Chấm nổi tình yêu
Phương đưa tôi đến cửa, tạm biệt rồi bước nhanh như chạy. Tôi lặng im đứng nghe tiếng bước chân của Phương đi xa dần, dù một nỗi buồn thoáng qua nhưng trong lòng tôi thấy thật nhẹ nhõm với quyết định của mình.
Ngồi một mình trong căn phòng rộng thênh thang, tôi cặm cụi chấm từng chấm nổi trên trang giấy. Dù kiên nhẫn cẩn thận chấm từng chấm, viết cho xong bài tập ở nhà nhưng cây bút trong tay chẳng nghe lời, nhảy lạc chấm này sang chấm khác. Loay hoay mãi hết viết lại xóa, rồi lại viết... được một lúc tôi giở giấy ra đọc, từng hàng chấm nổi nhảy múa như những tia nắng trên trang giấy chẳng đọc được chữ gì. Một lát nữa thôi, cô bé Lan sẽ đến kiểm tra có lẽ lại buông vào tai tôi những lời chẳng nhẹ nhàng tí nào. Chán quá, bỏ bút xuống, lấy sách ra đọc nhưng cũng chẳng khá hơn, bàn tay thô ráp của tôi chẳng thể nào nhận diện những chấm nổi tý xíu kia là chữ gì. Ngoài kia, các bạn chuyện trò vui vẻ, thỉnh thoảng lại cười rộ lên.
Tôi bất giác thở dài, buông sách xuống để bao suy nghĩ miên man... những hình ảnh nhập nhòa lúc mờ lúc tỏ xuất hiện trong đầu tôi như cuốn phim quay chậm. Con đường nhỏ rợp lá me xanh dẫn đến ngôi trường có mái ngói đỏ đã ngả màu rêu, văng vẳng tiếng nói cười, tiếng giảng bài sang sảng và cả những câu chuyện vui đùa của các bạn. Tất cả mới đó cứ ngỡ như ngày hôm qua, giờ thành kỉ niệm xa xa lắm chẳng bao giờ quay lại. Tôi nhớ lắm ngày ấy, ngày định mệnh của cuộc đời khi một căn bệnh đã quật ngã tôi giữa mùa thi, từ đó, tôi chẳng còn thấy ánh sáng thêm lần nào nữa.
- Nam ơi làm bài xong chưa?
Tiếng Lan ngoài cửa làm tôi giật mình. Tôi đáp lời rồi xếp lại sách vở. Tôi đưa Lan bài tôi viết xong. Lan nhăn mặt: "Nam viết còn sai nhiều quá, viết lại đi!". Tôi im lặng, kẹp giấy vào bảng cặm cụi viết theo lời hướng dẫn của Lan.
Đã gần một tuần kể từ ngày mẹ dẫn tôi vào học lớp chữ braille, chút bồn chồn lo lắng khi biết phải ở lại học sinh hoạt nội trú ở đây suốt 3 tháng liền cũng đang dần nguôi ngoai. Khi mới đến, nghe giọng nói run run chắc thầy cũng đoán ra nỗi lo sợ của tôi nên đã niềm nở giải thích, chỉ bảo với giọng nói đầy thiết tha, trìu mến. Mẹ ân cần dặn dò tôi thật nhiều, nhưng sự mặc cảm, rụt rè cứ bủa vây, tôi ngại ngùng khi chuyện tròvới mọi người, xa lánh các cuộc vui chơi thu mình như chiếc bóng.
Trong lớp, thầy luôn quan tâm đến tôi, chỉ bảo tôi từng động tác cầm bút, cách viết, cách đặt tay sờ chữ nổi. Thầy bảo: Các chấm nổi được sắp xếp thành ô 6 chấm gồm hai cột nằm dọc, mỗi cột gồm ba chấm, cột thứ nhất được quy ước từ 1 đến 3, cột bên kia sẽ là 4, 5 và 6. Chính sự sắp xếp vị trí các chấm và số lượng các chấm nổi trong mỗi ô 6 chấm tạo ra các ký hiệu khác nhau và quy ước các ký hiệu đó thành chữ cái, các dấu thanh, dấu câu, kí hiệu toán học ..." bàn tay thô ráp to bè của tôi phải sờ đi sờ lại nhiều lần mới nhận ra các chấm nổi, nhiều lúc mòn cả các chấm mà chẳng nhận ra các chấm nổi bé xíu kia là chữ gì. Thầy còn bảo Lan kèm thêm cho tôi vào những lúc rảnh rỗi. Tôi hơn Lan một tuổi nhưng Lan vào trước đang học tiếp chương trình M2. Những lúc rảnh rỗi, Lan lại đến giúp tôi tập đọc, tập viết. Biết tôi chưa quen với cách học mới, Lan bảo: chữ braille không khó học đâu chủ yếu phải luyện đôi bàn tay để cảm nhận từng chấm nổi nhanh, chính xác, sau khi nhận diện được chấm nổi và các ký hiệu chữ nổi, anh có thể đọc được các văn bản vì trong chữ nổi ghép từ ghép vần đều như bình thường.
