Ảnh bìa

Bài viết của Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2021) và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5/2021), Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Cùng với toàn Đản, toàn dân, toàn quân ta, người khuyết tật, người khiếm thị cả nước đón nhận bài viết trong niềm vui mừng, phấn khởi, vững tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn nhằm hướng tới xây dựng một xã hội mà ở đó sự phát triển thực sự vì con người; một xã hội tràn đầy tình nhân ái, đoàn kết, tương trợ và “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong bài viết, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ảnh: Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại hội nghị tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW của Đảng (năm 2019).

Thực tiễn cho thấy: Việt Nam chúng ta đi lên từ một nước có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, lại phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên những người khuyết tật, những người có hoàn cảnh khó khăn chiếm một tỉ lệ tương đối cao trong cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, cho dù nền kinh tế - xã hội của đất nước còn rất nhiều khó khăn, Đảng và nhà nước vẫn luôn xây dựng, ban hành và triển khai các chính sách an sinh xã hội, trong đó, đặc biệt quan tâm đến những người khuyết tật. Ngay từ khi nước Việt Nam DCCH được thành lập (nay là nước CHXHCN Việt Nam), quyền của NKT đều được khẳng định trong Hiến pháp (từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 2013).

Khi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước còn đang diễn ra gay go, ác liệt, ngày 26/11/1966, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Thông tư 202/CP về chính sách đối với những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người tàn tật. Chính sách, pháp luật đối với NKT tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện với sự ra đời của Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998, Luật Người khuyết tật năm 2010; Quốc hội thông qua việc phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của NKT năm 2014. Cùng với đó là hàng chục luật, bộ luật chuyên ngành khác như: Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm, Luật Trợ giúp pháp lí… đã thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong nỗ lực bảo đảm quyền và tạo cơ hội cho NKT vươn lên trong cuộc sống. Gần đây, Ban Bí thư TW Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 753/QĐ-TTG ngày 03/6/2020 ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW, Quyết định số 1190/QĐ-TTG ngày 05/8/2020phê duyệt Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021 – 2030 càng khẳng định sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với những người khuyết tật.

Ảnh: Được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện, người mù Việt Nam đang từng ngày tự tin lao động, học tập, hòa nhập vào cộng đồng.

          Đến nay, số lượng NKT được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc NKT của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Hàng năm có hàng triệu NKT được trợ cấp từ ngân sách nhà nước; hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe đẩy...); 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng.

          Cùng với đó, hệ thống giáo dục ngày càng phát triển, giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội được đi học; số người khuyết tật được học nghề và có việc làm ngày càng tăng; Các tổ chức của NKT ngày càng được mở rộng ở các tỉnh, thành phố; Các chính sách, hoạt động trợ giúp NKT cũng có sự thay đổi căn bản, chuyển từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm phát triển, tạo động lực để cho NKT phấn đấu vươn lên.

Cùng với những người khuyết tật nói chung, người mù khắp nơi trong cả nước đã và đang từng ngày nỗ lực phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, năm 1969, Hội Người mù Việt Nam - tổ chức đầu tiên của người khuyết tật đã được ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đời sống của người mù cả nước. Sau 52 năm xây dựng và phát triển, Hội đã có tổ chức trên 57 tỉnh, thành với 418 huyện hội, 601 hội xã phường, 3.023 chi hội và 73.318 hội viên. Từ những chính sách đầy tính nhân văn của Đảng và nhà nước, sự đồng hành của tổ chức Hội, ngày càng nhiều người mù được học chữ, học nghề, có việc làm, thu nhập, xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc, thêm vững niềm tin và quyết tâm vươn lên trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Mỗi năm, có hàng nghìn người mù được tham gia các lớp dạy nghề xoa bóp bấm huyệt, thủ công, khuyến nông, khuyến lâm, khoảng 10 ngàn hội viên được vay vốn phát triển kinh tế từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm với tổng số tiền 51,6 tỉ đồng; gần 7000 hội viên đang làm việc tại các cơ sở, tổ nhóm sản xuất, dịch vụ với các ngành nghề như: làm tăm, làm đũa, làm hương, xoa bóp bấm huyệt.     Một số người mù đã trở thành những lao động giỏi, những chủ doanh nghiệp, không chỉ chăm lo cho cuộc sống bản thân mà còn tạo việc làm cho những người đồng tật. Mặt khác, cùng với những chính sách an sinh xã hội của nhà nước, Hội còn vận động, tranh thủ sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước làm hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, tình thương, tặng hàng ngàn giếng nước sạch, sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp, trao quà trị giá hàng trăm tỉ đồng cho người mù nghèo, ốm đau, hoạn nạn hay trong những dịp tết đến xuân về. Chỉ tính riêng 06 tháng đầu năm 2021, hơn 150 ngàn lượt người mù đã được nhận số tiền hỗ trợ gần 55 tỉ đồng.

