Ảnh bìa

Kế hoạch tổ chức Hội diễn Tiếng hát từ trái tim lần thứ VI

HỘI NGƯỜI MÙ VIỆT NAM

––––––––––––––––

 

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

––––––––––––––––––––

                      

 

 

KẾ HOẠCH

                          TỔ CHỨC HỘI DIỄN NGHỆ THUẬT QUẦN CHÚNG                              

“TIẾNG HÁT TỪ TRÁI TIM” LẦN THỨ VI, NĂM 2021

(Kèm theo công văn Số 60/HNM – TVG, ngày 15/3/2021

của Hội Người mù Việt Nam)

 

 

-         Căn cứ nghị quyết Ban thường vụ Hội người mù Việt Nam ngày 14/7/2020 về việc tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc “Tiếng hát từ trái tim” lần thứ VI, năm 2021 (sau đây gọi tắt là Hội diễn);

-         Căn cứ  công văn số 132/VHCS – NTQC ngày 08/3/2021 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch V/v tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát từ trái tim”;

-         Để đảm bảo cho sự thành công của Hội diễn được tổ chức từ cơ sở tới chung khảo toàn quốc, Trung ương Hội xây dựng kế hoạch và hướng dẫn tổ chức Hội diễn“Tiếng hát từ trái tim” lần thứ VI  như sau:

I.                   MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1.     Hội diễn “Tiếng hát từ trái tim” từ cơ sở đến toàn quốc nhằm đẩy mạnh phong trào văn hoá văn nghệ của mỗi cấp Hội và hội viên, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong toàn Hội chào đón các sự kiện chính trị, các ngày Lễ lớn của đất nước và của Hội trong năm 2021.

2.     Hội diễn là dịp để các đơn vị được giao lưu, gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động tổ chức văn hóa văn nghệ tại địa phương; Tạo điều kiện để các đơn vị trong Hội phát huy sáng tạo trong phong trào văn hoá, văn nghệ; Đồng thời nâng cao mức hưởng thụ văn hoá, xoá đi mặc cảm tự ti trong cuộc sống hội viên.

3.     Phát hiện nhân tài, năng khiếu văn nghệ để bồi dưỡng, đào tạo phục vụ cho hoạt động Hội và trong xã hội góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hoá tại địa phương.

II.                 CHỦ ĐỀ, THỂ LOẠI, ĐỐI TƯỢNG THAM DỰ

1.     Chủ đề

-         Ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi tinh thần đấu tranh xây dựng bảo vệ Tổ quốc của nhân dân và các dân tộc…

-         Ca ngợi tình yêu cuộc sống, tổ chức Hội, tình đồng tật, tinh thần lạc quan của người mù.

2.     Thể loại

-         Hát: Các tiết mục tham gia Hội diễn hát đơn ca, song ca, tốp ca. Trong các tiết mục người ngoài sân khấu không được hát thay phần người đang biểu diễn trên sân khấu. các tiết mục dùng nhạc đệm chuẩn bị sẵn không được dùng nhạc có phần lời (kể cả hát bè) của bài.

-         Múa: Các tiết mục có thể múa đơn, múa đôi, tốp múa. (theo từng nội dung, các tiết mục thi hát có thể dùng múa phụ hoạ; Múa phụ họa cho phép đối tượng không phải là hội viên tham gia; Múa phụ họa cho hát và biểu diễn nhạc cụ không tính là tiết mục múa dự thi).

-         Biểu diễn nhạc cụ: Các tiết mục có thể là độc tấu, song tấu, hòa tấu… nhạc cụ dân tộc và hiện đại.

-         Các tiết mục tổng hợp: là tiết mục kết hợp ca, múa, nhạc…

-         Các loại hình khác như hài, tiểu phẩm …có nội dung, ngôn từ lành mạnh.

-         Chú ý: Khuyến khích các tiết mục dàn dựng công phu, tiết mục mới, tiết mục mang bản sắc địa phương, sáng tác tự biên, sáng tác về người mù, về Hội. Chú trọng cách biểu diễn, đi lại trên sân khấu và múa phụ họa thêm sinh động. Trang phục biểu diễn phù hợp với nội dung và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, hội viên nên đeo kính khi biểu diễn. Các tiết mục mà đơn vị mình đã đạt huy chương tại các Hội diễn trước, không được đăng ký tham gia biểu diễn lại. Không nhất thiết phải có đủ các thể loại trong chương trình biểu diễn của mỗi đơn vị.

3.     Đối tượng

Diễn viên tham gia là hội viên Hội người mù các cấp hội, (một số trường hợp trẻ em dưới 15 tuổi nhưng có năng khiếu đặc biệt cũng được tham gia).

Trường hợp diễn viên không phải là hội viên chỉ tham gia múa phụ họa cho các tiết mục.

4.     Thời lượng biểu diễn

Mỗi chương trình của một Tỉnh, Thành hội tham gia vòng chung khảo toàn quốc không quá 20 phút.

III.             PHẠM VI VÀ THỂ THỨC HỘI DIỄN

1.     Phạm vi

 Hội diễn được tổ chức theo 3 cấp: Quận (Huyện) hội; Tỉnh (Thành) hội;

toàn quốc.