Thầy và Lan còn hướng dẫn tôi đi lại, cách nhận biết các vị trí trong trụ sở Hội, cách cầm gậy tự đi lại và làm quen với mọi vật xung quanh . Những ngày đầu mới học, tôi cứ e dè, sợ sệt, cố học cho xong bài, đầu óc suy nghĩ những điều không đâu. Ngoài kia, tiếng vui cười của các bạn làm tôi đứng ngồi không yên. Tôi mong thoát một vài buổi học hay tập đi lại nhưng cô bé có giọng nói nhẹ nhàng, cử chỉ niềm nở thân thiện này tưởng thật dễ bắt nạt, nào ngờ những trò ranh mãnh của tôi đều không dễ dàng thực hiện tí nào. Hầu như những chiêu trò nhằm trốn tránh việc học của tôi đều bị lan biết tỏng. Trong Hội, Lan luôn tiếp xúc chuyện trò thân mật với mọi người nhưng với tôi lan lại giữ thái độ vừa phải. Nhiều lúc, tôi muốn ngồi lâu thêm một chút chuyện trò hay cùng đi dạo là Lan luôn có lý do thật hợp lý từ chối khéo lời đề nghị của tôi.
Khoảng cách giữa hai đứa dường như ngắn lại. Đó là vào một buổi sáng chủ nhật như thường lệ, Lan chỉ dẫn tôi tập viết đoạn văn thầy cho từ hôm trước. Tiếng bác bảo vệ làm cả hai giật mình:
- Nam ơi mẹ cháu đến thăm.
Mẹ tươi cười tiến lại gần tôi hỏi thăm ân cần, rồi quay sang chuyện trò với Lan. Mẹ bảo Lan có nét gì đó quen quen. Khi nghe tên bố mẹ Lan, mẹ khẽ ồ lên. câu chuyện giữa mẹ và Lan càng cuốn hút tôi. Thì ra ngày trước bố tôi và bố Lan quen nhau từ nhỏ, nhập ngũ cùng đơn vị, bố Lan bị thương rồi hai người mất liên lạc từ đó. Mẹ mừng ra mặt hỏi thăm gia đình Lan nhiều, nhờ Lan chuyển đến bố mẹ lời hỏi thăm và bảo sẽ thăm gia đình vào dịp thuận tiện.
Mẹ đã về từ lâu, cả hai chẳng nói với nhau câu nào. Lòng tôi rộn lên cảm giác lạ lạ, dường như có sợi dây vô hình nào đã kéo chúng tôi gần nhau. Lan kể: Bố Lan bị thương khi cùng đồng đội tiến đánh Xuân Lộc, cửa ngõ tiến vào Sài Gòn. Lan ra đời tưởng là niềm vui, niềm hi vọng cho bố mẹ nhưng càng lớn mắt lan cứ mờ dần, người gầy nhỏ... dù uống bao nhiêu thuốc điều trị mọi cách vẫn không khỏi. Những đứa con của các đồng đội đi trong chuyến hành quân ấy sinh ra sau này đều dị dạng, bị tật hay mắc nhiều chứng bệnh lạ. Qua chuẩn đoán của bác sĩ, ông biết con mình đã nhiễm chất độc màu da cam...tưởng nỗi đau này sẽ dìm ông trong nỗi buồn thăm thẳm nhưng không, ông vẫn quyết tìm mọi cách chữa bệnh cho con, tìm cho con một tương lai tốt đẹp hơn. Cả gia đình lên Hà Nội mua ngôi nhà nhỏ ở trong con ngõ hẹp, bố sửa xe đạp, mẹ bán hàng khu chợ gần đấy. Hai người vẫn kiên trì tìm mọi cách chữa bệnh và đưa Lan đi học. Giữa năm học cuối cấp 2, một cơn bệnh ập đến khiến Lan phải nằm liệt giường suốt hàng tháng liền, dù cho bố mẹ đã tìm mọi cách cứu chữa nhưng đôi mắt cứ mờ dần. Sau những ngày buồn bã, một tối, bố mẹ Lan bàn luận rất lâu. Sáng ra, bố Lan chuẩn bị hành lí rồi dẫn lan đến Hội. Khi ra về, biết Lan buồn lắm ông bảo: cuộc đời là một cuộc chiến đấu nếu mình không biết vươn lên thì đó là sự thất bại. Bố chỉ mong sao con có niềm tin vươn lên cho dù hoàn cảnh thế nào mới là điều đáng quý con ạ”.