Ảnh: Với sự bảo trợ của Nhà nước và sự hỗ trợ của tổ chức Hội, người mù đã hoàn toàn có thể chủ động học tập, tiếp thu kiến thức.

          Về lĩnh vực nâng cao dân trí, với sự giúp đỡ của nhà nước và cộng đồng, Hội đã có điều kiện phát triển mạng lưới các trung tâm giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp; mở các lớp xóa mù chữ Braille, phục hồi chức năng, các lớp trẻ em tiền hòa nhập và quan tâm, tạo điều kiện cho người mù tham gia học tập. Đến nay, hàng chục ngàn người mù đã đọc thông, viết thạo chữ Braille, gần 700 hội viên có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, hàng nghìn em đang học phổ thông.

          Một số em đã đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, đỗ thủ khoa trong các kì thi đầu vào, tốt nghiệp đại học, cao học, nhận học bổng của các trường đại học quốc tế. Hàng nghìn người mù được tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng tầm hiểu biết, phát triển trí tuệ, năng lực, hòa nhịp với sự phát triển chung của xã hội. Các số báo chữ nổi, báo phát thanh, Website của Hội, hàng chục vạn trang in, hàng trăm tủ sách chữ Braille, sách nói tại các cấp Hội khắp nơi trong cả nước cùng các phòng đọc cho người mù tại Thư viện các tỉnh, thành phố đã là cầu nối giúp hội viên đến với những nguồn tri thức phong phú, bổ ích. Bên cạnh đó, Hội còn cấp hàng ngàn chiếc radio, điện thoại thông minh, hàng trăm máy vi tính, thành lập nhiều loại hình câu lạc bộ nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người mù. Hàng trăm giải thưởng tại liên hoan "Tiếng hát từ trái tim" của Hội và các hội diễn văn nghệ của các ban ngành, đoàn thể khác cùng với nhiều tấm huy chương các loại tại Hội thi Thể thao người khuyết tật toàn quốc và Paragames đã nói lên sự cố gắng của Hội, sự quyết tâm vươn lên chiến thắng tật nguyền của cán bộ, hội viên. Gần đây, Hội đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam” với thông điệp “Cả nước chung tay mang lại hạnh phúc cho người mù”. Đến nay, hàng nghìn cây gậy trắng đã được trao cho hội viên ở các địa phương, giúp người mù đi lại an toàn, chủ động, thêm mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng.

          Mặc dù vẫn còn nhiều điều trăn trở, còn nhiều việc phải làm nhưng nhìn lại chặng đường đã qua càng chứng minh rằng: Dù điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn khó khăn, nhưng ở bất kì hoàn cảnh nào, dù trong chiến tranh ác liệt, trong thời kì bao cấp hay khi xây dựng nền kinh tế thị trường, ngay cả khi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID – 19 hiện nay thì người mù nói riêng, người khuyết tật nói chung vẫn luôn được Đảng, nhà nước và cộng đồng hết sức quan tâm, hỗ trợ để vươn lên trong cuộc sống. Điều đó đã thể hiện tính nhân văn ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa như trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định. Người mù, người khuyết tật cả nước luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn và sẽ luôn nỗ lực hết mình, từng bước khắc phục khó khăn, phát huy khả năng, hòa nhịp vào tiến trình đổi mới, đi lên của đất nước.

                                           Đinh Việt Anh