏi sẽ lĩnh hội nhiều kiến thức, kĩ năng để về truyền đạt cho những người đồng tật ở địa phương.
Đặc biệt, họ hết sức kính trọng và dành cho những người giáo viên chúng tôi những tình cảm chân thành, sâu sắc. Họ giao tiếp với tôi rất lễ phép mặc dù có những người gấp hai, gấp 3 lần tuổi tôi, họ luôn quan tâm đến sức khoẻ của tôi, họ thường dành tặng tôi những bài hát thể hiện lòng biết ơn, truyền thống "tôn sư trọng đạo", những lọ hoa bằng giấy hay những vật kỉ niệm nhỏ khác do họ tự làm, những cành hoa dại mà họ phải rất cố gắng mới lấy được trên đường đi dã ngoại trong tiết học Định hướng di chuyển... Họ luôn tin tưởng, bày tỏ những tâm sự, những mong muốn, nguyện vọng, coi tôi như một người thân. Tình cảm cô trò trở nên khăng khít, gắn bó trong sự cảm thông, chia sẻ. Người ta bảo: "Niềm vui chia đôi thì tăng gấp đôi, nỗi buồn chia đôi thì còn một nửa". Cô trò chúng tôi đã thật sự sẻ chia để nỗi buồn vợi bớt, còn niềm vui thì nhân lên gấp bội. Ngoài giờ học, tiếng cười luôn đầy ắp trong mỗi căn phòng, những mặc cảm tật nguyền dường như tan biến. Các học viên còn tặng tôi những dòng cảm nghĩ, những vần thơ rất chân thành. Tôi còn nhớ như in những vần thơ mà học viên Tống Ngọc Tân ở Nam Định đã viết tặng tôi :
Người ta chở khách sang sông
Cô đây chở nặng những đồng tật thôi
Gửi mình về với muôn nơi
Nhen bao ngọn lửa từ đôi tay mềm
Bao ngày rồi lại bao đêm
Để cho từng chuyến đò thêm nặng tình
Thay cho tấm ảnh đẹp xinh
Mai đây cô sẽ có mình muôn nơi
Từng câu, từng ý, từng lời
Là cô, cô đó, chúng tôi mang về
Sưởi ấm cho những miền quê
Tật nguyền, đói chữ, bốn bề tối tăm...
Chính những tình cảm chân thành, sự nỗ lực vươn lên của các học viên khiếm thị đã thôi thúc tôi phải cố gắng nhiều hơn, đem hết khả năng, sự yêu thương và nhiệt huyết của mình trong giảng dạy, đồng thời, không ngừng học tập nâng cao trình độ, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Tôi đã đăng kí dự thi học ngành Quản lí xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa Tiếng Anh, Viện Đại học mở Hà Nội, tham gia nhiều lớp học khác như: Lớp nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ tại Đại học ngoại ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội, lớp đào tạo giáo viên nguồn về vi tính cho người mù... Vừa dạy học cùng với kiêm nhiệm nhiều công việc khác ở Trung tâm, vừa tham gia học tập các chuyên ngành khác nhau cùng những sinh viên sáng mắt trong bộn bề những khó khăn: không có tài liệu bằng chữ nổi, sự thiếu thốn về kinh phí đi lại, mua đài, băng cassette để ghi âm... và vô vàn những khó khăn khác, song, cùng với sự quan tâm của cơ quan, đồng nghiệp, thầy cô, bè bạn thì chính các học viên đã tạo cho tôi thêm niềm tin và nghị lực. Vốn xa quê, tôi ở luôn tại Kí túc xá của Trung tâm, sau thời gian làm việc tại cơ quan, đến 4 giờ 30 chiều, tôi lại đi xe ôm đến lớp học buổi tối tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Trở về Trung tâm, tôi thường đến kiểm tra, phụ đạo, động viên các học viên của mình rồi mới về phòng ăn tối, chấm bài và chuẩn bị cho bài giảng ngày mai. Nhiều lần, khi mở chiếc cặp lồng cơm ra, tôi đã phát hiện có thêm phần thức ăn mà các anh chị học viên đã bỏ thêm vào vì thấy tôi vất vả. Tôi thật sự xúc động và thương họ vô cùng. Tôi phải kiên quyết lắm thì việc làm ấy mới được chấm dứt.
Sau các khoá học trở về địa phương, các học viên vẫn thường xuyên dõi theo và động viên tôi trên mỗi bước đường phấn đấu. Những bức thư bằng chữ Braille hay thư điện tử sau này, những cuộc điện thoại, những bó hoa, món quà giản dị nhân kỉ niệm ngày nhà giáo... vẫn luôn đến với tôi cùng những tình cảm từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Cảm động nhất là khi lần đầu tiên tôi được Hiệp hội người mù Châu Á Thái Bình Dương lựa chọn tham dự lớp công nghệ thông tin ở Nhật Bản, có rất nhiều học viên đã từ các tỉnh lên Hà Nội chúc mừng, trong đó, có hai bác là thương binh ở Vĩnh Phúc: bác Khổng Văn Cao và bác Nguyễn Ngọc Sinh đều vừa bị khiếm thị vừa mất một chân, nhưng vẫn kịp đến gặp tôi trước ngày tôi lên đường. "Cô đừng nghĩ là chúng em vất vả. Niềm vinh dự của cô cũng là niềm tự hào và vinh dự của chúng em. Chính điều đó khiến chúng em chỉ thấy vui. 70, 80 cây số chứ xa hơn nữa, chúng em vẫn đến và không hề mệt mỏi." Họ nói vậy và cười rất vui vẻ. Còn tôi, tôi vẫn rưng rưng xúc động và cảm nhận thấy sự nhọc nhằn, vất vả qua mỗi bước đi của họ trên những chiếc nạng gỗ. Có thể nói những hình ảnh ấy sẽ luôn theo tôi trong suốt cả cuộc đời. Từ đó đến nay, tôi đã tốt nghiệp cao học, có dịp tham gia nhiều lớp đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Những khi một mình xa nhà, xa quê, xa đất nước, những tình cảm sâu nặng của các học viên thân yêu luôn là động lực giúp tôi có thêm niềm tin, ý chí, quyết tâm vươn lên và đạt được những thành công nhất định.
Giờ đây, theo sự phân công của tổ chức, tôi chuyển sang làm công tác quản lí, ít có điều kiện trực tiếp lên lớp nhưng tôi vẫn hết sức tự hào bởi đã từng được đứng trong hàng ngũ của những người giáo viên. Và, những tình cảm của các học viên luôn lắng quyện với những giai điệu, ca từ đẹp đẽ của "Bông hồng tặng cô" chiều nay cũng như những ca khúc ngợi ca nhà giáo, hoà vào truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc đã góp phần tạo thêm sức mạnh, giúp tôi vượt qua bóng tối, vươn tới ánh sáng của ý chí, niềm tin và một cuộc sống với những giá trị nhân văn đích thực.
Đinh Việt Anh