2.     Thể thức

-         Hội diễn cấp Quận (Huyện) hội lựa các tiết mục xuất sắc tham gia cấp Tỉnh, (Thành) hội. (Nếu đơn vị nào không có điều kiện tổ chức thì bồi dưỡng, tập luyện đội văn nghệ để có tiết mục xuất sắc tham gia).

-         Hội diễn cấp Tỉnh (Thành) hội lựa chọn 2-3 tiết mục xuất sắc tham dự chung khảo toàn quốc. Sau khi Hội diễn kết thúc tại Tỉnh hội, đề nghị các đơn vị có báo cáo bằng văn bản, kèm theo bản đăng ký các tiết mục tham dự Hội diễn toàn quốc (theo mẫu gửi kèm); Đơn vị nào có điều kiện có thể ghi âm hoặc ghi hình lưu vào USB các tiết mục tham gia toàn quốc và gửi về Ban tổ chức hội thi trước ngày 15/10/2021.

-         Chung khảo toàn quốc: Được tổ chức tại Hà Nội. Mỗi đoàn tham dự không quá 5 người bao gồm diễn viên, người giúp đỡ. (Nếu đơn vị nào đi quá số người qui định sẽ đăng ký với Ban tổ chức Hội diễn và đóng góp kinh phí ăn, nghỉ, tự lo kinh phí đi lại). Căn cứ vào kết quả của Ban giám khảo, Ban tổ chức Hội diễn sẽ trao giải cho các tiết mục, đồng thời  lựa chọn khoảng  8 -10 tiết mục xuất sắc biểu diễn tại buổi công diễn và trao giải thưởng.

Các đơn vị được quyền sử dụng các tác phẩm của tác giả chuyên nghiệp, mời đạo diễn dàn dựng tiết mục.

Các đoàn đăng ký tham dự Hội diễn tự chuẩn bị phần nhạc đệm và lưu trong USB. 

IV.              KINH PHÍ VÀ GIẢI THƯỞNG

1. Kinh phí

-         Tổ chức Hội diễn ở cấp nào thì Hội Người mù có kế hoạch phối hợp với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, báo cáo với uỷ ban nhân dân cấp đó về kinh phí tổ chức và giải thưởng. Các đơn vị tham gia Hội diễn toàn quốc tự lo kinh phí đi lại.

-         Trung ương Hội lo kinh phí tổ chức, giải thưởng chung khảo toàn quốc.

2.     Ban Giám khảo

Từ cơ sở đến Trung ương Hội, Ban tổ chức Hội diễn cấp nào sẽ có trách nhiệm mời nhạc sĩ, ca sĩ có uy tín tham gia Ban Giám khảo ở cấp đó, có sự phối hợp giữa Hội và ngành Văn hoá, Thể thao và Du Lịch.

3.     Giải thưởng

+ Ban tổ chức Hội diễn “Tiếng hát từ trái tim” ở cấp nào thì quyết định cơ cấu giải thưởng và mức thưởng ở cấp đó.

+ Ban tổ chức Hội diễn toàn quốc sẽ trao giải thưởng cho các tiết mục đạt thành tích xuất sắc với hình thức như sau:

-         Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tặng Huy chương Vàng, Huy chương Bạc.

-         Trung ương Hội tặng cờ lưu niệm cho các đoàn. Tặng  bằng khen cho tập thể đạt thành tích xuất sắc, cá nhân có thành tích tốt.

-         Ngoài ra còn trao các giải thưởng khác do Ban tổ chức quyết định theo đề nghị của Ban Giám khảo.

-         Căn cứ vào số lượng tiết mục các đơn vị tham gia Ban tổ chức Hội diễn sẽ quyết định số lượng, cơ cấu giải thưởng.

V.                THỜI GIAN

-         Cấp Quận, Huyện tiến hành tổ chức Hội diễn từ tháng 4 đến hết tháng 7 năm 2021

-         Cấp Tỉnh, Thành phố tiến hành tổ chức đến hết tháng 9 năm 2021

-         Chung khảo toàn quốc được tổ chức vào dịp kỷ niệm Quốc tế Người khuyết tật 03/12/2021 tại Hà Nội.

VI.             TỔ CHỨC THỰC HIỆN

-         Trên cơ sở kế hoạch của Trung ương Hội, đề nghị các Tỉnh, Thành hội đề xuất với  Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với đơn vị  mình; Báo cáo với Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, các sở, ban ngành liên quan xin ý kiến chỉ đạo để triển khai thực hiện đạt kết quả tốt.

-         Ban Tuyên văn giáo Trung ương Hội là bộ phận thường trực tổ chức Hội diễn. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề cần điều chỉnh bổ sung, Ban Tổ chức sẽ thông báo đến các đơn vị biết để thực hiện.

-         Trong quá trình thực hiện cần trao đổi, liên hệ trực tiếp với Ban tổ chức Hội diễn “Tiếng hát từ trái tim” lần thứ VI, đ/c Phùng Thị Ngọc Khanh điện thoại 0243.733.3697 hoặc 0906227274. Email bantvg@gmail.com.