Câu nói của bố đã dần trở thành ý chí trong Lan, em kiên trì học tập không muốn tâm trí sao lãng bởi bất kỳ chuyện gì. Sau bao ngày học tập, Lan đạt loại giỏi và dần quen cuộc sống, cách sinh hoạt ở đây. Trong khóa học tiếp theo này, em mong học thật tốt, sau này, được học nghề, có việc làm, bớt gánh nặng cho gia đình.
Tôi kể cho Lan nghe về cuộc sống của mình trong ngôi nhà nhỏ ở ngoại thành Hà Nội. Bố mẹ tôi là cán bộ xã nhưng vì đồng lương ít ỏi nên bố mẹ phải làm thêm ruộng vườn, chăn nuôi lợn gà. Tôi và chị sinh ra đều gầy yếu, đôi mắt cứ mờ dần. Đó cũng là di chứng của cuộc chiến tranh. Hai chị em thường được bà nội đưa đi học và dạy bảo thêm. Buổi nào nội bận việc, phương - cô bạn học cùng lớp ở cạnh nhà đưa giúp chị em tôi đến trường. Khi mắt chị không còn nhìn thấy ánh sáng, chị kiên quyết ở nhà phụ giúp mẹ việc gia đình và dệt chiếu. Tôi học thêm một thời gian cho đến khi mắt mờ hẳn. Sự lao lực cùng nỗi buồn vì sự bất hạnh của chị em tôi đã làm bố suy sụp hẳn . Một lần bố bị đột quỵ, từ đó ông liệt nửa người, giọng nói nhát gừng, động tác đi lại đều khó khăn, một mình mẹ phải bươn chải nuôi sống gia đình. Khi biết Hội mở lớp xóa mù chữ braille, bố mẹ đã đưa tôi đến Hội dù lớp học đã mở một thời gian nhưng các cô chú ở hội vẫn vui vẻ động viên tôi tham gia học tập.
Những buổi chuyện trò, học chung, ngoại khóa hay những tối sinh hoạt văn nghệ cùng nhau đã kéo tôi và Lan gần nhau hơn. Chính qua những buổi ấy đã làm hai đứa hiểu nhau, thân nhau nhiều hơn. Từ đó dường như chúng tôi đọc được ý nghĩ của nhau. Qua lời dạy bảo của thầy, những lời tâm sự của bạn bè và của Lan, tôi suy nghĩ thật nhiều về tương lai. Tôi nhận thức rằng học chữ nổi là con đường duy nhất để mở cánh cửa tương lai. Tôi hăng say học không kể ngày đêm, không còn thấy học chữ braille là điều khó nhọc. thời gian trôi đến gần cuối khóa. Lan vẫn đến kèm dù tôi đã đọc viết thành thạo và có thể tự tin đi lại với chiếc gậy cầm trên tay.
Hôm bế giảng, bố mẹ đến đón tôi và ghé thăm nhà Lan. Bữa cơm diễn ra thật đầm ấm, đồng đội cũ sau bao năm gặp lại vui mừng khôn xiết, chuyện trò thân mật. Mẹ tôi và mẹ Lan cũng sôi nổi chuyện trò và hỏi thăm tôi và Lan thật nhiều từ chuyện học tập đến sinh hoạt.
Tôi về, Phương - cô bạn cạnh nhà lại sang chơi. Khi chị tôi nghỉ học, phương thường sang nhà chuyện trò và giúp đỡ chị. Mẹ và nội quý phương lắm xem như con trong nhà, thường xa xôi chuyện tôi và Phương nhưng tôi nghĩ điều đó khó vì phương đẹp lại học giỏi luôn là trung tâm chú ý của các bạn trai trong lớp. Tôi và Phương ít chuyện trò bởi sự mặc cảm bản thân nên câu chuyện chỉ là vài lời chào hỏi xã giao. Mẹ luôn xa xôi chuyện tôi nên tránh xa Lan, có lẽ mẹ nghĩ cuộc sống của tôi nếu chung đường với Lan sẽ gặp nhiều chông gai nhưng mẹ đâu hiểu hạnh phúc lứa đôi cần có những điểm chung, có sự cảm thông, thấu hiểu và tình yêu đích thực. Nếu sống chung với một người sáng mắt như Phương, tuy có thể bảo đảm hơn về tương lai nhưng hai người quá khác xa nhau về cuộc sống liệu có hòa hợp được mà chung tay xây dựng hạnh phúc không. Tôi nói hết những suy nghĩ của mình với mẹ, mẹ chỉ nắm tay tôi thật lâu, mà không nói gì.
Thời gian sau đó, tôi và Lan ít có dịp gặp nhau vì Lan được cử đi học lớp giáo viên còn tôi cặm cụi với chương trình M2. Đêm xuống, chúng tôi lại trò chuyện hay nhắn tin cho nhau bằng chiếc điện thoại nhỏ nhắn. Lan kể về những ngày tháng sống ở Trung tâm đào tạo của Trung ương Hội, về chương trình học và những người bạn mới. Lan khuyên tôi cố gắng học và mong gặp tôi để xem tôi học hành thế nào. Tôi cũng kể về ngày tháng học ở đây, cả nỗi buồn khi vắng Lan, tôi bảo những ngày bên cạnh Lan thật đẹp, không biết khi nào mới gặp lại để cùng Lan học bài, nghe giọng nói nhẹ nhàng mà nghiêm khắc nhưng sao thật gần gũi, thân quen. Mỗi lần tôi nói như vậy Lan thường không nói gì nhưng tôi biết Lan quan tâm nhiều lắm. Tôi đến thăm gia đình Lan, thái độ niềm nở ân cần của cô chú đã gợi lên trong tôi cảm giác ấm áp, thỉnh thoảng tôi lại chuyển bố mẹ lan những món quà nhỏ mà bố tôi gởi tặng.
Cuối tuần nào mẹ cũng đón tôi về, phương lại sang chơi, lại hỏi thăm tôi như thường lệ, mẹ bảo Phương dẫn tôi đi thăm bạn bè trong lớp cũ và hàng xóm. Những người bạn ngày xưa vui đùa, chơi chung với nhau giờ đã lớn có việc làm, có đứa đã xây dựng gia đình. Phương tỏ ra quan tâm tới tôi hơn trước. Tôi hiểu lắm sự ân cần đó, Phương luôn mong và cố gắng vun đắp tình cảm nhưng giữa hai người đã có khoảng cách, bởi trong lòng tôi đã có hình bóng khác. Nhiều lần tôi cố gắng gần gũi tìm hiểu Phương nhưng càng tìm hiểu tôi lại cảm giác như khoảng cách càng quá lớn. chiều thứ bảy này cũng vậy, tôi được Phương dẫn đến họp mặt như ngày nào. Bất chợt điện thoại rung, nhận được tin Lan đã về, đang mệt vì trải qua kỳ thi quá căng thẳng, lòng tôi bồn chồn không yên. Dường như hiểu tâm trạng của tôi, Phương hỏi:
- Bộ có điều gì đó khó nói à? Nam muốn về à?
Tôi đành thú thực, Phương đưa tôi về, đi cạnh tôi trên con đường vắng mùi hương tóc thoang thoảng mùi hương lúa thơm nồng. Phương hỏi tôi lớp học hiện tại, tôi kể cho Phương nghe về những ngày tháng học ở đó, về cô bạn Lan với bao kỉ niệm khó quên... Phương không nói gì, chỉ rảo bước thật nhanh, Phương hỏi tôi về Lan với giọng nói run run, hơi thở gấp gáp. Tôi im lặng không nói thêm gì khác. Tôi biết lắm tình cảm mà Phương dành cho tôi, tình cảm đó thật đẹp. Nó được vun đắp từ những ngày còn thơ ấu với bao kỉ niệm vui buồn, nhưng điều đó có ý nghĩa gì khi tôi và Phương đang đi trên hai con đường khác nhau.
Phương đưa tôi đến cửa, tạm biệt rồi bước nhanh như chạy. Tôi lặng im đứng nghe tiếng bước chân của Phương đi xa dần, dù một nỗi buồn thoáng qua nhưng trong lòng tôi thấy thật nhẹ nhõm với quyết định của mình.
Trần Anh Minh Nhật